Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 02.12.2015: Chuyến Tông Du Tới Phi Châu

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày thật tốt đẹp!

 

Trong những ngày vừa qua, Cha đã thực hiện chuyến Tông Du đầu tiên của Cha tới Phi Châu. Châu Phi quả là tuyệt vời. Cha xin cám ơn Chúa về hồng ân lớn lao này. Cha đã đến thăm ba quốc gia: Kenia, Uganda và Trung Phi. Một lần nữa Cha xin cám ơn các cơ quan dân sự cũng như các Đức Giám Mục của ba quốc gia này, vì họ đã đón tiếp Cha, và Cha xin cám ơn tất cả những ai, mà bằng cách này hay cách khác, đã góp phần đưa đến sự thành công của chuyến Tông Du này. Cha xin hết lòng cám ơn!

Kenia là một đất nước đóng một vai trò rất tốt trước những thách đố mang tính toàn cầu của thời đại chúng ta: bảo vệ thiên nhiên thông qua những mô hình mới với sự phát triển hợp lý, bao hàm và bền vững. Trước những thách đố này, ngay tại Nairobi, thành phố lớn nhất tại vùng Đông Phi, nơi người giầu và người nghèo sống sát bên nhau, người ta cũng được nhắc nhớ rằng: Đó là một sự ô nhục! Không chỉ tại Phi Châu: kể cả ở đây cũng như ở khắp mọi nơi, việc cùng tồn tại của sự giầu sang và nghèo đói, luôn luôn là một nỗi ô nhục, là một sự sỉ nhục đối với nhân loại. Tại Nairobi cũng có trụ sở của tổ chức Liên Hiệp Quốc về việc bảo vệ môi trường, và Cha cũng đã đến thăm văn phòng của cơ quan này. Bên cạnh đó, Cha còn đến thăm những vị đại diện của chính phủ Kenia cũng như ngoại giao đoàn. Và Cha cũng đến thăm các cư dân của một khu phố nghèo. Cha đã gặp gỡ các vị đại diện của các Giáo hội Ki-tô giáo khác nhau cũng như các vị đại diện của các tôn giáo khác. Cha đã gặp gỡ các Linh mục và các Tu sĩ, kể cả những người trẻ, rất nhiều người trẻ! Trong mỗi dịp, Cha đều khích lệ họ hãy kín múc từ những kho tàng vĩ đại trong đất nước của họ: Những kho tàng thiên nhiên hay tinh thần, chúng phát xuất từ những tài nguyên của đất nước, từ những thế hệ trẻ và từ những giá trị mà nó hình thành nên sự khôn ngoan của dân tộc. Trong bối cảnh mà nó trùng hợp với những cách thế đầy kịch tính này, Cha đã rất vui trong việc công bố Lời mang niềm hy vọng của Chúa Giê-su: „Hãy vững tin! Đừng sợ!“ Đó là phương châm dành cho chuyến công du của Cha. Lời này vẫn hằng được sống mỗi ngày với phẩm giá to lớn của rất nhiều những con người đơn thành và khiêm tốn; nhiều sinh viên của đại học Garissa cũng đã làm chứng cho niềm hy vọng ấy. Những sinh viên này đã bị sát hại vào ngày mồng 02 tháng Tư vừa qua chỉ vì Đức Tin Ki-tô giáo của họ. Máu của họ chính là những hạt giống của hòa bình và của tình huynh đệ đối với Kenia, Phi Châu và toàn thế giới.

Trái lại, chuyến viếng thăm của Cha tại Uganda đứng hoàn toàn trong dấu chỉ của các Thánh Tử Đạo thuộc quốc gia này. Các Ngài đã được Đức Phao-lô VI tuyên phong Hiển Thánh cách nay 50 năm. Vì thế, khẩu hiệu của Cha tại đó có nội dung như sau: „Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy“ (Cv 1,8). Đó là một khẩu hiệu có tiền đề trực tiếp từ những lời trước đó: „Anh em sẽ lãnh nhận sức mạnh của Chúa Thánh Thần“; vì Chúa Thánh Thần chính là Đấng thúc giục tất cả chúng ta với tư cách là những tông đồ truyền giáo. Và trong thực tế, toàn bộ chuyến viếng thăm của Cha tại Uganda đứng trong chỉ dấu của niềm hăng say làm chứng mà nó xuất phát từ Chúa Thánh Thần. Có một chứng tá rất rõ ràng, chẳng hạn như việc tham gia dậy Giáo lý. Cha xin cám ơn công việc của những Giáo lý viên này, mà công việc của họ cũng thường bao gồm cả gia đình của họ nữa. Một trong những chứng tá khác chính là Đức Ái đối với tha nhân, như Cha đã từng chứng kiến từ khoảng cách gần nhất tại căn nhà ở Nalukolongo; nhưng người ta cũng tìm thấy những gương sáng đó tại rất nhiều cộng đoàn cũng như trong rất nhiều hiệp hội đang dấn thân phục vụ những người túng thiếu nghèo nàn, những người tàn tật và các bệnh nhân. Cũng có sự làm chứng ở nơi những con người, mà bất chấp mọi nghịch cảnh, họ vẫn luôn bảo vệ và duy trì hồng ân hy vọng và cố gắng sống theo Tin Mừng chứ không phải theo thế gian; và ở đây họ đang phải bơi ngược dòng. Các chứng nhân cũng là các Linh mục, và cũng là những con người được Thánh Hiến mà ngày ngày họ luôn làm mới lại lời thưa XIN VÂNG vô điều kiện với Chúa Ki-tô, cũng như hiến mình cho việc phục vụ dân thánh của Thiên Chúa với niềm vui. Cũng có một nhóm các chứng nhân khác, nhưng Cha muốn để tí nữa mới nói về họ. Những hình thức chứng tá thiên hình vạn trạng này mà chúng được mang lại sinh khí bởi Chúa Thánh Thần, chính là muối men đối với toàn xã hội, như cuộc chiến đầy hiệu năng đã chỉ ra cho thấy, đó là cuộc chiến được thực hiện tại Uganda để chống lại dịch bệnh AIDS, cũng như được minh chứng qua việc đón nhận những người tị nạn đến với đất nước này.

Chặng thứ ba trong chuyến công du của Cha chính là Cộng Hòa Trung Phi. Đất nước này chính là con tim xét về mặt địa lý của châu lục: thực sự là trong con tim của Châu Phi. Trong thực tế và theo chủ ý của Cha, Chuyến viếng thăm này là chuyến đầu tiên, vì quốc gia này đang trên đường đi ra khỏi một thời gian rất khó khăn, mội thời gian với những cuộc xung đột võ trang và với những đau khổ to lớn đối với người dân. Vì thế, một tuần trước khi Năm Thánh về Lòng Thương Xót thực sự bắt đầu, Cha đã muốn mở ngay ở đó, tại Bangui, một Cổng Thánh của Năm Thánh, như là dấu chỉ của Đức Tin và niềm hy vọng đối với dân tộc này, và là một biểu tượng đối với tất cả mọi dân tộc Phi Châu, mà những dân tộc ấy đang cần tới niềm an ủi và sự hòa giải nhất. Vì thế, lời yêu cầu của Chúa Giê-su đối với các môn đệ của Ngài: „Hãy băng qua bờ bên kia“ (xc. Lc 8,22), chính là khẩu hiệu của Cha tại Trung Phi. Đối với xã hội, việc „băng qua bờ bên kia“ có nghĩa là: để lại đàng sau chiến tranh, bạo lực và hận thù, nhưng cũng để lại cả những chia rẽ và sự nghèo túng nữa, và kiến tạo hòa bình, hòa giải và sự phát triển. Nhưng cần một sự hoán cải lương tâm và sự thay đổi nơi những quan điểm của con người. Trên bình diện này, sự đóng góp của các cộng đồng tôn giáo mang một ý nghĩa có tính quyết định. Vì thế, Cha đã gặp gỡ các vị đại diện của các cộng đồng Tinh Lành cũng như của các cộng đồng Hồi giáo, và chia sẻ với họ một khoảnh khắc cầu nguyện và dấn thân cho hòa bình. Với các Linh mục và những người được Thánh Hiến cho Thiên Chúa, nhưng cũng cả với những bạn trẻ trong nước nữa, Cha đã chia sẻ về niềm vui trong việc cảm nhận được rằng, Chúa Giê-su đang hiện diện với chúng ta trong chính con thuyền ấy, cũng như cảm nhận được rằng, Ngài chính là Đấng lái con thuyền này sang bờ bên kia. Và tóm lại, với Thánh Lễ cuối cùng tại sân vận động Bangui vào ngày Lễ Kính Thánh An-rê Tông Đồ, chúng tôi đã làm mới lại sự dấn thân của chúng tôi trong việc đi theo Chúa Ki-tô, Đấng chính là niềm hy vọng, là sự bình an của chúng ta và là dung nhan của Lòng Thương Xót. Thánh Lễ cuối cùng này rất tuyệt vời: có rất đông bạn trẻ hiện diện, một sân vận động chật ních những người trẻ! Hơn một nửa công dân Trung Phi là những trẻ vị thành niên, dưới 18 tuổi. Đó là một lời hứa cho tương lai!

Cha cũng muốn nói một đôi lời về các nhà truyền giáo. Đó là những người nam và những người nữ, họ đã rời bỏ quê hương xứ sở của mình, họ đã bỏ tất cả lại đàng sau ngay trong thời xuân sắc của mình và đã bắt đầu một cuộc sống mà nó bao gồm rất nhiều công việc. Đôi khi họ phải nằm ngủ trên nền đất. Tại Bangui, Cha đã làm quen với một Nữ Tu người Ý. Trông người Nữ Tu này khá luống tuổi. „Sơ năm nay bao nhiêu tuổi rồi?“ – Cha hỏi bà ấy. „81, thưa Cha!“ – bà ấy trả lời. „Bằng ấy tuổi thì không quá nhiều, chỉ hơn tôi có hai tuổi thôi.“ – Cha đáp lại. Người Nữ Tu này đã sống tại Phi Châu từ khi bà ấy mới 23, 24 tuổi: Toàn bộ cuộc sống! Và cũng có rất nhiều Nữ Tu khác giống Nữ Tu này. Bà đang dắt theo một em nhỏ bên cạnh. Và em nhỏ này gọi Nữ Tu ấy là „Nonna“, nghĩa là bà ngoại theo tiếng Ý. Người Nữ Tu ấy nói với Cha: „Thực ra thì con không sống ở đây, nhưng ở nước bên cạnh, tại Công-gô; con đã đi tới đây với em nhỏ này bằng một chiếc thuyền độc mộc“. Các nhà truyền giáo là như thế: họ rất can đảm. „Sơ làm gì ở đó vậy?“ – „Con là một y tá, và con đã học ở đây một chút để trở thành nữ hộ sinh. Con đã đỡ đẻ cho 3.280 bà mẹ để những đứa con của họ được sinh ra trong thế giới“. Sơ ấy đã nói với Cha như thế. Sơ đã trao toàn bộ cuộc sống của Sơ cho cuộc sống của người khác. Và còn biết bao nhiêu là những Nữ Tu khác giống như Nữ Tu này, biết bao nhiêu là những Tu Sĩ khác: các Nữ Tu, các Nam Tu, các Linh Mục, những người tiêu xài hết cuộc sống của họ để công bố Chúa Giê-su Ki-tô. Thật là tuyệt vời khi được nhìn thấy điều đó. Thật là tuyệt vời!

Cha muốn nói một điều với những người trẻ của chúng ta. Giờ đây không có nhiều những việc như thế, vì trẻ em đang là một điều xa xỉ tại Châu Âu, có vẻ như: tỷ lệ sinh sản đang là 0%, hoặc cao lắm là 1%. Mặc dầu vậy Cha cũng muốn nói với các bạn trẻ rằng: Hãy nghĩ tới vị Nữ Tu trên và nghĩ tới nhiều người khác mà họ đã trao hiến cuộc đời của họ cũng như đã chết tại đó. Tinh thần truyền giáo không có gì để làm với việc lôi kéo người khác theo đạo: người Nữ Tu ấy đã nói với Cha rằng, những người phụ nữ Hồi giáo đến với bà vì họ biết rằng, những người Nữ Tu chu toàn rất tốt sứ mạng của mình và không bao giờ cố thuyết phục người khác theo đạo! Họ trao đi một chứng tá; họ chỉ dậy Giáo lý cho những người đến xin họ điều ấy. Nhưng đó là chứng tá: đó là hạt nhân của tinh thần đại truyền giáo của Giáo hội: Công bố Chúa Giê-su Ki-tô bằng chính cuộc sống của mình! Cha xin các bạn trẻ: Hãy suy nghĩ kỹ xem, các con đang muốn thực hiện việc gì từ chính cuộc sống của các con. Giờ đây chính là thời gian để suy nghĩ kỹ về chuyện đó, và hãy cầu xin Chúa, xi Ngài giúp các con nhận ra được Thánh Ý của Ngài. Các con đừng loại bỏ khả năng trở thành những nhà truyền giáo để mang Tình Yêu, tình người và Đức Tin đến với những nước xa xôi. Đừng thuyết phục người khác cải đạo: Đừng! Chỉ những kẻ theo đuổi những mục tiêu khác mới làm chuyện đó. Người ta giảng dậy về Đức Tin trước hết là thông qua chứng tá riêng, và rồi mới thông qua lời nói. Nhưng lời nói luôn luôn phải đến sau.

Chúng ta hãy cùng ca ngợi Chúa về chuyến công du tới Phi Châu vừa rồi của Cha. Chúng ta hãy để cho những khẩu hiệu của chuyến công du này dẫn dắt chúng ta: „Hãy vững tin và đừng sợ hãi!“; „Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy“; „Hãy băng qua bờ bên kia!

 

Quảng Trường Thánh Phê-rô ngày mồng 02 tháng 12 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội