Diễn văn của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong ngày bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới

Kính thưa các Đức Hồng Y, kính thưa quý vị được chúc phúc, kính thưa quý Ngài, và anh chị em thân mến: với tấm lòng tràn đầy biết ơn, tối muốn cùng với quý vị tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã đồng hành với chúng ta và đã hướng dẫn chúng ta trong những ngày này bằng ánh sáng của Chúa Thánh Thần.

Với trọn cả tâm hồn, tôi xin cám ơn Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư Ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục, cám ơn Đức Tổng Giám Mục Fabio Fabbene, phó tổng thư ký, và cùng với các Ngài, tôi xin cám ơn Ngài Phúc Trình Viên – Đức Hồng Y Peter Erdö, và vị Thư Ký đặc biệt – Đức Giám Mục Bruno Forte. Tôi cũng xin cám ơn ba vị chủ tịch được ủy quyền, cám ơn ban soạn thảo các văn kiện, ban tư vấn và tất cả những người khác đã làm việc với sự trung tín chân thực cũng như với sự hy sinh cho Giáo hội: Xin cám ơn tất cả quý vị tự tận đáy tâm hồn!

Đồng thời tôi cũng xin cám ơn quý vị, các Nghị Phụ thân mến, các vị đại biểu của các Giáo hội Ki-tô khác, các soạn giả nam nữ và các chuyên viên, về sự tham dự đầy năng động và phong phú của quý vị. Tôi mang tất cả quý vị trong lời cầu nguyện, và tôi cầu xin Thiên Chúa ban dồi dào xuống trên quý vị ân sủng và phúc lành của Ngài.

Nếu được phép, tôi có thể nói rằng, chúng ta đã thực sự có được một kinh nghiệm về „Thượng Hội Đồng Giám Mục“ trong tinh thần đoàn thể và hội đồng, một con đường chung (vì chữ Synode – Thượng Hội Đồng Giám Mục – theo nguyên ngữ Hy-lạp có nghĩa là cùng đi).

Và vì đó là một con đường, nên cũng như nơi tất cả mọi con đường, nó có những khoảnh khắc được đi với vận tốc lớn, ngay cả khi người ta muốn chế ngự thời gian, và muốn tiến tới đích với tốc độ lớn nhất. Cũng có những khoảnh khắc mệt mỏi, khiến người ta muốn nói rằng, giờ đây đã đủ; mặt khác, cũng có những khoảnh khắc hăng hái và chuyên cần. Có những khoảnh khắc an ủi khi được nghe về những chứng tá của các vị Mục Tử chân thật (Ga.10), tức những vị mục tử mang vào trong con tim của họ một cách khôn ngoan về những niềm vui cũng như những giọt nước mắt của các tín hữu mình. Có những khoảnh khắc tràn đầy ân sủng và an ủi khi được nghe về những chứng tá của các gia đình đã tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục, và đã chia sẻ với chúng ta về những nét đẹp và những niềm vui nơi cuộc sống của họ với tư cách là những người sống đời hôn nhân. Một con đường mà trên đó người mạnh mẽ nhất cảm thấy có bổn phận phải giúp đỡ những người yếu đuối nhất; trên đó, người có chuyên môn đã phục vụ những người khác, ngay cả trong việc nghiên cứu. Và vì đó là con đường của nhân loại, nên nó cũng có những khoảnh khắc tuyệt vọng, căng thẳng và bị cám dỗ, mà có lẽ sau đây người ta có thể nêu ra những cơn cám dỗ đó.

Cơn cám dỗ của sự đông cứng mang tính thù địch: Đó là ý muốn nhốt mình lại trong những gì được viết ra, và không muốn để cho mình được gây sửng sốt bởi Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa của những điều gây sửng sốt, bởi Chúa Thánh Thần. Nhốt mình trong lề luật, trong sự an toàn của cái mà chúng ta biết, và không muốn nhốt mình trong những điều mà chúng ta còn phải học hỏi và cần phải đạt tới. Đó là cơn cám dỗ của sự nhiệt tâm, của sự quá tỉ mỉ, của những điều được gọi là „những người theo chủ nghĩa truyền thống“, cũng như của những người theo chủ nghĩa duy lý trí.

Cơn cám dỗ của một nhân loại ưu tuyển bị tan vỡ, tức điều băng bó những vết thương nhân danh một lòng thương xót sai quấy, nhưng trước hết lại không hề có lòng thương xót trong cách cư xử; ở đây là một triệu chứng chứ không phải là nguyên nhân hay gốc rễ. Đó là cơn cám dỗ của con người ưu việt, của những nỗi sợ hãi cũng như của những điều được gọi là „tiến bộ và phóng khoáng“.

Cơn cám dỗ muốn biến sỏi đá thành cơm bánh nhằm chấm dứt một cuộc chay tịnh lâu dài, nặng nhọc và đầy đau đớn (Lc 4, 1-4). Và một cơn cám dỗ tiếp theo: biến cơm bánh thành sỏi đá và sử dụng chúng để ném vào những người mắc lỗi, những người yếu đuối và những người ốm đau (Ga.8, 7), và cột lên người họ những gánh nặng không thể mang nổi (Lc 11, 46).

Cơn cám dỗ muốn nhảy xuống khỏi thập giá để làm hài lòng con người, và không muốn tiếp tục lưu lại trên đó để làm trọn Thánh Ý Chúa Cha; cúi mình trước tinh thần thế tục thay vì thanh tẩy bản thân và cúi mình trước tinh thần của Thiên Chúa.

Cơn cám dỗ muốn bỏ qua „depositum fidei“ (kho tàng Đức Tin), và không muốn hiểu mình như là người bảo vể kho tàng ấy, nhưng coi mình như là người sở hữu, như là những chủ nhân ông; hay về phương diện khác, cơn cám dỗ muốn bỏ qua thực tại và muốn sử dụng một ngôn ngữ riêng để nói rằng, người ta nói quá nhiều và không nói gì!

Anh chị em thân mến, những cơn cám dỗ ấy không được phép đe dọa hay gây kinh ngạc cho chúng ta, nhưng cũng không được phép gây thất vọng cho chúng ta, vì không có đầy tớ nào lại lớn hơn người chủ của mình; nếu như ngay cả Chúa Giê-su cũng còn bị cám dỗ, và thậm chí còn bị gọi là Bê-en-dê-bun (quỷ vương) (Mt 12, 24), thì các môn đệ của Ngài sẽ không được phép mong chờ những cách cư xử khác.

Cá nhân tôi sẽ rất lấy làm lo lắng và buồn rầu nếu như không có những cơn cám dỗ ấy và những cuộc tranh luận đầy cảm xúc ấy; đó là những chuyển động tinh thần, như Thánh I-nha-xi-ô đã đặt tên cho chúng như thế. Tất cả chúng ta, dù nói lời ưng thuận hay lầm lì thinh lặng, thì cũng vẫn có thể ở lại trong một sự bình an sai quấy và bất động. Thay vào đó, tôi lắng nghe những đóng góp và những thảo luận với tâm tình biết ơn và niềm vui, mà những đóng góp và những thảo luận ấy lại tràn đầy Đức Tin, tràn đầy sự đóng góp cho công cuộc mục vụ và giáo huấn, tràn đầy khôn ngoan, rộng mở, can đảm và Parresia (sự tự do của Lời). Và tôi đã nhận thấy rằng, lợi ích của Giáo hội, của các gia đình và bộ luật tối cao, lợi ích của các tâm hồn, đang hiện diện trước mắt tôi. nếu không hề có bất cứ chân lý nền tảng nào của Bí Tích Hôn Phối, người ta sẽ đặt tất cả những điều sau đây vào trong sự nghi vấn: Sự bất khả phân ly, sự hiệp nhất, sự chung thủy và khả năng sinh sản cũng như sự mở ra với cuộc sống (GS 48).

Đó là Giáo hội, vườn nho của Thiên Chúa, người Mẹ phong nhiêu và người nữ giáo viên đầy chu đáo, nhưng không hề sợ hãi trong việc xắn tay áo lên để thoa dầu và rượu trên những vết thương của nhân loại (Lc 10, 25-37). Giáo hội quan sát nhân loại không phải từ một lâu đài bằng kính hầu phân hạng hay kết án con người. Đó là Giáo hội duy nhất, thánh thiện, Công giáo và Tông truyền, nhưng bao hàm trong mình những tội nhân cần tới lòng thương xót của Giáo hội. Đó là Giáo hội, hiền thê đích thự của Chúa Ki-tô, luôn trung tín kiếm tìm để trung thành với Đức Lang Quân và cũng là Thầy dậy của mình. Đó là Giáo hội không hề sợ hãi trong việc cùng ngồi ăn ngồi uống với những cô gái điếm và những tội nhân (Lc 15). Giáo hội mở to những cánh cổng của mình ra để cho những người cùng khốn và những người hỗi lỗi đi vào; Giáo hội không phải chỉ là những người công chính và những người nghĩ rằng mình hoàn thiện! Giáo hội không xấu hổ về những người anh em đã sa ngã, và không làm như thể là mình không nhìn thấy người anh em đó, nhưng cảm thấy mình có liên lụy và có bổn phận phải nâng đỡ cũng như phải khích lệ người anh em ấy tiếp tục cuộc hành trình, cũng như đồng hành với họ cho tới cuộc gặp gỡ cuối cùng với Đức Lang Quân của mình nơi Giê-ru-sa-lem trên trời.

Đó là Giáo hội! Và khi Giáo hội thể hiện tính hiệp thông trong sự khác biệt từ những đặc sủng của mình, thì Giáo hội sẽ không thể sai lầm: Đó là sự tuyệt vời và sức mạnh của sensus fidei (cảm thức Đức Tin), của sự siêu việt tính trong Đức Tin được ban tặng bởi Chúa Thánh Thần, để chúng ta có thể đạt tới được cũng như có thể học được điều cốt lõi của Tin Mừng, hầu đi theo Chúa Giê-su trong cuộc sống riêng của mỗi chúng ta. Điều đó không được trở nên như là nguyên nhân của những lộn xộn, lúng túng và bực bội khó xử.

Nhiều bình luận gia đã mường tượng ra một Giáo hội mà trong đó phần này đấu tranh chống lại phần khác, và do đó ngờ vực Chúa Thánh Thần, Đấng là người bảo trợ cũng như là sự bảo đảm cho sự hiệp nhất và sự hòa điệu trong Giáo hội. Trong suốt lịch sử, thông qua những thừa tác viên của Ngài, Chúa Thánh Thần đã không ngừng dẫn dắt con thuyền, ngay cả khi đại dương dậy sóng và các thừa tác viên bất tín và tội lỗi.

Như tôi đã từng nói lúc khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục này, việc vượt qua tất cả những điều vừa nói trong sự thanh thản và bình an nội tại là điều thật cần thiết để Thượng Hội Đồng Giám Mục tiến triển cum Petro et sub Petro (cùng với Phê-rô và dưới sự dẫn dắt của Phê-rô), và sự hiện diện của Đức Thánh Cha là sự bảo đảm cho tất cả những điều đó.

Thực ra, sứ mạng của Đức Thánh Cha là bảo đảm cho sự hiệp nhất của Giáo hội; sứ mạng của Ngài cũng là việc nhắc nhở tất cả các tín hữu về bổn phận của họ trong việc trung tín đi theo Tin Mừng của Chúa Ki-tô; sứ mạng của Ngài còn là việc nhắc nhở cho các vị chủ chăn biết rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của họ là bảo vệ đoàn chiên mà Thiên Chúa đã ủy thác cho họ, cũng như tìm kiếm những con chiên lạc và gọi tên chúng một cách nồng nhiệt, trong tình phụ tử, trong lòng nhân hậu và không hề có những sợ hãi mang tính sai quấy.

Sứ mạng của Đức Thánh Cha cũng nằm ở chỗ nhắc cho tất cả các tín hữu biết rằng, quyền năng của Giáo hội nằm trong sự phục vụ (Mc. 9, 33-35), như Đức Bê-nê-đíc-tô XVI đã chỉ dậy một cách sáng tỏ và rõ ràng với những lời sau:

Giáo hội được kêu gọi và nỗ lực để thi hành tác vụ ưu tiên này, đó là sự phục vụ, và Giáo hội không thi hành điều đó từ quyền bính riêng, nhưng là nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô… Thực ra, thông qua các vị mục tử của Giáo hội, Chúa Ki-tô đã chăn dắt đoàn chiên của mình: Ngài là Đấng chăn dắt đoàn chiên, bảo vệ và khuyên dạy chúng, vì Ngài yêu thương đoàn chiên một cách thẳm sâu. Nhưng Chúa Giê-su, Đấng là Mục Tử tối cao của các tâm hồn, đã muốn rằng, Tông Đồ Đoàn, mà ngày nay là các Giám Mục trong sự hiệp thông với người kế vị Thánh Phê-rô … phải lo lắng chăm sóc cho Dân Thiên Chúa, trở nên thầy dậy trong Đức Tin và trao cho cộng đoàn các Ki-tô hữu sự định hướng, đem lại sinh khí cũng như bảo vệ họ, hay như Công Đồng Vatican II đã nói: „Lo lắng sao để tất cả mọi tín hữu đều được hướng dẫn trong Chúa Thánh Thần, để mở ra cho ơn gọi riêng của mình theo những nguyên tắc căn bản của Tin Mừng, hầu đạt tới Đức Ái chân thật và năng động, cũng như đạt tới được sự tự do mà Chúa Ki-tô đã đem lại cho chúng ta“ (Sắc lệnh về đời sống Linh Mục số 6). Như vậy, bất cứ vị mục tử nào cũng đều là trung gian mà nhờ đó, chính Chúa Ki-tô yêu thương nhân loại: Xin cám ơn các thừa tác viên của chúng ta, các Linh Mục thân mến, nhờ vào chúng ta, Chúa Ki-tô đạt tới được các tâm hồn; nhờ chúng ta, Ngài dậy dỗ, bảo vệ và dất dắt họ. Trong một bài chú giải về Tin Mừng theo Thánh Gio-an, Thánh Au-gus-ti-nô đã nói rằng: „Việc chăn dắt đoàn chiên của Chúa chính là bằng chứng của Tình Yêu“ (123, 5); đó là nguyên tắc tối cao đối với thái độ của người tôi tớ Thiên Chúa, một Tình Yêu vô điều kiện, như bất cứ thái độ nào của vị Mục Tử tốt lành, tràn đầy niềm vui, mở ra đối với tất cả mọi người, chú ý đến những người đứng bên cạnh, chăm sóc lo lắng cho những người ở xa (Thánh Au-gus-ti-nô, bài giảng 46, 15; và 340, 1), đồng cảm với những người yếu đuối nhất, những người bé mọn, những người tầm thường, những tội nhân, hầu biểu lộ lòng nhân hậu vô bến bờ của Thiên Chúa với những lời đầy khích lệ của niềm hy vọng (Thánh Au-gus-ti-nô, bức thư 95, 1)“ (Bài Giáo Lý trong buổi tiếp kiến chung ngày 26 tháng 05 năm 2010).

Vì thế, Giáo hội xuất phát từ Chúa Ki-tô, Giáo hội là Hiền Thê của Ngài, và tất cả các Giám Mục, cùng với Đấng kế vị Thánh Phê-rô, có sứ mạng và có bổn phận phải bảo vệ cũng như phục vụ Giáo hội, không phải với tư cách là những chủ nhân ông, nhưng với tư cách là những đầy tớ. Trong ý nghĩa ấy, Đức Giáo hoàng không phải là vị Mục Tử Tối Cao, nhưng đúng hơn, là người đầy tớ trên cùng, là tôi tớ của các tôi tớ Chúa; Ngài là người bảo lãnh của đức tuân phục, của sự tương xứng với Thánh Ý Thiên Chúa, với Tin Mừng của Chúa Ki-tô, và của truyền thống Giáo hội. Bỏ sang một bên bất cứ sự độc đoán cá nhân nào, Đức Thánh Cha ở trong Thánh Ý của Chúa Ki-tô, chiếu theo „vị Mục Tử và Thầy Dậy tối cao của tất cả các tín hữu“ (GLHTCG số 749), vì thế Ngài có „thẩm quyền một cách đầy đủ và thường xuyên, tối cao, trọn vẹn, trực tiếp và phổ quát trong Giáo hội“ (GLHTCG số 331-334).

Anh chị em thân mến, giờ đây chúng ta còn có một năm nữa để làm cho những ý tưởng được đề xuất tại đây trở nên chín muồi, trong một sự biện phân thực sự thuộc khía cạnh tâm linh, và tìm ra những giải pháp cụ thể cho tất cả những khó khăn cũng như muôn vàn những thách đố mà các gia đình đang phải đối diện; để đưa ra những câu trả lời cho rất nhiều những ngã lòng nản chí mà chúng đay bủa vây và siết chặt các gia đình. Một năm để làm việc bên "Relatio Sinodi" (Bản văn đúc kết của Thượng Hội Đồng Giám Mục), mà bản văn ấy là bản báo cáo chính xác và rõ ràng của những điều được nói và được thảo luận trong hội trường này cũng như trong các chu kỳ công việc.

Xin Thiên Chúa đồng hành và dẫn dắt chúng ta trên con đường tiến tới việc làm vinh danh Ngài, qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Cả Giu-se! Và xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Tại Hội Trường Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới ngày 18.10.2014

ĐTC Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ.