Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Phụng Vụ Thống Hối Chiều Thứ Sáu 04.03.2016

Anh chị em thân mến,

Con ước gì mình lại có thể nhìn thấy được“ (Mc 10,51). Đó là lời cầu xin mà hôm nay chúng ta muốn hướng về Chúa. Có thể tái nhìn thấy, sau khi tội lỗi của chúng ta đã làm cho chúng ta đánh mất đi sự thiện trước mắt, và đã cản ngăn chúng ta trong việc đến gần với vẻ đẹp của ơn gọi chúng ta. Thay vào đó, chúng làm cho chúng ta đi lạc xa khỏi mục đích.

Đoạn Tin mừng mà chúng ta vừa nghe có một nội dung mang tính biểu tượng và có tính hiện sinh lớn, vì mỗi người trong chúng ta đều ở trong tình trạng của Bác-ti-mê. Sự mù lòa của ông đã dẫn tới chuyện ông phải sống trong sự nghèo túng cũng như phải sống bên rìa thành phố, và trước hết, phải phụ thuộc vào người khác. Ngay cả tội lỗi cũng có hậu quả đó: chúng làm cho chúng ta trở nên nghèo hèn, và cô lập chúng ta. Đó là một sự mù lòa tinh thần, sự mù lòa ấy ngăn cản chúng ta trước việc nhìn thấy những điều chính yếu, ngăn cản cái nhìn hướng về Tình Yêu mà nó trao ban cho chúng ta sự sống; và rồi, từ từ sự mù lòa ấy sẽ dẫn chúng ta tới chỗ ở lỳ ra mãi bên lớp bề mặt, để rốt cục đánh mất đi sự nhậy cảm đối với người khác và đối với sự thiện. Biết bao nhiêu là cơn cám dỗ có khả năng làm đục thị lực của con tim và làm cho nó trở nên cận thị! Thật dễ dàng và sai lầm như thế nào khi tin rằng, cuộc sống phụ thuộc vào điều mà người ta có, vào sự thành công hay vào sự thán phục mà một người nhận được; tin rằng kinh tế chỉ hệ tại ở lợi nhuận và sự tiêu thụ; tin rằng những niềm mong muốn của một số cá nhân sẽ thống trị trên trách nhiệm xã hội! Nếu chúng ta chỉ nhìn vào cái TÔI của mình, chúng ta sẽ bị mù lòa, bị mờ đục và bị liên lụy đến chính mình, chúng ta sẽ không có niềm vui và không có sự tự do thực sự.

Nhưng Chúa Giê-su đã đi ngang qua; Ngài đi ngang qua và đã dừng lại, không đi tiếp nữa: „Chúa Giê-su đứng lại“ – Tin mừng viết như thế (Mc 10,49). Ở đó một cảm giác ớn lạnh đã xâm chiếm con tim, vì người ta phát hiện ra rằng, người ta đang được quan sát bởi ánh sáng, bởi ánh sáng thân ái mà nó thúc giục chúng ta đừng tự nhốt mình lại trong sự mù lòa đen tối của chính mình nữa. Sự hiện diện và sự gần gũi của Chúa Giê-su làm cho chúng ta cảm thấy rằng, chúng ta sẽ thiếu một cái gì đó rất quan trọng nếu chúng ta xa cách Ngài. Sự hiện diện của Chúa Giê-su cũng làm cho chúng ta cảm nhận được rằng, chúng ta cần tới ơn cứu độ, và đó chính là sự khởi đầu ơn cứu độ của con tim. Nếu niềm khát khao được cứu độ trở nên táo bạo, thì rồi nó sẽ dẫn tới việc cầu xin, nó cho phép cầu xin ơn trợ giúp đầy sức mạnh và khẩn thiết giống như ông Bác-ti-mê đã thực hiện: „Lạy ông Giê-su con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương xót tôi!“ (Mc 10,47).

Như „nhiều người“ trong Tin Mừng, tiếc rằng vẫn luôn có ai đó không muốn dừng lại, không muốn bị quấy rầy bởi người thét vì nỗi đau của mình, và ưa thích việc dập tắt sự quấy rầy của người nghèo, cũng như thích thú với chuyện quở mắng họ (xc. Mc 10,48). Đó là cơn cám dỗ muốn hối người ta đi tiếp, ngay cả khi chả có gì phải vội. Nhưng bằng cách đó, người ta lại giữ khoảng cách với Thiên Chúa, và cũng làm cho người khác phải đứng cách xa Chúa Giê-su. Chúng ta hãy nhận ra rằng, tất cả chúng ta đều là những người ăn mày Tình Yêu Thiên Chúa, và chúng ta đừng để Thiên Chúa xa tránh chúng ta. „Timeo transeuntem Dominum“ (Tôi sợ rằng Thiên Chúa sẽ giả vờ không nhìn thấy tôi) (Thánh Augustinô). Chúng ta hãy bày tỏ niềm ước muốn thực sự của chúng ta: „Lạy Chúa Giê-su, con ước chi con lại có thể nhìn thấy được!“ (Mc 10,51). Năm Thánh Lòng Thương Xót này là một thời gian thuận tiện để đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, để có được kinh nghiệm về Tình Yêu của Ngài, và để trở về cùng Ngài với trọn tấm lòng. Giống như Bác-ti-mê, chúng ta hãy quăng chiếc áo choàng đang mặc đi, và hãy đứng phắt dậy (xc. Mc 10,50): Chúng ta hãy quẳng phắt đi tất cả những gì đang cản ngăn chúng ta trở nên kiên định trên con đường đi đến cùng Ngài, mà không hề sợ hãi trước việc để lại những gì trao cho chúng ta sự an toàn và những gì chúng ta đang bám bứu vào đó; chúng ta đừng ngồi lỳ ra đó, nhưng hãy tái đứng dậy, hãy tái nhìn thấy thân hình tinh thần của chúng ta, phẩm giá của những người con đáng yêu, mà chúng đang đứng trước mặt Thiên Chúa, hầu để cho mình được ngắm nhìn bởi Ngài trong cặp mắt, đón nhận ơn tha thứ và tái được tác thành.

Hơn bất cứ lúc nào hết, trước tiên, với tư cách là những mục tử, ngày hôm nay chúng ta cũng được kêu gọi hãy lắng nghe tiếng kêu – có lẽ thầm kín – của những người đang muốn gặp gỡ Thiên Chúa. Chúng ta bị bắt buộc phải thẩm tra lại thái độ mà đôi khi nó không giúp người khác đến gần Chúa Giê-su: Thời gian và những chương trình mà chúng không phù hợp với những nhu cầu thực tế của những người có thể tìm đến với Tòa Cáo Giải; những quy tắc của con người khi chúng được coi trọng hơn là niềm mong muốn đón nhận ơn tha thứ; sự cứng nhắc của chúng ta mà nó có thể làm cho người ta phải xa cách sự trìu mến của Thiên Chúa. Dĩ nhiên chúng ta không được phép giảm thiểu những đòi hỏi của Tin Mừng, và cũng không được phép liều lĩnh gây cản trở niềm khao khát của tội nhân trong việc giao hòa với Thiên Chúa Cha. Thực ra, sự trở về của người con chính là điều mà người Cha mong chờ trước tiên (xc. Lc 15,20-32).

Những lời của chúng ta chính là những lời của các môn đệ, mà các Ngài đã lập lại những lời tương tự của Chúa Giê-su và nói với Bác-ti-mê: „Hãy can đảm đứng dậy, Thầy gọi anh đó!“ (Mc 10,49). Chúng ta được sai đi để giúp người ta có được sự can đảm, hỗ trợ họ và dẫn họ tới với Chúa Giê-su. Nhiệm vụ của chúng ta là trở thành một người đồng hành để cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trở thành một cuộc gặp gỡ cá nhân và nội tâm, và để cho con tim có thể mở ra cho Thiên Chúa một cách chân thành và không hề hãi sợ. Chúng ta đừng quên rằng: chỉ có một mình Thiên Chúa, Đấng hoạt động trong mỗi con người. Trong Tin Mừng, Ngài là Đấng đã dừng lại và hỏi thăm về người mù; Ngài là Đấng đã truyền lệnh cho người ta mang người mù đến cho Ngài, Ngài là Đấng đã lắng nghe và đã chữa lành anh mù. Chúng ta được tuyển chọ để khơi lên lòng ước ao muốn trở về, để trở nên những khí cụ có khả năng đơn giản hóa cuộc gặp gỡ, để giơ đôi tay ra cũng như để truyền đạt lời tha thứ, và làm cho Lòng Thương Xót của Ngài trở nên hiển nhiên và công hiệu.

Câu kết của trình thuật Tin Mừng rất quan trọng: „Tức khắc anh ta [Bác-ti-mê] nhìn thấy được và đi theo Ngài trên con đường Ngài đi“ (Mc 10,52). Nếu chúng ta đến gần Chúa Giê-su, chúng ta cũng lại thấy được ánh sáng để hướng cái nhìn hoàn toàn tin tưởng vào tương lai, chúng ta sẽ tái thấy được sức mạnh và lòng can đảm để lên đường. Vì „ai tin, người ấy sẽ thấy“ (Thông Điệp Lumen fidei, 1) và sẽ tiến về phía trước với niềm hy vọng tràn trề, vì người ấy biết rằng, Thiên Chúa đang hiện diện, đang hỗ trợ và đang dẫn dắt mình. Chúng ta hãy đi theo Ngài với tư cách là những môn đệ trung tín để làm cho tất cả những người mà chúng ta gặp gỡ trên đường đời, tham dự vào niềm vui phát xuất từ Tình Yêu nhân hậu của Ngài.

Đền Thờ Thánh Phê-rô tối thứ Sáu ngày mồng 04 tháng 03 năm 2016

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

·         03

 


Văn Kiện Giáo Hội