Bài Giáo lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư 23.03.2016: Mục 11 – Tam Nhật Vượt Qua trong Năm Thánh Lòng Thương Xót

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Những chiêm ngưỡng của chúng ta trước Lòng Thương Xót của Thiên Chúa hôm nay dẫn chúng ta vào trong Tam Nhật Vượt Qua. Chúng ta sẽ sống những ngày thứ Năm, thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh như là những khoảnh khắc sâu lắng mà chúng cho phép chúng ta càng ngày càng bước vào trong mầu nhiệm của Đức Tin chúng ta: Sự phục sinh của Chúa chúng ta – Chúa Giê-su Ki-tô. Trong ba ngày này, tất cả đều nói với chúng ta về Lòng Thương Xót, và Lòng Thương Xót sẽ cho phép nhận ra Tình Yêu của Thiên Chúa bao la như thế nào. Chúng ta sẽ lắng nghe trình thuật về những ngày cuối cùng trong cuộc đời của Chúa Giê-su. Tin Mừng theo Thánh Gio-an sẽ trao cho chúng ta chiếc chìa khóa để hiểu một cách sâu xa hơn: „Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình đang còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng“ (Ga 13,1). Tình Yêu của Thiên Chúa không biết tới những ranh giới. Như Thánh Augustinô vẫn thường hay lập đi lập lại rằng, đó là Tình Yêu mà nó „đi cho đến cùng nhưng không có tận cùng“. Thiên Chúa trao hiến bản thân Ngài cho từng người một trong chúng ta, trao hiến cách hoàn toàn, và không hề có chuyện chừa lại một điều chi đó. Mầu nhiệm được chúng ta tôn kính trong Tuần Thánh này chính là một lịch sử vĩ đại về Tình Yêu, mà Tình Yêu đó không biết tới những rào cản. Cuộc Vượt Qua của Chúa Giê-su kéo dài cho tới tận cùng thế giới, vì nó là một lịch sử sẻ chia và là một lịch sử về nỗi khổ đau của toàn nhân loại, cũng như là một sự hiện diện vững bền trong các biến cố của cuộc sống cá nhân mỗi người trong chúng ta. Vì thế, Tam Nhật Vượt Qua được coi như là sự tưởng nhớ về một bi kịch Tình Yêu, mà bi kịch ấy trao cho chúng ta niềm xác tín rằng, chúng ta không bao giờ bị bỏ rơi trong những thử thách của cuộc sống.

Chúa Giê-su đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong ngày thứ Năm Tuần Thánh, trong khi đó, với bữa tiệc Vượt Qua, Ngài đã tiên báo về sự hiến tế của Ngài trên đồi Golgota. Để làm cho các môn đệ của mình nhận ra được Tình Yêu của Ngài, Ngài đã rửa chân cho các ông và Ngài đã tái trao cho các ông với tư cách là những nhân vật chính, một mẫu gương về việc họ nên hành động như thế nào. Bí Tích Thánh Thể chính là Tình Yêu được đặt trong sự phục vụ, và là sự hiện diện cao vời của Chúa Ki-tô, mà sự hiện diện đó muốn thỏa mãn cơn đói của bất cứ ai, đặc biệt là của những người yếu đuối nhất, hầu tạo điều kiện cho họ trong việc đạt tới được con đường chứng tá giữa những khó khăn của thế giới. Tuy nhiên, sự hiện diện đó còn mang nhiều ý nghĩa hơn nữa. Trong khi Chúa Ki-tô trao hiến chính bản thân Ngài cho chúng ta như là của ăn, Ngài cũng đã chứng thực về sự cần thiết trước việc chúng ta phải học để chia sẻ lương lực với những người khác, hầu cho một sự hiệp thông đích thực trong cuộc sống với những người cùng khốn được phát sinh. Ngài trao hiến chính bản thân Ngài cho chúng ta và yêu cầu chúng ta hãy lưu lại trong Ngài và thực hiện điều đó giống như Ngài đã thực hiện.

Thứ Sáu Tuần Thánh diễn tả sự tột điểm của Tình Yêu. Cái chết của Chúa Giê-su, Đấng, trên cây Thập Giá, đã trao hiến mạng sống mình cho Chúa Cha để ban ơn cứu độ cho toàn thế giới, đã minh chứng cho thấy Tình Yêu được trao tặng đến cùng, nhưng không có sự tận cùng. Tình Yêu này muốn bao bọc tất cả mà không hề có sự ngoại lệ. Tình Yêu ấy trải dài đến tất cả mọi thời đại và mọi nơi, mọi chỗ; bất cứ một người nào trong chúng ta cũng đều có thể sử dụng nguồn mạch không thể múc cạn này của ơn cứu độ. Nếu như Thiên Chúa đã kéo tới trước cặp mắt chúng ta Tình Yêu tối thượng của Ngài trong cái chết của Chúa Giê-su, thì chúng ta, được củng cố nhờ Chúa Thánh Thần, cũng có thể và cũng phải yêu thương nhau.  

Sau cùng, thứ Bảy Tuần Thánh là ngày thinh lặng của Thiên Chúa. Ngài phải có một ngày thinh lặng, và chúng ta phải thực hiện tất cả để Ngài trở thành chính ngày đó cho chúng ta, như nó đã từng diễn ra ở bất kỳ thời đại nào: Ngày thinh lặng của Thiên Chúa. Chúa Giê-su được đặt trong mồ đã chia sẻ với toàn thể nhân loại về bi kịch của cái chết. Đó là sự tĩnh lặng có khả năng nói lên lời, mà nó diễn tả Tình Yêu như là tình liên đới với những người luôn bị bỏ rơi, đó là sự thinh lặng mà Con Thiên Chúa đã đạt tới bằng cách là Ngài chất đầy sự trống rỗng mà chỉ có Lòng Xót Thương khôn cùng của Thiên Chúa Cha mới có thể lấp đầy. Thiên Chúa thinh lặng, nhưng vì Tình Yêu. Trong những ngày này, Tình Yêu – Tình Yêu thinh lặng ấy – trở thành sự mong chờ sự sống trong sự phục sinh. Chúng ta hãy nghĩ tới ngày Thứ Bảy Tuần Thánh: sẽ thật tốt cho chúng ta nếu chúng ta nghĩ tới sự thinh lặng của Mẹ Thiên Chúa, „người nữ tín hữu“, người đã trải qua ngày Thứ Bảy Tuần Thánh này trong sự tĩnh lặng, trong sự chờ đợi. Và đó là Tình Yêu không bao giờ thất vọng, nhưng hy vọng trong Lời Chúa, để nó biểu lộ và tỏa sáng trong ngày Phục Sinh.

Tất cả đều là một mầu nhiệm vĩ đại của Tình Yêu và của Lòng Xót Thương. Những lời nói của chúng ta thật nghèo nàn và không đủ để diễn tả toàn bộ điều đó. Kinh nghiệm của một cô bé không mấy nổi tiếng, nhưng đã viết những trang trổi vượt về Tình Yêu Chúa Ki-tô, sẽ giúp đỡ chúng ta. Tên của cô là Juliana Norwich. Cô là một người mù chữ và đã có một thị kiến về cuộc khổ hình của Chúa Giê-su. Sau khi cô bị bắt giam, cô đã mô tả trong một ngôn ngữ đơn giản, nhưng đi vào chiều sâu và có sức diễn tả về ý nghĩa của Tình Yêu đầy Lòng Xót Thương. Cô đã ghi lại những suy tư sau đây: „Sau đó Thiên Chúa tốt lành của chúng ta hỏi tôi: ´Con có hạnh phúc về việc Ta đã chịu đựng đau khổ cho con không?` Tôi trả lời: ´Thưa, có ạ, lạy Chúa tốt lành, con rất biết ơn Chúa về điều đó; lạy Chúa tốt lành, Chúa thật đáng chúc tụng.`Chúa Giê-su, Thiên Chúa tốt lành của chúng ta, đáp lại rằng: ´Nếu con hạnh phúc, thì rồi Ta cũng sẽ rất hạnh phúc. Việc phải chịu đựng cuộc khổ hình cho con, chính là lý do để vui, để hạnh phúc và để đời đời vui mừng đối với Ta; và nếu ta có thể chịu đau khổ hơn được nữa, thì Ta cũng sẽ làm điều đó`“. Đó là Chúa Giê-su của chúng ta, Đấng nói với mỗi người chúng ta: „Nếu Ta có thể chịu đau khổ cho con hơn được nữa, Ta cũng sẽ làm điều đó.“

Những lời đó tuyệt vời biết là chừng nào! Chúng cho phép chúng ta thực sự nhận ra được Tình Yêu khôn cùng và vô biên của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy để cho mình được bao bọc bởi Lòng Thương Xót này; trong những ngày này, trong lúc chúng ta hướng cái nhìn về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Ki-tô, chúng ta hãy đón nhận Tình Yêu vĩ đại của Ngài vào trong lòng chúng ta, và như Mẹ Thiên Chúa trong ngày thứ Bảy, chúng ta hãy chờ mong sự phục sinh trong sự thinh lặng.

Quảng trường Thánh Phê-rô sáng thứ Tư ngày 23 tháng 03 năm 2016

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội