Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung ngoại thường sáng thứ Bảy 09.04.2016: „Tán dương Thiên Chúa bằng việc bố thí

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe giúp chúng ta khám phá ra một khía cạnh chính yếu của Lòng Thương Xót: sự bố thí. Việc cho đi một của bố thí có vẻ như rất đơn giản. Nhưng chúng ta phải lưu tâm tới điều rằng, chúng ta không được phép làm trống rỗng cử chỉ có nội dung rất phong phú này. Khái niệm „bố thí“ có nguồn gốc từ tiếng Hy-lạp, và có nghĩa là „Lòng Thương Xót“. Vì thế, việc bố thí nên mang theo toàn bộ sự phong phú của Lòng Thương Xót theo chính mình. Nếu như Lòng Thương Xót có thể được đạt tới bằng ngàn cách và được biểu lộ trong hàng ngàn kiểu, thì việc bố thí cũng được diễn tả trong những cách thức khác nhau hầu xoa dịu những nỗi khổ đau của những người cùng khốn.

Bổn phận phải thực hành việc bố thí đã có từ ngàn xưa giống như Kinh Thánh. Việc hy sinh và việc bố thí là hai bổn phận mà bất cứ tín hữu nào cũng phải chu toàn. Cựu Ước chứa đựng những bản văn quan trọng mà trong đó Thiên Chúa đòi hỏi người ta phải có một sự lưu tâm đặc biệt tới những người nghèo. Trong số những người nghèo cũng bao gồm cả những người tay trắng, những người ngoại kiều, những cô nhi và những quả phụ. Đồng thời Kinh Thánh còn bao hàm một điệp khúc sau đây: những kẻ túng quẫn, ngoại kiều, khách lạ và cô nhi… Đó là một điệp khúc mà qua đó, Thiên Chúa muốn rằng, dân của Ngài phải lưu tâm tới những anh chị em đó: đúng hơn thì Cha phải nói rằng, những người anh chị em đó hiện diện ngay trong trung tâm của sứ điệp: tán dương Thiên Chúa bằng sự hy sinh, và tán dương Thiên Chúa bằng việc bố thí.

Cùng với bổn phận phải luôn lưu tâm tới những người anh chị em trên, một mệnh lệnh cụ thể cũng được ban ra: „Anh (em) phải cho họ cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng“ (Đnl 15,10). Điều đó có nghĩa là, Đức Ái đối với tha nhân trước tiên đòi phải có một thái độ vui mừng nội tại. Việc trao tặng Lòng Thương Xót không thể trở thành một gánh nặng hay một việc gây buồn chán mà chúng ta muốn nhanh chóng thoát khỏi đó. Biết bao nhiêu người vẫn tự biện minh cho mình và nói để khỏi phải thực hiện việc bố thí: „Tôi cho tiền anh ta để làm gì? Chắc rồi lại đi mua rượu và lại say thôi!“ Nhưng nếu anh ta say rượu thì vấn đề nằm ở chỗ là, anh ta không còn có con đường nào khác! Còn bạn, bạn đã làm gì trong sự bí mật mà không ai thấy điều đó? Và phải chăng bạn là quan tòa xét xử người nghèo ấy, tức người đã xin bạn vài xu để mua một chén rượu? Cha thích nhắc tới câu chuyện của cụ Tô-bi-a. Sau khi cụ nhận được một món tiền lớn, cụ đã gọi con mình tới và dậy dỗ bảo ban cậu: „Con hãy dùng của cải bố thí cho tất cả những ai thực thi công chính, và khi bố thí, mắt con đừng có so đo. Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với con, Thiên Chúa cũng sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ. Tuỳ con có bao nhiêu, hãy cho bấy nhiêu; có nhiều thì cho nhiều, có ít thì đừng ngại cho ít“ (Tb 4,7-8). Những lời này chứa đựng rất nhiều sự khôn ngoan, và ở đây, giúp chúng ta nhận ra giá trị của việc bố thí.

 

Như chúng ta đã nghe, Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta một giáo huấn rất cần thiết liên quan đến vấn đề này. Trước tiên là Ngài yêu cầu chúng ta đừng làm việc bố thí chỉ cốt để được ca ngợi cũng như để được ngưỡng mộ bởi người khác, để được họ cho rằng chúng ta rất quảng đại: Khi người ta bố thí thì tay trái đừng biết việc tay phải làm (xc. Mt 6,3). Không phải những điều bên ngoài có tầm quan trọng, nhưng là khả năng biết tạm dừng để nhìn ngắm người đang xin sự giúp đỡ trong cái nhìn trìu mến. Mỗi người trong chúng ta đều có thể tự hỏi: „Tôi có khả năng tạm dừng để hướng cái nhìn về người đang xin tôi giúp đỡ trong ánh mắt trìu mến không?“ Vì thế, chúng ta không được phép coi đồ bố thí chỉ đơn giản như là một vài đồng tiền mà chúng ta cho đi một cách vội vã và không hề dừng lại để hiểu được trong cuộc đối thoại với con người, cái mà người ấy đang thực sự cần tới. Đồng thời, chúng ta phải có một sự phân biệt giữa những người nghèo với những hình thức khác nhau của sự xin xỏ kì nèo mà chúng không thực hiện một sự phục vụ tốt cho những người nghèo thực sự. Vì thế, việc bố thí chính là một hành vi Đức Ái hướng về những người mà chúng ta gặp gỡ; đó là một cử chỉ quan tâm thực sự tới những người mà họ đến gần chúng ta và xin chúng ta giúp đỡ, mà cử chỉ đó được thực hiện trong sự kín đáo, chỉ có Thiên Chúa Thấy, và hiểu được giá trị.

Nhưng việc trao đi của bố thí cũng phải trở nên một cái gì đó đối với chúng ta, có nghĩa là phải hy sinh. Trong mối liên hệ này, Cha nhớ tới một người mẹ: Bà có ba đứa con trong độ tuổi 6, 5 và 3. Bà luôn luôn dậy cho các con của mình biết về sự cần thiết trước việc phải trao của bố thí cho những người đến xin mình. Một ngày kia, bốn người, cả mẹ lẫn con, đều đang ngồi bên bàn ăn và ăn món thịt rán tẩm bột, theo cách mà người ta gọi món đó tại đất nước của Cha. Bỗng dưng có tiếng người gõ cửa. Đứa con cả chạy ra mở cửa, rồi quay vào và nói: „Mẹ ơi, có một người ăn xin, ông ta muốn xin một cái gì đó để ăn!“. Người mẹ liền hỏi ba đứa con: „Chúng ta làm gì bây giờ?“. Tất cả bằng ấy đứa con đều đồng thanh trả lời: „Chúng ta hãy cho ông ấy một cái gì đó!“. Người mẹ nói: „Được rồi! Mẹ sẽ lấy của mỗi đứa một nửa miếng thịt rán, và rồi chúng ta sẽ ăn bù lại bằng hai chiếc bánh mì nhỏ!“ – „Đừng mà mẹ ơi, đừng!“. „Đừng là thế nào?“ – người mẹ hỏi và nói tiếp: „Con hãy cho đi một cái gì đó của con, hãy cho đi cái mà nó quý giá đối với con!“ Điều đó có nghĩa là cảm thông với những người nghèo. Tôi khước từ một cái gì đó để trao nó cho bạn. Cha xin nói với các bậc cha mẹ rằng: Anh chị em hãy dậy dỗ con cái mình để chúng biết bố thí; với cái mà chúng đang có để trở nên quảng đại.

Chúng ta hãy biến những lời sau đây của Thánh Phao-lô Tông Đồ thành của mình: „Trong tất cả mọi sự, tôi đã tỏ cho anh chị em thấy rằng, phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại Lời Chúa Giê-su đã dậy: cho thì có phúc hơn nhận“ (Cv 20,35; xc. 2Cr 9,7). Xin cám ơn.

Quảng trường Thánh Phê-rô sáng thứ Bảy ngày mồng 09 tháng 04 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ