Bài Giáo Lý của ĐTC Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 27.04.2016: „Thiên Chúa biết rõ những nỗi khổ đau của chúng ta

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Ngày hôm nay chúng ta sẽ chiêm ngưỡng dụ ngôn người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu (xc. Lc 10,25-37). Một vị Luật Sĩ đã đặt ra cho Chúa Giê-su một câu hỏi sau đây để thử Ngài: „Thưa Thầy, tôi phải làm gì để có được sự sống đời đời?“ (Lc 10,25). Chúa Giê-su đã yêu cầu ông ta phải tự tìm ra câu trả lời cho chính ông trước việc ông phải làm gì để đạt tới được sự trọn lành: „Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và với hết trí khôn ngươi; và hãy yêu mến người thân cận của ngươi như chính mình“ (Lc 10,27). Chúa Giê-su đã trả lời ông ta: „Ông cứ làm như vậy là sẽ được sống!“ (Lc 10,28).

Sau đó vị Luật Sĩ lại đặt ra cho Chúa Giê-su một câu hỏi tiếp theo, mà đối với chúng ta, câu hỏi đó đạt tới một sự quý giá to lớn: „Vậy ai là người thân cận của tôi?“ (Lc 10,29). Điều đó muốn ngụ ý đến ai? „Phải chăng đó là những người bà con thân thuộc của tôi? Những người đồng hương của tôi? Các thành viên trong đạo của tôi?...“ Trong bất cứ trường hợp nào đi nữa thì ông cũng muốn có một quy định rõ ràng, mà quy định đó cho phép ông thực hiện một sự phân loại ai là „người thân cận“ và ai „không phải là người thân cận“; và qua sự phân loại đó, ông sẽ biết được người nào sẽ có thể trở thành người thân cận và người nào sẽ không trở thành người cận thân.

Chúa Giê-su đã trả lời cho ông bằng một dụ ngôn, và những nhân vật chính của dụ ngôn này chính là một Tư Tế, một người Lê-vi và một người Sa-ma-ri-ta-nô: Hai người đầu đứng trong mối liên hệ với nền phượng tự đền thờ; còn người thứ ba thì lại là một người lạ, một người dân ngoại, và là một người ô uế theo cách nhìn của người Do-thái về người Ly Giáo. Trên đường từ Giê-ru-sa-lem tới Giê-ri-cô, vị Tư Tế và ông Lê-vi bắt gặp một người đang dở sống dở chết: người này bị bọn cướp tấn công, bị cướp hết đồ đạc, và bị bỏ lại bên vệ đường. Trong những tình huống như thế, theo Lề Luật của Thiên Chúa, người ta phải có bổn phận giúp đỡ người bị nạn; nhưng cả vị Tư Tế lẫn ông Lê-vi đều bỏ qua mà không hề dừng lại. Họ tỏ ra rất vội vàng… Có lẽ vị Tư Tế đã nhìn đồng hồ và nói: „Mình mà dừng lại thì sẽ đến nhà thờ muộn mất thôi… Mình còn phải dâng Lễ kia mà!“ Và người còn lại thì đưa ra lý chứng rằng: „Mình hoàn toàn không biết liệu Lề Luật có cho phép mình dừng lại hay không, vì đây là máu, và điều này có thể làm cho mình trở nên ô uế…“ Họ đã chọn một con đường khác và không đến gần người bị nạn. Ở điểm này, dụ ngôn chứa đựng một bài học đầu tiên: Ai đến viếng nhà Chúa và biết về Lòng Thương Xót của Ngài, thì người ấy cũng không thể tự động yêu thương tha nhân được. Điều ấy không hề tự động! Bạn có thể biết toàn bộ Kinh Thánh, biết tất cả mọi hạng mục Phụng Vụ và toàn bộ Thần Học, nhưng BIẾT không có nghĩa là tự động yêu thương: Tình Yêu đi trên một con đường khác. Nó cần tới sự thông minh, nhưng nó cũng còn là một cái gì đó lớn hơn… Thực ra thì vị Tư Tế và ông Lê-vi đã thấy, nhưng họ làm ngơ ra vẻ như mình chẳng hay biết gì; họ nhìn thấy nhưng họ không nhúng tay vào. Tuy nhiên, sẽ chẳng có nền Phượng Tự đích thực nào hiện hữu nếu như nó không biến chính bản thân nó thành sự phục vụ tha nhân. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: Khi tận mắt chứng kiến nỗi khổ đau của rất nhiều người đã và đang bị hành hạ bởi sự đói khát, bởi bạo lực và bởi sự bất công, chúng ta không thể cứ là những khán giả mãi được. Làm ngơ giả điếc trước nỗi khổ đau của con người có nghĩa là gì? Thưa, có nghĩa là làm ngơ trước Thiên Chúa! Nếu chúng ta không đến gần những người nam, người nữ, những em nhỏ, những cụ ông hay những cụ bà đang đau khổ ấy, thì rồi chúng ta cũng sẽ không đến gần với Thiên Chúa.

Giờ đây chúng ta hãy đi vào điểm cốt lõi của dụ ngôn: Khi người Sa-ma-ri-ta-nô, tức người bị coi thường, chẳng ai mong chờ bất cứ điều gì từ ông ta, và chắc chắn ông ta cũng đang có rất nhiều những bổn phận và những công việc cần phải hoàn thành, nhìn thấy người bị thương, thì ông đã không tiếp tục đi giống như hai người kia, tức hai người có liên quan tới đền thờ, nhưng ông đã „chạnh lòng thương“ (xc. Lc 10,33). Trong Tin Mừng viết rằng, ông chạnh lòng thương, có nghĩa là con tim và mọi cơ quan nội tạng của ông đều chạnh lòng thương! Có một sự khác biệt ở đó. Hai người kia „đã thấy“, nhưng con tim của họ bị khép kín, bị đóng băng. Nhưng con tim của người Sa-ma-ri-ta-nô thì lại đi vào trong sự hòa điệu với con tim của chính Thiên Chúa. Vì „chạnh lòng thương“ chính là một nét đặc trưng chính yếu thuộc về Lòng Xót Thương của Thiên Chúa. Thiên Chúa chạnh lòng thương trước chúng ta. Điều đó có nghĩa là gì? Thưa, có nghĩa là Ngài đau khổ với chúng ta, Ngài cảm nhận được nỗi khổ đau của chúng ta. Chạnh lòng thương có nghĩa là „cùng chịu đau khổ“. Động từ chạnh lòng thương mô tả các cơ quan nội tạng mà chúng chuyển động và rung chuyển khi chứng kiến nỗi khổ đau của con người. Và trong những cử chỉ và những hành động của người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu, chúng ta nhận ra hành động xót thương của Thiên Chúa trong toàn bộ lịch sử cứu độ. Ở đây chính là sự chạnh lòng thương mà với nó, Thiên Chúa đến gần với từng người một trong chúng ta: Ngài không giả điếc làm ngơ trước chúng ta. Ngài biết rõ nỗi khổ đau của chúng ta, Ngài biết chúng ta rất cần tới ơn trợ giúp và sự ủi an biết chừng nào. Ngài đến gần chúng ta và không bao giờ bỏ mặc chúng ta. Bất cứ một người nào trong chúng ta cũng nên tự đặt ra cho mình câu hỏi và hãy tự trả lời với con tim: „Tôi có tin điều đó không? Tôi có tin rằng Thiên Chúa chạnh lòng thương trước tôi như tôi đang là – một tội nhân với nhiều những vấn đề và lỗi lầm – không?“ Anh chị em hãy nghĩ tới điều đó, và câu trả lời là: „CÓ“. Nhưng bất cứ người nào cũng đều phải tự hỏi trong con tim, liệu mình có tin vào sự chạnh lòng thương của Thiên Chúa hay không. Đó là sự chạnh lòng thương của một Thiên Chúa tốt lành, Đấng đến gần để chữa lành chúng ta và trao ban cho chúng ta sự trìu mến. Và khi chúng ta khước từ Ngài thì Ngài cũng vẫn cứ đợi chờ: Ngài luôn kiên nhẫn và luôn đứng về phía chúng ta.

Người Sa-ma-ri-ta-nô đã hành động với Lòng Xót Thương đích thực: ông băng bó những vết thương cho người bị nạn, ông đưa người bị nạn đó vào trong quán trọ, đích thân chăm sóc người bị nạn đó, và thanh toán cho người bị nạn hết mọi chi phí. Tất cả những điều đó dậy chúng ta rằng, chạnh lòng thương, Tình Yêu, không phải là cảm giác mơ hồ, nhưng có nghĩa là, dấn thân với toàn bộ sự hiện hữu để chăm lo cho người khác. Nó có nghĩa là dấn thân và thực hiện những bước cần thiết để „tiến lại gần“ người khác, và ở đây, tự đặt mình vào trong vị trí của người khác: „Hãy yêu thương người thân cận như chính ngươi“ – đó là giới luật của Thiên Chúa.

Để kết thúc dụ ngôn của mình, Chúa Giê-su đã lật ngược lại câu hỏi của viên Luật Sĩ, và Ngài hỏi ông ta: „Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?“ (Lc 10,36). Câu trả lời được đưa ra rất phù hợp và nhất quán: „Thưa, đó chính là kẻ đã thực thi Lòng Thương Xót đối với người ấy.“ (Lc 10,27). Khởi đầu dụ ngôn, người thân cận của kẻ dở sống dở chết là vị Tư Tế hay là ông Lê-vi; nhưng ở cuối dụ ngôn thì người thân cận lại chính là người Sa-ma-ri-ta-nô, người đã đến gần người bị nạn. Chúa Giê-su đã thay đổi quan điểm: người ta không nên liệt những người khác vào trong những phạm trù để xem ai là người thân cận và ai không phải. Bạn có thể trở thành người thân cận của bất cứ ai mà bạn gặp gỡ họ khi họ đang rơi vào cảnh khốn cùng; và bạn cũng sẽ trở thành một người thân cận của bất cứ ai khi con tim của bạn được lấp đầy bởi sự chạnh thương, có nghĩa là khi bạn thủ đắc khả năng cùng đau khổ với người khác.

Dụ ngôn này là một món quà tuyệt vời đối với tất cả chúng ta, và cũng là một bổn phận! Đối với từng người một trong chúng ta, Chúa Giê-su sẽ lập lại những lời mà Ngài đã từng hướng về vị Luật Sĩ: „Hãy đi và làm như thế!“ (Lc 10,37). Tất cả chúng ta đều được kêu gọi hãy đi trên con đường của người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu, hãy noi gương Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã cúi mình xuống trước chúng ta và đã trở thành một người phục vụ chúng ta. Ngài đã cứu độ chúng ta để chúng ta cũng có thể yêu thương nhau giống như Ngài đã yêu thương chúng ta.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô, sáng thứ Tư ngày 27 tháng 04 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Văn Kiện Giáo Hội