Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 18.05.2016: Mục 18 – Sự nghèo túng và Lòng Thương Xót (xc. Lc 16,19-31)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Ngày hôm nay Cha muốn cùng với anh chị em dừng lại nơi dụ ngôn về người phú hộ và anh La-gia-rô đói nghèo. Cuộc sống của hai người này có vẻ như diễn ra trên hai con đường song song; những điều kiện sống của họ hoàn toàn trái ngược nhau và không hề có mối tương quan nào với nhau. Những cánh cửa dẫn vào nhà người phú hộ luôn bị đóng kín đối với người nghèo. Người nghèo này nằm ngủ bên ngoài và cố gắng sống nhờ vào những mẫu cơm bánh dư thừa từ bàn ăn của người phú hộ. Người phú hộ vận những bộ quần áo xa hoa, trong khi cơ thể của anh La-gia-rô lại đầy dẫn những mụn ghẻ và lở loét. Người phú hộ thường tổ chức yến tiệc mỗi ngày, trong khi La-gia-lô lại phải chịu đựng sự đói khát. Chỉ có những con chó mới quan tâm tới anh và đến liếm láp những mụn nhọt lở loét của anh. Cảnh này nhắc tới lời khiển trách đầy gay gắt của Con Người trong ngày phán xét cuối cùng: „Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; […] Ta trần truồng, các ngươi đã không cho ta cái gì đề mặc“ (Mt 25,42-43). La-gia-rô đại diện cho tiếng kêu âm ỷ của những người nghèo thuộc mọi thời đại, và là đại diện cho một sự phản kháng trước một thế giới mà trong đó vô vàn những của cải và những tài nguyên chỉ nằm trong tay một số người.

Chúa Giê-su công bố cho chúng ta biết rằng, vào một ngày kia, bất cứ kẻ giầu sang phú hộ nào cũng đều sẽ chết; cả người nghèo lẫn người giầu cũng đều sẽ chết, và số phận của họ cũng giống như số phận chung của tất cả chúng ta. Không ai được miễn trừ khỏi việc đó. Khi ấy, viên phú hộ sẽ hướng về Áp-ra-ham và gọi ông bằng „cha“ để van xin ông (Lc 16,27). Ông đề cao quyền hạn của mình với tư cách là con và là thành viên của dân Chúa. Nhưng trong cuộc sống, ông đã chẳng thèm để ý gì tới Thiên Chúa với bất cứ cách thức nào, thay vào đó, ông đặt chính bản thân mình vào trung tâm điểm của tất cả mọi sự, và tự nhốt mình lại trong thế giới xa hoa và phí phạm của mình. Với việc loại trừ La-gia-rô, ông đã không đếm xỉa gì tới Thiên Chúa, cũng chẳng bận tâm gì tới Lề Luật của Ngài. Làm ngơ giả điếc trước người nghèo có nghĩa là khinh miệt Thiên Chúa! Chúng ta phải học cho kỹ điều này: Làm ngơ giả điếc trước người nghèo có nghĩa là khinh miệt Thiên Chúa. Một chi tiết của dụ ngôn rất đáng lưu ý: Người phú hộ đã không có danh xưng nhưng chỉ có tính từ: ông ta được mô tả bằng một tính từ là: „người phú hộ“, nhưng tên gọi của người nghèo lại được lập đi lập lại tới 5 lần: „La-gia-rô“ có nghĩa là „Thiên Chúa cứu giúp“. Việc anh La-gia-rô ngồi bó gối trước cửa nhà là một lời kêu gọi sống động hướng về viên phú hộ để nhắc cho ông nhớ tới Thiên Chúa, Đấng đã không được viên phú hộ đón tiếp. Vì thế, ông sẽ không bị kết án vì sự giầu có của mình, nhưng về sự thiếu khả năng của ông trong việc đồng cảm với La-gia-rô, cũng như thiếu khả năng trong việc giúp đỡ người nghèo này.

Trong phần hai của dụ ngôn, chúng ta tái gặp lại anh La-gia-rô và viên phú hộ sau khi họ chết (Lc 16,21-31). Trong thế giới bên kia, tình thế đã đảo ngược hoàn toàn: Anh La-gia-tô nghèo túng được các Thiên Thần đưa lên Trời, đặt vào lòng Áp-ra-ham, trong khi đó viên phú hộ lại phải gánh chịu những đày đọa và cực hình. Vì thế, viên phú hộ „ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-gia-rô trong lòng tổ phụ“ (Lc 16,23). Có lẽ đây là lần đầu tiên ông ta thấy La-gia-rô, nhưng những lời của ông đã phản lại ông: „Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-gia-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!“ (Lc 16,24). Giờ đây viên phú hộ nhận ra La-gia-rô và xin anh giúp đỡ, sau khi ông đã giả vờ không nhìn thấy anh lúc ông còn sống. Rất nhiều người vẫn thường làm như thể là họ không hề nhìn thấy những người nghèo túng! Đối với họ, những người nghèo không hiện hữu. Trước tiên, ông đã từ chối anh, thậm chí còn khước từ anh cả những mẩu thức ăn dư thừa từ bàn ăn của ông, và giờ đây ông lại muốn được anh cho uống! Ông vẫn còn tin để nghĩ đến những quyền lợi từ địa vị xã hội đã qua của ông. Trong khi giải thích cho viên phú hộ biết rằng, việc thực hiện theo nguyện vọng của ông là điều không thể, chính Áp-ra-ham đã đưa ra chiếc chìa khóa để hiểu toàn bộ câu chuyện. Ông giải thích rằng, sự thiện và sự ác đã được phân ra, để bù đắp lại những bất công trên trần gian, và chiếc cửa mà nó phân tách người giầu khỏi người nghèo trong cuộc sống, sẽ biến thành „một vực sâu thăm thẳm“. Chừng nào La-gia-rô vẫn còn đứng yên trước cửa nhà ông, thì chừng ấy, viên phú hộ vẫn còn có khả năng để được cứu, để mở cánh cổng ra và để giúp đỡ La-gia-rô. Nhưng giờ đây cả hai đều đã chết và tình thế không còn được khắc phục nữa. Thiên Chúa đã không bao giờ được tạo điều kiện để xuất hiện cách trực tiếp, nhưng dụ ngôn hàm chứa một lời cảnh báo thật rõ ràng: Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đối với chúng ta đứng trong mối liên kết với Lòng Thương Xót của chúng ta đối với tha nhân. Nếu Lòng Thương Xót của chúng ta đối với tha nhân bị thiếu, thì Lòng Xót Thương của Thiên Chúa cũng không thể tìm thấy được chỗ trong con tim bị khép kín của chúng ta; Lòng Thương Xót của Ngài không thể bước vào. Nếu tôi không mở cánh cửa con tim của tôi ra cho những người nghèo, thì cánh cửa này sẽ luôn luôn bị đóng kín, ngay cả đối với Thiên Chúa. Và đó là điều khủng khiếp.

Trong hoàn cảnh này, viên phú hộ mới nghĩ tới những người anh em của mình, tức những người đang có nguy cớ sẽ kết thúc cuộc đời như ông. Ông đã xin phép cho La-gia-rô được quay trở về thế gian để cảnh báo những người anh em của ông. Nhưng Áp-ra-ham đã trả lời rằng: „Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó!“ (Lc 16,29). Để hoán cải, chúng ta không được phép mong chờ những biến cố diệu kỳ, nhưng phải mở con tim của chúng ta ra cho Lời Thiên Chúa, Lời ấy đang kêu gọi chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa và thương yêu tha nhân. Lời Chúa có thể làm cho một con tim đang bị khô héo được hồi sinh, và chữa lành nó khỏi sự mù lòa mà nó đang mang. Thực ra viên phú hộ đã có thể nghe theo Lời Chúa, nhưng ông đã không nghe, và không đón nhận Lời ấy vào trong con tim của ông. Vì thế ông đã không có khả năng mở cặp mắt ra cũng như không có khả năng trong việc thể hiện sự cảm thông với người nghèo. Chẳng có sứ giả và cũng chẳng có vị đại sứ nào có thể thay thế được cho những người nghèo mà chúng ta vẫn thường gặp họ trên con đường cuộc sống của chúng ta, vì chính Chúa Giê-su sẽ đến với chúng ta trong những con người đó: „Điều gì các ngươi làm cho một trong những người anh em nhỏ bé nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy“ (Mt 25,40) – Chúa Giê-su đã nói như thế. Mầu nhiệm cứu độ của chúng ta được cất giấu trong sự đảo chiều hoàn toàn của số phận, như nó được mô tả trong dụ ngôn, mà trong đó Chúa Ki-tô đã liên kết sự nghèo túng với Lòng Thương Xót. Anh chị em thân mến, trong khi tất cả chúng ta cùng với những người nghèo trên mặt đất lắng nghe Tin Mừng, chúng ta hãy cùng hát lên với Mẹ Maria: „Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giầu có, Chúa đuổi về tay trắng“ (Lc 1,52-53).

Quảng trường Thánh Phê-rô sáng thứ Tư ngày 18 tháng 05 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Văn Kiện Giáo Hội