Bài Suy niệm của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc viếng thăm Vương Cung Thánh Đường Santa Maria degli Angeli, Assisi, ngày 04.08.2016

Anh chị em thân mến,

Ngày hôm nay Cha muốn đặc biệt nhắc tới những lời, mà theo tương truyền ngay tại đây, Thánh Phan-xi-cô đã nói trước toàn dân và trước các Giám mục rằng: „Tôi muốn đưa tất cả quý vị vào Thiên Đàng!“ Poverello (cánh tay nhỏ - theo cách nói của người Ý dành cho Thánh Phan-xi-cô) của Assisi còn có thể khát khao điều gì tốt đẹp hơn ngoài ơn cứu độ, ngoài cuộc sống vĩnh cửu với Thiên Chúa, và ngoài niềm vui không cùng mà Chúa Giê-su đã giành được cho chúng ta với cái chết và sự phục sinh của Ngài?

Và bên cạnh đó, Thiên Đàng là gì nếu không phải là mầu nhiệm Tình Yêu mà nó liên kết chúng ta với Thiên Chúa mãi mãi, để chúng ta có thể chiêm ngưỡng Ngài chẳng khi nào ngơi? Giáo hội không ngừng tuyên xưng niềm tin ấy khi Giáo hội nói rằng, mình tin vào mầu nhiệm hiệp thông của các Thánh (mà bản Kinh Tin Kính tiếng Việt viết rằng: tôi tin Các Thánh thông công). Vì Đức Tin, nên chúng ta không bao giờ cô độc với cuộc sống của chúng ta; các Thánh và các Chân Phúc thực hiện cho chúng ta sự hiệp thông, giống như những người thân của chúng ta đã sống Đức Tin trong sự hiệp nhất và trong niềm vui, và đã làm chứng cho Đức Tin ấy trong cuộc sống của họ. Có một sự hiệp thông vô hình, nhưng không phải vì thế mà không hiện hữu, và sự hiệp thông ấy làm cho chúng ta trở thành „một thân thể“ nhờ vào Bí Tích Thanh Tẩy mà chúng ta đã lãnh nhận, được gây phấn chấn bởi „một Thần Khí“ (xc. Eph 4,4). Có lẽ, khi Thánh Phan-xi-cô thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng Honorius III ban ơn Toàn Xá cho tất cả những ai hành hương tới Portiuncula, thì Ngài cũng đã có trong đầu những lời mà Chúa Giê-su nói với các môn đệ của Ngài: „Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không phải như thế, thì Thầy đâu có nói với anh em rằng, Thầy đi để dọn chỗ cho anh em. Và nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó với Thầy“ (Ga 14,2-3).

Sự tha thứ chắc chắn là con đường chính mà người ta phải đi lên để đạt được một chỗ nơi Thiên Đàng. Và ở đây, ngay tại Portiuncula này, tất cả đều nói về sự tha thứ! Thiên Chúa đã ban cho chúng ta hồng ân trọng đại nào khi Ngài dậy chúng ta về sự tha thứ, để làm cho chúng ta đụng chạm tới được Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha với đôi tay! Chúng ta vừa mới nghe dụ ngôn mà với nó, Chúa Giê-su đã chỉ thị cho chúng ta phải tha thứ (xc. Mt 18,21-35). Tại sao chúng ta lại phải tha thứ cho người mà họ đã làm điều ác cho chúng ta? Thưa, vì trước tiên, chúng ta đã được tha thứ rồi, và sự tha thứ ấy là vô hạn. Dụ ngôn nói rõ với chúng ta về điều đó: Nếu như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta, thì chúng ta cũng phải tha thứ cho người đã gây ra điều ác cho chúng ta. Điều đó cũng được thể hiện ngay cả trong lời cầu nguyện mà Chúa Giê-su đã dậy chúng ta, tức Kinh Lạy Cha, khi chúng ta thưa: „Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ mắc lỗi với chúng con“ (Mt 6,12). Những nợ nần và những lỗi lầm chính là tội lỗi của chúng ta trước mặt Thiên Chúa, và những kẻ có lỗi với chúng ta chính là những kẻ mà chúng ta cũng phải tha thư cho họ.

Mỗi người trong chúng ta cũng đều có thể trở thành viên đầy tớ trong dụ ngôn, tức kẻ đáng lẽ ra đã phải thanh toán một món nợ rất lớn, nhưng món nợ đó quá lớn đến độ không bao giờ anh ta có thể vượt qua được. Nếu chúng ta quỳ gối trước vị Linh mục trong Tòa Giải Tội, chúng ta cũng sẽ chẳng làm bất cứ điều chi khác ngoài việc lập lại cử chỉ của chính viên đầy tớ này: „Lạy Chúa, xin hãy tỏ lòng khoan dung với con!“ Thực ra, chúng ta biết rất rõ rằng, chúng ta tràn ngập những lỗi lầm, và thường tái sa vào chính những tội lỗi mà chúng ta đã phạm. Nhưng Thiên Chúa lại không bao giờ mệt mỏi trong việc luôn giới thiệu cho chúng ta ơn tha thứ của Ngài, bất cứ khi nào chúng ta xin cho được ơn đó. Đó là ơn tha thứ hoàn toàn, một ơn Toàn Xá, mà với nó, Ngài ban cho chúng ta niềm vững tin rằng, bất chấp việc chúng ta có thể tái sa vào những lỗi lầm mà chúng ta đã phạm, Ngài cũng vẫn tỏ Lòng Thương Xót với chúng ta, và không bao giờ ngừng yêu thương chúng ta. Như nhà vua trong dụ ngôn, Thiên Chúa cũng tỏ Lòng Thương Xót với chúng ta như thế, điều đó có nghĩa là, sự đồng cảm được liên kết với Tình Yêu trìu mến sẽ hoàn toàn xâm chiếm Ngài: Đó là một cách diễn tả để mô tả về Lòng Thương Xót của Ngài đối với chúng ta. Thực ra, Thiên Chúa Cha của chúng ta thì thương xót luôn luôn, khi chúng ta cảm thấy thống hối, và Ngài cho phép chúng ta đi về nhà với con tim thanh thản và sung sướng, vì Ngài nói với chúng ta rằng, Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi tất cả, cũng như đã tha thứ tất cả cho chúng ta. Ơn tha thứ của Thiên Chúa không biết tới những giới hạn; nó vượt lên trên tất cả mọi tưởng tượng của chúng ta, và đến được với bất cứ ai thú nhận từ trong thâm tâm rằng, mình đã phạm phải nhiều lỗi lầm, và muốn quay trở về cùng Thiên Chúa. Thiên Chúa nhìn tới con tim biết cầu xin ơn tha thứ.

Nhưng tiếc rằng, vấn đề lại nằm ở chỗ khi chúng ta bắt đầu so sánh mình với một người bên cạnh mà họ đã thực hiện cho chúng ta một sự bất công nho nhỏ. Sự phản ứng mà chúng ta vừa nghe trong dụ ngôn, có sức biểu cảm rất cao: „Y liền túm lấy anh ta, bóp cổ và bảo: ´Trả nợ cho tao!`“ (Mt 18,28). Trong cảnh này, chúng ta đối diện với thảm kịch nơi những mối tương quan giữa con người với nhau. Nếu chúng ta mắc lỗi với người khác về một điều chi đó, thì chúng ta van xin Lòng Thương Xót; nhưng ngược lại, khi chúng ta muốn đòi nợ người khác thì chúng ta lại nại tới đức công bình! Nhưng nếu cứ viện cớ công bình để ỳ ra đó thì thực ra chúng ta đã chứng minh rằng mình không đủ tư cách làm môn đệ Chúa Ki-tô, tức những người đã đón nhận Lòng Thương Xót dưới chân Thập Giá, chỉ nhờ vào một điều duy nhất là Tình Yêu của Con Thiên Chúa. Chúng ta đừng quên những lời rất cứng cỏi sau đây, mà với chúng, dụ ngôn đã khép lại: „Do đó, Cha của Thầy trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình“ (Mt 18,35).

Anh chị em thân mến, ơn tha thứ mà đối với nó, Thánh Phan-xi-cô đã biến mình thành một „kênh“, vẫn đang còn tiếp tục diễn ra tại Portiuncula này sau 800 năm, „để tạo ra Thiên Đàng“. Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, vấn đề sẽ còn trở nên sáng tỏ hơn để cho thấy con đường tha thứ có thể thực sự canh tân Giáo hội và thế giới như thế nào. Làm chứng cho Lòng Thương Xót trong thế giới ngày nay chính là một sứ mạng mà không ai trong chúng ta có thể lẩn tránh. Thế giới cần tới ơn tha thứ; quá nhiều người đang sống khép kín trong mối ác cảm, cũng như đang nâng niu sự thù hận, vì họ không có khả năng tha thứ. Và như thế, họ đang hủy hoại cuộc sống của chính mình và của người khác thay vì tìm thấy niềm vui của sự vô tư và của bình an. Chúng ta hãy khấn xin cùng Thánh Phan-xi-cô, xin Ngài cầu thay nguyện giúp cho chúng ta để chúng ta không ngừng trở nên những dấu chỉ đầy khiêm nhượng của sự tha thứ, cũng như không ngừng trở nên những khí cụ của Lòng Thương Xót.

Vương Cung Thánh Đường Santa Maria degli Angeli, Assisi, ngày mồng 04 tháng 08, năm 2016

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội