Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật 17.07.2016:Anh chị em hãy nhớ cho kỹ lời này: Lắng nghe!

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Lu-ca đã tường thuật về việc Chúa Giê-su đi lên Giê-ru-sa-lem và ghé vào thăm một gia đình trong một ngôi làng. Hai chị em của gia đình này là Mác-ta và Maria đã tiếp đón Ngài (xc. Lc 10,38-42). Cả hai đều tiếp đón Chúa Giê-su với tất cả sự hiếu khách, nhưng họ thực hiện việc này theo những cách thức khác nhau. Maria ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe những lời của Ngài (xc. Lc 10,39), còn Mác-ta thì lại hoàn toàn bận rộn với nhiều việc để tiếp đón Ngài. Vào một lúc nào đó, Chị đã nói với Chúa Giê-su: „Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay!“ (Lc 10,40). Và Chúa Giê-su đã trả lời chị: „Mác-ta, Mác-ta, con băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi!“ (Lc 10, 41-42).

Trong khi Mác-ta cố gắng hết sức và quá bận rộn, chị rơi vào nguy cơ – và đó là vấn đề -, quên mất điều quan trọng nhất, tức là sự hiện diện của vị khách, và trong trường hợp này, vị khách đó là Chúa Giê-su. Chị đã quên mất sự hiện diện của vị khách. Và khách khứa thì không chỉ được phục vụ, chăm sóc và đón tiếp cách đơn giản. Việc người ta lắng nghe khách là điều đặc biệt cần thiết. Anh chị em hãy nhớ cho kỹ lời này: Lắng nghe! Vì khách phải được đón tiếp với tư cách là một con người với những câu chuyện và với con tim giầu cảm xúc và suy nghĩ của mình, đến độ vị khách có thể cảm nhận được việc mình đang thực sự thuộc về gia đình. Nhưng nếu khi bạn đón một người khách vào trong nhà mình, sau đó bỏ đi để làm những việc khác, còn khách thì bị để lại một mình ở đó – chẳng có ai nói chuyện với khách, và bạn cũng chẳng nói lời nào với họ - thì rồi vị khách đó sẽ trở nên như cục đá: một vị khách bằng đá. Không! Người ta phải lắng nghe khách! Một cách nào đó, những lời mà Chúa Giê-su nói với Mác-ta, khi Ngài nói rằng, chỉ có một điều cần thôi -, đã tìm thấy ý nghĩa tròn đầy của nó trong mối liên hệ tới việc lắng nghe Lời của chính Chúa Giê-su, mà Lời ấy có khả năng chiếu sáng và đỡ nâng tất cả những gì chúng ta là và chúng ta làm. Khi chúng ta bước vào trong sự cầu nguyện, chẳng hạn như trước Đấng Chịu Đóng Đinh, và nếu chúng ta chỉ nói, nói và nói, và sau đó bỏ đi, thì chúng ta đâu có lắng nghe Chúa Giê-su! Chúng ta bắt Ngài phải nghe những lời của chúng ta nhưng lại không cho phép Ngài đi vào lòng mình. Lắng Nghe: đó là từ khóa. Xin anh chị em đừng quên điều đó! Và chúng ta không được phép quên rằng, Chúa Giê-su trước tiên là một vị Chúa và là một vị tôn sư khi Ngài đi vào nhà của Mác-ta và Maria với tư cách là một người hành hương và người khách. Vì thế, Lời của Ngài có ý nghĩa trước tiên và trực tiếp là: „Mác-ta, Mác-ta, tại sao con lo lắng quá nhiều cho khách khứa đến độ con quên đi mất sự hiện diện của họ? – Vị khách đó là đá sao! Để tiếp đón khách, không cần tới quá nhiều điều; trái lại, chỉ có một điều cần thiết mà thôi: Lắng nghe khách – đó là lời: lắng nghe khách -, mang đến cho khách một cử chỉ huynh đệ, đến độ họ cảm thấy rằng họ đang ở trong một gia đình chứ không phải trong một quán trọ tạm thời.

Hiểu như thế, niềm hiếu khách mà nó là một trong những công việc của Đức Xót Thương, thực sự biểu lộ như là một đức hạnh nhân bản và Ki-tô giáo, đó là một đức hạnh mà trong thế giới hôm nay đang có nguy cơ bị lãng quên. Trong thực tế, con số những nhà dưỡng lão và những trại hưu dưỡng đang tăng lên, nhưng một niềm hiếu khách thực sự không phải lúc nào cũng đều được thực hiện trong những trại dưỡng lão ấy. Nhiều cơ quan và tổ chức khác nhau đã được thành lập để đón nhận về cho mình những người mang đủ loại dạng thức bệnh tật, cô đơn và bị đẩy ra bên lề xã hội, nhưng đối với những người đang là khách lạ, đang bị đẩy ra rìa cuộc sống, đang bị loại trừ, thì xem ra rất khó có thể tìm thấy được một người nào đó sẵn sàng lắng nghe mình, để lắng nghe những câu chuyện đầy thương tâm: vì họ là một ngoại kiều, là một người tị nạn, là một di dân. Thậm chí ngay tại nhà, giữa các thành viên trong gia đình, có thể rất dễ dàng tìm thấy những người phục vụ và những người chăm sóc thuộc đủ mọi hình thức khác nhau, với tư cách là những người lắng nghe và những người đón nhận. Ngày hôm nay, giữa những cảnh huyên náo và vội vã, chúng ta đang bị xâm chiếm bởi rất nhiều những vấn đề mà chúng chẳng hề quan trọng chút nào, nhưng chúng lại đang làm cho chúng ta đánh mất đi khả năng lắng nghe. Chúng ta thường xuyên bận rộn và không có thời giờ để lắng nghe. Và Cha muốn hỏi anh chị em, muốn đặt ra một câu hỏi, nhưng mỗi người hãy tự trả lời lấy trong thâm tâm của mình: Hỡi những người làm chồng, các bạn có thời gian để lắng nghe vợ mình hay không? Và hỡi những người làm vợ, các bạn có thời gian để lắng nghe chồng mình hay không? Hỡi những bậc cha mẹ, anh chị em có dám „mất giờ“ để lắng nghe con cái của anh chị em không? Hay có thời gian để lắng nghe những cụ ông, cụ bà, những bậc cao niên hay không? - „Nhưng những cụ ông, cụ bàn chỉ luôn nói những điều gây nhàm chán…“ Dẫu vậy mặc lòng, các cụ ông cụ bà lại đang có nhu cầu cần được lắng nghe! Lắng nghe. Cha xin anh chị em hãy học để lắng nghe, và dành nhiều thời gian hơn nữa cho việc đó. Chìa khóa dẫn tới sự bình an nằm trong khả năng biết lắng nghe.

Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Thân Mẫu của sự lắng nghe và của sự phục vụ ân cần, dậy cho chúng ta biết luôn sẵn sàng tiếp đón và hiếu khách đối với những người anh chị em của chúng ta.

Quảng trường Thánh Phê-rô, trưa Chúa Nhật ngày 17 tháng 07 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội