Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Đọc Kinh Truyền Tin chung trưa Chúa Nhật 24.07.2016: Xin Cha ban cho chúng con Chúa Thánh Thần!

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay (Lc 11,1-13) bắt đầu với cảnh mà ở đó chỉ có Chúa Giê-su cầu nguyện trong sự đơn độc. Nhưng khi Ngài cầu nguyện xong, các môn đệ đã đến và xin Ngài: „Xin Thầy dậy chúng con cách cầu nguyện“ (Lc 11,1). Và Ngài trả lời: „Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha, …“ (Lc 11,2). Lời này chính là „mầu nhiệm“ trong sự cầu nguyện của Chúa Giê-su. Nó là chìa khóa mà chính Ngài đã trao cho chúng ta, để chúng ta cũng có thể bước vào trong mối tương quan của cuộc đối thoại đầy tín thác với Thiên Chúa Cha, mà cuộc đối thoại đó đã đồng hành và đỡ nâng toàn bộ cuộc sống của Ngài. Với lời thưa: „Lạy Cha“, Chúa Giê-su đã nối kết hai lời cầu xin: „Xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến“ (Lc 11,2). Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su và cũng là lời cầu nguyện Ki-tô giáo, hệ tại trước tiên ở chỗ tạo không gian cho Thiên Chúa, để Ngài biểu lộ sự thánh thiện của Ngài trong chúng ta, thúc đẩy Triều Đại của Ngài, phát xuất từ khả năng để cho quyền thống trị của Tình Yêu Ngài hoạt động trong chúng ta.

Ba lời cầu xin sau đó bổ sung cho lời cầu mà Chúa Giê-su dậy chúng ta: „Lạy Cha chúng con“. Đó là ba lời cầu xin mà chúng diễn tả những nhu cầu căn bản của chúng ta: lương thực, sự tha thứ và ơn trợ giúp trong những cơn cám dỗ (Lc 11,3-4). Người ta không thể sống nếu không có lương thực, người ta cũng không thể sống nếu không có sự tha thứ, và người ta cũng không thể sống nếu không có ơn trợ giúp của Thiên Chúa trong những cơn cám dỗ. Lương thực mà Chúa Giê-su cầu xin cho chúng ta, chính là lương thực cần thiết, đó là lương thực mà người ta không tích lũy cũng không lãng phí, nó không gây ảnh hưởng xấu tới chúng ta trên con đường mà chúng ta đi. Ơn tha thứ trước tiên là điều mà bản thân chúng ta đã đón nhận từ Thiên Chúa: Chỉ khi ý thức mình là những tội nhân, là những kẻ đã được tha thứ bởi Lòng Xót Thương vô biên của Thiên Chúa, thì lúc đó chúng ta mới có thể được tạo cơ hội để có được những cử chỉ cụ thể của sự giao hòa huynh đệ. Nếu một ai đó không cảm thấy mình là một tội nhân, một người đã được tha thứ, thì người đó sẽ không bao giờ có thể thực hiện được một cử chỉ tha thứ hay giao hòa. Người ta bắt đầu từ trong tâm hồn, bằng cách là người ta cảm thấy mình là một tội nhân, là người đã được tha thứ. Lời cầu xin cuối cùng: „Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ“, diễn tả niềm ý thức về thân phận chúng ta, tức thân phận luôn luôn bị liên lụy bởi những đeo bám của sự ác và của sự hủ hóa. Tất cả chúng ta đều biết cơn cám dỗ là gì!

Giáo huấn của Chúa Giê-su về việc cầu nguyện tiếp diễn với hai dụ ngôn, mà với chúng, Ngài đã sử dụng thái độ của người bạn này với người bạn kia, và thái độ của người cha với đứa con của ông, như một mẫu gương (xc. Lc 11,5-12). Cả hai đều muốn dậy chúng ta hãy hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, Đấng là Cha. Ngài biết rõ những nhu cầu của chúng ta hơn cả chính chúng ta nữa, nhưng Ngài muốn rằng, chúng ta hãy can đảm và thường xuyên mang những nhu cầu đó đến trước mặt Ngài, vì đó là cách thức chúng ta tham dự vào công trình cứu độ của Ngài. Lời cầu nguyện chính là „công cụ“ đầu tiên và chính yếu trong đôi tay của chúng ta! Kiên quyết theo đuổi một điều chi đó trước mặt Thiên Chúa không giúp để thuyết phục Ngài, nhưng làm cho Đức Tin và sự kiên nhẫn của chúng ta được trở nên mạnh mẽ hơn, cũng như tăng cường khả năng của chúng ta trong việc cùng với Thiên Chúa, chiến đấu cho những điều quan trọng và cần thiết thực sự. Trong cầu nguyện, chúng ta luôn luôn là hai: Thiên Chúa và tôi cùng chiến đấu cho những điều quan trọng.

Giữa những điều này, có một điều chi đó quan trọng đặc biệt, một điều chi đó mà Chúa Giê-su nói với chúng ta về nó trong bài Tin Mừng hôm nay, nhưng đó là điều mà hầu như không bao giờ chúng ta cầu xin, và đó là Chúa Thánh Thần. „Xin ban cho con Chúa Thánh Thần.“ Và Chúa Giê-su nói điều đó: „Vậy nếu anh em  là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, chẳng lẽ Người lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người hay sao?“ (Lc 11,13). Hãy xin Chúa Thánh Thần! Chúng ta phải cầu xin để Chúa Thánh Thần đến với chúng ta. Nhưng xin Chúa Thánh Thần đến để làm gì? Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta có được một cuộc sống tốt đẹp, một cuộc sống hoàn toàn khôn ngoan và đầy Tình Yêu, bằng cách là người ta thực thi Thánh Ý Thiên Chúa. Vậy còn lời cầu nguyện nào là lời cầu nguyện tuyệt vời hơn trong tuần này khi mỗi người trong chúng ta cầu xin với Thiên Chúa Cha: „Xin Cha ban cho chúng con Chúa Thánh Thần!

Cầu xin Mẹ Thiên Chúa chỉ cho chúng ta điều đó với sự hiện diện của Mẹ, mà sự hiện diện ấy được gây phấn chấn hoàn toàn bởi Chúa Thánh Thần. Xin Mẹ giúp chúng ta biết kết hiệp với Chúa Giê-su để cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha, hầu không sống theo tinh thần thế tục, nhưng sống theo Tin Mừng, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

 

Quảng Trường Thánh Phê-rô, trưa Chúa Nhật ngày 24 tháng 07 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội