Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 03.08.2016: Suy tư về Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Cracow

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay Cha muốn thực hiện một suy tư ngắn về chuyến Tông Du tới Ba-lan mà Cha đã thực hiện trong mấy ngày vừa qua. Chuyến công du này được thực hiện nhân dịp Ngày Quốc Tế Giới Trẻ được tổ chức tại Tschenstochau sau 25 năm kể từ ngày Quốc Tế Giới Trẻ có tính lịch sử được cử hành cũng tại Tschenstochau chỉ một thời gian ngắn sau sự sụp đổ của „bức tường sắt“. Trong 25 năm này, Ba-lan đã thay đổi, Châu Âu đã thay đổi và thế giới cũng đã đổi thay, và Ngày Quốc Tế Giởi Trẻ này đã trở thành dấu chỉ có tính Ngôn Sứ đối với Ba-lan, đối với Châu Âu và đối với cả thế giới. Thế hệ giới trẻ mới – di sản và là những người tiếp tục chuyến công du hành hương được bắt đầu bởi Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II – đã đưa ra câu trả lời cho những thách đố của thời đại hôm nay, đã đưa ra dấu chỉ của niềm hy vọng, và dấu chỉ này có nghĩa là tình huynh đệ. Vì ngay trong thế giới này, tức thế giới đang bị ngự trị bởi chiến tranh, người ta đang cần tới tình huynh đệ, đang cần tới sự gần gũi, đang cần tới sự đối thoại, đang cần tới tình bằng hữu. Và đó là dấu chỉ của niềm hy vọng: khi tình huynh đệ tiến về phía trước.

Chúng ta hãy bắt đầu với các bạn trẻ mà họ là lý do đầu tiên đối với chuyến công du này. Họ đã tái trả lời cho tiếng gọi: Họ đã đến từ khắp thế giới – một số trong họ vẫn còn đang ở đây -, một lễ hội với những sắc màu, những khuôn mặt, những ngôn ngữ và những câu chuyện khác nhau. Cha không biết họ thực hiện điều đó bằng cách nào: Họ nói các ngôn ngữ khác nhau, nhưng họ vẫn có thể hiểu nhau! Tại sao vậy? Vì họ có niềm mong ước muốn cùng nhau lên đường để xây dựng những chiếc cầu, họ muốn có tình huynh đệ.

Họ cũng đã đến với những vết thương và những vấn nạn của mình, nhưng đặc biệt là với niềm vui để gặp gỡ nhau; và họ đã tái hình thành nên một bức tranh khảm của tình huynh đệ. Người ta có thể nói về một bức tranh khảm của tình huynh đệ. Một biểu tượng cho những ngày Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ chính là một đại dương đa sắc màu của những lá cờ mà chúng được phất lên bởi những bạn trẻ: Trong thực tế, các lá cờ của các quốc gia đã trở nên đẹp hơn trong Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, có thể nói được rằng, chúng được „sửa lại cho tốt hơn“, và đó cũng là những lá cờ của các quốc gia đã và đang đứng trong sự giao chiến với nhau, nhưng lại bay lượn sát bên nhau. Và đó là điều tuyệt diệu! Ngay cả ở đây cũng đang có những lá cờ… Chúng ta hãy nhìn kìa! Vì thế, trong cuộc đại hội này, các bạn trẻ trên khắp thế giới đã lĩnh hội được sứ điệp của Lòng Thương Xót để biến nó thành những công việc cả ở khía cạnh tinh thần lẫn nơi thể xác, trên khắp mọi nơi.

Cha xin cám ơn tất cả các bạn trẻ đã đến Cracow! Và Cha xin cám ơn tất cả những ai đã hiệp thông với chúng tôi từ khắp nơi trên thế giới! Vì tại nhiều quốc gia, những Cuộc Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ với quy mô nhỏ hơn cũng đã được cử hành, trong sự hiệp thông với Đại Hội Giới Trẻ tại Cracow. Ước chi hồng ân mà anh chị em đã lãnh nhận, sẽ có thể trở thành lời đáp trả mỗi ngày trước tiếng gọi mời của Thiên Chúa. Một sự tưởng nhớ đầy yêu mến xin được dành cho Susanna, cô bé đến từ Giáo phận Rô-ma này, đã qua đời tại Viên ngay sau khi tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Ước gì Thiên Chúa, Đấng – trong một cách thức nào đó – đã đón nhận cô bé vào Nước Trời, cũng sẽ an ủi những người thân và những bạn bè của cô.

Trong chuyến công du nêu trên, Cha cũng đã viếng thăm Thánh Địa Tschenstochau. Trước bức ảnh Mẹ Thiên Chúa, Cha đã coi việc được ngước nhìn lên Mẹ như là một hồng ân. Trong một cách thức đặc biệt, Mẹ chính là Mẹ của dân tộc Ba-lan, của bất cứ quốc gia nào đã và đang phải chịu đựng nhiều khổ đau, và trong sức mạnh của Đức Tin cũng như nhờ vào cánh tay từ mẫu của Mẹ, vẫn luôn tái đứng dậy. Cha đã chào thăm một số người Ba-lan trong đại sảnh đường này. Anh chị em chính là những con người tốt lành, anh chị em chính là những con người tốt lành! Ở đó, dưới cái nhìn, người ta hiểu ra được ý nghĩa thiêng liêng của con đường mà dân tộc này đã và đang đi lên, mà lịch sử của dân tộc ấy liên kết một cách mật thiết với Thập Giá Chúa Ki-tô. Ở đó, người ta có thể đụng chạm một cách trực tiếp tới Đức Tin của dân Thánh luôn tín trung với Thiên Chúa, và luôn duy trì niềm hy vọng xuyên qua những thử thách – và cũng đang bảo vệ sự khôn ngoan, mà sự khôn ngoan ấy chính là sự cân bằng giữa truyền thống và sự đổi mới, giữa ký ức và tương lai. Và người Ba-lan trên toàn Âu Châu đang nhắc nhớ rằng, không thể có tương lai đối với châu lục này nếu như không có những giá trị nền tảng của nó, mà quan điểm Ki-tô giáo về con người đứng trong trung tâm điểm của nó. Lòng Thương Xót cũng thuộc về những giá trị đó, mà những tông đồ của Lòng Thương Xót chính là hai người con của dân tộc Ba-lan: Thánh Faustyna Kowalska và Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II. Sau cùng, chuyến công du này cũng hướng đến đường chân trời của thế giới, đó là một thế giới đang được kêu gọi hãy trả lời cho những thách đố của một cuộc thế chiến „theo từng mảng“ mà chúng đang đe doa thế giới. Và ở đây, sự thinh lặng lớn của cuộc viếng thăm trại tập trung Auschwitz-Birkenau hùng hồn hơn bất cứ lời nói nào. Trong sự thinh lặng ấy, Cha đã nhận ra được tất cả các tâm hồn mà họ đã đi ngang qua đó, đã đụng chạm tới họ; Cha đã cảm nhận được sự cảm thông và Lòng Xót Thương của Thiên Chúa, mà sự cảm thông và Lòng Thương Xót ấy đã có thể đạt tới được một số tâm hồn thánh thiện trong vực sâu âm u ấy.

Trong sự thinh lặng lớn ấy, Cha đã cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của bạo lực và chiến tranh. Và ở đó, nơi Cha vừa nói, Cha đã hiểu rõ hơn về giá trị của sự tưởng nhớ - không chỉ là một sự hồi tưởng về những sự kiện đã qua, nhưng là một sự cảnh báo, cũng như là trách nhiệm đối với ngày hôm nay và ngày mai, để mầm mống hận thù và bạo lực không còn có thể đâm rễ vào trong mảnh đất lịch sử nữa. Và sự tưởng nhớ tới những cuộc chiến tranh cũng như tới rất nhiều những vết thương, tới nhiều nỗi khổ đau mà nhiều người đã phải chịu đựng, cũng có giá trị đối với nhiều người nam và nữ trong thời đại hôm nay mà họ đang phải đau khổ vì những cuộc chiến tranh: đó là rất nhiều những người anh chị em của chúng ta. Khi Cha quan sát sự tàn bạo trong trại tập trung đó, Cha đã ngay lập tức nghĩ tới những hành vi tàn ác của thời đại hôm nay, chúng giống hệt như thế: tuy nhiên chúng không chỉ tập trung tại một nơi như ở đó, nhưng phát tán khắp nơi trên thế giới. Thế giới này đang bị mắc bệnh vì sự tàn bạo, vì nỗi khổ đau, vì chiến tranh, vì hận thù và vì sự buồn chán. Và Cha xin anh chị em hãy cầu nguyện cho thế giới này: xin Thiên Chúa ban hòa bình xuống cho chúng ta! Cha đã tạ ơn Thiên Chúa và Đức Trinh Nữ Maria về tất cả những điều đó. Và Cha xin tái bày tỏ niềm biết ơn của Cha đối với ngài tổng thống Ba-lan cũng như đối với những người có trách nhiệm khác, đồng thời Cha cũng xin bày tỏ niềm biết ơn đối với Đức Hồng Y Tổng Giám Mục của Cracow, đối với tất cả các Đức Giám Mục Ba-lan cũng như đối với tất cả những ai đã tạo điều kiện cho sự kiện này được diễn ra tốt đẹp, với muôn vàn cách thế khác nhau, dân tộc Ba-lan đã trao tặng cho Âu Châu và cho thế giới một dấu chỉ của tình huynh đệ và của hòa bình. Cha cũng xin cám ơn các tình nguyện viên trẻ, họ đã làm việc trong suốt hơn một năm trời để chuẩn bị cho biến cố này, và Cha cũng xin cám ơn giới truyền thông, cám ơn tất cả những ai đã làm việc trong các phương tiện truyền thông: Xin cám ơn anh chị em vì anh chị em đã quan tâm tới sự kiện đó, nhờ anh chị em mà nhiều người trên toàn thế giới có thể theo dõi Ngày Quốc Tế Giới Trẻ ấy. Và ở đây Cha không được phép quên chị Anna Maria Jacobini, một nữ ký giả người Ý, chị đã đột ngột qua đời ngay trong khi tác nghiệp. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho chị: Chị đã rời bỏ chúng ta trong khi chị đang thi hành sứ mạng của mình. Xin cám ơn anh chị em.

Đại sảnh đường Vatican, thứ Tư ngày mồng 03 tháng 08 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội