Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung Trưa Chúa Nhật 14.08.2016:Ngọn lửa mà Chúa Giê-su nói tới, là ngọn lửa Thánh Thần

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay (Lc 12,49-53) là một phần của những bài giáo huấn mà Chúa Giê-su đã dành cho các môn đệ, trong lúc Ngài đi lên Giê-ru-sa-lem, nơi cuộc khổ nạn Thập Giá đang đợi chờ Ngài. Để loan báo về mục đích của sứ mạng mà mình đảm nhận, Chúa Giê-su đã sử dụng ba hình ảnh: ngọn lửa, Phép Rửa và sự bất hòa. Hôm nay Cha muốn nói về hình ảnh thứ nhất: ngọn lửa.

Chúa Giê-su đã diễn tả về điều đó với những lời sau đây: „Thầy đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy bừng cháy lên!“ (Lc 12,49). Ngọn lửa mà Chúa Giê-su nói tới, là ngọn lửa Thánh Thần, là sự hiện diện sống động và hữu hiệu của Ngài trong chúng ta vào ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy. Ngọn lửa chính là sức mạnh sáng tạo, mà sức mạnh ấy có khả năng thanh tẩy và canh tân. Ngọn lửa ấy thiêu đốt bất cứ nỗi khốn cùng nào của nhân loại, bất cứ sự ích kỷ và tội lỗi nào. Ngọn lửa ấy biến đổi chúng ta từ bên trong, ngọn lửa ấy canh tân chúng ta và làm cho chúng ta có khả năng sống Đức Ái. Chúa Giê-su mong muốn rằng, Chúa Thánh Thần sẽ bốc cháy như một ngọn lửa trong lòng chúng ta, bởi vì chỉ khi phát xuất từ con tim, đám cháy của Tình Yêu Thiên Chúa mới có thể lan rộng, và Nước Thiên Chúa mới có thể tiến về phía trước. Ngọn lửa ấy không phát xuất từ cái đầu. Và vì thế, Chúa Giê-su muốn rằng, ngọn lửa ấy sẽ bước vào trong con tim chúng ta. Nếu chúng ta thường xuyên mở tâm hồn mình ra cho tác động của ngọn lửa, mà ngọn lửa ấy chính là Chúa Thánh Thần, thì Ngài sẽ tặng ban cho chúng ta sự can đảm và lòng nhiệt thành, để công bố cho tất cả biết về Chúa Giê-su và về sứ điệp Lòng Thương Xót cũng như về ơn cứu độ của Ngài, trong khi chúng ta bơi ra biển cả mà không hề sợ hãi. 

Để hoàn thành sứ vụ của mình trong thế giới, Giáo hội – có nghĩa là tất cả chúng ta, tất cả chúng ta là Giáo hội – cần tới ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần, hầu không để mình bị ngăn cản bởi nỗi sợ hãi và bởi những toan tính, và không lấy làm quen với việc chỉ bước đi trong những giới hạn chắc chắn. Cả hai thái độ vừa nêu sẽ dẫn Giáo hội tới chỗ trở thành một Giáo hội chức năng, tức Giáo hội không bao giờ dám thực hiện những điều gây rủi ro. Trái lại, sự can đảm tông đồ mà Chúa Thánh Thần đốt lên trong chúng ta như một ngọn lửa, sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi bức tường và mọi rào cản, nó sẽ làm cho chúng ta trở nên sáng tạo, và thúc giục chúng ta đặt mình vào trong sự chuyển động để chọn đi theo những con đường không thể thám hiểm hay không hề thoải mái, và như thế, trao tặng niềm hy vọng cho tất cả những ai mà chúng ta gặp gỡ. Với ngọn lửa này của Chúa Thánh Thần, chúng ta được kêu gọi để càng ngày càng trở nên cộng đoàn của những con người luôn được Ngài dẫn dắt và biến đổi, một cộng đoàn tràn đầy cảm thông, một cộng đoàn của những con người với con tim rộng mở và với khuôn mặt hân hoan. Hơn bất cứ lúc nào, Giáo hội ngày nay đang cần tới những Linh mục, những Tu sĩ và những Giáo dân với cái nhìn đầy lưu tâm đến việc hoạt động tông đồ, hầu để cho mình bị thôi thúc bởi những nỗi khốn cùng cũng như bởi muôn vàn những hình thức khác nhau của sự nghèo túng cả ở khía cạnh vật chất lẫn tinh thần, tạm dừng lại trước những điều ấy, và bằng cách đó, đánh dấu con đường loan báo Tin Mừng và sứ mạng bằng nhịp điệu có khả năng chữa lành của sự gần gũi. Ngay cả ngọn lửa Thánh Thần cũng là điều mang chúng ta tới chỗ trở thành „những người lân cận“ của người khác: của những người nghèo túng, của rất nhiều những hình thức cùng quẫn khác nhau nơi con người, của nhiều những vấn đề, của những người bị trục xuất, của những người tị nạn, … và của tất cả những ai khổ đau.

Trong khoảnh khắc này, với tất cả sự khâm phục, Cha cũng nhớ tới vô vàn những Linh mục, những Tu sĩ, những Giáo dân, mà với một Tình Yêu và một niềm trung tín lớn lao, họ đang hiến dâng cuộc đời mình cho việc loan báo Tin Mừng trên khắp thế giới, mà sự hiến dâng này không hiếm khi phải trả giá bằng chính mạng sống. Chứng tá đầy gương mẫu của họ đang nhắc nhớ chúng ta rằng, Giáo hội không cần tới những quan chức, cũng chẳng cần tới những viên cán bộ mẫn cán, nhưng Giáo hội cần tới những nhà truyền giáo đầy nhiệt huyết mà họ đang tiêu hao chính bản thân mình trong sự nhiệt thành, để mang đến cho tất cả mọi người những Lời đầy ủi an của Chúa Giê-su cũng như ân sủng của Ngài. Đó là ngọn lửa Thánh Thần. Nếu Giáo hội không đón nhận ngọn lửa này hay không để cho nó thâm nhập vào mình, thì rồi Giáo hội sẽ trở thành một Giáo hội nguội lạnh, hay cùng lắm là một Giáo hội hâm hâm dở dở, tức Giáo hội không có khả năng trao tặng sự sống, vì Giáo hội ấy hiện hữu từ những Ki-tô hữu nguội lạnh hay dở dở hâm hâm.

Sẽ là điều rất tốt đối với chúng ta hôm nay nếu chúng ta dành ra dăm phút để tự hỏi mình xem: „Con tim của tôi đang trong tình trạng thế nào? Nó nóng hay nó lạnh? Hay nó đang hâm hâm dở dở? Nó có khả năng tiếp nhận ngọn lửa này không?“ Chúng ta hãy dành ra dăm phút để tự hỏi mình như thế! Điều đó sẽ rất có lợi cho tất cả chúng ta. Và chúng ta hãy cầu xin cùng Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ hãy cùng cầu xin Cha Trên Trời với chúng ta và cho chúng ta, để Cha Trên Trời tuôn đổ Thánh Thần xuống trên tất cả các tín hữu, tuôn đổ ngọn lửa Thần Tính, mà ngọn lửa ấy có khả năng sưởi ấm các tâm hồn cũng như có khả năng giúp chúng ta biết liên đới với những niềm vui cũng như những nỗi buồn đau của những người anh chị em chúng ta. Trên con đường này, gương lành của Thánh Maximilianô Kolbe, vị Tử Đạo của Đức Ái đối với Tha Nhân mà hôm nay Giáo hội mừng kính Ngài, sẽ hỗ trợ chúng ta: Xin Ngài dậy chúng ta biết sống ngọn lửa Tình Yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô, trưa Chúa Nhật ngày 14 tháng 08 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Văn Kiện Giáo Hội