Diễn Văn Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Bế Mạc Tuần Cầu Nguyện Cho Hòa Bình Tại Assisi, Ngày 20.09.2016

 

Kính thưa các bậc chư thánh, kính thưa các vị đại diện đáng kính của các Giáo hội, của các cộng đoàn Giáo hội cũng như của các tôn giáo, thưa anh chị em thân mến!

Tôi xin kính chào tất cả anh chị em với sự kính trọng lớn lao cũng như với mối thiện cảm, và xin cám ơn tất cả anh chị em vì đã đến tham dự. Chúng ta đã đến Assisi với tư cách là những người hành hương trên đường kiếm tìm hòa bình. Chúng ta đang mang trong mình những trông chờ và những nỗi sợ hãi của nhiều dân tộc cũng như của nhiều người, và đặt chúng dưới chân Thiên Chúa. Chúng ta đói khát hòa bình, chúng ta cần phải làm chứng cho hòa bình, nhưng trước tiên, chúng ta cần phải cầu xin ơn hòa bình, vì hòa bình chính là ân ban của Thiên Chúa, và bổn phận của chúng ta chính là việc cầu xin cho được ơn đó, đón nhận nó, và xây dựng nó mỗi ngày với ơn trợ giúp của Ngài.

Phúc thay ai xây dựng hòa bình“ (Mt 5,9). Nhiều người trong anh chị em đã đi qua một quãng đường dài để đến với nơi được chúc phúc này. Ra khỏi chính mình để lên đường, tề tựu lại cùng nhau để nỗ lực cho hòa bình – đó không phải chỉ là những chuyển động về mặt thể chất, nhưng trước tiên là về mặt tinh thần, là những câu trả lời cụ thể nhằm vượt thắng sự khép kín, và mở tấm lòng mình ra cho Thiên Chúa và cho những người anh chị em. Thiên Chúa mời gọi chúng ta và hiệu triệu chúng ta hãy ngăn cản cơn đại dịch của thời đại chúng ta: sự thờ ơ lãnh đạm. Đó là một thứ virus đang làm cho con người bị bại liệt, làm cho con người không thể vận động, cũng như đang làm cho con người đánh mất cảm giác. Đó là một căn bệnh đang tấn công vào trung tâm của chính tôn giáo, cũng như đang khơi lên một tân thế giới vô đạo hết sức đáng buồn: đó là thói vô đạo của sự thờ ơ lãnh đạm.

Chúng ta không được phép tiếp tục thờ ơ lãnh đạm nữa. Thế giới ngày nay đang có một cơn khát hòa bình đến cháy bỏng. Tại nhiều quốc gia, nhiều người đang phải đau khổ bởi những cuộc chiến tranh, mà những cuộc chiến đó thường không được trình chiếu trên truyền hình, nhưng vẫn luôn là nguyên nhân dẫn tới sự đau khổ và nghèo túng. Tại đảo Lesbos, chúng tôi – người anh em thân yêu của tôi, Đức Thượng Phụ Giáo Chủ đại kết Bartholomeus, và tôi – đã nhìn thấy tận mắt những nỗi khổ đau vì chiến tranh của những người tị nạn, đã nhìn thấy nỗi sợ hãi kinh hoàng của các dân tộc đang khát khao hòa bình. Tôi nghĩ tới các gia đình mà cuộc sống của họ đã bị vỡ vụn; nghĩ tới các em nhỏ đã và đang phải trải qua trong cuộc sống của mình không phải bất cứ điều chi khác ngoài bạo lực; nghĩ tới những cụ già đang bị cưỡng bức phải rời bỏ quê cha đất tổ: tất cả họ đều đang vô cùng đói khát hòa bình. Chúng ta không muốn rằng, những bi kịch đó lại bị rơi vào quá khứ. Chúng ta muốn cùng nói thay cho tất cả những ai đang bị đau khổ, nói thay cho tất cả những ai không có tiếng nói và không được ai lắng nghe. Họ biết rất rõ, và thường thì biết nõ hơn cả những kẻ nắm quyền bính rằng, không có ngày mai trong chiến tranh, và bạo lực của vũ khí sẽ hủy hoại niềm vui cuộc sống.

Chúng ta không có vũ khí. Nhưng chúng ta tin vào sức mạnh dịu hiền và khiêm nhượng của lời cầu nguyện. Trong ngày hôm nay, cơn khát hòa bình đã trở thành một lời kêu cầu cùng Thiên Chúa, để chiến tranh, khủng bố và bạo lực sẽ chấm dứt. Ơn hòa bình mà chúng ta cầu xin tại Assisi, không đơn giản là một sự phản kháng chiến tranh, cũng không hề là „kết quả của những vụ thương thảo, của những thỏa hiệp chính trị hay của những hợp đồng kinh tế. Hòa bình là kết quả của sự cầu nguyện[1]. Chúng ta hãy tìm kiếm trong Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của sự hiệp thông, dòng nước mát trong của hòa bình mà nhân loại đang khát khao: Dòng nước ấy không thể bắt nguồn từ sa mạc của sự cao ngạo và từ những mối quan tâm đảng phái, cũng không bắt nguồn từ mảnh đất khô cằn của sự chiến thắng bằng mọi giá và của việc buôn bán vũ khí.

Những truyền thống tôn giáo của chúng ta khác nhau. Nhưng đối với chúng ta, sự khác biệt không phải là lý do và nguyên cớ dẫn tới một cuộc xung đột, cho cuộc bút chiến hay cho sự cô lập cách lạnh lùng. Ngày hôm nay chúng ta đã không cầu nguyện để chống lại nhau, như tiếc rằng nó đã từng xảy ra một số lần trong lịch sử. Nhưng trái lại, chúng ta cầu nguyện bên nhau và cho nhau mà không hề rơi vào chủ thuyết hổ lốn cũng như không rơi vào chủ thuyết tương đối. Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã nói ngay tại đây rằng: „Có lẽ mối liên kết nội tại giữa hành vi tôn giáo chân chính với giá trị cao quý của hòa bình đã trở nên rõ ràng đối với tất cả mọi người hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử[2]. Trong sự tiếp tục con đường mà nó đã bắt đầu cách nay ba chục năm tại Assisi, nơi tưởng nhớ Thánh Phan-xi-cô, người của Thiên Chúa và của hòa bình, và vẫn đang còn tồn tại, „chúng ta – những người đang quy tụ nhau tại nơi đây, khẳng định lại một lần nữa rằng, những ai sử dụng tôn giáo để kích động bạo lực, thì đó là những người đang bác bỏ động cơ hành động mang thực sự tính nội tại của tôn giáo[3]. Bất cứ hình thức bạo lực nào cũng đều không đại diện cho „bản chất đích thực của tôn giáo. Chúng làm biến dạng tôn giáo và góp phần hủy hoại tôn giáo[4]. Chúng tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi trong việc lập đi lập lại rằng, Danh Thánh của Thiên Chúa không bao giờ có thể biện minh cho bạo lực. Chỉ có hòa bình là thánh thiêng chứ không phải chiến tranh!

Hôm nay chúng ta đã khẩn nài hông ân hòa bình. Chúng ta đã cầu nguyện để xin cho các lương tâm biết đặt mình vào trong sự chuyển động để bảo vệ sự thánh thiêng của sự sống con người, để thúc đẩy hòa bình giữa các dân tộc, và bảo vệ thiên nhiên – ngôi nhà chung của chúng ta. Cầu nguyện và sự cộng tác cụ thể sẽ giúp con người không lỳ ra mãi trong lô-gích của sự xung đột, và khước từ những hành vi nổi loạn mà chúng chỉ biết gây ra sự phản kháng và sự phẫn nộ. Cầu nguyện và sự mong muốn cộng tác với nhau chính là một sự bảo đảm cho một nền hòa bình đích thực và không hề bảo đảm cho một nền hòa bình dối trá: không đảm bảo cho sự an nhiên tự tại của những kẻ phòng tránh những điều khó khăn cũng như tránh né những khó khăn, khi những mối quan tâm của riêng họ không hề hấn gì; không bảo đảm cho thói giễu cợt của những kẻ phê bình tất cả mọi thứ và phê bình tất cả mọi người trên bàn phím của một chiếc máy vi tính, mà không hề ngó ngàng gì tới những nỗi khốn cùng của những người anh chị em, cũng như không chịu để cho đôi tay của mình bị vấy bẩn bởi những người nghèo túng. Con đường của chúng ta chính là con đường đi vào trong những trạng huống đó, và trao cho những người đau khổ vị trí đầu tiên; đón nhận những xung đột về cho mình, cũng như chữa lành nó từ trong ra ngoài; liên tục bước đi trên những con đường thiện hảo và ngăn ngừa những con đường quanh co của sự ác; kiên nhẫn bắt đầu những tiến trình hòa bình với ơn trợ giúp của Thiên Chúa và với ý muốn ngay lành.

Hòa bình – một sợi chỉ hy vọng, mà sợi chỉ đó liên kết trái đất và bầu trời; đó là một lời rất đơn giản nhưng đồng thời cũng vô cùng phức tạp. Hòa bình có nghĩa là tha thứ, mà ơn tha thứ đó, với tư cách là hoa trái của sự hoán cải và của sự cầu nguyện, được chứa đựng từ trong lòng, và nhân danh Thiên Chúa, làm cho việc chữa lành những vết thương của quá khứ trở nên có thể. Hòa bình có nghĩa là đón nhận, là sẵn sàng đối thoại, là sự thắng vượt sự khép kín, không phải là những chiến lược nhằm bảo vệ, nhưng là những chiếc cầu dẫn tới việc vượt thắng những vực thẳm. Hòa bình có nghĩa là cộng tác, là trao đổi cách sống động và cụ thể với những người khác, mà họ chính là một ân ban chứ không phải là một vấn đề, là những người anh chị em, mà với họ người ta có thể cố gắng kiến tạo một thế giới tốt hơn. Hòa bình có nghĩa là sự giáo dục, là một lời mời gọi để học hỏi mỗi ngày về nghệ thuật khó khăn của sự hiệp thông, để thủ đắc cho được nền văn hóa gặp gỡ, và thanh luyện lương tâm khỏi bất cứ cơn cám dỗ nào muỗn dụ dỗ con người thực hành bạo lực, và khỏi bất cứ sự chai cứng lỳ lợm nào mà chúng đối lập với Danh Thánh của Thiên Chúa cũng như đối nghịch với phẩm giá con người.

Chúng tôi – những người đã quy tụ nhau lại tại nơi đây trong hòa bình – tin tưởng vào một thế giới huynh đệ cũng như mong chờ thế giới đó. Chúng tôi ước mong rằng, những người nam và những người nữ thuộc các tôn giáo khác nhau sẽ quy tụ lại trên khắp mọi nơi và tạo nên một sự đồng tâm nhất trí, đặc biệt là tại những nơi đang có những cuộc xung đột. Tương lai của chúng ta chính là cuộc sống chung. Vì thế, chúng ta được kêu gọi, hãy giải phóng mình khỏi những gánh nặng của sự bất tín, của chủ nghĩa cực đoan và của sự thù hận. Ước chi các tín hữu sẽ trở thành những viên thợ thủ công của hòa bình, với lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa và với những hành động vì con người! Và với tư cách là những nhà lãnh đạo các tôn giáo, chúng tôi có trách nhiệm trở nên những cây cầu vững chắc của đối thoại, trở nên những người trung gian đầy sáng tạo của hòa bình. Chúng tôi cũng hướng về những người có trách nhiệm cao nhất trong sự phục vụ các dân tộc, hướng về những nhà lãnh đạo của các quốc gia, để họ không bao giờ trở nên mệt mỏi trong việc tìm kiếm và thúc đẩy những con đường dẫn tới hòa bình, và đừng bận tâm tới những vấn đề chỉ thuộc về một ít người và mang tính nhất thời: ước chi tiếng mời gọi của Thiên Chúa trước lương tâm, tiếng kêu than của người nghèo muốn có hòa bình và những mong chờ tốt lành của các thế hệ trẻ sẽ được lắng nghe.

Trước đây 30 năm, ngay tại đây, Đức Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã nói: „Hòa bình là một phân xưởng mà nó mở ra cho tất cả, không phải chỉ cho các chuyên viên, cho những người được đào tạo và những chiến lược gia. Hòa bình là một trách nhiệm phổ quát[5]. Chúng ta hãy nhận lấy trách nhiệm đó, ngày hôm nay chúng ta hãy tái khẳng định lại tiếng XIN VÂNG của chúng ta trong việc cùng trở nên những kiến trúc sư của hòa bình, nhân loại đang ước muốn đến gần Thiên Chúa và đang khát khao Ngài.

 

Chú thích:

 

[1] ĐTC Gio-an Phao-lô II, Diễn Văn khai mạc ngày Quốc Tế của các Tôn Giáo cầu nguyện cho hòa bình được cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Santa Maria degli Angeli, Assisi, 27.10.1986: L’Osservatore Romano [dt.], Jg 16, Nr. 45 [7.11.1986], tr. 9, 1.

 

[2] Diễn văn Bế Mạc Ngày Quốc Tế cầu nguyện của các Tôn Giáo cho hòa bình, khu quảng trường phía trước Vương Cung Thánh Đường Thánh Phan-xi-cô, ngày 27.01.1986: L’Osservatore Romano [dt.], Jg. 16, số. 45 [7. November 1986], tr. 10, 6.

[3] ĐTC Gio-an Phao-lô II, Diễn văn trước các đại diện của các tôn giáo, Assisi, 24.01.2002: L’Osservatore Romano [dt.], Jg. 32, Nr. 5 (1.02.2002), S. 8, 4.

[4] ĐTC Bê-nê-đích-tô XVI, Diễn Văn nhân ngày hồi tâm, đối thoại và cầu nguyện cho hòa bình và công lý trên toàn thế giới, Assisi, Vương Cung Thánh Đường Santa Maria degli Angeli“, 27.10.2011: L’Osservatore Romano [dt.] 41. Jg., Nr. 44 (4.11.2011), S. 7.

[5] Diễn Văn bề mạc Ngày Quốc Tế Cầu Nguyện của các tôn giáo cho hòa bình, quảng trường phía trước Vương Cung Thánh Đường Thánh Phan-xi-cô, Assisi, 27.10.1986: L’Osservatore Romano [dt.] Jg. 16, Nr. 45 (7.11.1986), S.10, 7.

Quảng trường phía trước Vương Cung Thánh Đường Thánh Phan-xi-cô, Assisi, ngày 20 tháng 09 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội