Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Cuộc Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 28.09.2016: Mục 31 – Sự tha thứ trên Thánh Giá (xc. Lc 23,39-43)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Những lời mà Chúa Giê-su đã nói trong cuộc khổ hình của Ngài đã đạt tới đỉnh điểm của chúng trong sự tha thứ. Chúa Giê-su đã tha thứ khi Ngài thưa cùng Chúa Cha: „Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm“ (Lc 23,34). Ở đây, vấn đề không phải chỉ là những lời nói, vì chúng đã trở thành hành động cụ thể trong việc tha thứ được ban cho viên „Trộm Lành“ bên cạnh Ngài. Thánh Lu-ca đã tường thuật về hai tên gian phi cùng bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giê-su, họ đã hướng về Ngài với những thái độ trái ngược nhau.

Kẻ thứ nhất đã xúc phạm Ngài giống như tất cả mọi người khác đã làm, tương ứng với những thủ lãnh trong dân, nhưng – bị dồn ép bởi nỗi tuyệt vọng – con người tội nghiệp này đã nói: „Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!“ (Lc 23,39). Lời cầu cứu vừa rồi chứng tỏ nỗi sợ hãi của con người tội nghiệp này khi phải đối diện với mầu nhiệm sự chết và sự ý thức bi thảm rằng, chỉ có Thiên Chúa mới có thể là câu trả lời có khả năng cứu thoát. Vì thế, không thể hình dung ra được rằng, Đấng Messias được Thiên Chúa sai đến lại đang bị treo trên Thập Giá mà không thể tự cứu mình. Và họ đã không hiểu được điều đó. Họ không hiểu được mầu nhiệm hy sinh của Chúa Giê-su. Nhưng Chúa Giê-su đã cứu độ chúng ta trong khi Ngài vẫn lưu lại trên Thập Giá. Tất cả chúng ta đều biết rằng, „lưu lại trên Thập Giá“, ngày lại ngày trên những Thập Giá nho nhỏ của chúng ta, là điều không hề đơn giản chút nào. Trong đại Thập Giá này, trong đại khổ hình này, Ngài vẫn lưu lại ở đó và đã cứu độ chúng ta; ở đó, Ngài đã biểu dương quyền năng của Ngài trước mắt chúng ta, và đã tha thứ cho chúng ta. Ở đó, ân sủng Tình Yêu của Ngài trở nên viên mãn, và phát sinh ơn cứu độ mãi mãi cho chúng ta. Qua việc chết cách vô tội trên Thập Giá giữa hai tên gian phi, Chúa Giê-su đã xác nhận rằng, ơn cứu độ của Thiên Chúa có thể đến được với từng người một, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù là tiêu cực hay cùng cực nhất. Ơn cứu độ của Thiên Chúa được dành cho tất cả. Không ai bị loại ra khỏi ơn cứu độ đó. Ơn cứu độ được ban tặng cho tất cả. Từ lý do đó, Năm Thánh chính là một Mùa Hồng Ân và là Mùa của Lòng Thương Xót đối với tất cả, kể cả người tốt lẫn người xấu; kể cả người khỏe mạnh lẫn người ốm đau. Anh chị em hãy nhớ tới dụ ngôn mà Chúa Giê-su đã kể trong tiệc cưới người con trai của một người có quyền lực trên dương thế này: Khi những người được mời không muốn đến, ông ta đã nói với các đầy tớ của mình: „Vậy các ngươi hãy đi ra các ngả đường, gặp ai thì cứ mời hết vào dự tiệc cưới“ (Mt 22,9). Tất cả chúng ta đều được mời gọi: dù là người tốt hay người xấu. Giáo hội không phải chỉ được dành cho những người tốt, hay cho những người có vẻ tốt, hay tự cho mình là tốt; Giáo hội được dành cho tất cả, và cũng còn được dành một cách đặc biệt cho những người xấu nữa, vì Giáo hội luôn xót thương. Và Mùa Ân Sủng và Mùa Thương Xót này nhắc nhớ chúng ta rằng, không gì có thể tách chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Chúa Ki-tô (xc. Rom 8,39)! Đối với những ai đang bị giữ chặt trên giường bệnh, đang bị nhốt trong nhà tù, đang bị bao vây bởi chiến tranh, thì Cha xin nói với họ rằng: hãy ngước nhìn lên Đấng Bị Đóng Đinh; Thiên Chúa đang ở bên cạnh anh chị em, Ngài lưu lại trên Thập Giá bên anh chị em, và trao hiến bản thân mình cho chúng ta để sẵn sàng được sử dụng với tư cách là Đấng Cứu Độ. Đối với những anh chị em đang phải gánh chịu những nỗi khốn khổ to lớn, Cha xin nói với anh chị em rằng: Chúa Giê-su đã bị đóng đinh cho anh chị em, cho chúng ta, cho tất cả mọi người. Hãy để cho sức mạnh của Tin Mừng thẩm thấu vào trong con tim của anh chị em, và hãy để cho sức mạnh ấy an ủi anh chị em, cũng như ban cho anh chị em niềm hy vọng và sự chắc chắn có tính nội tại nhất rằng, không ai bị loại ra khỏi ơn tha thứ của Ngài. Nhưng có thể anh chị em sẽ hỏi: „Thưa Cha, người đã phạm phải những hành vi tồi tệ nhất trong cuộc sống cũng có thể được nhận lãnh ơn tha thứ sao?“ – „Đúng vậy! Đúng vậy: Không ai bị loại ra khỏi ơn tha thứ của Thiên Chúa. Người ấy chỉ cần đến gần Chúa Giê-su trong sự thống hối và với niềm mong muốn được Ngài ôm vào lòng!

Đó là tên gian phi thứ nhất. Tên thứ hai được gọi là „Người Trộm Lành“. Những lời của anh chính là một mẫu gương tuyệt vời về sự thống hối, một bài Giáo Lý có tính cô đọng cho sự học hỏi để cầu xin ơn tha thứ của Chúa Giê-su. Trước hết, anh nhìn sang tên gian phí bên kia và nói: „Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa mày cũng không biết sợ là sao?“ (Lc 23,40). Và như thế, anh đã đánh dấu điểm tiếp cận của sự thống hối: Kính sợ Thiên Chúa. Đó không phải là sự sợ hãi trước Thiên Chúa, không; nhưng là sự kính sợ con thảo trước Thiên Chúa. Ở đây, vấn đề không phải là sự sợ hãi, nhưng là sự kính trọng mà người ta nên có trước tôn nhan Thiên Chúa, vì Ngài là Thiên Chúa. Sự kính sợ này là bản chất của con cái, vì Ngài là Cha. Viên Trộm Lành đã nhắc nhớ tới một thái độ căn bản mà nó mở ra cho sự tín thác vào Thiên Chúa: sự ý thức về quyền năng và sự tốt lành không cùng của Ngài. Đó là sự kính trọng đầy tín thác, mà sự kính trọng ấy giúp chúng ta tạo ra không gian cho Thiên Chúa và cho sự tín thác vào Lòng Xót Thương của Ngài.

Sau đó, viên Trộm Lành đã tuyên bố về sự vô tội của Chúa Giê-su và công khai thú nhận tội lỗi của mình: „Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!“ (Lc 23,41). Chúa Giê-su ở trên Thập Giá giữa những tội nhân: Nhờ vào sự gần gũi này, Ngài ban cho họ ơn cứu độ. Điều bất nhã đối với những viên thủ lãnh và đối với tên gian phi đầu tiên cũng như đối với những kẻ đang hiện diện tại đó và đang nhạo báng Chúa Giê-su, lại là nền tảng cho Đức Tin của anh. Và vì thế, viên Trộm Lành đã trở thành chứng nhân cho ân sủng của Ngài; điều không thể tưởng tượng được đã diễn ra: Thiên Chúa vô cùng yêu thương tôi đến độ đã chết trên Thập Giá cho tôi. Đức Tin của viên Trộm Lành chính là hoa trái phát xuất từ ân sủng của Chúa Ki-tô: Cặp mắt của anh đã thấy được trong Đấng Chịu Đóng Đinh, Tình Yêu của Thiên Chúa đối với anh – một tội nhân nghèo hèn. Trong thực tế, anh là một tên gian phi, một tên cướp; anh đã ăn cướp trong suốt cuộc đời mình. Nhưng cuối cùng anh đã thống hối về những hành vi của mình, anh ngước nhìn lên Chúa Giê-su đầy tốt lành và nhân hậu, và điều đó đã giúp anh thành công trong việc cướp được Thiên Đàng cho mình: Anh là một tên cướp lành! 

Sau cùng, viên Trộm Lành đã hướng thẳng về Chúa Giê-su và kêu xin Ngài ban ơn trợ giúp: „Ông Giê-su ơi, khi Ông vào nước của Ông, xin nhớ đến tôi“ (Lc 23,42). Với trọn niềm tín thác, anh đã gọi tên Ngài „Giê-su“, và do đó, anh tuyên xưng điều mà danh xưng này muốn nói: „Thiên Chúa Cứu Độ“, đó là ý nghĩa của danh xưng „Giê-su“. Viên Trộm Lành này đã xin Chúa Giê-su hãy nhớ đến anh ta. Biết bao nhiêu là sự trìu mến cất giấu trong sự diễn tả đó; thật nhân hậu biết dường nào! Con người có nhu cầu không muốn bị bỏ rơi, nhưng luôn muốn có Thiên Chúa bên cạnh. Bằng cách này, một kẻ bị kết án tử hình đã trở thành mẫu mực cho các Ki-tô hữu, tức những kẻ tín thác vào Chúa Giê-su. Một kẻ bị kết án tử hình đã trở thành một mẫu gương cho nhân loại chúng ta, một mẫu gương cho mỗi người, cho bất cứ Ki-tô hữu nào tín thác vào Chúa Giê-su; và cũng là một mẫu gương cho Giáo hội khi Giáo hội thường xuyên kêu cầu Thiên Chúa trong Phụng Vụ với những lời sau: „Xin nhớ tới… Xin nhớ tới Tình Yêu của Chúa…

Trong khi viên Trộm Lành nói về tương lai: „Khi Ông vào nước của Ông“, thì câu trả lời của Chúa Giê-su lại không bắt anh ta phải đợi chờ; Ngài nói trong hiện tại: „Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng“ (Lc 23,43). Trong giờ khắc Thập Giá, ơn cứu độ của Chúa Giê-su đã đạt tới đỉnh điểm của nó; và lời hứa của Ngài đối với viên Trộm Lành đã mạc khải cho thấy sự hoàn thành sứ mạng của Ngài: cứu độ các tội nhân. Để khởi đầu sứ mạng của Ngài tại Hội Đường Nazareth, Chúa Giê-su đã công bố „sự giải phóng các tù nhân“ (Lc 4,18); tại Giê-ri-cô, trong nhà ông Gia-kêu – viên thu thuế tội lỗi -, Ngài đã tuyên bố rằng, „Con Người“ – tức là chính Ngài -, đến „để tìm kiếm những gì đã mất“ (Lc 9,10). Trên Thập Giá, hành vi cuối cùng của Ngài đã xác nhận sự hiện thực hóa nhiệm cục cứu độ. Từ đầu đến cuối, Ngài đã mạc khải mình như là Lòng Xót Thương, như là sự hiện thân chung cuộc cũng như là Tình Yêu bất khả lặp lại của Thiên Chúa Cha. Trong thực tế, Chúa Giê-su chính là dung nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha. Và viên Trộm Lành đã gọi tên Ngài: „Lạy Ông Giê-su“. Đó là một lời kêu cầu vắn gọn, và tất cả chúng ta đều có thể thường xuyên thực hiện lời kêu cầu đó trong cuộc sống hằng ngày: „Lạy Chúa Giê-su“. Đơn giản: „Lạy Chúa Giê-su!“ Anh chị em hãy thực hành lời kêu cầu này trong suốt ngày sống nhé!

 

Quảng trường Thánh Phê-rô, sáng thứ Tư ngày 28 tháng 09 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội