Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư 19.10.2016 – Mục 33: Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Một trong những hậu quả của cái gọi là „sự thịnh vượng“ hệ tại ở chỗ là con người tự nhốt mình lại trong chính mình, và trở nên vô cảm trước những nỗi khốn cùng của người khác. Tất cả đều được thực hiện nhằm đánh lừa họ, bằng cách là người ta giới thiệu cho họ những mốt sống thiển cận và tắc trách, mà chúng sẽ tái biến mất sau một vài năm. Ngay cả trong cuộc sống chúng ta, cũng có một mốt thời thượng được mô phỏng và thay đổi theo mỗi mùa. Đừng như vậy. Tuy nhiên, thực tế thì người ta phải chấp nhận nó cũng như phải đối diện với nó như nó là, và thường thì nó làm cho chúng ta liên lụy đến những tình huống khẩn cấp. Vì lý do đó, sự chỉ dẫn về sự đói khát sẽ xuất hiện trong những công việc của Lòng Thương Xót: Cho kẻ đói ăn – ngày hôm nay vẫn đang còn nhiều người bị đói ăn - và cho kẻ khát uống. Các phương tiện truyền thông thường tường thuật cho chúng ta biết về những cư dân mà họ đang phải chịu đựng sự thiếu thốn lương thực và nước uống, mà sự thiếu thốn ấy đang để lại những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là đối với trẻ em.

Khi tận mắt chứng kiến những thông tin nào đó, đặc biệt là những hình ảnh được xác định, dư luận chung cảm thấy  mình bị liên lụy, và rồi từ lần này tới lần khác, những chiến dịch trợ giúp sẽ trở thành một sự đòi hỏi phải có tình liên đới trong cuộc sống. Sẽ có những quyên góp quảng đại. Và như thế, một sự dấn thân để xoa dịu nỗi khổ đau của nhiều người sẽ có thể được thực hiện. Hình thức bác ái ấy rất quan trọng, nhưng chúng ta lại không trực tiếp tham gia vào. Trái lại, nếu chúng ta bắt gặp một người đau khổ trên đường đi, hay khi một người nghèo đến gõ cửa nhà chúng ta, thì vấn đề lại hoàn toàn khác, vì chúng ta không ở trước một bức ảnh, nhưng chúng ta đang đối diện cách trực tiếp. Sẽ không còn khoảng cách giữa ông hay bà và tôi nữa, tôi cảm thấy mình bị tác động. Sự nghèo đói trong ý nghĩa trừu tượng không gây ấn tượng cho chúng ta, nhưng làm cho chúng ta nghĩ ngợi, làm cho chúng ta than phiền; nếu sự nghèo đói trong thân xác, trong máu của một người nam, của một phụ nữ hay của một em bé gặp gỡ chúng ta thì nó sẽ gây ấn tượng cho chúng ta! Chúng ta có thói quen chạy trốn trước những người nghèo túng để khỏi phải đến gần họ, bằng cách là chúng ta miêu tả thực tế của những người nghèo túng với những thói quen có tính thời thượng, để tách họ ra khỏi chúng ta. Giữa tôi và người nghèo tuyệt đối không còn sự xa cách nữa nếu tôi gặp gỡ họ. Chúng ta sẽ phản ứng thế nào trong những trường hợp như vậy? Chúng ta tránh né cái nhìn và đi về hướng khác sao? Hay chúng ta sẽ dừng lại để nói chuyện với họ, và quan tâm tới hoàn cảnh của họ? Và khi bạn làm điều đó, thì một người nào đó sẽ nói: „Anh ta bị điên rồi vì anh ta nói chuyện với một người nghèo!“ Tôi có tự hỏi, liệu tôi có thể  đón nhận người này bằng bất cứ cách nào không, hay tôi lại cố gắng bỏ chạy cho nhanh bao nhiêu có thể? Nhưng có lẽ người này chỉ xin những điều cần thiết nhất: một cái gì đó để ăn hay để uống. Chúng ta hãy cân nhắc một cách vắn gọn đến những điều sau đây: Chúng ta thường hay cầu nguyện bằng Kinh „Lạy Cha“ và đọc những lời: „Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày“, nhưng không thực sự quan tâm.

Trong Kinh Thánh, một Thánh Vịnh nói rằng, Thiên Chúa là Đấng „ban lương thực cho mọi thụ tạo“ (Tv 136,25). Kinh nghiệm về sự đói khát thật khắc nghiệt. Ai đã trải qua thời gian chiến tranh hay nạn đói, thì người ấy sẽ hiểu rất rõ chuyện đó. Nhưng kinh nghiệm này sẽ lập đi lập lại từ ngày này sang ngày kia và cùng tồn tại với sự thừa bứa và sự xa xỉ. Những lời của Thánh Gia-cô-bê vẫn luôn còn mang tính thời sự: „Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ : "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết“ (2,14-17), vì người ấy không có khả năng thực hiện những công việc, không có khả năng chứng minh tình Bác Ái, không có khả năng sống yêu thương. Tôi không thể ủy quyền đó cho bất cứ người nào khác. Người nghèo này đang cần tôi, cần sự giúp đỡ của tôi, cần những lời và sự dấn thân của tôi. Tất cả chúng ta đều được liên kết với nhau.

Giáo huấn của một phần Tin Mừng cũng hệ tại ở đó. Trong Tin Mừng, Chúa Giê-su đã nhìn những người mà họ đã đi theo Ngài lâu giờ, và nói với các môn đệ của Ngài: „Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây“ (Ga 6,5). Các Tông Đồ trả lời: Điều đó không thể, tốt nhất là hãy giải tán họ… Nhưng Chúa Giê-su nói với các ông: Không! Các con hãy cho họ ăn (xc. Mc 14,16). Ngài cầm lấy một ít tấm bánh và vài con cá, chúc lành cho chúng, bẻ chúng ra, và trao cho các môn đệ để họ phân phát. Bài học này rất quan trọng đối với chúng ta. Nó nói với chúng ta rằng, một chút mà chúng ta đang có, sẽ trở nên một sự dồi dào ngoài mức tưởng tượng, nếu chúng ta trao nó vào trong đôi tay của Chúa Giê-su và chia sẻ trong Đức Tin.

Trong Thông Điệp Caritas in veritate, Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XVI đã khẳng định với những lời sau đây. „Cho kẻ đói ăn (…) Quyền có lương thực cũng như nước uống đóng một vai trò quan trọng trong việc đạt tới được những quyền khác (…) Vì thế, sự phát triển niềm nhận thức về tình liên đới, mà sự ý thức ấy coi lương thực thực phẩm và coi sự tiếp cận với nguồn nước như là quyền phổ quát của tất cả mọi người, mà không hề có sự phân biệt hay kỳ thị, đó là điều cần thiết“ (số 27). Chúng ta đừng quên những lời sau đây của Chúa Giê-su: „Ta là bánh hằng sống“ (Ga 6,35) và „Ai khát, hãy đến cùng Ta“ (Ga 7,37). Đối với các tín hữu chúng ta, những lời ấy chính là một thách đố để nhận ra rằng, mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, Đấng đã mạc khải dung nhan Lòng Thương Xót của mình trong Chúa Giê-su, sẽ dẫn tới con đường cho kẻ đói ăn và cho kẻ khát uống.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô, sáng thứ Tư ngày 19 tháng 10 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội