Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ Kính Đức Mẹ Thiên Chúa, 01.01.2017

Còn Đức Maria thì hằng nghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng“ (Lc 2,19). Thánh Lu-ca đã mô tả thái độ mà với nó Đức Maria đã tiếp nhận tất cả những gì mà Mẹ đã trải qua trong những ngày này. Rất khó để hiểu về hoàn cảnh hay về những gì đang xâm chiếm tình cảm của Đức Maria lúc ấy. Mẹ là một người phụ nữ biết ghi nhớ và bảo vệ một điều gì đó; Mẹ hiểu để duy trì trong con tim của Mẹ bước đi của Thiên Chúa trong đời sống Dân Người. Từ tận cõi lòng, Mẹ đã học để lắng nghe nhịp đập của trái tim Con mình, và đối với toàn bộ cuộc sống của Mẹ, điều đó đã dậy cho Mẹ biết khám phá ra nhịp đập của Thiên Chúa trong suốt lịch sử. Mẹ đã học để trở thành một người Mẹ, và trong thời gian học tập ấy, Mẹ đã trao cho Chúa Giê-su những kinh nghiệm quý báu để hiểu về mình với tư cách là một người con. Trong Đức Maria, Lời Vĩnh Cửu đã không chỉ đón nhận thân xác, nhưng còn học để nhận ra sự trìu mến đầy tình mẫu tử của Thiên Chúa nữa. Con Thiên Chúa đã học từ nơi Đức Maria để lắng nghe những niềm khát khao, những nỗi sợ hãi, niềm vui và những hy vọng của Dân được ban lời hứa. Với Mẹ, Chúa Giê-su đã khám phá ra bản thân mình chính là người con của Dân Thánh kính sợ Thiên Chúa.

Trong Tin Mừng, Đức Maria xuất hiện với tư cách là một phụ nữ trầm lặng, không ồn ào và cũng không tìm kiếm sự ảnh hưởng, nhưng với cái nhìn đầy chăm chú, mà cái nhìn ấy hiểu để bảo vệ sự sống và sứ mạng của Con mình, cũng như bảo vệ tất cả những gì mà người Con yêu thích. Mẹ đã hiểu để bảo vệ sự khởi đầu của cộng đoàn Ki-tô giáo nguyên thủy, và như thế, Mẹ đã học để trở thành thân mẫu của một đám đông nhân loại. Qua những trạng huống khác nhau, Mẹ đã ra đi để rắc gieo niềm hy vọng. Mẹ đã đồng hành với những cây Thập Giá mà những người con trai và những người con gái của Mẹ đang phải gánh mang một cách âm thầm trong lòng. Rất nhiều bàn thờ, rất nhiều Thánh Địa tại những nơi xa xôi nhất, nhiều bức ảnh được treo trong nhiều ngôi nhà, đang nhắc chúng ta nhớ tới chân lý lớn lao ấy. Đức Maria đã trao cho chúng ta hơi ấm đầy từ mẫu, mà hơi ấm đó luôn bao bọc chúng ta trong giữa những khó khăn. Hơi ấm đầy từ mẫu của Mẹ bảo đảm rằng, không gì và không ai có thể dập tắt được cuộc cách mạng của sự trìu mến trong lòng Giáo hội mà Con của Mẹ đã bắt đầu. Nơi đâu có một người Mẹ thì ở đó cũng sẽ có sự trìu mến. Và với sự từ mẫu của mình, Đức Maria chỉ cho chúng ta thấy rằng, sự khiêm nhượng và sự trìu mến không phải là phẩm hạnh của những con người yếu đuối, nhưng là của những con người mạnh mẽ; Mẹ dậy cho chúng ta biết rằng, đối xử tồi tàn với người khác để cảm thấy mình quan trọng thì chẳng đem đến tích sự gì (Thông Điệp Evangelii gaudium, 288). Và vì thế, Dân Thiên Chúa đã nhìn nhận và kính chào Mẹ với tư cách là  Mẹ Thiên Chúa chí thánh.

Việc cử hành Lễ Kính Đức Maria với tư cách là Mẹ Thiên Chúa ngay vào ngày đầu tiên của một năm mới có nghĩa là, gợi nhớ tới niềm xác tín mà nó đồng hành với những ngày sống của chúng ta: chúng ta là một dân tộc với một người Mẹ, chúng ta không phải là những đứa trẻ mồ côi.

Những người mẹ chính là những phương dược công hiệu nhất trong việc chữa trị những xu hướng cá nhân chủ nghĩa và ích kỷ của chúng ta, chữa trị những cơn bệnh tự khép kín và thờ ơ lãnh đạm. Một xã hội mà không có những người mẹ thì sẽ không chỉ là một xã hội lạnh cứng, nhưng còn là một xã hội đã đánh mất con tim của mình, đã đánh mất „bầu khí“ gia đình của mình. Một xã hội mà không có những người mẹ thì đó sẽ là một xã hội thiếu lòng nhân, xã hội ấy sẽ chỉ để lại không gian cho những tính toán và những ước đoán. Vì những người mẹ biết làm chứng, thậm chí ngay cả trong những phút giây tồi tệ nhất, cho Tình Yêu trìu mến, cho sự hy sinh vô điều kiện, cho sức mạnh của niềm hy vọng. Cha đã học được rất nhiều từ những người mẹ mà con cái của họ đang bị nhốt trong những nhà tù hay đang nằm kiệt sức trên giường của một bệnh viện, hay đã bị rơi vào vòng nô lệ của cơn nghiện ma túy, và họ không bao giờ ngừng, nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu cả trong thời tiết giánh lạnh lẫn nóng lực, cả trong mưa dầm hay hạn hán để đem đến cho con cái họ những điều tốt đẹp nhất. Hay những người mẹ mà trong những trại tị nạn hay thậm chí là trong giữa những chiến trận, họ đã đạt tới được tình trạng không hề dao động trong việc tiếp nhận về cho bản thân mình những nỗi khổ đau của con cái mình cũng như trở thành người bảo vệ chúng. Những người mẹ đó đã trao hiến mạng sống của mình theo nghĩa đen để miễn sao con cái của họ không bị mất đi. Nơi đâu có người mẹ thì ở đó sẽ có sự hiệp nhất, sẽ có sự thuộc về, sẽ có sự thuộc về nhau của những người con.

Vì thế, bắt đầu năm mới với việc suy tư về sự tốt lành của Thiên Chúa trong dung nhan từ mẫu của Đức Maria, trong dung nhan từ mẫu của Giáo hội, trong những khuôn mặt của những người mẹ, sẽ bảo vệ chúng ta trước căn bệnh phân hóa của „sự mồ côi hóa thiêng liêng“ – mà tâm hồn sẽ nếm trải sự mồ côi hóa đó khi nó cảm thấy mình thiếu sự từ mẫu hay khi nó thiếu sự trìu mến của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ nếm trải sự mồ côi hóa ấy nếu như cảm giác thuộc về một gia đình, thuộc về một dân tộc, một đất nước, thuộc về Thiên Chúa của chúng ta bị mất hiệu lực trong chúng ta. Sự mồ côi hóa ấy sẽ chiếm được không gian trong con tim ích kỷ, tức con tim chỉ biết nhìn chằm chằm vào bản thân mình cũng như dán mắt vào những mối quan tâm riêng, và phát triển con tim đó, nếu như chúng ta quên rằng, sự sống chính là một ân ban, cũng như quên rằng, chúng ta phải mang ơn người khác về sự sống đó – và quên rằng, chúng ta đang được thúc ép phải chia sẻ sự sống đó với nhau trong ngôi nhà chung này.

Tình trạng mồ côi chỉ nghĩ tới mình chính là điều mà nó đã dẫn Ca-in tới chỗ đặt ra câu hỏi: „Chẳng lẽ tôi là người bảo vệ của em tôi sao?“ (St 4,9), khi ông muốn nói rằng: nó không thuộc về tôi; tôi chẳng biết gì tới nó. Khuynh hướng mồ côi thiêng liêng này chính là một khối ung thư đang âm thầm gậm nhấm và hủy hoại tâm hồn. Và do đó chúng ta sẽ đâm ra đổ đốn một cách từ từ vì không ai thuộc về chúng ta, và chúng ta cũng chẳng thuộc về ai: tôi hủy hoại trái đất vì nó không là của tôi; tôi làm nhục người khác vì họ không có liên quan gì tới tôi; tôi „làm nhục“ Thiên Chúa, vì tôi không thuộc về Ngài, và rốt cục, chúng ta sẽ hủy hoại và làm nhục chính bản thân mình, vì chúng ta đã quên mất chúng ta là ai, và không còn nhớ „tên họ“ của mình thuộc về Thiên Chúa nào. Sự đánh mất các mối tương quan, mà sự đánh mất ấy chính là nét đặc trưng đối với nền văn hóa vỡ vụn và phân hóa của chúng ta, trong khi các mối tương quan chính là điều hiệp nhất chúng ta lại với nhau, làm cho cảm giác mồ côi hóa tăng lên, và do đó, sự trống vắng và sự cô đơn cũng tăng lên. Việc thiếu mối tương quan thể lý (và không chỉ ở mức tiềm tàng) đang từ từ „thiêu rụi“ con tim chúng ta (xc. Thông Điệp Laudato si’, 49), trong khi sự thiếu hụt đó làm cho con người đánh mất đi khả năng trìu mến, khả năng sửng sốt, khả năng nhân hậu và khả năng đồng cảm. Sự mồ côi hóa thiêng liêng làm cho chúng ta đánh mất đi ký ức về điều mà nó cho biết, trở thành con cái, trở thành cháu chắt, trở thành cha mẹ, trở thành ông bà, trở thành bạn hữu và trở thành các tín hữu có nghĩa là gì. Nó khiến chúng ta đánh mất đi ký ức về sự vui chơi, về sự ca hát, về sự tươi cười, về sự nghỉ ngơi và về sự nhưng không.

Cử hành Đại Lễ Đức Mẹ Thiên Chúa tái cho phép những nụ cười tỏa sáng trên gương mặt chúng ta, vì chúng ta sẽ cảm thấy mình là một dân, vì chúng ta cảm thấy rằng, chúng ta cùng thuộc về nhau; vì chúng ta biết rằng, chúng ta không chỉ tìm thấy „bầu khí“, tìm thấy „hơi ấm“ trong một cộng đồng, trong một gia đình, mà gia đình hay cộng đồng ấy cho phép chúng ta lớn lên về mặt nhân bản, và không chỉ là những món hàng thuần túy mà chúng được mời chào để „tiêu thụ và để được tiêu thụ“. Việc cử hành Đại Lễ Đức Mẹ Thiên Chúa nhắc nhớ chúng ta rằng, chúng ta không phải là những món hàng có thể được trao qua đổi lại, hay là những nơi tiếp nhận các thông tin. Chúng ta là những người con trai và những người con gái, chúng ta là gia đình, chúng ta là Dân Thiên Chúa.

Việc cử hành Đại Lễ Đức Mẹ Thiên Chúa thúc giục chúng ta hãy kiến tạo và chăm lo cho những địa điểm chung mà chúng giúp chúng ta có được cảm giác của việc cùng thuộc về nhau, cảm giác của sự bén rễ, để chúng ta có được cảm giác như ở nhà tại các thành phố của chúng ta, cũng như trong các cộng đồng, mà những cộng đồng ấy hợp nhất chúng ta lại với nhau và trao cho chúng ta chỗ dựa (nt, 151).

Trong khoảnh khắc trao hiến mạng sống của mình một cách tột cùng trên Thập Giá, Chúa Giê-su Ki-tô đã không muốn giữ lại bất cứ điều gì cho bản thân mình, và trong khi Ngài hiến trao mạng sống của mình, Ngài cũng đã chuyển giao cho chúng ta Thân Mẫu của Ngài. Ngài nói với Đức Maria: này Bà, đây là con Bà; này Bà, đó là những đứa con của Bà. Và vì thế chúng ta hãy đón Mẹ về trong các căn nhà của chúng ta, trong các gia đình của chúng ta, trong các cộng đoàn của chúng ta, và trong các dân tộc của chúng ta. Chúng ta hãy đối diện với cái nhìn từ mẫu của Mẹ. Cái nhìn đó sẽ giải phóng chúng ta khỏi kiếp mồ côi; cái nhìn đó nhắc nhớ chúng ta rằng, chúng ta là những người anh chị em của nhau: tôi thuộc về bạn và bạn thuộc về tôi; chúng ta là „một thân xác và một huyết thống“. Cái nhìn ấy sẽ dậy cho chúng ta biết rằng, chúng ta phải học để quan tâm tới cuộc sống bằng chính cách thức và sự trìu mến mà với chúng Mẹ đã chăm lo cho chúng ta: bằng cách là chúng ta hãy rắc gieo niềm hy vọng, rắc gieo sự thuộc về nhau, và rắc gieo tình huynh đệ.

Việc cử hành Đại Lễ Đức Mẹ Thiên Chúa nhắc nhớ chúng ta rằng, chúng ta có một người Mẹ; chúng ta không phải là những đứa trẻ mồ côi; chúng ta có một Thân Mẫu. Chúng ta hãy cùng nhau tuyên xưng chân lý ấy! Và Cha xin mời tất cả anh chị em hãy reo mừng hoan hô Mẹ ba lần như các tín hữu Ê-phê-sô đã làm: Thánh Mẫu Thiên Chúa, Thánh Mẫu Thiên Chúa, Thánh Mẫu Thiên Chúa!

Đền Thờ Thánh Phê-rô sáng Chúa Nhật ngày mồng 01 tháng 01 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ


Văn Kiện Giáo Hội