Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Đại Lễ Chúa Hiển Linh: „Đức Vua vừa mới sinh, hiện đang ở đâu?

 

Đức Vua dân Do-thái vừa mới sinh, hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên Đông Phương, nên chúng tôi đến bái lạy Người“ (Mt 2,2).

Với những lời trên, các nhà Chiêm Tinh đến từ các nước xa lạ đã công bố cho chúng ta biết lý do của chuyến công du dài ngày mà các Ngài đã thực hiện: đến tôn thờ Đức Vua vừa mới giáng sinh. Nhìn ngắm và tôn thờ - đó là hai hành vi nổi bật trong trình thuật của Tin Mừng: chúng tôi đã nhìn thấy một ngôi sao và muốn tôn thờ.

Những con người này đã nhìn thấy một ngôi sao, và chính ngôi sao này đã đặt họ vào trong sự chuyển động. Việc khám phá ra một sự xuất hiện lạ thường trên bầu trời đã khởi động một loạt các biến cố, nhiều đến độ không thể đếm được. Đó không phải là ngôi sao mà nó chỉ chiếu sáng cho họ, nhưng đúng hơn, họ đã có một ADN đặc biệt để phát hiện ra ngôi sao đó. Như một Giáo Phụ đã trình bày cách rất chính xác rằng, các nhà Chiêm Tinh đã lên đường không phải vì các Ngài đã nhìn thấy ngôi sao, nhưng vì các Ngài đã lên đường nên các Ngài mới nhìn thấy ngôi sao (xc. Thánh Gio-an Kim Khẩu). Các Ngài có con tim mở ra cho đường chân trời, và có khả năng thấy được điều mà bầu trời chỉ cho các Ngài, vì trong các Ngài có một niềm khát khao, và niềm khát khao đó thúc đẩy các Ngài: các Ngài mở ra cho điều mới mẻ.

Các nhà Chiêm Tinh chính là mẫu gương của các tín hữu, mẫu gương của những con người có niềm khát khao Thiên Chúa, những người khát khao có được một mái ấm, một quê hương trên trời. Các Ngài phản chiếu hình ảnh của tất cả mọi người mà trong cuộc sống, họ đã không để cho con tim của mình bị gây mê.

Niềm khát khao Thiên Chúa bắt nguồn từ một con tim đầy tin tưởng, vì con tim ấy biết rằng, Tin Mừng không phải là một sự kiện thuộc về quá khứ, nhưng là của hiện tại. Niềm khát khao Thiên Chúa cho phép chúng ta luôn luôn mở to cặp mắt khi tận mắt chứng kiến tất cả mọi thử thách, biết biến cuộc sống trở nên bé nhỏ và nghèo hèn trong sự vĩ đại và giầu sang của Thiên Chúa. Niềm khát khao Thiên Chúa chính là một ký ức đầy tin tưởng mà nó vùng lên chống lại tất cả những Tiên Tri bất hạnh. Đó là niềm khát khao mà nó giữ cho niềm hy vọng của các cộng đoàn tín hữu được luôn sống động, tức cộng đoàn luôn cầu nguyện từ ngày này sang ngày khác rằng: „Xin hãy đến, lạy Chúa Giê-su!“ Niềm khát khao này cũng chính là điều đã thúc giục cụ già Simeon đi vào trong đền thờ mỗi ngày, trong niềm hiểu biết chắc chắn rằng, cuộc sống của cụ sẽ không chấm dứt trước khi Cụ được bồng ẵm Đấng Cứu Độ trong tay. Niềm khát khao này chính là điều đã thúc đẩy người con hoang đàng hãy dừng hành vi hủy hoại lại, và hãy tìm kiếm đôi tay của cha mình. Niềm khát khao này chính là điều mà vị mục tử cảm thấy trong lòng khi ông bỏ 99 con chiên lại để đi tìm con chiên bị thất lạc. Và niềm khát khao này cũng đã khiến bà Maria Magdalena vội vã đi ra mộ vào lúc sáng sớm ngày Phục Sinh để gặp gỡ vị Thầy đã phục sinh của mình. Niềm khát khao Thiên Chúa sẽ dẫn chúng ta đi ra ngoài những chọn lựa mang tính định mệnh, mà những chọn lựa đó làm cho chúng ta tin rằng, chẳng gì có thể thay đổi được nữa. Niềm khát khao Thiên Chúa chính là hành vi có khả năng phá vỡ thói xu thời, và thúc đẩy chúng ta tới chỗ dấn thân hầu thay đổi những điều mà chúng ta đang hy vọng và cần tới. Niềm khát khao Thiên Chúa có nguồn cội của mình trong quá khứ, nhưng nó không đứng lỳ ra đó: nó lên đường tìm kiếm tương lai. Người tín hữu „tràn đầy niềm khát khao“, tức người được thúc đẩy nhờ vào Đức Tin của mình, sẽ lên đường tìm kiếm Thiên Chúa giống như các nhà Chiêm Tinh đã đi đến tận những nơi xa xôi hẻo lánh nhất của lịch sử, vì trong lòng mình, người tín hữu ấy biết rằng, Thiên Chúa đang chờ đợi họ ở đó. Người tín hữu ấy sẽ đi đến tận những vùng biên thùy, đến tận cùng bờ cõi, đến những nơi mà Tin Mừng vẫn chưa đến được, để có thể gặp gỡ Thiên Chúa của mình. Và tuyệt nhiên, người tín hữu ấy không thực hiện điều này trong thái độ tự phụ; người tín hữu ấy sẽ làm việc đó giống như một người hành khất, mà người hành khất này không thể làm ngơ giả điếc trước cặp mắt của người mà đối với họ, Tin Mừng của Chúa Giê-su vẫn còn là một thửa đất chưa được khám phá.

Với thái độ ngược lại, trong cung điện của Hê-rô-đê, tức cung điện chỉ nằm cách Bê-lem có vài Kilomet, người ta đã chẳng hay biết bất cứ điều chi về những gì đang diễn ra. Trong khi các nhà Chiêm Tinh lên đường thì Giê-ru-sa-lem lại ngủ. Thành phố này ngủ li bì trong chiếc chăn ấm cùng với Hê-rô-đê, người mà lẽ ra phải lên đường, nhưng vẫn ngủ. Ông ta ngủ một cách say xưa và mê mệt với một lương tâm vô cảm. Và ông ta hoảng sợ. Ông ta sợ hãi. Đó là sự hoảng sợ mà nó tự nhốt mình lại trong chính mình, trong những kết luận của mình, trong những điều tin tưởng riêng của mình, cũng như trong những thành công của mình, trước những điều mới mẻ có khả năng thay đổi lịch sử từ tận căn. Đó là sự hoảng sợ của kẻ ngồi trên tài sản của mình, và ở đây không có khả năng nhìn xa trông rộng. Sự kinh hoàng mà nó bất thần xuất hiện trong tâm hồn của kẻ bị nhốt vào trong một nền văn hóa muốn chiến thắng bằng mọi giá; bị nhốt vào trong một nền văn hóa cũng luôn luôn chỉ có chỗ cho „kẻ chiến thắng“ bằng mọi giá. Đó là sự kinh hoàng mà nó phát sinh từ sự sợ hãi trước điều mà nó tra vấn chúng ta, và gây nguy hiểm cho những điều an toàn cũng như cho những sự thật của chúng ta, và cho thấy chúng ta đang bấu bám vào thế gian và cuộc sống như thế nào. Hê-rô-đê sợ hãi, và sự sợ hãi ấy đã dẫn ông ta tới chỗ tìm kiếm sự an toàn trong tội ác: »Necas parvulos corpore, quia te necat timor in corde – Ngươi giết được thân xác của những con người bé nhỏ, nhưng sự sợ hãi sẽ giết chết con tim của ngươi« (Quodvultdeus, Bài giảng thứ hai về Kinh Tin Kính, PL 40, 655).

Chúng tôi muốn tôn thờ: Những con người ấy đã đến từ Phương Đông để bái lạy, và thực ra là ở một nơi thích hợp đối với một vị vua: cung điện. Qua việc cất công tìm kiếm, họ đã đi tới được đó, đó là nơi thích hợp, vì nó xứng đáng với một vị vua, được sinh ra trong một hoàng cung, có triều thần và những bề tôi của mình. Đó là một dấu chỉ của quyền lực, của sự thành công, của một cuộc sống hạnh phúc. Và người ta có thể hy vọng rằng, Đức Vua sẽ được bái lạy, sẽ được tôn kính và sẽ được luồn cúi và bợ đỡ - vâng, nhưng không nhất thiết sẽ được kính yêu. Đó là những sáo ngữ của thế gian, những thần tượng nhỏ nhen, và với những thần tượng ấy, chúng ta thực thi nền phụng tự: nền phụng tự của quyền lực, của vẻ bên ngoài, và của sự ưu thế - các ngẫu tượng, mà chúng chỉ hứa hẹn sự buồn sầu và nô lệ.

Và ngay ở đây, con đường dài hơn đã bắt đầu, tức con đường mà những người đến từ xa phải thực hiện. Ở đây, sự gan dạ đầy gian truân và khó nhọc đã bắt đầu. Việc khám phá ra rằng, điều mà họ tìm kiếm, không phải là một cung điện, nhưng là một nơi khác, không chỉ mang tính địa lý, nhưng còn mang tính hiện sinh nữa. Ở đây, họ không còn thấy ngôi sao nữa, tức ngôi sao đã hướng dẫn họ khám phá ra một Thiên Chúa, Đấng muốn được kính yêu – và điều đó chỉ có thể dưới dấu chỉ của sự tự do chứ không phải dưới sự độc tài chuyên chế; để khám phá ra rằng, cái nhìn của Đức Vua không hề nổi tiếng nhưng đang được khát khao này sẽ không làm nhục, không nô lệ hóa và cũng không bỏ tù; để khám phá ra rằng, Thiên Chúa muốn được sinh ra tại nơi mà chúng ta đã không chờ đợi, nơi mà  chúng ta hoàn toàn không muốn, hay tại nơi mà chúng ta thường từ chối; để khám phá ra rằng, dưới cái nhìn của Thiên Chúa chính là chỗ cho những ai bị tổn thương, bị vắt kiệt sức, bị lạm dụng và bị bỏ rơi: sức mạnh và quyền năng của Ngài chính là Lòng Thương Xót. Đối với một số người, Giê-ru-sa-lem và Bê-lem đang nằm cách xa nhau biết là chừng nào!

Hê-rô-đê không thể tôn thờ, vì ông không muốn và không thể thay đổi cái nhìn của mình. Ông không muốn cởi bỏ sự tôn thờ chính bản thân ông, và ông tin rằng, tất cả đều đang xoay chung quanh ông. Ông không thể tôn thờ, vì mục tiêu của ông là sự bái lạy chính mình. Các tư tế không thể tôn thờ dù chỉ một lần, vì mặc dù họ biết rất nhiều, họ thuộc nằm lòng lời của các Ngôn Sứ, nhưng họ không sẵn sàng lên đường và cũng không muốn thay đổi.

Các nhà Chiêm Tinh đã cảm thấy một niềm khát khao, các Ngài không muốn dừng lại với những sự việc thông thường nữa. Các Ngài đã quen với những hình tượng của một Hê-rô-đê trong thời các Ngài, đã trở nên mệt mỏi và cảm thấy chán ngấy. Nhưng ở đó, tại Bê-lem, có một lời hứa về một sự mới mẻ, một sự tiên đoán vô điều kiện. Ở đó thích hợp với một điều chi mới mẻ. Các nhà Chiêm Tinh có thể tôn thờ vì các Ngài đã can đảm lên đường và sấp mình xuống trước một Hài Nhi bé bỏng, nghèo hèn và yếu ớt. Khi các Ngài sấp mình xuống trước một Hài Nhi lạ lẫm, không quen biết của thành Bê-lem, các Ngài đã nhận ra vinh quang của Thiên Chúa.

 

Đền Thờ Thánh Phê-rô ngày mồng 06 tháng 01 năm 2017

Đại Lễ Chúa Hiển Linh

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017