Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư ngày 07.12.2016 – Is 40. „Hãy an ủi, hãy an ủi dân Ta…

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu một loạt bài Giáo Lý mới, và cụ thể là với đề tài về niềm hy vọng Ki-tô giáo. Đức hạnh này rất quan trọng, vì niềm hy vọng không cho phép bị diệt vong. Chủ nghĩa lạc quan khiến người ta đi tới chổ diệt vong, nhưng niềm hy vọng thì không! Trong thời đại này, chúng ta rất cần tới niềm hy vọng, bởi thời đại này xem ra rất đen tối, chúng ta thường cảm thấy mình bị mất mát thua thiệt khi tận mắt chứng kiến sự ác và bạo lực xung quanh chúng ta, khi tận mắt chứng kiến nỗi khổ đau của rất nhiều người anh chị em. Chúng ta cần có niềm hy vọng! Chúng ta cảm thất mất mát thua thiệt, và cũng cảm thấy một chút thất vọng, vì chúng ta bất lực, và đối với chúng ta, bóng tối này xem ra có vẻ không bao giờ chấm dứt.

Nhưng chúng ta không được phép để cho niềm hy vọng bỏ rơi chúng ta, vì với Tình Yêu của Ngài, Thiên Chúa đang đồng hành với chúng ta. „Tôi hy vọng, vì Thiên Chúa đang đứng về phía tôi“: Tất cả chúng ta đều có thể nói như thế. Mỗi người trong chúng ta đều có thể nói: „Tôi hy vọng, tôi có niềm hy vọng, vì Thiên Chúa đang cùng đi với tôi“. Ngài đi, và Ngài cầm tay dắt tôi đi. Thiên Chúa không để cho chúng ta phải đơn độc. Chúa Giê-su đã chiến thắng sự ác và đã mở ra con đường sự sống.

Đặc biệt trong Mùa Vọng này, Mùa chờ đợi, mà trong Mùa này, chúng ta làm cho mình trở nên sẵn sàng trong việc tái đón mừng mầu nhiệm đầy an ủi, đó là mầu nhiệm Nhập Thể, cũng như đón nhận ánh sáng Giáng Sinh, việc chúng ta suy tư về niềm hy vọng là điều rất quan trọng. Chúng ta hãy để cho mình được Thiên Chúa dậy cho biết hy vọng có nghĩa là gì. Vì thế, chúng ta hãy lắng nghe những Lời Kinh Thánh, và hãy bắt đầu với Ngôn Sứ Isaia, vị Đại Ngôn Sứ của Mùa Vọng, Đại Sứ của Niềm Hy Vọng. Trong phần hai cuốn sách của mình, Ngôn Sứ Isaia đã hướng về dân với việc công bố niềm an ủi:

 

Thiên Chúa anh em phán : "Hãy an ủi, an ủi dân Ta:

Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giê-ru-sa-lem, và hô lên cho Thành:

thời phục dịch của Thành đã mãn, tội của Thành đã đền xong,

vì Thành đã bị tay Đức Chúa giáng phạt gấp hai lần tội phạm."

Có tiếng hô:

"Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa,

giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng

cho Thiên Chúa chúng ta.

Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy,

mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống,

nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng,

chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu.

Bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện,

và mọi người phàm sẽ cùng được thấy

rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán" (Is 40,1-5).

 

Thiên Chúa – Đấng là Cha – sẽ ủi an, bằng cách là Ngài sai đến những con người có khả năng an ủi, Ngài yêu cầu họ hãy động viên dân, hãy khích lệ con cái của Ngài qua việc công bố rằng, sự nô lệ sẽ chấm dứt, nỗi đau khổ sẽ qua đi và tội lỗi đã được tha. Điều đó sẽ chữa lành những con tim đang bị phiền sầu và hoảng sợ. Vì thế, vị Ngôn Sứ đã kêu gọi hãy chuẩn bị cho Chúa một con đường, bằng cách là người ta mở bản thân mình ra cho ân sủng và cho ơn cứu độ của Ngài.

Đối với Dân, niềm an ủi sẽ bắt đầu với khả năng đi trên con đường của Thiên Chúa: trên một con đường mới, đã được san phẳng và có thể đi lên được, một con đường mà nó được chuẩn bị trong sa mạc, để dân chúng có thể xuyên qua sa mạc và trở về lại quê hương. Vì Dân mà vị Ngôn Sứ hướng tới, đang trải qua thảm cảnh lưu đầy tại Babylon: Giờ đây dân sẽ nghe được rằng, mình sẽ có thể trở về lại quê hương của mình, trên một con đường thoải mái đã được mở rộng, không có những thung lũng và cũng chẳng có những núi đồi gây vất vả cho cuộc hành trình, một con đường được mở ra và được san bằng trong sa mạc. Mở ra con đường này có nghĩa là, mở ra con đường cứu độ và giải phóng khỏi bất cứ rào cản nào mà người ta có thể vấp phải. Cuộc lưu đầy là một khoảnh khắc bi ai trong lịch sử Israel, khi dân đã đánh mất tất cả. Dân đã đánh mất quê hương, mất tự do, mất phẩm giá, và mất cả niềm tín thác vào Thiên Chúa nữa.

Dân cảm thấy mình bị bỏ rơi và không còn niềm hy vọng. Nhưng ở đây, tiếng mời cọi của Ngôn Sứ đã đến, tiếng mời gọi ấy sẽ tái mở con tim ra cho Đức Tin. Sa mạc là một nơi mà ở đó rất khó sống, nhưng ngay ở đó, giờ đây người ta có thể lên đường, để không chỉ hồi hương, nhưng còn trở về cả với Thiên Chúa nữa, và tái lấy lại niềm hy vọng và nụ cười. Nếu chúng ta ở trong tình trạng đen tối hoặc trong những hoàn cảnh khó khăn, thì thường là nụ cười sẽ không đến. Chính niềm hy vọng sẽ dậy cho chúng ta biết cười hầu tìm ra con đường dẫn tới Thiên Chúa. Một trong những điều đầu tiên mà chúng diễn ra đối với những kẻ tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa, đó chính là việc họ trở thành những con người không có nụ cười. Có lẽ họ ở trong tình trạng có thể cười hô hố, có thể gây trò cười cho người khác…, nhưng họ vẫn thiếu những nụ cười! Chỉ có niềm hy vọng mới trao tặng cho chúng ta những nụ cười: Đó là nụ cười của niềm hy vọng sẽ tìm thấy Chúa.

Sự sống thường là một sa mạc. Thật khó để lên đường trong cuộc sống, nhưng nếu chúng ta tín thác vào Thiên Chúa, thì nó sẽ có có thể đẹp và rộng như một xa lộ. Chỉ cần đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng, chỉ cần tiếp tục tin, luôn luôn, bất chấp tất cả. Nếu chúng ta đứng đối diện với một em bé, thì có lẽ chúng ta sẽ có nhiều vấn đề và khó khăn, nhưng nụ cười sẽ đi ra từ bên trong, vì chúng ta đang đối diện với niềm hy vọng: Một em bé là một niềm hy vọng! Và vì thế, chúng ta phải có thể nhìn thấy con đường hy vọng trong cuộc sống, con đường ấy sẽ dẫn chúng ta tới chỗ tìm thấy Thiên Chúa – Thiên Chúa, Đấng trở thành một em bé cho chúng ta. Và Ngài sẽ đưa chúng ta đến với nụ cười, Ngài sẽ ban cho chúng ta tất cả! Sau này, chính những lời trên của Isaia sẽ được sử dụng bởi Gio-an Tẩy Giả trong lúc ông kêu gọi hoán cải. Ông nói:

„Có tiếng người hô trong hoang địa:

Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa,

sửa lối cho thằng để người đi“ (Mt, 3,3).

Tiếng kêu này vang lên tại nơi mà xem ra không ai có thể nghe thấy – ai đã có thể nghe thấy trong sa mạc rồi? -, tiếng kêu vang lên trong sự lạc đường, nó được khơi lên bởi cuộc khủng hoảng Đức Tin. Chúng ta không thể phủ nhận được rằng, thế giới ngày nay đang ở trong một cuộc khủng hoảng Đức Tin. Người ta nói: „Tôi tin Thiên Chúa, tôi là Ki-tô hữu“ – „Tôi theo đạo này…“ Nhưng cuộc sống của bạn đang rất xa với đời sống Ki-tô hữu; nó đang rất xa với Thiên Chúa! Tôn giáo, Đức Tin trờ thành một hình thức diễn tả: „Tôi có tin không?“ – „Có!“ Nhưng vấn đề ở đây là trở về với Thiên Chúa, tái hướng con tim về Thiên Chúa, đi trên con đường để tìm kiếm Ngài. Ngài đang chờ đợi chúng ta. Đó là lời công bố của Gio-an Tẩy Giả: chuẩn bị. Chuẩn bị chúng ta cho cuộc gặp gỡ với người con đó, tức người con sẽ tái ban lại cho chúng ta nụ cười. Khi vị Tẩy Giả công bố sự xuất hiện của Chúa Giê-su, thì dân Israel đang sống giống như trong cảnh lưu đầy, vì họ đang phải ở dưới ách thống trị của người Rô-ma. Ách thống trị này biến họ thành những ngoại kiều ngay trên quê hương xứ sở của họ, bị thống trị bởi quân đội xâm lược hùng mạnh, quân đội này quyết định mọi chuyện trên đời sống người Israel. Tuy nhiên, lịch sử đích thực không phải là lịch sử được thực hiện bởi những kẻ có quyền lực, nhưng là lịch sử mà Thiên Chúa cùng thực hiện với những con người bé mọn của Ngài. Lịch sử đích thực – tức lịch sử sẽ vững bền muôn năm – chính là lịch sử, mà Thiên Chúa viết nên cùng với những con người bé nhỏ của Ngài: Thiên Chúa với Đức Maria, Thiên Chúa với Chúa Giê-su, Thiên Chúa với thánh Giu-se, và Thiên Chúa với những kẻ bé mọn.

Đó là bất cứ những con người bé mọn và đơn thành nào mà chúng ta thấy xung quanh Chúa Giê-su lúc Ngài được sinh ra: Gia-ca-ri-a, Elisabeth – cặp vợ chồng già cả và bị coi là vô sinh; Đức Maria, một cô thiếu nữ trẻ, một trinh nữ, hiền thê của Thánh Giu-se; các mục đồng, những người bị coi thường và bị cho là không đáng kể. Đó là những con người bé nhỏ, họ được làm cho nên vĩ đại nhờ vào Đức Tin của họ; đó là những con người bé nhỏ nhưng hiểu để tiếp tục hy vọng. Và niềm hy vọng chính là nhân đức của những con người bé nhỏ. Những kẻ lớn, những kẻ đang hài lòng với chính mình sẽ không biết tới niềm hy vọng: họ không biết niềm hy vọng là gì.

Họ là những con người bé nhỏ với Thiên Chúa, với Chúa Giê-su, họ biến sa mạc lưu đầy, sa mạc của sự cô đơn đến tuyệt vọng, sa mạc của sự khổ đau, thành một con đường bằng phẳng mà người ta có thể đi lên đó để đến với vinh quang của Thiên Chúa. Và chúng ta sẽ rút ra kết luận: Chúng ta hãy học biết niềm hy vọng. Chúng ta hãy mong chờ cuộc quang lâm của Thiên Chúa với trọn niềm tín thác. Và ngay cả những gì mà nó luôn luôn là sa mạc của cuộc sống chúng ta – mà mỗi người đều biết và lên đường ngay trong sa mạc ấy: nó sẽ trở thành một khu vườn đầy sắc hoa. Niềm hy vọng sẽ không cho phép đi tới chỗ diệt vong!

 

Vatican, Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến, sáng thứ Tư ngày mồng 07 tháng 12 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017