Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Thánh Lễ Dâng Chúa Giê-su Vào Đền Thờ, Ngày 02.02.2017: „Chúng ta là di sản của niềm hy vọng

Khi Cha mẹ Chúa Giê-su mang cậu bé vào Đền Thờ để chu toàn những quy định của Lề Luật, „được Thần Khí dun dủi“ (Lc 2,27), cụ Simeon đã bồng ẵm Hài Nhi trong tay, và bắt đầu ca ngợi Thiên Chúa với một bài ca được lấp đầy bởi lòng biết ơn: „Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.“ (Lc 2,30-32). Cụ Simeon đã không chỉ có thể nhìn thấy niềm hy vọng hằng được khát mong, nhưng còn có đặc ân được ôm nghì lấy niềm hy vọng đó, và điều ấy mời gọi cụ hãy reo mừng trước niềm vui. Con tim của cụ vui mừng, vì Thiên Chúa cư ngụ giữa Dân Ngài; cụ cảm thấy Ngài như là thân xác từ thân xác của cụ.

Phụng Vụ hôm nay nói với chúng ta rằng, với nghi thức (40 ngày sau khi sinh), „không chỉ Lề Luật được chu toàn, mà với nghi thức ấy, Chúa Ki-tô còn lần đầu tiên gặp gỡ Dân của Ngài nữa, đó là Dân mong chờ Ngài trong Đức Tin“ (Sách Lễ Rô-ma, lời dẫn nhập Phụng Vụ dành cho ngày mồng 02 tháng 02). Cuộc gặp gỡ của Thiên Chúa với Dân Ngài khơi lên niềm vui và canh tân niềm hy vọng.

Bài Ca Tạ Ơn của cụ Simeon chính là ca khúc của người có Đức Tin, mà cứ đến cuối mỗi ngày, người ấy có thể nói rằng: Quả thực, niềm hy vọng vào Thiên Chúa không bao giờ đưa đến sự diệt vong (xc. Rm 5,5), Ngài không bao giờ gây thất vọng. Trong tuổi già của mình, cả cụ ông Simeon lẫn cụ bà Anna đều có khả năng đạt tới được một sự phong nhiêu mới, và các cụ đã làm chứng cho điều đó qua những khúc ca của mình: Cuộc sống xứng đáng được sống bởi niềm hy vọng tràn đầy, vì Thiên Chúa luôn giữ lời hứa của Ngài. Và sau này chính Chúa Giê-su sẽ giải thích lời hứa đó trong hội đường Nazareth: Ngay cả các bệnh nhân, các tù nhân, những người cô đơn, những người nghèo, những cụ già và các tội nhân cũng đều được mời gọi để hòa giọng chung với bài ca hy vọng đó – Chúa Giê-su ở bên họ, Ngài ở bên chúng ta (xc. Lc 4,18-19).

Chúng ta đã nhận lãnh bài ca hy vọng này với tư cách là di sản của cha ông chúng ta. Các Ngài đã dẫn đưa chúng ta đi vào trong „sự năng động“ ấy. Chúng ta có thể thấy trong những gương mặt, trong đời sống, trong sự trao hiến hằng ngày và liên lỷ của các Ngài, như bài ca này „thể hiện“. Chúng ta chính là di sản xuất phát từ những giấc mơ của cha ông chúng ta, di sản của niềm hy vọng mà nó đã không gây thất vọng cho những nam nữ sáng lập viên của chúng ta, cũng như cho những anh em và chị em trước chúng ta. Chúng ta là di sản của những vị cao niên mà họ có sự can đảm để thực hiện những giấc mơ. Và như họ, hôm nay chúng ta cũng muốn hát lên: Thiên Chúa không gây thất vọng, niềm hy vọng vào Ngài không lừa dối. Thiên Chúa đến với Dân Ngài. Và chúng ta hãy hát lên, bằng cách là chúng ta hãy đặt mình vào trong lời tiên báo của Ngôn Sứ Giô-en: "Sau đó, Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành Ngôn Sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến“ (3,1).

Sẽ rất có lợi cho chúng ta nếu chúng ta lĩnh hội được giấc mơ của cha ông mình để có thể nói tiên tri trong thời đại hôm nay, cũng như tái khám phá ra điều mà nó đã từng làm say đắm con tim chúng ta. Giấc mơ và lời tiên đoán luôn đi đôi với nhau. Hãy nhớ tới việc các cụ già, những người cha và những người mẹ của chúng ta đã ước mơ như thế nào, và hãy can đảm mang giấc mơ có tính ngôn sứ đó tiến về phía trước.

Thái độ này sẽ làm cho chúng ta được trở nên phong nhiêu, nhưng đặc biệt là nó sẽ bảo vệ chúng ta trước một cơn cám dỗ, mà cơn cám dỗ ấy có thể biến đời sống Thánh Hiến của chúng ta trở nên vô sinh và cằn cỗi: trước cơn cám dỗ của sự sống sót. Đó là điều tồi tệ mà từ từ nó có thể làm tổ trong chúng ta và trong các Cộng Đoàn chúng ta. Thái độ chỉ muốn sống sót làm cho chúng ta trở nên phản động và sợ hãi, nó dẫn chúng ta tới chỗ từ từ và âm thầm dựng lên những chiến lũy ngay trong những ngôi nhà cũng như ngay trong những định kiến của chúng ta. Nó ném chúng ta quay về lại với những công việc đầy vinh quang nhưng của quá khứ. Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không phục hồi sự sáng tạo có tính Ngôn Sứ được sinh ra từ những giấc mơ của các Đấng Sáng lập Viên của chúng ta, nhưng cố đi vào những con đường phụ để tránh cho được những thách đố mà hôm nay chúng đang đứng gõ trước cửa nhà chúng ta. Tâm lý chỉ muốn sống sót lấy đi mất sức mạnh khỏi các Đoàn Sủng của chúng ta, vì nó đưa chúng ta tới chỗ „kiềm chế“ các Đoàn Sủng đó, cũng như biến các Đoàn Sủng đó thành „dễ dàng có thể tiếp cận“, và do đó, cướp mất khỏi chúng sức mạnh sáng tạo mà chúng giải phóng ra. Tâm lý ấy sẽ dẫn tới chuyện chúng ta thích bảo vệ những không gian, những tòa nhà hay những cấu trúc hơn là tạo điều kiện cho những quá trình mới. Cơn cám dỗ sống sót sẽ khiến chúng ta quên đi mất ân sủng, nó biến chúng ta thành những chuyên viên tôn giáo, nhưng không phải là những người cha, người mẹ, hay những người anh em, chị em của niềm hy vọng mà chúng ta được kêu gọi phải tiên đoán về nó. Bầu khí sống sót sẽ khiến cho con tim của các cụ già trong các cộng đoàn chúng ta trở nên chai cứng. Nó lấy đi khỏi họ khả năng ước mơ, và bằng cách đó, nó khiến cho những lời Ngôn Sứ trở nên cằn cỗi và vô sinh, trong khi tất cả các môn đệ đều được kêu gọi để công bố cũng như để hiện thực hóa những lời Ngôn Sứ đó. Tắt một lời, cơn cám dỗ sống sót sẽ biến thành mối nguy, thành sự đe dọa và thành những thảm kịch đối với điều mà Thiên Chúa đặt trước chúng ta như là một cơ hội để thi hành sứ vụ. Thái độ đó không được giới hạn vào đời sống Thánh Hiến, nhưng trong một cách thức đặc biệt, chúng ta được yêu cầu phải tự bảo vệ mình trước việc sa vào cơn cám dỗ đó.

Chúng ta hãy trở lại với Tin Mừng và quan sát cảnh tượng một lần nữa. Điều đã khơi lên lời ca ngợi khen nơi cụ Simeon và cụ Anna, chắc chắn đó không phải là sự nhìn ngắm chính mình, là sự phân tích và thẩm định về hoàn cảnh cá nhân của mình. Đó không phải là sự lưu lại trong sự khép kín vì sợ hãi, mà sự sợ hãi đó có thể đẩy các cụ tới một điều chi tồi tệ hơn. Điều đã khơi lên lời ca chính là niềm hy vọng – và đó là niềm hy vọng mà nó bảo vệ các cụ trong tuổi già của mình. Và niềm hy vọng ấy thấy mình được đền đáp trong cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su. Khi Đức Maria đặt người Con của lời hứa vào trong tay cụ Simeon, thì cụ liền bắt đầu hát lên những giấc mơ của mình. Khi Mẹ đặt Chúa Giê-su vào giữa Dân của Ngài, thì Dân liền nếm trải niềm vui. Vâng, chỉ điều đó mới có thể tái trao lại cho chúng ta niềm vui và niềm hy vọng, chỉ điều đó mới có thể bảo vệ chúng ta trước việc lỳ ra trong một thái độ sống sót. Chỉ điều đó mới làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên phong nhiêu cũng như mới có thể giữ cho con tim chúng ta được luôn sống động. Hãy đặt Chúa Giê-su vào nơi mà Ngài phải đứng: giữa Dân của Ngài.

Tất cả chúng ta đều ý thức về sự chuyển đổi có tính đa văn hóa, mà chúng ta đang trải qua, không ai nghi ngờ điều đó. Vì thế, cùng với Chúa Giê-su, việc đời sống Thánh Hiến được lồng vào trong cuộc sống, trong con tim của những cuộc đại chuyển đổi này, là điều vô cùng quan trọng. Sứ vụ - trong sự tương ứng với từng đặc sủng – chính là điều nhắc nhớ chúng ta rằng, chúng ta được yêu cầu phải trở thành „men“ trong đống bột cụ thể này. Chắc chắn sẽ có thể có „những thứ bột“ tốt hơn, nhưng Thiên Chúa đã đòi hỏi chúng ta phải „lên men hoàn toàn“ ở đây và bây giờ, với những thách đố mà chúng được đặt ra cho chúng ta. Không phải trong một thái độ phòng thủ, cũng không phải bị thúc đẩy bởi sự sợ hãi, nhưng với đôi tay bên luống cày, trong sự nỗ lực và cố gắng để làm cho hạt lúa mà nó được gieo rất nhiều lần vào giữa những bụi gai, lùm cỏ, được lớn lên. Đặt Chúa Giê-su vào giữa dân của Ngài có nghĩa là có một con tim chiêm niệm mà nó có khả năng nhận ra việc Thiên Chúa đang đi băng qua những con đường của những thành phố, của những ngôi làng và của những khu ổ chuột của chúng ta như thế nào. Đặt Chúa Giê-su vào giữa Dân của Ngài có nghĩa là, nhận về cho mình những thập giá của anh chị em chúng ta, và sẵn sàng giúp họ mang vác những thập giá ấy. Điều đó có nghĩa là muốn đụng chạm tới những vết thương của Chúa Giê-su trong những vết thương của một thế giới đã bị gây tổn thương và đang khát khao mong mỏi được trỗi dậy với một sự sống mới.

Hãy đặt mình cùng với Chúa Giê-su vào giữa Dân của Ngài! Không phải với tư cách là những nhà hoạt động Đức Tin, nhưng với tư cách là những người nam, người nữ thường xuyên trải qua sự tha thứ; những người nam và những người nữ hiệp nhất với nhau trong Bí Tích Thanh Tẩy, để chia sẻ sự xức dầu đó, cũng như chia sẻ niềm an ủi của Thiên Chúa với những người khác.

Chúng ta đặt mình cùng với Chúa Giê-su vào giữa Dân của Ngài, vì chúng ta „cảm thấy […] bị thách đố phải phát hiện ra „huyền nhiệm“ và tiếp tục trao nó đi, trong khi huyền nhiệm hệ tại ở chỗ cùng sống để hòa mình vào giữa những người khác, gặp gỡ nhau, dắt dìu nhau, nương tựa nhau, tham gia vào với đám đông đang có một điều chi đó hỗn loạn, mà với Thiên Chúa, đám đông ấy có thể biến mình thành một kinh nghiệm thực sự về tình huynh đệ, thành một đoàn người liên đới, thành một cuộc lữ hành thánh thiện […] Nếu chúng ta có thể đi theo con đường ấy, thì đó sẽ là một cái gì đó rất tốt, rất bổ ích, rất tự do, một đại nguồn mạch của niềm hy vọng! Đi ra khỏi chính mình để hợp nhất với người khác“ (Thông Điệp Evangelii gaudium, 87), không chỉ làm tốt, nhưng còn biến đổi cuộc sống chúng ta và niềm hy vọng của chúng ta thành một bài ca tạ ơn. Nhưng chúng ta chỉ có thể thực hiện được điều đó nếu chúng ta biến những giấc mơ của các cụ già trong các cộng đoàn chúng ta thành những giấc mơ của chính mình, cũng như biến những giấc mơ ấy thành những lời Ngôn Sứ.

Chúng ta hãy cùng đồng hành với Chúa Giê-su trong cuộc gặp gỡ của Ngài với Dân Ngài, trong sự hiện diện của Ngài giữa Dân Ngài, không phải với lời than phiền hay trong sự sợ hãi của kẻ đã quên hết việc nói những lời Ngôn Sứ, vì người ấy không tiếp nhận về cho mình những giấc mơ của cha ông, nhưng với lời ngợi khen và trong sự thanh thản; không phải trong cảnh huyên náo hấp tấp, nhưng trong sự kiên nhẫn của kẻ tín thác vào Thần Khí, Đấng làm chủ những giấc mơ và những lời Ngôn Sứ. Và như thế chúng ta hãy chia sẻ với người khác điều mà chúng ta đã được nghe: Bài ca được sinh ra từ niềm hy vọng.

Đền Thờ Thánh Phê-rô ngày 02 tháng 02 năm 2017

Lễ Dâng Chúa Giê-su vào Đền Thờ

Ngày Quốc Tế Đời Sống Thánh Hiến

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017