Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 28.12.2016

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong thư gửi tín hữu Rô-ma, Thánh Phao-lô đã mời gọi chúng ta hãy nhớ lại một nhân vật vĩ đại, đó là Tổ Phụ Áp-ra-ham, để vạch ra cho mình con đường Đức Tin và hy vọng. Thánh Tông Đồ đã viết về Tổ Phụ Áp-ra-ham như sau: „Mặc dầu không còn gì để hy vọng, ông vẫn tràn đầy hy vọng và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ của nhiều dân tộc“ (Rm 4,18); „Không còn gì để hy vọng… nhưng vẫn tràn đầy hy vọng“. Thái độ đó thật là mạnh mẽ: ngay cả khi không có niềm hy vọng, nhưng tôi vẫn tin. Và Tổ Phụ Áp-ra-ham của chúng ta là như thế. Thánh Phao-lô đã liên hệ tới Đức Tin, mà với Đức Tin ấy, Áp-ra-ham đã tin vào Lời Thiên Chúa, Đấng đã hứa ban cho ông một người con. Nhưng đó thực sự là một niềm tín thác trong niềm hy vọng „mặc dù chẳng còn gì để hy vọng“, thật không thể hình dung ra nổi điều mà Thiên Chúa đã công bố với ông, vì ông đã cao niên – lúc đó ông gần 100 tuổi rồi -, và vợ ông thì không chỉ già cả mà còn son sẻ nữa. Bà đã không vượt qua được chuyện đó! Nhưng Thiên Chúa đã nói điều đó, và ông tin. Không còn niềm hy vọng xét về khía cạnh nhân loại nữa, vì ông đã già và vợ của ông lại son sẻ cằn cỗi: nhưng ông vẫn tin.

Trong niềm tín thác vào lời hứa ấy, Áp-ra-ham đã lên đường, rời bỏ quê hương xứ sở của mình, và trở thành một ngoại kiều, trong khi ông hy vọng vào một người con „không thể“ ấy, tức người con mà Thiên Chúa sẽ ban cho ông, mặc dù lòng dạ Sara đã giống như chết rồi. Áp-ra-ham tin, và Đức Tin của ông mở ông ra cho một niềm hy vọng xem ra có vẻ vô lý; nó có khả năng vượt lên trên lý trí, lên trên sự khôn ngoan và sáng suốt của con người, vượt lên trên cái mà thông thường được coi là tri thức lành mạnh của con người, để tin vào điều không thể. Niềm hy vọng mở ra một chân trời mới, nó đặt chúng ta vào tình trạng để ước mơ về một điều mà nó chưa từng được hình dung tới. Niềm hy vọng cho phép người ta bước vào trong bóng tối của một tương lai bất định để biến nó thành ánh sáng. Nhân đức Hy Vọng (mà chúng ta có thói quen gọi là Đức Cậy) rất tuyệt vời; nó trao cho chúng ta nhiều sức mạnh trên đường đời.

Nhưng đó là một con đường khó khăn. Và ngay cả đối với Áp-ra-ham, khoảnh khắc khủng hoảng và thất vọng cũng đã đến. Ông đã tin tưởng, đã rời bỏ nhà cửa, quê hương và bạn bè của mình…, tất cả. Ông đã lên đường và đã đến được với miền đất mà Thiên Chúa chỉ cho ông, thời gian đã trôi qua. Hồi đó, việc du hành không giống như ngày nay, với máy bay – chỉ trong vài ba tiếng đồng hồ là người ta đã ở đó. Người ta cần nhiều tháng, nhiều năm! Thời gian đã trôi qua, nhưng đứa con vẫn chưa đến, lòng dạ Sara vẫn khép kín trong sự son sẻ khô cằn của bà.

Tuy nhiên, Áp-ra-ham đã không đánh mất sự kiên nhẫn, nhưng ông chỉ than phiền trước mặt Thiên Chúa. Chúng ta cũng hãy học điều đó từ tổ phụ Áp-ra-ham của chúng ta: việc than phiền trước mặt Thiên Chúa chính là một hình thức cầu nguyện. Khi Cha ngồi tòa Giải Tội, đôi lúc Cha nghe thấy rằng: „Con đã than phiền Thiên Chúa…“, và Cha trả lời: „Không sao! Cứ than phiền với Ngài, vì Ngài là Cha!“ Và đó là một hình thức cầu nguyện: Việc than phiền Thiên Chúa là điều rất tốt. Áp-ra-ham đã than phiền Thiên Chúa và nói: "´Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, Chúa sẽ ban cho con cái gì? Con ra đi mà không con cái, và người thừa tự gia đình con là Ê-li-e-de, một người Đa-mát.` Và Ông Áp-ram nói thêm: ´Chúa coi, Chúa không ban cho con một dòng dõi, và một gia nhân của con sẽ thừa kế con.` Và đây có lời Đức Chúa phán với ông rằng: ´Kẻ đó sẽ không thừa kế ngươi, nhưng một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế ngươi.` Rồi Người đưa ông ra ngoài và phán: ´Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không.` Người lại phán: ´Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!` Ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính“ (St 15,2-6).

Cảnh này diễn ra vào ban đêm. Bên ngoài thì đen tối, nhưng bên trong tâm hồn của Áp-ra-ham cũng đang bị ngự trị bởi sự đen tối của thất vọng, của chán chường, của khó khăn trong việc tiếp tục hy vọng vào một điều gì đó không thể. Tổ Phụ Áp-ra-ham đã cao niên và xem ra không còn thời gian cho một đứa con nữa, và một tên nô lệ sẽ bước vào chỗ của đứa con đó và sẽ thừa kế tất cả. Áp-ra-ham hướng về Thiên Chúa, nhưng dẫu Thiên Chúa cũng đang hiện diện ở đó và nói với ông, thì điều đó cũng giống như là Ngài đã xa cách khi Ngài không còn trung tín với lời của Ngài nữa. Áp-ra-ham cảm thấy cô đơn, cảm thấy già cả và mỏi mệt, cái chết đang đứng trước mặt ông. Ông có nên tiếp tục tin tưởng nữa không? Nhưng lời than phiền của ông cũng đã là một hình thức Đức Tin rồi; nó là một lời cầu nguyện. Bất chấp tất cả, Áp-ra-ham vẫn tiếp tục tin vào Thiên Chúa và hy vọng rằng, còn một điều chi đó vẫn có thể xảy ra. Tại sao trong trường hợp ấy, ông nên kêu cầu Thiên Chúa, than phiền Ngài, nhắc cho Ngài nhớ lại lời hứa của Ngài? Đức Tin không chỉ là một sự im lặng để cam chịu mọi thứ, mà không hề cự cãi về một điều chi đó; niềm hy vọng không phải là một sự tin tưởng mà nó đưa bạn vào trong sự an toàn trước những nghi nan và không lối thoát. Thường thì hy vọng là một sự đen tối; nhưng hy vọng chính là điều mang bạn tiến về phía trước. Đức Tin cũng có nghĩa là vật lộn với Thiên Chúa, chỉ cho Ngài thấy nỗi đắng cay của chúng ta mà không hề có chuyện „đạo đức giả“. „Tôi đã điên tiết lên với Chúa và đã nói với Ngài thế này, thế kia…“ Nhưng Ngài là Cha, Ngài đã hiểu bạn: Hãy đi bình an! Người ta phải có sự can đảm ấy! Và đó là niềm hy vọng. Và niềm hy vọng cũng có nghĩa là không sợ hãi trong việc nhìn thực tế như nó là, và chấp nhận những đối kháng của nó.

Áp-ra-ham đã hướng về Thiên Chúa trong Đức Tin để Ngài giúp ông tiếp tục tin. Thật lạ lùng là ông đã không xin cho mình có được một mụn con. Ông chỉ xin: „Xin giúp con để con tiếp tục tin“ – lời cầu nguyện để có Đức Tin. Và Thiên Chúa đã trả lời, bằng cách là Ngài cương quyết trước lời hứa không thể tưởng tượng nổi của Ngài: không phải đứa nô lệ sẽ trở thành kẻ thừa tự, nhưng là một người con được sinh ra từ Áp-ra-ham, được sinh ra bởi ông. Từ phía Thiên Chúa đã không có bất cứ điều chi thay đổi. Ngài cũng đã tiếp tục khẳng định về điều mà Ngài đã nói, và để trấn an ông, Ngài đã yêu cầu Áp-ra-ham đừng dừng lại. Sự chắc chắn duy nhất của ông hệ tại ở chỗ tin vào Lời Thiên Chúa và tiếp tục hy vọng. Và dấu chỉ mà Thiên Chúa ban cho Áp-ra-ham, chính là một lời yêu cầu hãy tiếp tục tin và hy vọng: "Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không. … Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!" (St 15,5). Đó là một lời hứa tiếp theo, nó còn là một cái gì đó mà ông có thể chờ đợi cho tương lai. Thiên Chúa đưa Áp-ra-ham ra khỏi lều – trong thực tế là ra khỏi quan điểm chật hẹp của ông -, và chỉ cho ông thấy các vì sao. Để có thể tin, điều cần thiết là phải có thể nhìn xem vấn đề với cặp mắt Đức Tin: đó chỉ là các vì sao mà mọi người đều có thể nhìn thấy, nhưng đối với Áp-ra-ham, chúng còn trở thành những dấu chỉ cho sự tín trung của Thiên Chúa. Đó là Đức Tin, đó là con đường hy vọng mà mỗi người trong chúng ta phải bước đi.

Ngay cả khi chỉ còn một cơ hội duy nhất là việc quan sát các vì sao được dành cho chúng ta, thì đó cũng là thời điểm để tín thác vào Thiên Chúa. Không có bất cứ điều chi tuyệt vời hơn. Niềm hy vọng không cho phép bị diệt vong. Xin cám ơn anh chị em.

 

Vatican, Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến

Sáng thứ Tư ngày 28 tháng 12 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017