Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Cuộc Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 04.01.2017

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong bài Giáo Lý hôm nay, Cha muốn cùng với anh chị em chiêm ngưỡng hình tượng một người phụ nữ, mà người phụ nữ này sẽ nói cho chúng ta biết về niềm hy vọng được sống trong thời điểm đầy nước mắt: Niềm hy vọng được sống dưới những giọt lệ. Đó là bà Ra-khen, vợ của ông Gia-cóp và là mẹ của Giu-se và Ben-gia-minh. Như sách Sáng Thế tường thuật lại cho chúng ta biết, bà đã qua đời trong lúc sinh hạ người con thứ hai, tức Ben-gia-minh.

Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a đã liên hệ tới bà Ra-khen khi ông hướng về những người Israel đang phải sống trong sự lưu đầy để an ủi họ, với những lời lẽ chất chứa đầy tình cảm và thi vị. Ông đã làm sáng tỏ những giọt lụy của bà Ra-khen, cũng như đã trao tặng niềm hy vọng.

„Đức Chúa phán thế này :

´Người ta nghe có tiếng khóc ở Ra-ma,

tiếng khóc than ai oán:

Đó là tiếng bà Ra-khen

khóc thương con cái mình,

bà không muốn được an ủi

về những người con ấy,

vì nay chúng chẳng còn“ (Gr 31,15).

Trong những vần thơ trên, Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a đã giới thiệu người phụ nữ này từ dân của ông, người tổ mẫu vĩ đại của một dòng tộc, trong một thực tế đau khổ và đẫm nước mắt, nhưng đồng thời trong một viễn cảnh ngoài sức mong chờ của cuộc sống. Theo tường thuật của sách Sáng Thế, bà Ra-khen đã qua đời trong lúc sinh con, và đã chấp nhận cái chết để con của bà được sống. Trái lại, giờ đây, tại Ra-ma, nơi những người bị trục xuất đang tập trung lại cùng nhau, bà đã được vị Ngôn Sứ mô tả như là đang sống: Bà khóc thương con cái vì chúng đã chết theo một ý nghĩa nào đó, khi chúng bị đưa đi đầy, những đứa con này, như chính bà nói, „chúng không còn nữa“, đã bị biến mất cách vĩnh viễn. Và vì thế, Ra-khen không muốn được an ủi. Sự khước từ niềm an ủi này diễn tả chiều sâu nỗi khổ sầu và đắng cay của những giọt lụy tuôn trào từ mắt bà.

Khi tận mắt chứng kiến thảm kịch mất con, một người mẹ thường không thể đón nhận những lời hay những cử chỉ ủi an: chúng luôn luôn thiếu và không bảo giờ ở trong tình trạng xoa dịu nỗi đau của một vết thương mà vết thương ấy không thể và không muốn được chữa lành: đó là một nỗi khổ đau mà nó tỷ lệ thuận với Tình Yêu. Bất cứ người mẹ nào cũng đều biết đến tất cả điều đó; và ngay cả trong thời đại hôm nay cũng có rất nhiều những người mẹ đang khóc, những người mẹ không cam chịu với việc mất đi một đứa con, những người mẹ không thể được an ủi khi tận mắt chứng kiến một cái chết mà người ta không thể đón nhận. Bà Ra-khen đã ôm vào trong lòng mọi nỗi khổ đau của tất cả mọi người mẹ trên thế gian này, thuộc  mọi thời đại, cũng như bao hàm những giọt lụy của bất cứ con người nào đang than khóc vì sự mất mát không thể đền bù.

Sự khước từ của bà Ra-khen, người không muốn được ủi an, cũng dậy cho chúng ta biết rằng, chúng ta đang bị thôi thúc phải thể hiện biết bao nhiêu là sự đồng cảm khi tận mắt chứng kiến nỗi khổ đau của những người khác. Để nói về niềm hy vọng với những người đã tuyệt vọng, người ta phải chia sẻ nỗi tuyệt vọng của họ; để lau khô nước mắt trên khuôn mặt người khổ đau, chúng ta phải hiệp nhất với họ trong lệ sầu. Chỉ có như thế, những lời nói của chúng ta mới thực sự ở trong tình trạng trao tặng một điều chi đó hy vọng. Và nếu tôi không thể nói được những lời như thế, với lệ sầu, với nỗi khổ đau, thì tốt nhất là tôi nên thinh lặng: một sự âu yếm, một cử chỉ và không nói lời nào.

Và Thiên Chúa, với sự trìu mến và Tình Yêu của Ngài, sẽ trả lời cho những giọt lụy của Ra-khen bằng những lời chân thật và không giả dối. Vì thế, bản văn của Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a viết tiếp:

Đức Chúa phán thế này :

Thôi đừng than khóc nữa,

hãy lau khô dòng lệ trên đôi mắt,

vì công lao của ngươi sẽ được đền bù:

- sấm ngôn của Đức Chúa -

chúng sẽ rời bỏ đất quân thù trở về.

Như thế, tương lai ngươi sẽ tràn trề hy vọng :

- sấm ngôn của Đức Chúa -

con cái ngươi sẽ trở về

với quê hương xứ sở của mình“ (Gr 31,16-17).

Chính nhờ vào những giọt lụy của những người mẹ nên mới còn có niềm hy vọng đối với những người con mà chúng sẽ tái quay trở lại với sự sống. Người phụ nữ này, tức người đã chấp nhận chết đi trong giây phút sinh nở, để con của bà có thể sống, giời đây, với những giọt lụy của bà, chính là sự khởi đầu của một cuộc sống mới đối với những đứa con bị tù đầy và lưu lạc, tức những đứa con đang ở xa quê hương xứ sở. Thiên Chúa đã trả lời cho nỗi khổ đau của Ra-khen và cho những giọt lệ đắng cay của bà bằng một lời hứa, mà giờ đây đối với bà, nó chính là lý do của một niềm an ủi đích thực: Dân có thể trở về từ nơi lưu đầy và trong Đức Tin, có thể tự do sống mối tương quan của mình với Thiên Chúa. Những giọt lệ sầu đã sản sinh ra niềm hy vọng.

Và đó không phải là điều dễ dàng để hiểu, nhưng đó là sự thật. Thường thì những giọt lệ sẽ gieo niềm hy vọng vào trong cuộc sống chúng ta, chúng chính là những hạt mầm của niềm hy vọng. Bản văn này của Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a sau này đã trở nên rất nổi tiếng vì được trích dẫn bởi Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu cũng như được Tin Mừng này chuyển dịch vào trong biến cố sát hại các trẻ nhỏ thành Bê-lem (xc. Mt 2,16-18): Đó là một bản văn mà nó đặt chúng ta đối diện với một thảm kịch sát hại những con người yếu ớt, với sự kinh khủng của quyền lực khi nó coi thường và dập vùi sự sống. Các em nhỏ thành Bê-lem đã chết vì Chúa Giê-su. Và chính Ngài, về phía mình, Chiên Con vô tội, sau này cũng sẽ chết cho tất cả chúng ta. Con Thiên Chúa đã bước vào trong sự khổ đau của nhân loại. Người ta không được quên điều đó. Nếu một ai đó hướng về Cha và trao cho Cha một câu hỏi khó, chẳng hạn như. „Xin Cha nói cho con biết, tại sao trẻ em lại phải đau khổ?“, thì thực sự là Cha không biết mình nên trả lời làm sao. Cha chỉ có thể nói: „Hãy nhìn lên Đấng Bị Đóng Đinh: Thiên Chúa đã ban Con của Ngài cho chúng ta, Ngài đã chịu đau khổ, và có lẽ bạn sẽ thấy được một câu trả lời ở đó.“ Nhưng câu trả lời thì không có ở đây [Đức Thánh Cha chỉ lên đầu Ngài]. Chỉ có việc chiêm ngưỡng Tình Yêu Thiên Chúa, Đấng trao hiến Con của Ngài, Đấng trao hiến mạng sống của Ngài cho chúng ta, mới có thể vạch ra một con đường an ủi. Và vì thế chúng ta nói rằng, Con Thiên Chúa đã bước vào trong sự khổ đau của nhân loại; Ngài đã chia sẻ và đón nhận cái chết; Lời của Ngài là một lời an ủi có tính chung cuộc, vì Lời đó phát sinh từ những giọt lệ.

Và trên Thập Giá, Người Con đang hấp hối đã tái trao ban sự phong nhiêu cho thân mẫu của mình, bằng cách là Ngài đã trao phó Tông Đồ Gio-an cho Mẹ, và làm cho Mẹ trở thành thân mẫu của dân tín hữu. Sự chết đã bị khuất phục, và như thế, lời của Ngôn Sứ Giê-rê-mi-a đã đạt tới sự viên mãn. Giống như những giọt lụy của bà Ra-khen, những giọt nước mắt của Đức Maria cũng phát sinh ra niềm hy vọng và sự sống mới.

 

Vatican, Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến

Sáng thứ Tư ngày mồng 04 tháng 01 năm 2017

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017