Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 01.02.2017: Niềm hy vọng Ki-tô giáo

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong những bài Giáo Lý vừa qua, chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình của mình để đi tới với đề tài niềm hy vọng, bằng cách là chúng ta đọc một số đoạn văn Cựu Ước với viễn tượng này. Hôm nay chúng ta muốn đi tới chỗ làm sáng tỏ tầm quan trọng đặc biệt mà đức hạnh này được trình bày trong Tân Ước, khi nó gặp gỡ sự mới mẻ, mà sự mới mẻ ấy được thể hiện bởi chính Chúa Giê-su Ki-tô và bởi biến cố Phục Sinh: Niềm hy vọng Ki-tô giáo. Các Ki-tô hữu chúng ta là những người nam và những người nữ của niềm hy vọng.

Có thể thấy rõ điều đó từ trong bản văn đầu tiên được viết ra trong Tân Ước, tức thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông Đồ gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca. Trong đoạn văn mà chúng ta vừa nghe (1Tx 5,4-11), người ta cảm nhận được sự tưới mới cũng như vẻ đẹp hoàn toàn của việc công bố Ki-tô giáo thời đầu. Lúc đó cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca còn rất trẻ, chỉ mới được thành lập một vài năm; nhưng, bất chấp mọi khó khăn và nhiều thử thách, cộng đoàn này vẫn bén rễ và cử hành cuộc phục sinh của Chúa Giê-su với sự nhiệt tình và phấn khởi. Vì thế, từ tận cõi lòng, Thánh Tông Đồ đã vui mừng với tất cả những ai được tái sinh trong Đại Lễ Phục Sinh, thực sự được trở nên „những người con của ánh sáng và những người con ban ngày“ (Tx 5,5), nhờ vào sự thông hiệp hoàn toàn với Chúa Ki-tô.

Khi Thánh Phao-lô viết cho họ thì cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca chỉ mới vừa được thành lập, và chỉ cách biến cố phục sinh của Chúa Ki-tô có một ít năm. Vì thế, Thánh Tông Đồ đã cố gắng làm cho tất cả những tác dụng cũng như những công hiệu đối với lịch sử và đối với đời sống của mỗi người, mà biến cố vô tiền khoáng hậu và có tính quyết định ấy, tức biến cố phục sinh của Chúa, mang theo với mình, trở nên dễ hiểu. Đặc biệt, đối với cộng đoàn, những khó khăn không hệ tại ở chỗ nhìn nhận sự phục sinh của Chúa – vì tất cả đều tin điều đó -, nhưng hệ tại ở chỗ là tin vào sự phục sinh của những kẻ chết. Vâng, Chúa Giê-su đã phục sinh, nhưng điều khó khăn hệ tại ở chỗ tin rằng, tất cả mọi kẻ chết cũng đều được phục sinh. Trong ý nghĩa này, bức thư được coi là vô cùng có tính thời sự. Mỗi khi chúng ta đối diện với sự chết của mình, hay chạm trán với cái chết của một người thân, chúng ta cảm thấy rằng, Đức Tin của chúng ta rất bị thử thách. Tất cả mọi nghi nan của chúng ta đều hiện rõ, toàn bộ sự yếu đuối của chúng ta cũng đều biểu lộ, và chúng ta tự hỏi: „Có thực sự là sẽ có một sự sống sau khi chết hay không…? Tôi có thể tái nhìn thấy và ôm ghì lấy những con người mà tôi đã rất thương mến họ hay không…?“ Trong một cuộc hội kiến cách nay một ít ngày, một người phụ nữ đã đặt ra cho Cha câu hỏi đó, cũng như đã bày tỏ sự nghi nan ở đây: „Con sẽ gặp lại những người thân của con sao?“ Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cũng phải trở về lại với gốc rễ cũng như với nền tảng căn bản của Đức Tin chúng ta, để làm cho mình được ý thức rằng, trong Chúa Ki-tô Giê-su, Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta biết bao nhiêu là công việc, và sự chết của chúng ta có nghĩa là gì. Tất cả chúng ta đều có một cái gì đó sợ hãi trước việc không hiểu rõ về cái chết. Cha nhớ tới một cụ già tốt lành, cụ nói rằng: „Tôi không sợ chết. Nhưng tôi vẫn cảm thấy sợ một chút khi nhìn thấy nó đến.“ Cụ sợ hãi trước điều đó!

Khi tận mắt chứng kiến nỗi sợ hãi và sự nghi nan, Thánh Phao-lô đã mời gọi cộng đoàn hãy luôn đội trên đầu „triều thiên của niềm hy vọng vào ơn cứu độ“, đặc biệt là trong những giờ thử thách cũng như trong những khoảnh khắc khó khăn nhất của cuộc sống. Niềm hy vọng là một triều thiên: đó là điều mà niềm hy vọng Ki-tô giáo là. Khi nói về niềm hy vọng, có thể chúng ta sẽ có khuynh hướng hiểu nó trong ý nghĩa truyền thống của từ ngữ, nghĩa là trong mối liên đệ đến một điều chi đó đẹp đẽ mà chúng ta ước mong, nhưng nó có thể diễn ra hoặc không. Chúng ta hy vọng rằng, nó sẽ diễn ra; đồng thời nó cũng là một ước mong. Chẳng hạn như khi người ta nói: „Tôi hy vọng rằng, ngày mai thời tiết sẽ đẹp!“ Nhưng chúng ta biết rằng, thời tiết vào ngày hôm sau cũng có thể xấu… Niềm hy vọng Ki-tô giáo không phải là như thế. Niềm hy vọng Ki-tô giáo chính là một sự mong chờ vào một điều chi đó đã được hiện thực hóa rồi; cánh cửa ở đó, và tôi hy vọng rằng, tôi sẽ đến được với cánh cửa đó. Niềm hy vọng Ki-tô giáo là như thế: có sự tin tưởng rằng, tôi đang trên đường đi đến một điều chi đó đang ở sẵn đó, và không phải là đi đến một điều chi đó mà tôi mong muốn rằng, nó sẽ có ở đó. Đó là niềm hy vọng Ki-tô giáo. Niềm hy vọng Ki-tô giáo chính là sự mong chờ một sự việc đã được hiện thực hóa, và rồi chắc chắn sẽ được tiếp tục hiện thực hóa đối với từng người một trong chúng ta. Vì thế, ngay cả sự phục sinh của chúng ta và sự phục sinh của những người thân chúng ta đã qua đời cũng không phải là một cái gì đó sẽ có thể diễn ra hoặc không, nhưng nó là một thực tại chắc chắn, vì nó bén rễ sâu trong sự kiện phục sinh của Chúa Ki-tô. Hy vọng có nghĩa là học để sống trong sự mong chờ. Học để sống trong sự đợi chờ và để thấy được sự sống. Nếu một phụ nữ phát hiện ra rằng, mình đang có thai, thì cô sẽ học mỗi ngày để sống trong sự chờ đợi để thấy được ánh mắt của em bé sẽ được sinh ra. Chúng ta cũng phải sống như thế, và cũng phải học từ những mong chờ của con người và sống trong sự chờ mong sẽ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa, sẽ được gặp gỡ Ngài. Đó không phải là điều dễ dàng, nhưng người ta phải học để sống trong sự chờ mong. Hy vọng có nghĩa là và giả định rằng, có một con tim khiêm nhượng, một con tim nghèo khó. Chỉ có con tim nghèo khó mới biết sống trong sự mong chờ. Ai đã thỏa mãn với chính mình cũng như với tài sản của mình rồi, thì người ấy sẽ không thể đặt niềm tín thác của mình vào bất cứ người nào khác ngoài bản thân mình.

Thánh Phao-lô viết tiếp: „Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, Đấng đã chết vì chúng ta, để dầu thức hay ngủ, chúng ta cũng sống với Người“ (1Tx 5,10). Những lời trên luôn luôn là nền tảng cho niềm đại an ủi và bình an. Chúng ta cũng được mời gọi hãy cầu nguyện cho những người thân mà họ đã rời bỏ chúng ta, để họ sống trong Chúa Ki-tô và đứng trong sự hiệp thông hoàn toàn với chúng ta. Một điều chi đó rất gây xúc động cho con tim của Cha, đó là lời của Thánh Phao-lô, mà lời đó cũng được viết cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca. Nó lấp đầy con tim Cha với sự xác tín đầy hy vọng. Lời đó là như sau: „Chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi“ (1Tx 4,17). Điều đó thật tuyệt vời: tất cả sẽ qua đi, nhưng sau khi chết, chúng ta sẽ ở bên Chúa mãi mãi. Đó là niềm xác tín hoàn toàn hy vọng, đó cũng chính là điều mà ông Gióp đã nói trước đó rất lâu: „Tôi biết, Đấng Cứu Độ tôi hằng sống […] Tôi sẽ được chiêm ngưỡng chính Ngài, mắt tôi sẽ được nhìn thấy Ngài“ (G 19,25.27). Và như thế chúng ta sẽ ở bên Chúa mãi mãi. Anh chị em có tin như vậy không? Cha hỏi anh chị em: Anh chị em có tin như vậy không? Để có một điều chi đó mạnh mẽ, Cha mời anh chị em hãy cùng Cha hô lên ba lần: „Chúng ta sẽ ở bên Chúa mãi mãi.“ Và ở đó, bên Thiên Chúa, chúng ta sẽ gặp gỡ nhau.

 

Vatican, Đại sảnh Đường Tiếp Kiến

Sáng thứ Tư ngày mồng 01 tháng 02 năm 2017

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017