Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư 08.02.2017: Niềm Hy Vọng (tiếp theo)

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Vào hôm thứ Tư vừa qua, chúng ta thấy rằng, trong bức thư thứ nhất gửi các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, Thánh Phao-lô đã nhắc nhở mọi người phải bén rễ sâu trong niềm hy vọng vào sự Phục Sinh (xc. 1Tx 5,4-11), với một câu văn rất tuyệt vời: „Chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi“ (1Tx 4,17). Trong chính mối liên hệ đó, Thánh Tông Đồ đã chỉ ra rằng, niềm hy vọng Ki-tô giáo không chỉ sở hữu tầm quan trọng mang tính cá nhân và riêng tư, nhưng nó còn sở hữu tầm quan trọng mang tính cộng đồng và Giáo hội nữa. Tất cả chúng ta đều hy vọng; tất cả chúng ta đều có niềm hy vọng, và cũng có chung một niềm hy vọng.

Vì thế, Thánh Phao-lô đã ngay lập tức mở rộng tầm nhìn của Ngài trên tất cả mọi thực tại mà cộng đoàn Ki-tô giáo được cấu thành từ đó, trong khi Ngài xin các tín hữu hãy cầu nguyện cho nhau cũng như hãy hỗ trợ lẫn nhau. Giúp đỡ lẫn nhau – nhưng không chỉ giúp đỡ nhau trong những cơn túng quẫn, trong những nỗi khó khăn của cuộc sống hằng ngày, nhưng còn giúp đỡ nhau trong niềm hy vọng, và hỗ trợ nhau trong niềm hy vọng nữa. Việc Ngài bắt đầu ngay với những người mà trách nhiệm mục vụ và sự lãnh đạo được ủy thác cho họ, hoàn toàn không phải là chuyện tình cờ. Họ là những người đầu tiên được kêu gọi hãy nuôi dưỡng niềm hy vọng, và thực ra, không phải vì họ là những người tốt hơn những người khác, nhưng nhờ vào một nhiệm vụ do Thiên Chúa ủy thác, mà nhiệm vụ đó vượt xa sức lực riêng của họ. Từ lý do đó, họ cần có được sự tôn trọng, sự cảm thông và sự hỗ trợ quảng đại của mọi người.

Ngoài ra, mối quan tâm phải được dành cho những anh chị em mà họ đang có nguy cơ rất cao trong việc đánh mất niềm hy vọng, đang có nguy cơ rất cao trước việc sa vào nỗi tuyệt vọng. Chúng ta vẫn luôn có được kinh nghiệm về những con người đã rơi vào sự tuyệt vọng và đang thực hiện những điều tồi tệ… Sự tuyệt vọng sẽ dẫn họ tới với rất nhiều những điều tồi tệ. Cha nghĩ tới những người đang chán nản, những người yếu đuối, những người đang cảm thấy bị đè nén bởi gánh nặng cuộc sống và bởi lầm lỗi riêng của mình. Trong những trường hợp đó, sự gần gũi và hơi ấm của toàn Giáo hội phải trở nên sâu sắc và đầy tình mến hơn. Họ phải đón nhận được một hình thức cảm thông đặc biệt, điều đó không có nghĩa là thương hại người khác: Cảm thông có nghĩa là, cảm nhận và đau khổ với những nỗi đau của người khác, đến gần với những người đau khổ; trao cho họ một lời, một sự âu yếm mà nó đến tự tận cõi lòng; đó là sự cảm thông đối với những người đang cần tới sự khích lệ và niềm an ủi.

Đó là điều rất quan trọng: niềm hy vọng Ki-tô giáo sẽ không thể được công bố nếu như không có Đức Ái đích thực và cụ thể. Ngay cả vị Tông Đồ muôn dân, trong bức thư gửi tín hữu Rô-ma, cũng đã nói một cách rất thẳng thắn rằng: „Bổn phận của chúng ta, với tư cách là những người có Đức Tin vững mạnh“, với tư cách là những người có niềm hy vọng, hay không có nhiều những khó khăn, „là phải nâng đỡ những người yếu đuối, không có Đức Tin vững mạnh, chứ không phải chiều theo sở thích của mình“ (Rm 15,1). Gánh mang những yếu đuối của người khác. Ngoài ra, chứng tá này không đóng khung trong ranh giới của cộng đoàn Ki-tô hữu. Trong tất cả sức mạnh của mình, nó vọng ra bên ngoài, trong môi trường xã hội và dân sự: như là một lời mời gọi, không xây lên những bức tường, nhưng kiến tạo những cây cầu, không đáp lại sự ác bằng sự ác, nhưng vượt thắng sự ác bằng sự thiện, thắng vượt sự tổn thương bằng sự tha thứ - người Ki-tô hữu không bao giờ được nói: Tao sẽ trả thù mày chuyện đó! Không: Đó không phải là thái độ của Ki-tô giáo; sự tổn thương sẽ được vượt thắng nhờ vào sự tha thứ: sống trong hòa thuận với tất cả. Đó là Giáo hội. Và đó là điều mà niềm hy vọng Ki-tô giáo thúc đẩy khi nó đón nhận những đặc tính mạnh mẽ và trìu mến của Đức Ái. Đức Ái luôn mạnh mẽ và trìu mến. Đức Ái quả là tuyệt vời.

Như thế, người ta hiểu rằng, người ta không học để hy vọng một mình. Không ai học để hy vọng một mình. Đó là điều không thể. Niềm hy vọng cần đến sự gần gũi nhau, nhất thiết phải trở nên „một thân thể“ mà trong thân thể đó, những chi thể khác nhau sẽ hỗ trợ và bổ túc cho nhau. Điều đó có nghĩa là: nếu chúng ta có niềm hy vọng, thì nhiều người anh chị em của chúng ta cũng sẽ học từ nơi chúng ta để hy vọng, và sẽ luôn giữ cho niềm hy vọng được sống động. Và trong số những con người đó, nổi bật là những người bé nhỏ, những người đơn sơ mộc mạc, và những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Vâng, vì ai tự nhốt mình lại trong sự giầu sang phú quý riêng của mình thì người ấy sẽ không biết gì về niềm hy vọng cả. Người ấy sẽ chỉ đặt niềm hy vọng vào sự giầu sang của mình, nhưng đó không phải là niềm hy vọng: Đó chỉ là sự an toàn tương đối.

Ai tự nhốt mình lại trong sự thỏa mãn riêng của mình, ai lúc nào cũng cảm thấy mình ổn, thì người ấy không biết gì tới niềm hy vọng… Trái lại, những người có niềm hy vọng chính là những người phải hằng ngày kinh qua những thử thách, những bất an và những giới hạn của mình. Những anh chị em như thế sẽ trao cho chúng ta chứng tá tuyệt vời và mạnh mẽ nhất, vì họ luôn luôn tín thác vào Thiên Chúa, trong sự hiểu biết rằng, vượt lên trên tất cả mọi nỗi buồn đau, mọi nỗi áp bức và việc không thể tránh khỏi cái chết, lời nói cuối cùng sẽ thuộc về Ngài, và đó sẽ là lời nhân hậu, lời sự sống và bình an. Ai hy vọng, người ấy sẽ hy vọng rằng, vào một ngày kia, họ sẽ được nghe câu này: „Hãy đến, hãy đến đây với Ta hỡi người anh em; hãy đến, hãy đến đây với Ta, hỡi người chị em, đến mà lãnh nhận toàn bộ sự vĩnh cửu!

Các bạn thân mến, như chúng ta đã nói, nếu nơi ở tất nhiên của niềm hy vọng là một „thân thể“ liên đới, thì trong trường hợp của niềm Hy Vọng Ki-tô giáo, thân thể đó chính là Giáo hội, trong bầu khí trao ban sự sống, và linh hồn của niềm hy vọng đó chính là Chúa Thánh Thần. Nếu không có Chúa Thánh Thần thì người ta sẽ không thể có niềm hy vọng. Vì thế, Thánh Phao-lô Tông Đồ đã mời gọi chúng ta, hãy không ngừng cầu xin Chúa Thánh Thần. Nếu tin không phải là chuyện dễ, thì việc hy vọng cũng chẳng dễ dàng chút nào. Xem ra, việc hy vọng còn khó hơn cả việc tin, hy vọng khó hơn tin tưởng. Nhưng nếu Chúa Thánh Thần cư ngụ trong lòng chúng ta thì Ngài sẽ giúp chúng ta hiểu rằng, chúng ta không được phép sợ hãi trước việc Thiên Chúa đến gần và gánh lấy sự lo âu của chúng ta; Ngài chính là Đấng nhào nặn nên các cộng đoàn chúng ta, trong một Đại Lễ Ngũ Tuần vĩnh cửu, như là những dấu chỉ sống động của niềm hy vọng đối với gia đình nhân loại.

Xin cám ơn anh chị em.

Vatican, Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến

Sáng thứ Tư ngày mồng 08 tháng 02 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017