Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung Trưa Chúa Nhật 12.02.2017: Chúa Giê-su đến để kiện toàn Lề Luật

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Phụng Vụ hôm nay chỉ cho chúng ta thấy một điểm tiếp theo trong Bài Giảng Trên Núi mà chúng ta vừa nghe từ Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu (xc. 5,17-37). Trong đoạn này, Chúa Giê-su muốn giúp các thính giả của Ngài tái đọc lại Lề Luật Mô-sê. Điều được nói trong Giao Ước cũ là điều chân thật nhưng không phải là tất cả: Chúa Giê-su đến để kiện toàn cũng như để công bố Lề Luật tới từng dấu chấm và dấu phảy (xc. Mt 5,18). Ngài chỉ cho thấy mục đích nguyên thủy của Lề Luật cũng như kiện toàn những khía cạnh đích thực của Lề Luật, và Ngài thực hiện tất cả những điều đó thông qua việc loan báo Tin Mừng của Ngài, đặc biệt là thông qua việc hiến tế chính bản thân Ngài trên Thập Giá.

Như thế, Chúa Giê-su dậy cho biết Thánh Ý Thiên Chúa phải được chu toàn như thế nào, và Ngài sử dụng từ này: „ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-siêu“ (xc. Mt 5,20). Đó là một sự công chính được đem lại sinh khí bởi Tình Yêu, bởi Đức Ái và bởi Lòng Thương Xót, mà sự công chính đó có khả năng hiện thực hóa bản chất của Lề Luật, và ở đây ngăn ngừa mối nguy duy hình thức. Bệnh hình thức được thể hiện qua viêc: tôi được phép làm điều này, tôi không được phép làm điều kia; tôi được phép làm tới đó, từ đây trở đi thì tôi không được phép… Không: còn nhiều hơn nữa. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã trình bày cụ thể về ba khía cạnh, về ba giới cấm: giết người, ngoại tình và thề thốt. Đối với giới răn: „Ngươi không được giết người“, Chúa Giê-su giải thích rằng, giới răn đó sẽ không chỉ bị xâm phạm thông qua việc giết người trong thực tế, nhưng còn thông qua những thái độ mà chúng gây tổn thương cho phẩm giá của nhân vị con người nữa, trong đó có cả những lời nói xúc phạm (xc. Mt 5,22). Tất nhiên, những lời nói xúc phạm không có trọng lượng và tội lỗi giống như sự giết người, nhưng chúng cũng đứng trên cùng một tuyến, vì chúng chính là tiền đề của sự sát hại, và biểu lộ sự ghen ghét. Chúa Giê-su mời gọi chúng ta đừng bao giờ lập bảng dang sách những điều gây tổn thương, nhưng nói chung, hãy coi chúng là điều nguy hiểm, cho tới chừng nào chúng vẫn còn phát xuất từ ý định muốn bổ sung thêm điều ác cho tha nhân.

Và Chúa Giê-su đưa ra một ví dụ. Lăng mạ: chúng ta cảm thấy quen thuộc với sự xúc phạm, giống hệt như quen thuộc với những lời chào hỏi nhau. Và điều đó nằm trên cùng một tuyến với sự sát hại. Ai lăng mạ anh em, người ấy đang sát hại người anh em trong lòng mình. Xin đừng lăng mạ! Chúng ta chẳng thu được lợi lộc gì từ việc mắng chửi cả…

Một sự kiện toàn tiếp theo là giới luật về hôn nhân. Sự ngoại tình được coi là một sự gây tổn thương quyền sở hữu của người chồng trên người vợ. Trái lại, Chúa Giê-su đã đi tới tận gốc rễ của sự ác. Nếu như người ta phạm phải tội giết người thông qua những lời lăng nhục, những lời xúc phạm và những lời la mắng thế nào, thì người ta cũng phạm phải tội ngoại tình thông qua việc ước muốn chiếm hữu một người phụ nữ không phải là vợ mình như vậy. Tội ngoại tình được lập kế hoạch, trước tiên là trong lòng, giống như tội ăn cắp, tội tham nhũng và tấ cả những tội khác, và nếu một quyết định sai trái đã được đưa ra trong lòng rồi thì nó sẽ được hiện thực hóa trong hành vi cụ thể. Và Chúa Giê-su nói: Nếu ai nhìn một người phụ nữ không phải là vợ mình, với ý định muốn chiếm hữu, thì người ấy đã phạm tội ngoại tình với người phụ nữ đó trong lòng rồi, người ấy đã chọn đi theo con đường dẫn tới sự ngoại tình. Chúng ta hãy suy nghĩ kỹ tới điều đó: sy nghĩ về những tư tưởng xấu, những tư tưởng xấu đó sẽ đến trên tuyến đường này.  

Và rồi, Chúa Giê-su nói với các môn đệ rằng, họ không nên thề thốt gì hết cho tới chừng nào sự thề thốt vẫn còn là dấu chỉ của sự bất an và của sự giả dối mà những mối tương quan của con người phát triển trên đó. Người ta sử dụng quyền năng của Thiên Chúa như một công cụ để đưa ra một bảo đảm có tính che chắn cho những vấn đề của con người. Đúng hơn, chúng ta được kêu gọi, hãy xây dựng một bầu khí trong lành và tin tưởng lẫn nhau giữa chúng ta, trong các gia đình và trong các cộng đồng của chúng ta, đến độ người ta có thể coi chúng ta là người chân thành, mà không hề lệ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào cao hơn, để chúng ta được người khác tin. Sự ngờ vực và sự bất tín đối với nhau  sẽ luôn luôn đe dọa sự thanh thản và sự tin tưởng!

Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, người phụ nữ luôn ngoan ngùy lắng nghe, và luôn vui mừng tuân phục, giúp chúng ta, để chúng ta càng ngày càng đến gần với Tin Mừng hơn, hầu trở nên những Ki-tô hữu không chỉ là „những Ky tô hữu theo vẻ bên ngoài“, nhưng theo bản chất của mình! Điều ấy sẽ trở nên có thể với ân sủng của Chúa Thánh Thần, và ân sủng đó sẽ cho phép chúng ta thực hiện tất cả với Đức Ái, và như thế, chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa.

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật ngày 12 tháng 02 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017