Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Cuộc Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư 15.02.2017: Tự hào về niềm hy vọng

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Ngay từ thời niên thiếu, chúng ta đã được dậy rằng, việc khoe khoang là điều chẳng hay ho gì. Tại quê của Cha, người ta gọi những người khoe khoang là „những con công“. Và điều đó rất đúng, vì việc khoe khoang về điều mà người ta là hay người ta có, cho phép nhận ra một sự cao ngạo nào đó cũng như một sự thiếu kính trọng đối với người khác, đặc biệt là đối với những người bị chúng ta coi thường. Tuy nhiên, trong đoạn văn được trích từ thư gửi tín hữu Rô-ma (Rm 5, 1-5) mà chúng ta vừa nghe, Thánh Phao-lô lại gây ngạc nhiên cho chúng ta khi Ngài hai lần khích lệ chúng ta hãy tự hào. Vậy thì chúng ta nên tự hào về điều gì? Vì nếu Ngài khuyến khích chúng ta tự hào thì đương nhiên, việc tự hào về một điều chi đó sẽ là điều chính đáng. Nhưng người ta có thể làm điều đó thế nào mà không xúc phạm tới người khác, không loại trừ một ai đó? Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta được mời gọi hãy tự hào về ân sủng dồi dào mà nhờ đó, chúng ta được thẩm thấu vào trong Chúa Giê-su Ki-tô thông qua Đức Tin.

Thánh Phao-lô muốn cho chúng ta hiểu rằng, nếu chúng ta chịu học để quan sát mọi sự trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, thì chúng ta sẽ nhận ra rằng, tất cả đều là ân sủng! Trong khi quan sát, tất nhiên không chỉ có chúng ta, những con người hành động trong lịch sử cũng như trong cuộc sống của mình, nhưng đặc biệt là còn có cả Thiên Chúa nữa. Ngài là nhân vật chính tuyệt đối, Đấng sáng tạo nên tất cả với tư cách là quà tặng Tình Yêu, Đấng dệt nên tấm vải nhiệm cục cứu độ của Ngài, và đưa nó đến với sự thành toàn cho chúng ta, nhờ Chúa Giê-su – Con của Ngài. Chúng ta được mời gọi nhìn nhận tất cả những điều đó và đón nhận chúng với niềm biết ơn cũng như biến chúng thành lý do để ca ngợi và thành niềm vui lớn. Nếu chúng ta làm điều đó, chúng ta sẽ ở trong sự bình an với Thiên Chúa, và sẽ có được kinh nghiệm về sự tự do. Và niềm bình an này sẽ lan rộng trên tất cả mọi lãnh vực và mọi mối tương quan của cuộc sống chúng ta: Chúng ta ở trong sự bình an với chính mình, chúng ta ở trong sự bình an nơi gia đình, nơi cộng đồng chúng ta, nơi làm việc và với những con người mà chúng ta gặp gỡ họ mỗi ngày trong cuộc đời chúng ta. Nhưng Thánh Phao-lô cũng khuyến khích chúng ta hãy tự hào cả với những nỗi khốn cùng của chúng ta nữa. Điều đó không hề dễ hiểu. Do đó chúng ta cảm thấy khó khăn hơn, và có thể sẽ chẳng có gì để làm với tình trạng bình an vừa mới được mô tả ở trên. Nhưng đó là điều kiện rõ ràng và chân thực nhất đối với việc đó. Vì niềm bình an mà Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta, không được phép bị hiểu như là sự thiếu vắng những nỗi lo lắng, những thất vọng, những nỗi khốn cùng và những nỗi khổ đau. Nếu thiếu vắng những điều đó, thì cho dẫu chúng ta đang có bình an đi nữa, thì khoảnh khắc bình an đó cũng sẽ nhanh chóng kết thúc, và tất nhiên, chúng ta sẽ lại rơi vào sự thất vọng.

Đúng hơn, niềm bình an mà nó phát sinh từ Đức Tin, chính là một quà tặng: Nó là ân ban để kinh nghiệm rằng, Thiên Chúa yêu thương chúng ta, và Ngài luôn luôn ở bên chúng ta, không bao giờ bỏ rơi chúng ta dù chỉ là một khoảnh khắc nhỏ trong cuộc đời chúng ta. Và điều đó sẽ dẫn đến, như Thánh Tông Đồ nói, sự kiên nhẫn, vì chúng ta biết rằng, ngay cả trong những khoảnh khắc khó khăn và chao đảo nhất, Lòng Thương Xót và sự tốt lành của Thiên Chúa vẫn lớn hơn tất cả những điều khác, và không ai có thể kéo chúng ta ra khỏi đôi tay và sự hiệp thông của Ngài. Vì thế, niềm hy vọng sẽ trở nên vững chắc, và nhờ thế nó sẽ không để chúng ta rơi vào sự hư vong. Không bao giờ niềm hy vọng để chúng ta rơi vào sự hư vong. Niềm hy vọng không cho phép bị hư vong! Nó không đặt nền tảng trên điều mà chúng ta làm hay có thể làm, cũng không đặt nền tảng trên điều mà chúng ta có thể tin vào. Nền tảng căn bản của nó, tức nền tảng căn bản của niềm hy vọng Ki-tô giáo, chính là sự trung tín và sự chắn chắn nhất mà nó có thể có: Tình Yêu mà chính Thiên Chúa mang đến cho từng người một trong chúng ta. Nói một cách dễ hiểu là: Thiên Chúa thương yêu chúng ta. Tất cả chúng ta có thể nói điều đó. Nhưng anh chị em hãy suy nghĩ một chút: Có phải mỗi người trong chúng ta đều đang ở trong tình trạng để nói: tôi chắc chắn rằng Thiên Chúa đang yêu tôi, không? Đó là gốc rễ cho sự chắc chắn của chúng ta, gốc rễ của niềm hy vọng. Và Thiên Chúa đã đổ vào lòng chúng ta Thánh Thần – Đấng là Tình Yêu của Thiên Chúa – trong sự dư dật, với tư cách là Đấng Sáng Tạo, là người bảo đảm, để Ngài có thể nuôi dưỡng Đức Tin trong chúng ta cũng như có thể giữ cho niềm hy vọng này được luôn sống động. Và sự chắc chắn này: Thiên Chúa yêu thương tôi. „Nhưng khoảnh khắc tồi tệ này thì sao?“ – Thiên Chúa vẫn yêu thương tôi. „Còn tôi thì đã trót làm những chuyện tồi tệ và xấu xa rồi thì sao?“ – Thiên Chúa vẫn yêu thương tôi. Không ai có thể lấy được khỏi chúng ta sự chắc chắn đó. Và chúng ta phải lập lại lời đó như là lời nguyện: Thiên Chúa yêu thương tôi. Tôi chắc chắn rằng, Thiên Chúa yêu thương tôi. Tôi chắc chắn rằng, Thiên Chúa yêu thương tôi.

Giờ đây chúng ta đã hiểu được lý do tại sao Thánh Phao-lô Tông Đồ lại khuyến khích chúng ta luôn luôn tự hào về tất cả những điều đó. Tôi tự hào về Tình Yêu của Thiên Chúa, vì Ngài yêu thương tôi. Niềm hy vọng mà nó được tặng ban cho chúng ta, không tách chúng ta ra khỏi những người khác, nó hoàn toàn không đem chúng ta tới chỗ làm ô danh người khác hay loại trừ họ. Đúng hơn, đó là một tặng phẩm tuyệt vời, mà chúng ta nên biến mình thành „những chiếc kênh tuôn chảy quà tặng đó“ cho tất cả, với sự khiêm nhường và đơn sơ. Và vì thế, vinh quang lớn hơn của chúng ta sẽ hệ tại ở chỗ có một một Thiên Chúa là Cha, Đấng không thiên vị bất cứ ai, Đấng không loại trừ những kẻ nhỏ, nhưng mở căn nhà của Ngài ra cho tất cả mọi người, bắt đầu từ những kẻ hèn hạ nhất và những kẻ đang ở xa nhất, để với tư cách là những người con của Ngài, chúng ta sẽ học để an ủi và hỗ trợ lẫn nhau. Và xin anh chị em đừng quên: Niềm hy vọng không cho phép bị hư vong.

Vatican, Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến

Sáng thứ Tư ngày 15 tháng 02 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017