Bài Huấn Dụ Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Đọc Kinh Truyền Tin Chung Trưa Chúa Nhật II MC ngày 12.03.2017: Chúa biến hình

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Tin Mừng của Chúa Nhật thứ II Mùa Chay hôm nay tường thuật cho chúng ta biết về cuộc biến hình của Chúa Giê-su (xc. Mt 17,1-9). Chúa Giê-su mang theo ba môn đệ, đó là Thánh Phê-rô, Thánh Gia-cô-bê và Thánh Gio-an, và cùng với họ đi lên một đỉnh núi cao, và tại đó, một hiện tượng vô tiền khoáng hậu đã xảy ra: Dung nhan Chúa Giê-su „chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng“ (Mt 17,2). Bằng cách đó, Chúa Giê-su đã để cho vinh quang thần tính tỏa sáng trong con người của Ngài, đó là vinh quang mà người ta có thể cảm nhận được bằng Đức Tin trong việc loan báo Tin Mừng của Ngài cũng như trong những cử chỉ thực hiện các phép lạ của Ngài. Cuộc hiển dung của Chúa được kèm theo bởi cuộc hiện ra của Mô-sê và của Ê-li-a trên núi, hai ông „đã đàm đạo với Ngài“ (Mt 17,3).

Vinh quang“ mà nó được thể hiện qua biến cố diệu kỳ này, tượng trưng cho mục đích của Ngài: soi sáng cho giác quan và con tim của các môn đệ, để họ hiểu rõ, vị Thầy của họ là ai. Đó là vầng sáng chói chang, vầng sáng ấy bừng lên một cách đột ngột trên mầu nhiệm Chúa Giê-su, và chiếu sáng toàn bộ con người cũng như toàn bộ lịch sử của Ngài. Giờ đây Chúa Giê-su kiên quyết đi lên Giê-ru-sa-lem, ở đó Ngài sẽ phải lãnh nhận án tử trên Thập Giá.

Vì thế Chúa Giê-su muốn chuẩn bị sẵn cho các môn đệ của Ngài trước sự phẫn nộ ấy – tức sự phẫn nộ vì Thập Giá -, trước sự phẫn nộ mạnh mẽ đối với Đức Tin của họ; và đồng thời Ngài cũng muốn công bố sự Phục Sinh của Ngài, bằng cách là Ngài mạc khải mình là Đấng Messias, Con Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã chuẩn bị sẵn cho họ trước khoảnh khắc vô cùng buồn thảm và khổ đau. Trong thực thế, Ngài đã biểu lộ mình là Đấng Messias, mà Đấng Messias ấy không tương ứng với những mong chờ mà họ có về Ngài: không phải vị vua quyền lực với nhiều vinh quang, nhưng là một tôi tớ khiêm hạ và bất lực; không phải là ông chủ của những khối tài sản khổng lồ, như là dấu chỉ của một đời sống sung túc và giầu sang, nhưng là một con người nghèo nàn, người không có bất cứ một nơi nào để gối đầu; không phải là một tổ phụ với con đàn cháu đống, nhưng là một con người sống độc thân và không có nhà cửa cũng như „tổ ấm“. Ngài thực sự là sự mạc khải của Thiên Chúa, nhưng sự mạc khải này làm rối tung mọi cách nghĩ, và dấu chỉ gây dao động nhất của sự đảo ngược đầy bất mãn này chính là Thập Giá. Nhưng nhờ Thập Giá, Chúa Giê-su đã đạt tới được sự phục sinh vinh quang, và sự phục sinh vinh quang này sẽ mang tính chung cuộc chứ không chỉ chóng vắn như cuộc biến hình chỉ kéo dài trong một vài giây phút, trong một chốc lát.

Khi Chúa Giê-su biến hình trên núi Tabor, Ngài đã không muốn tỏ vinh quang của Ngài cho các môn đệ để tránh cho họ con đường Thập Giá, song chỉ cho họ biết Thập Giá sẽ dẫn tới đâu. Ai cùng chết với Chúa Ki-tô, người ấy cũng sẽ cùng phục sinh với Ngài. Và Thập Giá chính là cửa dẫn tới sự phục sinh. Ai cùng chiến đấu với Ngài, người ấy sẽ cùng với Ngài giành được chiến thắng khải hoàn. Đó là sứ điệp của niềm hy vọng mà nó chứa đựng Thập Giá của Chúa Giê-su trong mình, bằng cách là nó nhắc nhớ chúng ta để trở nên mạnh mẽ hơn trong kiếp sống của mình.

Thập Giá Chúa Ki-tô không phải là vật trang trí trong nhà, hay là đồ trang sức để người ta đeo trên mình, nhưng Thập Giá của Chúa Ki-tô chính là lời mời gọi sống Đức Ái, mà với Đức Ái ấy, Chúa Giê-su đã hinh sinh bản thân mình để cứu nhân loại trước sự ác và tội lỗi. Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy chăm chú chiêm ngưỡng hình tượng Thập Giá, chiêm ngưỡng Chúa Giê-su trên thập Giá: đó chính là biểu tượng của Đức Tin Ki-tô giáo, đó là huy hiệu của Chúa Giê-su, Đấng đã chết và phục sinh cho chúng ta. Chúng ta hãy làm sao để Thập Giá đánh dấu những chặng đường Thập Giá của chúng ta xuyên qua Mùa Chay, để ngày càng hiểu được sự nặng nề của tội lỗi và giá trị của sự hy sinh, mà nhờ đó, Đấng Cứu Thế đã cứu độ tất cả chúng ta.

Đức Trinh Nữ Maria đã biết chiêm ngưỡng vinh quang của Chúa Giê-su được cất giấu trong nhân tính của Ngài. Xin Mẹ giúp chúng ta lưu lại bên Chúa trong lời cầu nguyện âm thầm, hầu cho mình được chiếu sáng bởi sự hiện diện của Ngài, cũng như mang trong con tim mình ánh vinh quang của Ngài để vượt qua những đêm đen tăm tối nhất.

Quảng trường Thánh Phê-rô ngày 12 tháng 03 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017