Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư, 12.04.2017: Ga 12,24-25

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Vào hôm Chúa Nhật vừa qua, chúng ta đã tưởng nhớ tới cuộc tiến vào thành Giê-ru-sa-lem của Chúa Giê-su giữa tiếng reo hò vang dậy của các môn đệ và của đám đông quần chúng. Những con người ấy đã đặt nhiều niềm hy vọng vào Chúa Giê-su: Nhiều người mong chờ từ Ngài những phép lạ và những dấu chỉ vĩ đại, cũng như những xác nhận về quyền năng, và thậm chí là sự giải thoát khỏi những kẻ thù địch đang xâm lược đất nước.

Ai trong họ dám nghĩ rằng, ngay sau đó Chúa Giê-su sẽ bị kết án một cách nhục nhã cũng như sẽ bị giết trên Thập Giá? Những hy vọng thế trần của những con người ấy sẽ đổ gục khi tận mắt chứng kiến Thập Giá. Nhưng chúng ta tin rằng, niềm hy vọng của chúng ta được sinh ra ngay trong Đấng Chịu Đóng Đinh. Những hy vọng trần thế sẽ sụp đổ khi chứng kiến Thập Giá, nhưng những niềm hy vọng mới sẽ phát sinh, những niềm hy vọng mới ấy sẽ kéo dài luôn mãi. Một niềm hy vọng khác sẽ phát sinh ngay trên Thập Giá. Đó là một niềm hy vọng mà nó khác với những niềm hy vọng sẽ sụp đổ, khác với những niềm hy vọng của thế gian. Nhưng đó là niềm hy vọng nào? Đâu là niềm hy vọng phát sinh từ Thập Giá?

Điều mà Chúa Giê-su đã nói sau khi Ngài tiến vào Giê-ru-sa-lem, có thể giúp chúng ta hiểu về niềm hy vọng đó: „Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; nhưng nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác“ (Ga 12,24). Chúng ta hãy cố hình dung ra một hạt lúa nhỏ hay một hạt cải nhỏ mà nó được gieo vào mặt đất. Nếu nó cứ bị nhốt kín lại trong chính nó thì sẽ không có bất cứ điều gì xảy ra; nhưng nếu nó bung ra, nếu nó nở ra, thì nó sẽ phát triển thành một cây mạ, rồi lớn lên thành cây lúa, và cây lúa ấy sẽ sinh ra những bông lúa.

Chúa Giê-su đã mang một niềm hy vọng mới vào trong thế giới, và Ngài thực hiện điều ấy như một hạt lúa giống: Ngài làm cho mình trở nên hoàn toàn nhỏ bé, như một hạt cải; Ngài đã từ bỏ vinh quang Thiên Đàng của Ngài để đến với chúng ta: Ngài đã „ngã xuống đất“. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Để mang tới hoa trái, Chúa Giê-su đã sống Tình Yêu đến cùng, bằng cách là Ngài để cho mình được bung ra bởi sự chết, như hạt cải giống được bung ra dưới lớp đất. Ngay ở đó, điểm tận cùng của sự hạ mình – và cũng là điểm cao nhất của Tình Yêu – niềm hy vọng được nẩy mầm. Khi một người nào đó hỏi anh chị em: „Niềm hy vọng phát sinh như thế nào?“ – thì anh chị em hãy trả lời rằng: „Từ Thập Giá. Hãy nhìn lên Thánh Giá, hãy nhìn lên Chúa Ki-tô chịu đóng đinh, và niềm hy vọng sẽ đến từ đó, niềm hy vọng ấy không qua đi nữa, niềm hy vọng ấy kéo dài trong sự sống vĩnh cửu.“ Và niềm hy vọng ấy được nẩy mầm nhờ vào sức mạnh của Tình Yêu: vì Tình Yêu „hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả“ (1Cor 13,7). Tình Yêu mà nó là sự sống của Thiên Chúa, đã canh tân tất cả những gì mà nó đã đạt tới. Vì thế, trong ngày Phục Sinh, Chúa Giê-su đã biến đổi tội lỗi chúng ta thành ơn tha thứ, bằng cách là Ngài đã đón nhận nó về cho mình. Nhưng chúng ta hãy để ý xem sự biến đổi mà nó phát sinh từ Đại Lễ Phục Sinh, sẽ diễn ra thế nào: Chúa Giê-su đã biến tội lỗi chúng ta thành ơn tha thứ, biến sự chết của chúng ta thành sự phục sinh, biến nỗi sợ hãi của chúng ta thành niềm tín thác. Vì thế, niềm hy vọng của chúng ta được phát sinh từ đó, từ Thập Giá, và nó luôn luôn tái phát sinh từ đó: vì thế, với Chúa Giê-su, bóng tối của chúng ta sẽ có thể được biến thành ánh sáng, biến sự thất bại thành sự chiến thắng, biến sự thất vọng thành niềm hy vọng.

Niềm hy vọng vượt thắng tất cả, vì nó phát sinh từ Tình Yêu của Chúa Giê-su, Đấng đã trở nên giống như hạt cải dưới lớp đất, và đã chết để ban tặng sự sống, và từ sự sống tràn đầy Tình Yêu đó, niềm hy vọng sẽ đến. Nếu chúng ta chọn sống theo niềm hy vọng của Chúa Giê-su, thì dần dần chúng ta sẽ khám phá ra rằng, lối sống giầu chiến thắng chính là lối sống của hạt cải giống, của Tình Yêu khiêm nhượng. Không có bất cứ con đường nào khác để thắng vượt sự ác và để ban tặng niềm hy vọng cho thế giới. Nhưng có thể anh chị em sẽ nói với Cha: „Không, đó là một lô-gích đánh mất!“ Đúng là nó có vẻ như thế, nó là một lô-gích đánh mất, vì ai yêu thương, người ấy sẽ đánh mất quyền lực. Anh chị em đã suy nghĩ về điều đó chưa?

Ai yêu thương, người ấy sẽ đánh mất quyền lực, ai cho đi, người ấy sẽ khước từ một điều gì đó từ chính bản thân mình, và việc yêu thương chính là một quà tặng. Trong thực tế, lô-gích của hạt lúa mì bị chết đi, của Tình Yêu khiêm nhượng, chính là con đường của Thiên Chúa, và chỉ có con đường đó mới mang đến hoa trái. Chúng ta hãy nhìn điều đó ngay trong chính mình. Sự sở hữu luôn luôn xúi người ta muốn có thêm một cái gì đó khác: Tôi đã nhận được một điều chi đó cho mình, và ngay lập tức tôi lại muốn có được một điều khác, lớn hơn, và rộng hơn, và tôi không bao giờ hài lòng. Đó là một đòi hỏi tồi tệ! Người ta càng có nhiều thì người ta càng ham muốn có nhiều hơn nữa. Ai ăn mãi mà không no, người ấy sẽ không bao giờ được no thỏa. Và Chúa Giê-su đã nói về điều đó một cách hoàn toàn rõ ràng: „Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ đánh mất nó“ (Ga 12,25). Bạn ăn mãi nhưng vẫn cảm thấy không no, và bạn khát khao có thêm nhiều điều hơn nữa, nhưng… bạn sẽ đánh mất tất cả, ngay cả mạng sống của bạn. Điều đó có nghĩa là: Ai yêu quý những gì của riêng mình và chỉ sống cho mối quan tâm riêng của mình, người ấy sẽ chỉ thổi phồng mình lên và rồi sẽ đánh mất tất cả. Trái lại, ai đón nhận, sẵn sàng giúp đỡ và phục vụ, người ấy sẽ sống như Thiên Chúa muốn: và rồi người ấy sẽ chiến thắng, sẽ cứu được chính mình và người khác; sẽ trở thành hạt giống hy vọng cho thế giới. Vì sẽ thật là điều tuyệt vời khi giúp đỡ người khác và phục vụ người khác… Có lẽ chúng ta sẽ mỏi mệt! Nhưng cuộc sống là như thế, và con tim sẽ được lấp đầy với niềm vui và niềm hy vọng. Đó là Tình Yêu và đồng thời cũng là niềm hy vọng: phục vụ và trao tặng.

Chắc chắn, Tình Yêu này sẽ đi ngang qua Thập Giá và sự hy sinh, như đối với Chúa Giê-su. Thập Giá chính là sự vượt qua bắt buộc, nhưng nó không phải là đích điểm, nó chỉ là sự vượt qua: đích điểm chính là vinh quang, như Đại Lễ Phục Sinh biểu lộ cho chúng ta thấy. Và ở đây, một hình ảnh tuyệt vời khác sẽ giúp chúng ta, đó là hình ảnh mà Chúa Giê-su đã để lại cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly. Ngài nói: „Khi người phụ nữ chuẩn bị sinh con, thì bà sẽ lo lắng vì giờ của bà sắp đến; nhưng khi bà đã sinh con rồi, thì bà sẽ không còn nghĩ tới cơn gian nan nữa, nhưng sẽ tràn ngập niềm vui vì một con người đã được sinh ra trong thế giới“ (Ga 16,21).

Trao tặng sự sống chứ không sở hữu nó. Đó là điều mà các bà mẹ vẫn làm: Họ trao tặng sự sống cho một người khác, họ đau đớn, nhưng sau đó thì họ tràn ngập niềm vui và niềm hạnh phúc, vì họ đã sinh ra một sự sống khác cho thế giới. Điều đó trao tặng niềm vui: Tình Yêu mang sự sống đến với thế giới, và thậm chí còn trao cho sự đau khổ một ý nghĩa. Tình Yêu chính là động cơ mang niềm hy vọng của chúng ta tiến về phía trước. Cha xin lập lại: Tình Yêu chính là động cơ mang niềm hy vọng của chúng ta tiến về phía trước. Và mỗi người trong chúng ta đều có thể tự hỏi: „Tôi có yêu thương không? Tôi có học để yêu thương không? Tôi có học mỗi ngày để yêu thương hơn nữa không?“, vì Tình Yêu chính là động cơ mang niềm hy vọng của chúng ta tiến về phía trước.

Anh chị em thân mến, trong những ngày này, tức những ngày của Tình Yêu, chúng ta hãy để cho mình được mang vào trong mầu nhiệm của Chúa Giê-su, Đấng trao ban sự sống cho chúng ta như một hạt lúa mì, bằng cách là Ngài chết đi. Ngài chính là hạt giống niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta hãy chiêm ngưỡng Đấng Chịu Đóng Đinh, nguồn mạch của niềm hy vọng. Rồi dần dần chúng ta sẽ hiểu được rằng, cùng hy vọng với Chúa Giê-su có nghĩa là, ngay từ bây giờ đã nhìn thấy cây trong hạt giống rồi, nhìn thấy Đại Lễ Phục Sinh trong Thập Giá, nhìn thấy sự sống trong sự chết. Giờ đây Cha muốn trao cho anh chị em một bài tập về nhà. Sẽ là điều có lợi cho tất cả chúng ta khi chúng ta lưu lại trước Đấng Chịu Đóng Đinh -, ở nhà, tất cả anh chị em đều có một cây Thánh Giá -, hãy nhìn ngắm cây Thánh Giá đó và nói với Đấng Chịu Đóng Đinh: „Với Chúa, không có bất cứ điều gì bị mất. Với Chúa, con có thể hy vọng luôn luôn. Chúa là niềm hy vọng của con.“

Giờ đây chúng ta hãy giơ Đấng Chịu Đóng Đinh lên, và tất cả chúng ta hãy cùng nói với Chúa Giê-su Chịu đóng đinh: „Chúa là niềm hy vọng của con.“ Nào, tất cả chúng ta cùng thưa: „Chúa là niềm hy vọng của con.“ Hô to hơn nào!: „Chúa là niềm hy vọng của con.“ Xin cám ơn anh chị em.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 12 tháng 04 năm 2017

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017