Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 19.04.2017: Chúa Ki-tô phục sinh – niềm hy vọng của chúng ta!

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay chúng ta đang đứng trong ánh sáng của Đại Lễ Phục sinh mà chúng ta đã cử hành, cũng như vẫn đang tiếp tục cử hành trong Phụng Vụ. Vì thế, trong loạt bài Giáo Lý của chúng ta về niềm hy vọng Ki-tô giáo, hôm nay Cha muốn nói với anh chị em về Chúa Ki-tô phục sinh, niềm hy vọng của chúng ta, giống như Thánh Phao-lô đã trình bày cho chúng ta biết về Ngài trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô (xc. 1Cr 15). Thánh Tông Đồ muốn giải quyết một vấn đề nảy sinh mà nó đứng trong trung tâm điểm của các cuộc tranh chấp tại Cộng Đoàn này. Sự phục sinh là đề tài cuối cùng mà Ngài trình bày trong bức thư nêu trên, nhưng xét về tầm quan trọng thì đó là đề tài đầu tiên: vì tất cả đều đặt nền tảng trên điều kiện tiên quyết đó.

Thánh Phao-lô đã nói với các Ki-tô hữu của Ngài, và ở đây Ngài khởi đi từ một thực tế không thể phủ nhận mà nó không phải là kết quả đến từ những suy tư của một sự khôn ngoan nào đó, nhưng nó là một thực tế, một thực tế đơn giản đã can dự vào trong cuộc sống của một số người. Ki-tô giáo phát sinh ở đây. Ki-tô giáo không phải là một ý thức hệ, cũng không phải là một hệ thống triết lý, nhưng là một con đường Đức Tin, con đường này khởi đi từ một biến cố, và biến cố này được làm chứng bởi các môn đệ đầu tiên của Chúa Giê-su. Thánh Phao-lô đã tóm lược các chứng từ đó như sau: Chúa Giê-su đã chết vì tội lỗi chúng ta. Ngài đã được mai táng, và vào ngày thứ ba, Ngài đã phục sinh và hiện ra với ông Phê-rô và với nhóm Mười Hai (xc. 1Cr 15,3-5). Đó là thực tế: Ngài đã chết, đã được mai táng, đã phục sinh và đã hiện ra. Điều đó có nghĩa là Chúa Giê-su đang sống. Đó là cốt lõi của sứ điệp Ki-tô giáo.

Khi Thánh Phao-lô công bố biến cố này, tức biến cố mà nó là cốt lõi nội tại của Đức Tin, thì trước tiên, Ngài đã bao gồm những yếu tố cuối cùng của mầu nhiệm Phục Sinh, tức bao hàm thực tế rằng, Chúa Giê-su đã phục sinh. Vì nếu như tất cả đều kết thúc với cái chết, thì rồi chúng ta sẽ thấy được trong Ngài – chẳng hạn như – sự hy sinh cao nhất, nhưng điều đó không thể khơi lên Đức Tin của chúng ta. Cùng lắm thì Ngài cũng chỉ là một anh hùng.

Không! Ngài đã chết, nhưng Ngài cũng đã phục sinh. Vì thế, Đức Tin đến từ sự phục sinh. Việc chấp nhận rằng, Chúa Ki-tô đã chết và chết trên Thập Giá, đó không phải là hành vi Đức Tin, nhưng chỉ là một thực tế lịch sử. Tuy nhiên, việc tin rằng, Ngài đã phục sinh mới chính là điều ngược lại. Đức Tin của chúng ta phát sinh vào sáng ngày Phục sinh. Thánh Phao-lô đã kể ra những người mà Chúa Ki-tô phục sinh đã hiện ra với họ (xc. 1Cr 15,5-7). Ở đây chúng ta có một bản tóm tắt về tất cả những bài tường thuật về biến cố phục sinh, và về tất cả những con người mà họ đã được đụng chạm tới Đấng Phục Sinh. Kê-pha, tức Thánh Phê-rô, và nhóm Mười Hai đứng đầu trong danh sách đó, rồi đến „năm trăm anh chị em“ mà nhiều người trong họ vẫn đang còn tiếp tục có thể làm chứng, và sau đó mới đến ông Gia-cô-bê. Người cuối cùng trong bản danh sách này – có thể gọi là kẻ bất xứng nhất trong tất cả - chính là Ngài. Thánh Phao-lô đã tự mô tả mình là „một đứa trẻ sinh non“ (xc. 1Cr 15,8).

Thánh Nhân đã sử dụng cách diễn tả đó vì lịch sử cá nhân của Ngài là một bi kịch: Ngài không phải là một ca viên, nhưng Ngài đã bách hại Giáo hội, tự hào về những xác tín của mình; Ngài cảm thấy mình như là con người mẫu mực, với những hình dung hoàn toàn rõ ràng về cuộc sống và về bổn phận của mình. Nhưng trong hình ảnh hoàn hảo ấy – nơi Thánh Phao-lô, tất cả đều hoàn hảo, Ngài biết tất cả -, trong lối sống hoàn hảo ấy, vào một ngày kia, điều mà tuyệt đối Ngài không thể hình dung, lại đã diễn ra: cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su phục sinh trên đường đi Đa-mát. Ở đó không phải chỉ là một con người bị ngã lăn xuống đất: ở đó là một con người đã bị mắc vào một biến cố mà đối với ông, nó làm rối tung ý nghĩa của cuộc sống. Và kẻ bách hại đã trở thành một vị Tông Đồ! Tại sao vậy? Thưa, tại vì tôi đã nhìn thấy Chúa Giê-su đang sống! Tôi đã nhìn thấy Chúa Giê-su Ki-tô phục sinh! Đó là nền tảng căn bản nơi Đức Tin của Thánh Phao-lô, cũng như nơi Đức Tin của tất cả các Tông Đồ khác, nơi Đức Tin của Giáo hội và nơi Đức Tin của chúng ta.

Thật là tuyệt vời khi nghĩ rằng, về mặt căn bản, Ki-tô giáo chính là điều đó! Không phải chúng ta đã tìm kiếm Thiên Chúa quá nhiều – mà trong thực tế, sự tìm kiếm của chúng ta luôn rất ngập ngừng -, nhưng đúng hơn, chính Thiên Chúa mới là Đấng tìm kiếm chúng ta. Chúa Giê-su đã lôi cuốn chúng ta, đã chộp lấy chúng ta và đã xâm chiếm chúng ta để không bao giờ buông chúng ta ra nữa. Ki-tô giáo là một ân sủng, nó là sự ngỡ ngàng, và từ lý do này, nó cần tới một con tim có khả năng sửng sốt. Một con tim khép kín và một con tim duy lý sẽ không có khả năng ngỡ ngàng, và nó không thể hiểu được Ki-tô giáo là gì. Vì Ki-tô giáo là một ân sủng, và người ta chỉ cảm nhận về ân sủng đó, và ngoài ra, người ta sẽ gặp gỡ ân sủng đó trong sự ngỡ ngàng về cuộc gặp gỡ.

Ngay cả chúng ta cũng là những tội nhân – tất cả chúng ta đều là những tội nhân -, nếu như những ý định tốt đẹp của chúng ta chỉ tồn tại trên giấy tờ, hay nếu như khi nhìn xem cuộc sống, chúng ta nhận ra rằng, chúng ta đã tích lũy quá nhiều những thất bại… thì vào buổi sáng Phục Sinh, chúng ta sẽ có thể thực hiện điều mà những người tường thuật Tin Mừng cho chúng ta đã thực hiện: Đi tới mộ Chúa Ki-tô và nhìn thấy tảng đá lấp cửa mộ đã bị quăng sang một bên, cũng như nghĩ rằng, Thiên Chúa đang hiện thực hóa cho tôi và cho tất cả chúng ta một tương lai ngoài sự trông đợi. Đi tới nấm mộ của chúng ta: Tất cả chúng ta đều đang có một số những ngôi mộ nho nhỏ trong lòng mình. Đi tới đó và thấy rằng, Thiên Chúa có khả năng phục sinh từ đó. Hạnh phúc ở đây, và niềm vui cũng như sự sống đang ở đây, nơi mà tất cả đều nghĩ rằng, chỉ có buồn rầu, thất bại và đêm tối. Thiên Chúa sẽ làm cho những bông hoa đẹp nhất của Ngài mọc lên giữa đống sỏi đá khô cằn.

Trở thành những người Ki-tô hữu có nghĩa là, không khởi đi từ sự chết, nhưng từ Tình Yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, Tình Yêu ấy đã chiến thắng kẻ thù kịch liệt của chúng ta. Thiên Chúa lớn hơn sự hư vô, và chỉ cần một số ngọn nến cháy sáng cũng đủ để vượt qua đêm đen tăm tối nhất. Trong sự đồng thanh với các Ngôn Sứ, Thánh Phao-lô đã thốt lên: „Hỡi từ thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi?“ (1Cr 15,55)., Giờ đây, trong những ngày Phục Sinh này, chúng ta hãy mang trong lòng lời thảng thốt đó. Và khi người ta hỏi chúng ta, tại sao chúng ta lại trao tặng những nụ cười và chia sẻ cách kiên nhẫn, thì chúng ta có thể trả lời rằng, Chúa Giê-su vẫn luôn còn ở đây, trên quảng trường Thánh Phê-rô này, với chúng ta: Ngài đang sống và đã phục sinh.

Quảng trường Thánh Phê-rô ngày 19 tháng 04 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017