Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 26.04.2017: Thiên Chúa sẽ đồng hành với chúng ta mọi ngày cho tới tận thế!

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho tới tận thế“ (Mt 28,20). Những lời sau cùng đó trong Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu đã nhắc nhớ tới lời công bố của các Ngôn Sứ mà chúng ta đã thấy ngay từ đầu của Tin Mừng này: „Người ta sẽ gọi Ngài là Immabuel, nghĩa là: Thiên Chúa ở cùng chúng ta“ (Mt 1,23; Is 7,14). Thiên Chúa sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho tới tận thế. Chúa Giê-su sẽ đồng hành với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Toàn thể Tin Mừng được bao hàm bởi hai lời trích dẫn đó: bởi những lời mà chúng công bố mầu nhiệm của Thiên Chúa mà tên gọi của Ngài, căn tính của Ngài là „ở cùng“. Ngài không phải là một Thiên Chúa tách biệt, Ngài là một „Thiên Chúa ở cùng“, đặc biệt là „ở cùng chúng ta“, có nghĩa là ở cùng thụ tạo nhân loại.

Thiên Chúa của chúng ta không phải là Thiên Chúa vắng mặt, Đấng bị nhốt lại nơi bầu trời xa tắp; nhưng Ngài là một Thiên Chúa „ham thích“ ở với con người mà Ngài rất yêu thương và trìu mến, đến độ Ngài không muốn tách mình ra khỏi họ. Con người chúng ta có khả năng phá vỡ những mối liên kết cũng như phá vỡ những cây cầu. Ngài thì trái lại. Nếu con tim của chúng ta trở nên buốt giá thì con tim của Ngài vẫn luôn bừng cháy. Thiên Chúa của chúng ta luôn luôn đồng hành với chúng ta, ngay cả khi chúng ta quên lãng Ngài một cách bất hạnh. Trên mức độ mà nó tách sự bất tín ra khỏi Đức Tin, sẽ là sự khám phá mang tính quyết định về việc được yêu thương và được đồng hành bởi Cha chúng ta, cũng như không bao giờ bị Ngài bỏ rơi.

Cuộc đời của chúng ta là một cuộc lữ hành, một con đường. Ngay cả những người mà họ chỉ được thôi thúc bởi một niềm hy vọng thuần nhân loại, cũng cảm thấy được cuốn hút bởi đường chân trời mà nó thôi thúc họ thám hiểm những con đường mới mà họ chưa hề hay biết. Tâm hồn của chúng ta là một tâm hồn lên đường. Kinh Thánh chứa đầy những câu chuyện về những người lữ hành cũng như về những người lên đường. Ơn gọi của Áp-ra-ham bắt đầu từ mệnh lệnh sau đây của Thiên Chúa: „Hãy đi ra khỏi quê hương xứ sở của ngươi“ (St 12,1). Và vị Tổ Phụ đã bỏ lại một phần thế giới mà ông đã rất quen thuộc, và đó là một trong những cái nôi của nền văn minh thuộc thời đại của ông. Tất cả đều trái ngược với ý nghĩa của cuộc hành trình này. Tuy nhiên, Áp-ra-ham đã lên đường. Người ta sẽ không bao giờ trở thành những người nam và những người nữ chín chắn nếu như người ta không cảm thấy sức cuốn hút của đường chân trời: đó là ranh giới giữa trời và đất mà nó muốn được đạt tới bởi dân lữ hành.

Trên con đường của mình nơi dương thế, con người không bao giờ cô đơn. Đặc biệt là người Ki-tô hữu, họ sẽ không bao giờ cảm thấy bị bỏ rơi vì Chúa Giê-su đã cam đoan với chúng ta rằng, Ngài không chỉ chờ đợi chúng ta ở cuối cuộc hành trình dài của chúng ta, nhưng còn đồng hành với chúng ta mọi ngày. Mối lo lắng của Thiên Chúa dành cho con người sẽ kéo dài cho tới khi nào? Chúa Giê-su, Đấng đồng hành với chúng ta, sẽ chăm lo cho chúng ta tới khi nào? Câu trả lời của Tin Mừng không cho phép chúng ta nghi ngờ: tới tận thế!

Cho dẫu bầu trời có qua đi, trái đất sẽ qua đi, niềm hy vọng của con người cũng sẽ bị hủy hoại, nhưng Lời Thiên Chúa vẫn lớn hơn tất cả và sẽ không bao giờ qua đi. Và Ngài sẽ là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, sẽ là Thiên Chúa đồng hành với chúng ta. Trong cuộc đời chúng ta sẽ không có bất cứ ngày nào Thiên Chúa dừng lo lắng cho chúng ta. Giờ đây một người nào đó có thể hỏi: „Ngài nói gì vậy ạ?“ Cha nói rằng: trong cuộc đời chúng ta sẽ không có bất cứ ngày nào Thiên Chúa dừng chăm lo cho chúng ta.

Ngài chăm lo cho chúng ta, và Ngài đồng hành với chúng ta. Và tại sao Ngài lại làm thế? Đơn giản, tại vì Ngài yêu thương chúng ta. Anh chị em có hểu điều đó không? Ngài yêu thương chúng ta! Và chắc chắn Thiên Chúa sẽ lo lắng cho tất cả mọi nỗi khốn cùng của chúng ta, Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta trong thời thử thách và đêm tối. Niềm xác tín này muốn cư ngụ trong lòng chúng ta để không bao giờ bị dập tắt. Một số người miêu tả niềm xác tín đó như là „thiên mệnh“. Sự gần gũi của Thiên Chúa, Tình Yêu của Ngài, sự lên đường của Ngài để đồng hành với chúng ta cũng được mô tả như là „Thiên Mệnh – sự quan phòng của Thiên Chúa“: Ngài chăm lo cho cuộc sống chúng ta. Không phải ngẫu nhiên mà chiếc neo trở thành một trong những biểu tượng Ki-tô giáo về niềm hy vọng, Cha rất thích biểu tượng này. Nó diễn tả rằng, niềm hy vọng của chúng ta không hề mơ hồ: nó không được phép bị lầm lẫn với cảm giác dễ thay đổi của những người muốn thay đổi một cách lưỡng lự những điều trên thế gian này, trong khi họ chỉ dựa vào sức mạnh ý chí của riêng mình.

Vì không phải niềm hy vọng Ki-tô giáo có gốc rễ của nó trong sức lôi cuốn của tương lai, nhưng trong sự chắc chắn vào điều mà Thiên Chúa đã hứa với chúng ta, và vào điều mà Ngài đã hiện thực hóa trong Chúa Giê-su Ki-tô. Nếu Ngài đã cam đoan với chúng ta rằng, Ngài sẽ không bao giờ bỏ rơi chúng ta, nếu như sự bắt đầu của bất cứ ơn gọi nào cũng là tiếng mời: „Hãy theo Ta!“, và Ngài sẽ cam đoan với chúng ta rằng, Ngài luôn luôn đi trước chúng ta, thì chúng ta còn phải sợ hãi điều chi? Với lời hứa này, các Ki-tô hữu sẽ lên đường khắp nơi. Ngay cả khi chúng ta đi xuyên qua những khu vực bị gây tổn thương của thế giới, tức nơi mà mọi sự diễn ra không mấy tốt đẹp, thì chúng ta vẫn thuộc về số những con người đang tiếp tục hy vọng ở đó. Trong Thánh Vịnh có viết thế này: „Dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm“ (Tv 23,4). Ngay ở đó, nơi bóng tối bao phủ, người ta phải để cho ánh sáng bừng cháy lên.

Chúng ta hãy trở lại với chiếc neo. Đức Tin của chúng ta chính là chiếc neo trong Thiên Đàng. Cuộc đời của chúng ta đã được neo vào Thiên Đàng. Chúng ta nên làm gì? Hãy nắm chặt vào dây thừng: nó luôn luôn ở đó. Và chúng ta tiến về phái trước, vì chúng ta chắc chắn rằng, cuộc sống của chúng ta đã được neo vào Thiên Đàng, đã được neo vào bờ, nơi chúng ta sẽ đến. Chắc chắn, nếu chúng ta chỉ đặt niềm tin tưởng của mình vào sức riêng của chúng ta, thì chúng ta sẽ có quyền cảm thấy thất vọng và thất bại, vì thế gian thường biểu lộ sự tối dạ trước giới luật Đức Ái. Thế gian thường ưu tiên cho giới luật ích kỷ. Nhưng nếu như trong chúng ta vẫn tồn tại niềm xác tín rằng, Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, rằng Thiên Chúa vẫn đang yêu thương chúng ta và yêu thương thế giới này một cách trìu mến, thì rồi viễn tượng sẽ thay đổi ngay lập tức.

Homo viator, spe erectus“ – trong thời Trung Cổ người ta nói như thế. Trên đường đi, lời hứa của Chúa Giê-su „Thầy sẽ ở cùng anh em“ sẽ làm cho chúng ta đứng thẳng người lên, đứng ngay ngắn, với niềm hy vọng, trong niềm xác tín rằng, Thiên Chúa tốt lành đã sẵn sàng hành động để hiện thực hóa những điều không thể đối với con người, vì chiếc neo đã được đặt nơi bến bờ của Thiên Đàng. Dân tín hữu thánh thiện của Thiên Chúa chính là những con người biết đứng thẳng người lên – „erectus“ – và lên đường trong niềm hy vọng. Và họ cũng sẽ đi tới nơi mà họ biết rằng, Tình Yêu của Thiên Chúa đã đi trước họ: không có bất cứ nơi nào trên trái đất này mà cuộc chiến thắng của Chúa Ki-tô phục sinh không đi tới. Và cuộc chiến thắng của Chúa Ki-tô phục sinh là gì? Thưa, đó là sự chiến thắng của Tình Yêu. Xin cám ơn anh chị em!

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 26 tháng 04 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017