Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Cuộc Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 03.05.2017: Chuyến Tông Du tại Ai-cập.

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay Cha muốn nói với anh chị em về chuyến Tông Du tới Ai-cập mà Cha vừa mới thực hiện trong tuần vừa qua với ơn trợ giúp của Thiên Chúa. Cha đã lên đường đi tới quốc gia này dựa theo bốn lời mời: lời mời của tổng thống nước cộng hòa, của Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Giáo hội Chính thống Cóp-tít, của Đại Giáo Chủ Al-Azhar, cũng như của Đức Thượng Phủ Giáo Chủ Giáo hội Công Giáo Cóp-tít. Tôi xin cám ơn từng người một trong quý vị vì sự đón tiếp thực sự nồng nhiệt mà quý vị đã dành cho tôi. Và tôi cũng xin cám ơn toàn thể dân tộc Ai-cập vị mối thiện cảm và tình mến mà chuyến viêng thăm của Đấng Kế Vị Thánh Phê-rô đã nếm trải.

Tổng thống và các nhà lãnh đạo chính quyền dân sự đã thực hiện những nỗ lực đặc biệt để biến cố này có thể diễn ra theo một cách thức tốt nhất, cũng như đã có thể trở thành một dấu chỉ của hòa bình: một dấu chỉ hòa bình đối với Ai-cập cũng như đối với toàn vùng mà tiếc rằng, vùng này đang phải chịu đựng những cuộc xung đột và chủ nghĩa khủng bố. Chuyến Tông Du đã diễn ra dưới khẩu hiệu: “Giáo Hoàng Hòa Bình tại Ai Cập Hòa Bình.”

Chuyến viếng thăm của Cha tại đại học Al-Azhar, tức Đại Học cổ xưa nhất của Hồi giáo và là cơ quan có tính hàn lâm cao nhất của Hồi giáo Sunni, đã có một lý do kép: đối thoại giữa các Ki-tô hữu và Hồi giáo, đồng thời thúc đẩy hòa bình trên thế giới. Cuộc gặp gỡ với vị Đại Giáo Chủ đã diễn ra tại Al-Azhar. Cuộc gặp gỡ này đã được tiếp tục trong phạm vi lớn hơn tại hội nghị quốc tế về hòa bình. Trong mối liên hệ này, Cha đã trình bày một suy tư mà nó đánh giá lịch sử Ai-cập như là một đất nước văn hóa và là một đất nước của những giao ước. Đối với toàn thể nhân loại, Ai-cập chính là biểu tượng cho nền văn hóa cổ đại, cho các kho tàng nghệ thuật và cho sự khôn ngoan; và điều đó nhắc nhớ chúng ta rằng, hòa bình được kiến tạo thông qua việc giáo dục, việc đào tạo đức khôn ngoan, và việc đào tạo nhân bản, mà nền nhân bản ấy bao hàm cả chiều kích tôn giáo, lẫn mối tương quan với Thiên Chúa như là một thành phần vững chắc, như vị Đại Giáo Chủ đã nhắc nhớ trong bài diễn văn của ông. Người ta cũng kiến tạo hòa bình bằng cách tái bắt đầu nơi Giao Ước giữa Thiên Chúa và con người, nền tảng căn bản của giao ước giữa tất cả mọi con người. Nó đặt nền tảng trên Mười Điều Răn mà Mười Điều Răn ấy đã được ghi trên phiến đá của núi Sinai, nhưng còn được khắc ghi sâu hơn nữa vào trong con tim của mỗi người thuộc mọi thời điểm: Giới Răn này được gồm tóm trong hai giới răn Yêu Mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.

Nền tảng căn bản ấy cũng là nền tảng của việc kiến tạo một trật tự xã hội và dân sự mà tất cả mọi công dân của mọi dân tộc, của mọi nền văn hóa và của mọi tôn giáo đều phải góp phần vào. Sự hiểu biết về một chủ nghĩa quốc gia lành mạnh ấy nổi bật lên trong sự trao đổi những lời phát biểu với tổng thống của cộng hòa Ai-cập, trong sự hiện diện của các nhà lãnh đạo chính quyền dân sự cũng như của ngoại giao đoàn. Di sản to lớn về lịch sử và tôn giáo của Ai-cập, cũng như vai trò của quốc gia này tại Trung Đông đang chỉ định cho quốc gia này một sứ mạng đặc biệt trên con đường tiến tới nền hòa bình thường xuyên và vững bền, mà nền hòa bình ấy không được hỗ trợ dựa vào quyền lực của những kẻ mạnh, nhưng dựa trên sức mạnh của pháp luật.

Các Ki-tô hữu tại Ai-cập cũng như tại tất cả mọi quốc gia khác trên trái đất đều được kêu gọi trở nên nắm men của tình huynh đệ. Và điều đó sẽ trở nên có thể nếu như chính họ sống sự hiệp thông với nhau trong Chúa Ki-tô. Cùng với người anh em khả ái của Cha – Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Tawadros II của Giáo hội Chính thống Cóp-tít -, chúng tôi đã có thể đưa ra một dấu chỉ mạnh mẽ của sự hiệp thông. Chúng tôi đã canh tân nghĩa vụ - bằng cách là chúng tôi đã ký một tuyên bố chung – cùng đi trên con đường của mình và cam đoan với nhau là sẽ không lập lại việc cử hành Bí Tích Thanh Tẩy đã được ban trong các Giáo hội liên hệ. Chúng tôi cũng đã cùng cầu nguyện cho các vị Tử Đạo của các vụ tấn công mà chúng đã bất thần xảy ra theo một cách thức kinh khủng trong thời gian mới đây đối với Giáo hội đáng kính này; và máu của họ đã tạo điều kiện cho cuộc gặp gỡ đại kết mà Đức Thượng Phụ Bartholomeus của Constantinopoli cũng đã tham dự: Đức Thượng Phụ Đại Kết, người anh em khả ái của Cha.

Ngày thứ hai của chuyến Tông Du được dành cho các tín hữu Công giáo. Thánh Lễ mà chúng tôi đã cử hành tại sân vận động được chuẩn bị sẵn bởi các cơ quan chính quyền Ai-cập, chính là một Đại Lễ của Đức Tin và của tình huynh đệ. Trong Thánh Lễ đó, chúng tôi đã cảm nhận được sự hiện diện sống động của Đấng Phục Sinh. Khi Cha chia sẻ Tin Mừng, Cha đã khích lệ cộng đoàn Công giáo nhỏ bé tại Ai-cập hãy tái sống kinh nghiệm của hai người môn đệ làng Emmaus: luôn tìm thấy niềm vui của Đức Tin, sự hăng hái của niềm hy vọng và sức mạnh trong Chúa Ki-tô, trong Lời Ngài và trong Bánh Hằng Sống, để làm chứng trong Đức Ái: “Chúng tôi đã gặp Chúa!”

Cuộc gặp gỡ cuối cùng được dành cho các Linh mục, các nam nữ Tu sĩ và các Chủng sinh tại Chủng Viện của Tòa Thượng Phụ Giáo Chủ. Có rất nhiều Chủng sinh: Đó là một niềm an ủi! Đó là một buổi Phụng Vụ Lời Chúa, trong đó, những lời hứa của Đời Sống Thánh Hiến đã được canh tân. Trong sự hiệp thông của những người nam và những người nữ đã quyết định trao hiến cuộc đời mình cho Chúa Ki-tô, cho Triều Đại Thiên Chúa, Cha đã thấy được vẻ đẹp của Giáo hội tại Ai-cập, và đã cầu nguyện cho tất cả các Ki-tô hữu tại vùng Trung Đông, để - nhờ vào sự hướng dẫn của các mục tử cũng như nhờ vào sự đồng hành của những người sống đời Thánh Hiến - họ có thể trở nên muối và ánh sáng trong từng quốc gia và giữa các dân tộc. Đối với chúng tôi, Ai-cập chính là dấu chỉ của niềm hy vọng, của nơi trú ẩn và của sự tương trợ. Khi nạn đói thống trị một phần thế giới, cùng với những người con của mình, Gia-cóp đã đến đó; sau này, khi Chúa Giê-su bị bách hại, Ngài cũng đã đến đó. Vì thế, việc thuật lại cho anh chị em nghe về chuyến Tông Du này cũng có nghĩa là bước đi trên con đường hy vọng: Đối với chúng ta, Ai-cập chính là dấu chỉ của niềm hy vọng, cả trong lịch sử lẫn trong thời đại hôm nay, là dấu chỉ của tình huynh đệ mà Cha đã tường thuật lại cho anh chị em nghe.

Cha xin tái cám ơn tất cả những ai đã tạo điều kiện cho chuyến Tông Du này, cũng như cám ơn tất cả những ai đã thực hiện những đóng góp của mình bằng những cách thức khác nhau, đặc biệt là cám ơn rất nhiều người đã trình bày lời cầu nguyện và sự đau khổ của họ như là sự hy sinh. Ước gì Thánh Gia Nazareth, mà Gia Đình Thánh này đã trẩy đi trên bờ sông Nil để tránh sự bạo hành của vua Hê-rô-đê, luôn luôn chúc lành và bảo vệ dân tộc Ai-cập, cũng như dẫn đưa dân tộc này đi trên con đường bình an, con đường của tình huynh đệ và hòa bìn. Xin cám ơn!

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày mồng 03 tháng 05 năm 2017

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017