Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Cuộc Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 10.05.2017

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong loạt bài Giáo Lý của chúng ta về niềm hy vọng, hôm nay chúng ta hướng nhìn lên Đức Maria, Thân Mẫu của niềm hy vọng. Trên con đường của Mẹ với tư cách là Thân Mẫu, Đức Maria đã nhiều lần đi xuyên qua đêm tối. Ngay từ lần xuất hiện đầu tiên trong câu chuyện của các sách Tin Mừng, hình tượng của Mẹ đã nổi bật lên giống như một nhân vật trong một vở kịch.

Việc thưa lời “Xin Vâng” trước lời mời gọi của Sứ Thần không hề là điều đơn giản: Nhưng Mẹ đã trả lời, một thiếu nữ còn đang trong thời trổ bông của tuổi trẻ, với sự can đảm, mặc dầu Mẹ không biết gì về số phận mà nó đang chờ đợi Mẹ. Trong khoảnh khắc ấy, Đức Maria đã hiện ra với chúng ta như một trong rất nhiều người mẹ của thế giới này, mà họ luôn can đảm cho đến cùng, khi vấn đề là việc đón nhận trong cung lòng mình một lịch sử của một con người mới sẽ được sinh ra.

Lời thưa “Xin Vâng” này chính là bước đi đầu tiên của một loạt dài những hành vi tuân phục – một loạt dài những hành vi tuân phục! -, mà chúng sẽ đồng hành trên con đường của Mẹ với tư cách là Thân Mẫu. Đức Maria đã xuất hiện trong các Tin Mừng với tư cách là một phụ nữ âm thầm, người hầu như không hiểu được tất cả những gì đang xảy ra xung quanh mình, nhưng luôn luôn suy đi nghĩ lại trong lòng về từng lời nói và về từng biến cố.

Thái độ sẵn sàng này tạo ra một cái nhìn tuyệt vời trong cấu trúc tâm lý của Đức Maria: Mẹ không phải là mẫu phụ nữ dễ dàng bị đánh gục khi tận mắt chứng kiến những điều không rõ ràng trong cuộc sống – đặc biệt là khi xem ra không còn có bất cứ điều gì ổn thỏa nữa. Mẹ cũng không thuộc mẫu phụ nữ thích phản kháng với bạo lực, và thích nguyền rủa số kiếp mà nó thường biểu lộ một khuôn mặt đầy ác ý đối với chúng ta. Đúng hơn, Mẹ là một phụ nữ luôn lắng nghe: xin anh chị em đừng quên rằng, luôn luôn tồn tại một mối tương quan lớn giữa niềm hy vọng và sự lắng nghe, và Đức Maria là một phụ nữ lắng nghe. Mẹ đón nhận cuộc sống như nó được giới thiệu với chúng ta: với những ngày hạnh phúc của nó, nhưng cũng với những thảm kịch của nó mà chúng ta không bao giờ thích đối diện với. Và điều đó đã đi tới đêm tối thẳm sâu nhất của Đức Maria khi Con của Mẹ bị đóng đinh trên cây Thập Giá.

Cho tới ngày đó, dường như Đức Maria đã biến mất khỏi cốt truyện của các Tin Mừng: với sự hiện diện dần dần trở nên phai nhạt của Mẹ, các tác giả Kinh Thánh đã cho phép nhận ra sự im lặng của Mẹ trước mầu nhiệm của Chúa Con, Đấng vâng phục Chúa Cha. Nhưng Đức Maria lại tái xuất hiện ở đó ngay trong khoảnh khắc có tính quyết định: khi một phần lớn những người bạn đã biến mất vì sợ hãi. Những người mẹ không bao giờ phản bội, và không ai trong chúng ta có thể nói được, trong khoảnh khắc ấy, dưới chân Thập Giá, nỗi đau khổ gớm ghê ấy là gì: nỗi đau khổ của một con người vô tội, Đấng chết trên Thập Giá, hay nỗi khổ đau của một người Mẹ, người đồng hành với những khoảnh khắc cuối cùng trong cuộc đời của Con mình. Các tác giả Tin Mừng đã rất cô đọng và vô cùng tế nhị. Các Ngài đã mô tả sự hiện diện của Mẹ bằng một động từ hết sức đơn giản: Mẹ “đứng đó” (xc. Ga 19,25), Mẹ đứng đó. Không có bất cứ điều gì cho thấy phản ứng của Mẹ: liệu Mẹ có khóc hay không… không có bất cứ điều gì; ngòi bút đã không một lần mô tả về nỗi đớn đau của Mẹ: sau này sức tưởng tượng của các nhà thơ cũng như của các họa sĩ mới làm phát sinh ra những chi tiết ấy. Họ đã trao cho chúng ta những hình ảnh mà chúng đã bước vào lịch sử nghệ thuật và văn chương. Nhưng các tác giả Tin Mừng chỉ nói: Mẹ “đứng đó”. Mẹ đứng đó, trong khoảnh khắc tồi tệ nhất, trong khoảnh khắc bi ai nhất, và chịu đựng nỗi khổ đau cùng với Con của Mẹ. Mẹ “đứng đó”.

Đức Maria “đứng đó”, Mẹ hiện diện tại đó một cách đơn giản. Mẹ tái hiện diện ở đó, người thiếu phụ làng Nazareth, giờ đây với mái tóc bạc phơ, vì nhiều năm đã trôi qua, nhưng Mẹ vẫn có điều để làm với một Thiên Chúa mà chỉ có Ngài mới là Đấng người ta phải ôm ghì lấy, và với một cuộc sống mà nó đã đi tới ngưỡng cửa của đêm tối thẳm sâu nhất. Đức Maria “đứng đó” trong đêm tối thẳm sâu nhất, nhưng Mẹ “đứng”. Mẹ đã không bỏ đi. Đức Maria luôn luôn hiện diện cách trung thành ở nơi mà một ngọn nến cháy phải được đặt vào chỗ đầy sương mù và khói đen.

Ngay cả khi Mẹ biết về ơn tiền định phục sinh mà Con của Mẹ đã mở ra cho tất cả chúng ta, cho tất cả mọi người trong khoảnh khắc ấy: Mẹ vẫn đứng đó vì sự trung tín với kế khoạch của Thiên Chúa mà Mẹ đã mô tả mình như là nữ tỳ hèn mọn của Ngài trong ngày đầu ơn gọi của Mẹ, nhưng cũng vì cảm nhận của Mẹ với tư cách là một người mẹ chịu đựng sự đau khổ một cách đơn giản bất cứ khi nào một người con phải trải qua một cuộc khổ hình. Sự đau khổ của những người Mẹ: tất cả chúng ta đều quen biết những phụ nữ rất mạnh mẽ, họ đã giới thiệu bản thân mình cho rất nhiều những nỗi khổ đau của con cái họ.

Trong ngày đầu tiên của Giáo hội, chúng ta sẽ tái nhìn thấy Mẹ - Thân Mẫu của niềm hy vọng – trong giữa cộng đoàn các môn đệ vô cùng yếu đuối: một người đã chối bay chối biến Thầy mình, nhiều kẻ đã chạy trốn, tất cả đều đã rất sợ hãi (xc. Cv 1,14). Nhưng Mẹ đứng đó một cách đơn giản, theo một cách thức hoàn toàn quen thuộc, như thể nó là một cái gì đó hoàn toàn tự nhiên: trong Giáo hội sơ khai, mà Giáo hội ấy đang được bao trùm bởi ánh sáng phục sinh, nhưng cũng rất run rẩy khi tận mắt chứng kiến những bước đi đầu tiên mà mình phải thực hiện trong thế giới.

Vì thế, tất cả chúng ta đều yêu mến Mẹ với tư cách là Thân Mẫu. Chúng ta không phải là những kẻ mồ côi. Chúng ta có một người Mẹ trên trời: Thánh Mẫu Thiên Chúa. Vì thế, xin Mẹ dậy cho chúng ta nhân đức đợi chờ, ngay cả khi tất cả đều có vẻ như vô nghĩa: Mẹ luôn luôn tín thác vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, dẫu có vẻ như Ngài đã biến mất vì sự ác trong thế giới. Ước gì Đức Maria, Thân Mẫu, người đã ban tặng Chúa Giê-su cho tất cả chúng ta, sẽ luôn luôn hỗ trợ những bước đi của chúng ta trong những khoảnh khắc khó khăn; ước chi Mẹ sẽ luôn luôn có thể nói với con tim chúng ta: “Đứng dậy! Hãy nhìn về phía trước, hãy nhìn về phía đường chân trời!”, vì Mẹ là Thân Mẫu của niềm hy vọng. Xin cám ơn.

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày mồng 10 tháng 05 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017