Bài Giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Đại Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa, Chúa Nhật XI TN, 18.06.2017

Anh chị em thân mến,

Trong Đại Lễ Kính Mình và Máu Thánh Chúa, đề tài về sự tưởng nhớ được đề cập tới nhiều lần: “Anh em hãy nhớ tới toàn bộ con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi qua. Và rồi anh em hãy lưu tâm để không bao giờ lãng quên Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, Đấng đã dưỡng nuôi anh em bằng Manna trong sa mạc” – Mô-sê nói với toàn dân (xc. Đnl 8,2.14.16). “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cor 11,24) – Chúa Giê-su sẽ nói với chúng ta. “Bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6,51) chính là Bí Tích tưởng nhớ  nhắc chúng ta nhớ tới lịch sử Tình Yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta bằng một cách thế thực tế và cụ thể.

Anh chị em hãy nhớ rằng, hôm nay, Lời Chúa vẫn đang nói với từng người một trong chúng ta. Từ việc tưởng nhớ tới những công trình vĩ đại của Thiên Chúa, Dân Chúa đã kín múc được sức mạnh trên con đường của mình xuyên qua sa mạc; lịch sử cá nhân của chúng ta đặt nền móng trên việc tưởng nhớ tới điều mà Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta. Đối với Đức Tin, sự tưởng nhớ chính là điều căn bản, giống hệt như nước đối với cây cối: Khi một cây không thể sống và cũng không thể đơm bông kết trái thế nào nếu không có nước, thì nó cũng xảy ra y hệt như vậy với Đức Tin nếu nó không làm thỏa cơn khát của mình bằng việc tưởng nhớ tới những gì mà Thiên Chúa đã làm cho chúng ta.

Anh chị em hãy nhớ cho kỹ! Sự tưởng nhớ rất quan trọng vì nó cho phép chúng ta ở lại trong Tình Yêu, và hồi tưởng trong Tình Yêu, cũng như mời gọi con tim đừng quên ai là người đang yêu thương chúng ta, và đừng quên rằng, chúng ta được kêu gọi để sống yêu thương. Tuy nhiên, khả năng vô song mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ấy, xem ra có vẻ như đang bị suy yếu trong thời đại hôm nay. Trong cảnh ồn ào huyên náo mà chúng ta được đặt vào, nhiều cá nhân và nhiều sự việc xem ra có vẻ như đang lướt qua chúng ta. Người ta vội vàng lật sang trang khác, không được thỏa mãn trong việc tìm kiếm những điều mới mẻ, nhưng lại nghèo nàn về sự tưởng nhớ. Trong khi người ta tiêu hao những ký ức và chỉ sống trong khoảnh khắc, người ta có nguy cơ ở lại với những điều hời hợt, trong dòng chảy của những điều đang diễn ra mà không hề đi vào chiều sâu, không hề có sự nhìn xa trông rộng, tức cái nhìn nhắc chúng ta nhớ tới điều mà chúng ta là, và nhắc chúng ta nhớ tới nơi mà chúng ta sẽ đi tới. Và rồi, cuộc sống bên ngoài sẽ tự vỡ ra từng mảnh và đời sống nội tâm sẽ ngưng trệ.

Nhưng Đại Lễ hôm nay nhắc nhớ chúng ta rằng, trong khi cuộc sống bị vỡ tan từng mảnh, Thiên Chúa sẽ đến với chúng ta với sự mảnh mai đầy yêu thương, tức Bí Tích Thánh Thể. Trong Bánh Hằng Sống, Thiên Chúa đến để kiếm tìm chúng ta. Ngài biến mình thành của ăn khiêm tốn, và trong Tình Yêu, của ăn này sẽ chữa lành ký ức về sự rung động đang bị mắc bệnh của chúng ta. Vì Bí Tích Thánh Thể chính là sự cử hành việc tưởng nhớ tới Tình Yêu của Thiên Chúa. Vì thế, “sự tưởng nhớ tới cuộc khổ hình của Ngài” (Tiền xướng Magnificat, Kinh Chiều II, Đại Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô) sẽ trở thành sự mừng kính Tình Yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, mà Tình Yêu ấy chính là sự củng cố cũng như là sự hỗ trợ trên đường của chúng ta. Vì thế, sự tưởng nhớ thuộc về Bí Tích Thánh Thể sẽ mang đến nhiều lợi ích cho chúng ta: đây không phải là sự tưởng nhớ trừu tượng, lạnh nhạt và thuần khái niệm, nhưng là sự tưởng nhớ sống động và đầy ủi an của Tình Yêu Thiên Chúa. Trong Bí Tích Thánh Thể, toàn bộ sự thưởng nếm những lời và những hành động của Chúa Giê-su chính là hương vị của mầu nhiệm Vượt Qua, là hương thơm của Thần Khí Ngài. Nếu chúng ta đón nhận hương vị đó, thì niềm xác tín về việc được Ngài yêu thương sẽ được khắc sâu vào trong con tim của chúng ta. Và khi Cha nói điều này, Cha nhớ một cách đặc biệt tới các con, hỡi những thiếu niên nam nữ vừa mới xưng tội Rước Lễ lần đầu, các con đang hiện diện tại đây với một số lớn.

Và như thế, Bí Tích Thánh Thể sẽ phát triển trong chúng ta một sự tưởng nhớ đầy biết ơn, vì chúng ta nhận ra mình là những người con được Thiên Chúa Cha yêu thương, Đấng luôn thỏa mãn cơn đói khát của những người con; đó là sự tưởng nhớ nhưng không, vì Tình Yêu của Chúa Giê-su và ơn tha thứ của Ngài sẽ chữa lành những vết thương của quá khứ, cũng như sẽ chữa lành ký ức về những bất công đã phải gánh chịu và bị chất nặng; đó là sự tưởng nhớ đầy kiên nhẫn, vì trong những nghịch cảnh, chúng ta vẫn biết rằng, Thần Khí của Chúa Giê-su đang cư ngụ trong chúng ta. Bí Tích Thánh Thể sẽ động viên chúng ta: Ngay cả trên những con đường gập ghềnh và nhấp nhô nhất, chúng ta cũng vẫn không cô đơn, vì Thiên Chúa không bao giờ quên chúng ta, và mỗi lần khi chúng ta đi đến với Ngài thì với Tình Yêu, Ngài sẽ làm cho chúng ta được trở nên tươi tỉnh.

Bí Tích Thánh Thể cũng nhắc nhớ chúng ta rằng, chúng ta không phải là những cá nhân riêng lẻ, nhưng là một thân thể, như trong sa mạc Dân Chúa đã thu gom Manna từ trời và chia sẻ nó trong gia đình (xc. Xh. 16), thì Chúa Giê-su cũng đang mời gọi chúng ta, hãy cùng đón nhận Bánh bởi Trời, hãy cùng đón nhận Ngài và chia sẻ với nhau. Bí Tích Thánh Thể không phải là một Bí Tích “cho tôi”, nó là Bí Tích của nhiều người mà họ hình thành nên một thân thể duy nhất. Thánh Phao-lô đã nhắc nhớ chúng ta rằng: “Chỉ có một bánh, vì chúng ta tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể; vì chúng ta cùng tham dự vào một Bánh duy nhất” (1Cor 10,17). Bí Tích Thánh Thể chính là Bí Tích của sự hiệp nhất. Ai lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, người ấy sẽ không thể là ai khác ngoài người kiến tạo sự hiệp nhất, vì việc kiến tạo sự hiệp nhất phát sinh từ trong người ấy, từ trong “ADN tinh thần” của người ấy. Bánh hiệp nhất sẽ chữa chúng ta khỏi việc ham muốn thống trị người khác, khỏi sự thèm khát muốn giành tất cả cho mình, khỏi thói kích động sự bất hòa, và khỏi việc phát tán sự phê phán; nó có thể khơi lên trong chúng ta niềm vui yêu thương mà không hề có sự tranh đua, đố kỵ và nói xấu.

Giờ đây, trong khi chúng ta sống Bí Tích Thánh Thể, chúng ta hãy thờ lạy Chúa và tạ ơn Ngài về hồng ân cao cả này: sự tưởng nhớ sống động về Tình Yêu Ngài, mà sự tưởng nhớ ấy sẽ làm cho chúng ta trở thành một thân thể duy nhất cũng như sẽ dẫn chúng ta đến với sự hiệp nhất.

Quảng Trường phía trước Vương Cung Thánh Đường Thánh Gio-an Lateran

Chúa Nhật XI TN – Đại Lễ Mình Máu Thánh Chúa

Ngày 18 tháng 06 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017