Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Cuộc Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư 17.05.2017

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong tuần này, có thể nói được rằng, suy tư của chúng ta chuyển động chung quanh mầu nhiệm Phục Sinh. Hôm hay chúng ta mừng kính một người phụ nữ, mà theo các sách Tin Mừng, người phụ nữ này chính là người đầu tiên được chứng kiến Chúa Giê-su Phục Sinh: Thánh Maria Madalena. Việc nghỉ ngày Sabbat vừa mới kết thúc. Trong ngày khổ hình, người ta đã không có thời gian để thực hiện tất cả các nghi thức an táng; vì thế, vào sáng sớm hôm ấy, lòng đầy buồn sầu, hai người phụ nữ đã mang theo những loại dầu thơm hảo hạng và đi tới mộ Chúa Giê-su. Người đầu tiên đến nơi, đó là Maria Madalena, một Nữ Môn Đệ của Chúa Giê-su, người đã đồng hành với Chúa Giê-su từ Galilê, và đã đặt mình vào trong sự phục vụ Giáo hội đang phát sinh. Việc bà đi tới mộ phản ánh niềm trung tín của nhiều phụ nữ mà họ vẫn trung thành đến viếng các nghĩa trang trong suốt nhiều năm trời, trong niềm tưởng nhớ tới một người không còn hiện diện trên đời nữa. Những mối hiệp thông đích thực sẽ không bị hủy hoại bởi sự chết dù chỉ một lần: người được yêu thương vẫn đang ở đó, ngay cả khi người thân đã vĩnh viễn rời khỏi chúng ta.

Tin Mừng (xc. Ga 20,1-2.11-18) đã mô tả Maria Madalena, và ngay lập tức làm cho vấn đề trở nên rõ ràng rằng, Thánh Nữ không phải là người dễ dàng để cho mình bị gây hào hứng. Vì thế, sau khi đến viếng mộ lần thứ nhất, Thánh Nữ đã trở về với nơi mà các Tông Đồ đang ẩn trốn, với tất cả sự thất vọng. Thánh Nữ thông báo rằng, tảng đá lấp cửa mộ đã bị vần sang một bên, và giả thiết đầu tiên của Thánh Nữ là điều đơn giản nhất mà người ta có thể trình bày: chắc chắn là có một ai đó đã ăn cắp xác của Chúa Giê-su.

Vì thế, lời công bố đầu tiên mà Thánh Maria mang đến, không phải là sự công bố về sự phục sinh, mà là về một vụ ăn trộm mà những kẻ lạ mặt đã thực hiện trong lúc cả Giê-ru-sa-lem đang ngủ. Sau đó, Tin Mừng tường thuật rằng, Maria Madalena lại ra mộ lần thứ hai. Thánh Nữ đã kiên tâm! Thánh Nữ đi và trở lại… vì Thánh Nữ không được thuyết phục!

Lần này Thánh Nữ đi rất chậm rãi, với những bước đi nặng nề. Maria đau khổ gấp đôi: Trước tiên là vì cái chết của Chúa Giê-su, và sau đó là vì thi thể của Chúa Giê-su đã biến mất một cách không thể giải thích được. Và trong khi Thánh Nữ đứng cúi nhìn vào trong mộ, với cặp mắt đầy lệ nhòa, thì Thiên Chúa đã gây ngỡ ngàng cho Thánh Nữ với một cách thức hoàn toàn không trông mong. Thánh Gio-an Thánh Sử đã cho thấy sự mù lòa của Thánh Nữ kéo dài như thế nào: Thánh Nữ không nhận ra sự hiện diện của hai Thiên Thần đã đặt ra cho Thánh Nữ những câu hỏi, và Thánh Nữ cũng không hoài nghi khi thấy một người đứng đàng sau mình, Thánh Nữ tưởng người đó là người làm vườn. Thay vào đó, Thánh Nữ đã khám phá ra sự kiện xúc động nhất trong lịch sử nhân loại, khi cuối cùng, Thánh Nữ được gọi đích danh: “Maria!” (Ga 20,16). Thật tuyệt vời biết chừng nào khi giữ được trước mắt mình sự việc rằng, cuộc hiện ra đầu tiên của Đấng Phục Sinh – mà theo các Tin Mừng – diễn ra theo một cách thức cá nhân; và biết rằng, có một người đang ở đấy, mà người đó biết chúng ta, người đó nhìn thấy những nỗi khổ đau và nỗi thất vọng của chúng ta, người ấy đồng cảm với chúng ta và gọi đích danh chúng ta. Người ta thấy quy luật này được khắc ghi trên nhiều trang Tin Mừng.

Có nhiều người mà họ đang tìm kiếm Thiên Chúa, đang ở trong sự thân cận với Chúa Giê-su; nhưng thực tế tuyệt vời nhất, tuyệt vời hơn bất cứ lúc nào hết, đó là việc Thiên Chúa chính là Đấng chăm lo cho cuộc sống chúng ta, Đấng muốn tái nâng cuộc sống chúng ta lên, và vì thế, Ngài gọi đích danh chúng ta và biết đến khuôn mặt cá nhân của từng người một. Mỗi người đều là một câu chuyện Tình Yêu mà Thiên Chúa đã viết ra trên thế giới này. Mỗi người trong chúng ta đều là một câu chuyện Tình của Thiên Chúa. Thiên Chúa gọi đích danh từng người một trong chúng ta: Ngài biết đến tên của chúng ta, Ngài nhìn xem chúng ta, Ngài đợi chờ chúng ta, Ngài tha thứ cho chúng ta, Ngài kiên nhẫn với chúng ta. Có thực như thế không? Mỗi người trong chúng ta đều có kinh nghiệm về điều này.

Chúa Giê-su gọi Thánh Nữ: “Maria!” Đó là sự thay đổi cuộc sống của Thánh Nữ, đó là cuộc cách mạng, mà nó xác định việc biến đổi kiếp nhân sinh của mỗi người nam và người nữ, bắt đầu với một tên gọi, mà tên gọi ấy vang lên trong thửa vườn có ngôi mộ trống. Các Tin Mừng mô tả cho chúng ta thấy về niềm vui của Maria: Sự phục sinh của Chúa Giê-su không phải là niềm vui chỉ được cung ứng một cách rỏ giọt, nhưng là một thác nước, mà thác nước ấy đổ xuống trên toàn cuộc sống. Kiếp hiện sinh Ki-tô giáo không được đan bện vào nhau với những cảm giác nông cạn, nhưng là với những làn sóng mà chúng cuốn theo tất cả. Ngay cả trong lúc có những gánh nặng của sự thất vọng và thất bại mà mỗi người chúng ta đều mang trong con tim của mình, thì anh chị em cũng hãy cố gắng nhớ rằng, có một Thiên Chúa, Đấng gần gũi chúng ta và gọi đích danh chúng ta, cũng như nói với chúng ta rằng: “Đứng lên, đừng khóc nữa, vì Ta đã đến để giải thoát con!” Thật là tuyệt vời.

Chúa Giê-su không phải là một người tự thích ứng với thế giới và cam chịu trước việc sự chết, nỗi buồn, sự hận thù, sự hủy hoại con người về mặt luân lý vẫn tiếp tục kéo dài trong đó… Thiên Chúa của chúng ta không phải là Đấng bất động, nhưng Thiên Chúa của chúng ta – cho phép Cha được dùng từ này – là một người ước mơ: Ngài mơ ước biến đổi thế giới, và Ngài đã hiện thực hóa giấc mơ đó trong mầu nhiệm phục sinh.

Thánh Maria muốn ôm lấy Thiên Chúa của bà, nhưng Ngài đã được hướng về Cha trên trời, trong khi Thánh Nữ được sai đi để mang Tin Mừng đến cho những người anh chị em. Và vì thế, người phụ nữ này, tức người trước kia khi gặp gỡ Chúa Giê-su, đang ở trong quyền lực của sự ác (xc. Lc 8,2), giờ đây đã trở thành Nữ Tông Đồ của niềm hy vọng mới và to lớn. Ước gì, lời cầu bầu của Thánh Nữ sẽ giúp chúng ta để chúng ta cũng có được kinh nghiệm này: ngay cả trong những giờ phút đau buồn và trong những giờ phút cô đơn vẫn luôn nghe thấy được giọng nói của Chúa Giê-su phục sinh, Đấng gọi đích danh chúng ta, và ra đi với con tim tràn ngập niềm vui và công bố rằng: “Tôi đã thấy Chúa!” (Ga 20,18).

Tôi đã biến đổi cuộc sống của tôi, vì tôi đã nhìn thấy Chúa! Giờ đây, tôi đã khác trước đây, tôi là một con người khác. Tôi đã biến đổi, vì tôi đã thấy Chúa. Đó là sức mạnh của chúng ta, và đó là niềm hy vọng của chúng ta. Cám ơn anh chị em.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư và ngày 17 tháng 05 năm 2017

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017