Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Cuộc Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 24.05.2017

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay Cha muốn lưu lại bên kinh nghiệm của hai môn đệ làng Emmaus mà Tin Mừng theo thánh Lu-ca đã nói về (xc. Lc 24,13-35). Chúng ta hãy hình dung ra cảnh này: Hai người đang đi trên đường, bị gây thất vọng, đầy buồn rầu, và quyết định để lại đàng sau mình kinh nghiệm đầy đắng cay về một sự kiện mà nó có một kết thúc tồi tệ. Trước Đại Lễ Vượt Qua, hai người môn đệ này đã rất hào hứng: Họ tin rằng, đó sẽ là những ngày có tính quyết định đối với những mong chờ của họ và đối với niềm hy vọng của toàn dân. Cuối cùng thì Chúa Giê-su, Đấng mà họ đã trao phó cuộc đời mình cho Ngài, có vẻ như đã đi tới với trận đánh có tính quyết định đó: Giờ đây Ngài sẽ biểu lộ quyền năng của Ngài, sau một thời gian dài chuẩn bị và bí mật. Đó là điều mà họ mong chờ. Và rồi vấn đề đã xảy ra hoàn toàn khác.

Cả hai con người lữ hành ấy đã nâng niu một niềm hy vọng thuần nhân loại và giờ đây nó đi tới chỗ đổ vỡ. Cây Thập Giá mà nó đã được dựng lên trên đồi Golgota, chính là dấu chỉ hùng hồn của một sự thất bại mà họ đã không hề đoán định. Nếu ông Giê-su ấy thực sự tương ứng với tấm lòng của Thiên Chúa, thì họ phải rút ra kết luận rằng, Thiên Chúa hoàn toàn bất lực, không được bảo vệ trong tay những kẻ hung bạo, không có khả năng chống lại sự ác. Vì thế, vào sáng ngày Chúa Nhật, cả hai đã trốn khỏi Giê-ru-sa-lem. Trước cặp mắt của họ vẫn còn đó những sự kiện của Đại Lễ Vượt Qua, cái chết của Chúa Giê-su, và trong con tim của họ lại còn bị hành hạ bởi những suy nghĩ về những sự kiện đó nữa, trong lúc sự yên bình của ngày Sabbat đã bị cưỡng bức. Đúng ra thì Đại Lễ Vượt Qua nên hòa giọng với bài ca giải phóng, nhưng thay vào đó, đã trở thành một ngày khổ đau nhất đối với cuộc đời họ.

Họ rời khỏi Giê-ru-sa-lem để đi tới một nơi khác, trong một ngôi làng yên bình. Họ giống như những con người đã quyết định xóa cho sạch một ký ức đầy khổ đau. Và vì thế, họ lên đường và bước đi đầy thểu lão. Cảnh tượng này – con đường – vốn đã rất quan trọng trong các Tin Mừng rồi; nhưng giờ đây, nơi người ta bắt đầu thuật lại lịch sử Giáo hội, sẽ càng trở nên quan trọng hơn. Cuộc gặp gỡ của Chúa Giê-su với hai người môn đệ này có vẻ như hoàn toàn ngẫu nhiên: nó giống như một trong rất nhiều các cuộc gặp gỡ mà chúng vẫn xảy ra trong cuộc sống. Hai người môn đệ bước đi với khuôn mặt đầy ưu tư, và một người lạ cùng đi với họ. Đó là Chúa Giê-su; nhưng cặp mắt của họ không ở trong tình trạng nhận ra Ngài. Chúa Giê-su đã bắt đầu với “liệu pháp hy vọng” của Ngài. Điều diễn ra trên con đường này chính là một liệu pháp hy vọng. Ai bốc thuốc cho họ? – Chúa Giê-su.

Trước tiên Ngài hỏi và lắng nghe: Thiên Chúa của chúng ta không phải là Thiên Chúa ưa nhũng nhiễu. Ngay cả khi Ngài đã biết rất rõ lý do khiến cả hai phải thất vọng rồi, thì Ngài cũng cho họ có thời gian để thẩm định về nỗi đắng cay mà nó đang chất đầy tâm hồn họ, ẩn sâu nơi nội tâm của họ. Từ đó dẫn tới một sự nhìn nhận mà nó chính là một điệp khúc nơi kiếp nhân sinh: “Nhưng chúng tôi đã hy vọng… Nhưng chúng tôi đã hy vọng…” (c. 21).

Có biết bao nhiêu là những nỗi buồn, những thất bại và những trắc trở trong cuộc sống mỗi người! Cơ bản mà nói, tất cả chúng ta, không ít thì nhiều, đều có những điều đó, giống như hai người môn đệ này. Trong cuộc sống của mình, chúng ta thường hy vọng vào chuyện này hay chuyện kia, chúng ta thường cảm thấy mình chỉ còn cách xa niềm hạnh phúc một vài bước nữa thôi, nhưng rồi chúng ta bị thất vọng, bị tan vỡ tới tận đáy. Nhưng Chúa Giê-su luôn đồng hành với tất cả chúng ta – những kẻ đã đánh mất niềm xác tín và bước đi với cái đầu cúi gằm. Và trong lúc Ngài đồng hành với họ, bằng một cách thức tế nhị, Ngài đã thành công trong việc trao lại cho họ niềm hy vọng. Chúa Giê-su đã đặc biệt dựa vào Kinh Thánh để nói chuyện với họ. Ai cầm cuốn sách của Thiên Chúa trên tay, người ấy sẽ không bao giờ bắt gặp ở đó những câu chuyện về chủ nghĩa anh hùng hời hợt, và cũng sẽ không bao giờ gặp thấy những chiến dịch xâm lăng chớp nhoáng. Niềm hy vọng đích thực không bao giờ có một cái giá rẻ mạt: Nó luôn luôn băng qua sự thất bại. Niềm hy vọng của một người nào đó chưa hề phải trải qua đau khổ, thì có lẽ không bao giờ là một niềm hy vọng như thế. Thiên Chúa không muốn người ta yêu mến Ngài như người ta yêu mến một vị tướng chỉ huy tác chiến, sau khi vị tướng này đã góp phần đưa dân của mình tới chiến thắng, bằng cách là ông ta tàn sát các đối thủ của ông một cách đẫm máu. Thiên Chúa của chúng ta là một nguồn sáng bé nhỏ, nhưng nguồn sáng ấy lại bừng cháy lên trong những ngày mưa phùn gió bấc. Và sự hiện diện của Ngài trong thế giới này cũng rất bé nhỏ như thế: Ngài đã chọn một chỗ mà tất cả chúng ta đều từ chối. Sau đó Chúa Giê-su đã lập lại cho hai người môn đệ này thấy cử chỉ mà nó chính là cốt lõi của Bí Tích Thánh Thể: Ngài cầm lấy bánh, chúc lành, bẻ ra, và trao cho hai ông. Phải chăng toàn bộ lịch sử của Chúa Giê-su không nằm trong trình tự của cử chỉ đó? Và phải chăng dấu chỉ của điều mà Giáo hội phải trở nên, cũng không nằm trong Bí Tích Thánh Thể? Chúa Giê-su cầm lấy chúng ta, chúc lành cho chúng ta, “bẻ” cuộc sống chúng ta ra – vì sẽ không có Tình Yêu nếu không có hy sinh – và trao nó cho những người khác, Ngài trao nó cho tất cả.

Đó là một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, cuộc gặp gỡ với ha người môn đệ làng Emmaus. Nhưng toàn bộ sứ mạng của Giáo hội nằm trong cuộc gặp gỡ ấy. Giáo Hội tường thuật cho chúng ta biết rằng, cộng đoàn Ki-tô giáo không ẩn nấp trong một pháo đài, nhưng lên đường để đi vào trong những lãnh vực sống động nhất của mình, tức trên những con đường. Và ở đó, cộng đoàn gặp gỡ những con người, với những niềm hy vọng và những nỗi thất vọng của họ. Và những nỗi thất vọng đó đôi khi rất nặng nề. Giáo hội lắng nghe những câu chuyện của tất cả những con người, như chúng xuất hiện từ tiếng kêu của lương tâm mỗi người, để ban tặng Lời Sự Sống, chứng tá Đức Ái, Đức Ái trung tín đến cùng. Và rồi con tim của mỗi người sẽ lại bừng cháy lên niềm hy vọng tràn trề.

Trong cuộc sống của mình, tất cả chúng ta đều có những khoảnh khắc khó khăn và đen tối, cũng đều có những khoảnh khắc mà trong đó chúng ta bước đi trên con đường của mình với cõi lòng đầy phiền muộn và ưu tư, mà không hề có đường chân trời, nhưng chỉ với một bức tường trước mắt. Và Chúa Giê-su luôn luôn đi về phía chúng ta để trao ban cho chúng ta niềm hy vọng, để sưởi ấm con tim chúng ta, và nói với chúng ta rằng: “Hãy tiến về phía trước, Ta ở cùng con. Hãy tiến về phía trước!” Đó là toàn bộ mầu nhiệm của con đường mà nó dẫn tới Emmaus: Ngay cả trong trường hợp mà nó có vẻ như trái ngược, thì chúng ta cũng vẫn được yêu thương, và Thiên Chúa không bao giờ ngừng yêu thương chúng ta. Thiên Chúa sẽ vẫn luôn luôn, luôn luôn đồng hành với chúng ta, ngay cả trong những khoảnh khắc khổ đau nhất, những khoảnh khắc tồi tệ nhất, những khoảnh khắc đầy thất bại: Thiên Chúa vẫn ở đó. Đó là niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta hãy tiến về phía trước với niềm hy vọng ấy! Vì Ngài luôn ở cùng phía với chúng ta và đồng hành với chúng ta, luôn luôn!

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng tứ Tư ngày 24 tháng 05 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017