Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư 09.08.2017: Chúa Giê-su chia sẻ nỗi khổ đau của nhân loại!

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Chúng ta vừa được nghe kể về phản ứng của những vị khách trong nhà ông Si-mon người Pha-ri-siêu: „Ai là người có thể tha tội?“ (Lc 7,49). Trước đó Chúa Giê-su đã thực hiện một cử chỉ gây ra sự bất mãn. Một phụ nữ đến từ thành phố và nổi tiếng là một mụ đàn bà tội lỗi, đã bước vào trong nhà của ông Si-mon, rồi sấp mặt xuống dưới chân Chúa Giê-su và dùng một bình dầu hảo hạng để rưới lên đôi bàn chân của Ngài. Tất cả những người ngồi trên bàn ăn tại đó đều rầm rì với nhau: nếu ông Giê-su này là một Ngôn Sứ thì hẳn ông ta đã không được phép tiếp nhận những cử chỉ như thế từ hạng đàn bà ấy. Người ta chỉ dám đến với những hạng đàn bà „ấy“ – tức những người nghèo nàn nhất -, một cách bí mật, - nhưng trong số những người tìm đến với những hạng đàn bà ấy cũng có cả những nhân vật quyền cao chức trọng -, và những hạng đàn bà ấy chỉ nên bị ném đá cho chết. Theo cách nghĩ hồi đó, giữa Thánh Nhân và tội nhân, giữa những người tinh tuyền và những kẻ ô uế phải có một khoảng cách rõ ràng. Nhưng Chúa Giê-su đã thay thế cách nghĩ đó bằng một thái độ khác. Ngay từ khi khởi sự những hoạt động công khai của Ngài tại Galilêa, Ngài đã đến gần với những người cùi, những kẻ bị quỷ ám, đến gần tất cả các bệnh nhân và những người bị đẩy ra bên lề xã hội. Một hành động như thế tuyệt nhiên không hề quen thuộc đối với con người thời ấy. Sự đồng cảm mà Chúa Giê-su đã dành cho những người bị đẩy ra bên lề xã hội, những „người thuộc giai cấp hạ đẳng“, thuộc về những điều hoàn toàn xa lạ với những con người trong thời đại của Ngài.

Bất cứ nơi đâu có một người khổ đau thì Chúa Giê-su đều tiếp nhận nỗi khổ đau của người ấy về cho mình, và Ngài biến những nỗi khổ đau của người ấy thành riêng của Ngài. Chúa Giê-su đã không công bố một thứ triết lý khắc kỷ mà theo đó, sự đau khổ phải được gánh mang với sự anh hùng. Chúa Giê-su chia sẻ nỗi khổ đau của nhân loại, và khi Ngài đối diện với nó thì từ đáy lòng mình, Ngài luôn thể hiện một thái độ mà nó là đặc tính của Ki-tô giáo: Lòng Xót Thương. Chúa Giê-su luôn cảm thấy xót thương đối với nỗi khổ đau của con người; con tim của Chúa Giê-su đầy Lòng Xót Thương. Chúa Giê-su luôn cảm thấy chạnh lòng thương. Theo nghĩa chữ, chạnh lòng thương có nghĩa là: Chúa Giê-su cảm thấy „ruột gan“ mình bồi hồi thổn thức. Trong các sách Tin Mừng, chúng ta rất thường gặp thấy những phản ứng như thế! Con tim của Chúa Giê-su thể hiện và mạc khải con tim của Thiên Chúa, Đấng ở đó, nơi có một người đau khổ đang cần tới ơn chữa lành, ơn giải thoát và sự sống viên mãn của Ngài, dù người ấy là nam hay nữ.

Vì thế, Chúa Giê-su đã dang rộng cánh tay của Ngài ra cho các tội nhân. Ngay cả trong thời đại hôm nay cũng đang có biết bao nhiêu là những con người vẫn tiếp tục ngoan cố trong một lối sống với nhiều lầm lỡ, vì họ không thấy được bất cứ một người nào đó sẵn sàng nhìn họ theo cách khác, với cặp mắt, hay tốt hơn với con tim của Thiên Chúa, tức nhìn họ với niềm hy vọng. Trái lại, Chúa Giê-su nhìn thấy một khả năng phục sinh ngay cả ở nơi những người đã có nhiều những quyết định sai trái. Chúa Giê-su luôn luôn ở đó, với con tim rộng mở; Ngài mở rộng Lòng Thương Xót cho tất cả những ai mà Ngài mang họ trong con tim; Ngài tha thứ, thông cảm và đến gần: Chúa Giê-su là như thế!

 

Đôi khi chúng ta quên rằng, Chúa Giê-su không phải là một Tình Yêu đơn giản và rẻ mạt. Các sách Tin Mừng đã liệt kê ra những phản ứng tiêu cực đầu tiên đối với Chúa Giê-su ngay sau khi Ngài tha thứ tội lỗi cho một thanh niên (xc. Mc 2,1-12). Đó là một con người đã phải đau khổ kép: vì anh không thể đi lại, và anh còn cảm thấy mình „quá nhiều lầm lỗi“. Và Chúa Giê-su hiểu rằng, nỗi khổ đau thứ hai còn lớn hơn cả nỗi khổ đau thứ nhất, đến độ Ngài đã đón nhận anh ngay tức khắc với việc công bố về sự giải thoát: „Này con, mọi tội lỗi của con đều đã được tha!“ (Mc 2,5). Ngài giải phóng con người khỏi bất cứ cảm giác áp chế nào khiến họ nghĩ rằng mình đã bị „hư hỏng“. Ở điểm này chính là một số luật sĩ, họ cho mình là những người hoàn hảo: Cha nghĩ tới nhiều người Công giáo đang tự cho mình là hoàn thiện và coi thường người khác… Đó là điều đáng buồn – một số luật sĩ đang có mặt ở đó tỏ ra rất bực bội về những lời ấy của Chúa Giê-su, vì đối với họ, những lời ấy của Ngài chính là những lời phạm thượng, vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha thứ tội lỗi.

Chúng ta, những người đã quen với việc nếm trải ơn tha thứ tội lỗi, có lẽ đó là một cái gì đó quá „tầm thường“, đôi khi cũng nên nhớ tới chuyện chúng ta đã được thưởng nếm biết bao nhiêu là Tình Yêu của Thiên Chúa. Mỗi người trong chúng ta đều đã nếm trải rất nhiều những điều tuyệt vời: sự sống của Chúa Giê-su! Ngài cũng đã trao hiến mạng sống của Ngài cho từng người một trong chúng ta. Chúa Giê-su bị đóng đinh vào Thập Giá không phải vì Ngài đã chữa lành các bệnh nhân, vì Ngài đã giảng về Đức Ái đối với tha nhân hay vì Ngài đã công bố các Mối Phúc. Con Thiên Chúa bị đóng đinh vào Thập Giá là vì Ngài đã tha thứ tội lỗi, vì Ngài muốn giải thoát con người cách hoàn toàn và chung cuộc. Vì Ngài không đành cam phận trước việc con người xây dựng toàn bộ cuộc đời mình với „hình xăm“ không thể xóa nhòa, với niềm suy nghĩ cho rằng, không thể được đón nhận bởi con tim đầy lòng xót thương của Thiên Chúa. Và Chúa Giê-su đã đi đến với các tội nhân, tức tất cả chúng ta, bằng những tình cảm đó.

Và như thế, các tội nhân sẽ được thứ tha. Họ không chỉ được trấn an trên bình diện tâm lý, vì họ được giải phóng khỏi cảm giác tội lỗi. Chúa Giê-su còn làm nhiều hơn: Ngài ban niềm hy vọng về một đời sống mới cho tất cả những ai đã trót làm một điều gì đó sai trái. „Nhưng lạy Chúa, con là một tên vô lại!“ – „Hãy nhìn về phía trước, và Ta sẽ tạo cho con một quả tim mới“. Đó là niềm hy vọng mà Chúa Giê-su ban tặng cho chúng ta. Đó là một sự sống mà nó được ghi đậm dấu ấn bởi Tình Yêu. Viên quan chức ngành thuế Mát-thêu đã trở thành Tông Đồ của Chúa Ki-tô: trước đó, Mát-thêu là một kẻ phản bội quê cha đất tổ, một kẻ bóc lột con người. Gia-kêu, một tên trọc phú vì tham nhũng – một cách nào đó, ông đã có học vị tiến sĩ trong ngành „sử dụng tiền để bôi trơn“ – từ Giê-ri-cô, đã trở thành một nhà hảo tâm đối với người nghèo. Người phụ nữ xứ Samaria, tức người đã có tới năm đời chồng, và giờ đây đang chung chạ với một người đàn ông khác, đã nghe được rằng, „nước hằng sống“ sẽ được ban cho chị, và rồi từ chị sẽ có thể vọt lên một mạch suối tuôn trào (xc. Ga 4,14). Do đó, Chúa Giê-su đã biến đổi con tim; Ngài làm điều đó với tất cả chúng ta.

Thật tốt cho chúng ta nếu chúng ta nhớ rằng, Thiên Chúa không tuyển chọn những con người mà họ đã không bao giờ vấp phải bất cứ một lỗi lầm nào để làm nhúm bột đầu tiên hầu nhào nặn nên Giáo hội của Ngài. Giáo hội là dân tộc của các tội nhân đã kinh qua Lòng Thương Xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa. Trong lúc gà gáy, Thánh Phê-rô đã hiểu ra được nhiều sự thật về bản thân mình hơn là những tâm trạng của ông về sự quả cảm mà chúng làm cho ông ưỡn ngực lên, cũng như tạo cho ông có cảm giác rằng mình vượt trội người khác.

 

Anh chị em thân mến, tất cả chúng ta đều là những tội nhân đáng thương hại và đều cần tới Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Đấng có khả năng biến đổi chúng ta cũng như tái ban niềm hy vọng cho chúng ta, và Ngài làm điều đó mỗi ngày. Ngài làm điều đó! Và đối với tất cả những ai đã hiểu được chân lý nền tảng ấy, thì Thiên Chúa sẽ trao cho họ sứ mạng tuyệt vời nhất của thế gian này: Đức Ái đối với những người anh chị em và công bố Lòng Thương Xót mà Ngài không từ khước đối với bất cứ ai. Và đó là niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta hãy tiến về phía trước với niềm tin tưởng vào ơn tha thứ đó, và với niềm tin tưởng vào Tình Yêu nhân hậu của Chúa Giê-su.

Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến của Tòa Thánh Vatican

Sáng thứ Tư ngày mồng 09 tháng 08 năm 2017

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017