Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Cuộc Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư 23.08.2017: Chúng ta có một người Cha có thể khóc, và đang khóc với chúng ta

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Chúng ta vừa được nghe Lời Chúa trong sách Khải Huyền với những lời như sau: „Này, Ta sẽ đổi mới mọi sự!“ (Kh 21,5). Niềm Hy Vọng Ki-tô giáo đặt nền móng trên Đức Tin vào Thiên Chúa, Đấng luôn luôn tạo nên những điều mới mẻ trong cuộc sống con người, luôn luôn tạo nên những điều mới mẻ trong lịch sử, những điều mới mẻ trong vũ trụ. Thiên Chúa của chúng ta chính là Thiên Chúa sáng tạo nên những điều mới mẻ, vì Ngài chính là Thiên Chúa của những điều gây ngỡ ngàng.

Sẽ không phải là Ki-tô giáo nếu chỉ nhìn loanh quanh bên dưới, chỉ có con heo mới làm như thế: nó luôn luôn đi như thế và không hề hướng cặp mắt tới đường chân trời. Giả như con đường của chúng ta chỉ quanh quẩn ở đây, chỉ đi tới chừng vài ba mét rồi quay lại; giả như cuộc sống của chúng ta không có đích điểm và không có bến cảng; giả như chúng ta bị cưỡng ép phải đi du mục vĩnh viễn mà không hề có một lý do nào đó cho những nỗi khổ cực của mình, thì tất cả những điều đó đều không phải là Ki-tô giáo. Những trang cuối cùng của Kinh Thánh chỉ cho chúng ta thấy đường chân trời chung cuộc trên con đường của người tín hữu: Giê-ru-sa-lem trên trời, Giê-ru-sa-lem Thiên Đàng.

Trước tiên, nó được trình bày như một ngôi nhà đồ sộ và rộng lớn mà Thiên Chúa sẽ đón nhận tất cả mọi người vào đó để ở bên Ngài mãi mãi (xc. Kh 21,3). Đó là niềm hy vọng của chúng ta. Và Thiên Chúa sẽ làm gì khi chúng ta đã được ở bên Ngài luôn mãi? Thưa, Ngài sẽ biểu lộ cho chúng ta thấy sự trìu mến khôn cùng, như một người cha đón nhận những đứa con của mình, mà những đứa con đó đã bị kiệt sức và đã phải đau khổ quá lâu rồi. Trong sách Khải Huyền, Thánh Gio-an đã tiên báo rằng: „Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên Chúa ở cùng họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất. Đấng ngự trên ngai phán: Này đây Ta đổi mới mọi sự“ (Kh 21,3-5). Thiên Chúa của sự mới mẻ! Anh chị em hãy cố gằng đừng chiêm ngưỡng đoạn văn Kinh Thánh ấy theo cách thức trừu tượng, nhưng hãy chiêm ngưỡng nó sau khi anh chị em đã xem các tin tức trong ngày, sau khi anh chị em đã xem một số tin tức trên truyền hình hay sau khi đọc một số bài báo, nơi có nhiều thảm kịch, nơi những điều đau buồn được thuật lại; chúng ta có nguy cơ quen với những điều đó. Và Cha đã chào thăm một số người hành hương đến từ Barcelona: biết bao nhiêu là tin buồn đến từ đó! Cha đã hỏi thăm một số người Công-gô, và cũng biết bao nhiêu là tin buồn đến từ đó! Rồi còn biết bao nhiêu là những nơi khác nữa! Cha chỉ xin nêu tên hai quốc gia mà một số anh chị em đã đến từ đó và đang hiện diện ở đây… Anh chị em hãy cố gắng hình dung ra khuôn mặt của những em nhỏ đang bị gây kinh hoàng bởi chiến tranh; hãy hình dung ra những giọt lụy của những người mẹ, hãy nghĩ tới những giấc mơ bị vỡ vụn của nhiều bạn trẻ, hãy nghĩ tới những người tị nạn mà họ đang phải trải qua những chuyến hành trình đầy khủng khiếp và thường xuyên bị bóc lột… Thật tiếc rằng, đời là thế. Đôi khi người ta muốn nói rằng, cuộc sống trước tiên là thế.

Có thể là như thế lắm! Nhưng có một người Cha, Đấng đang cùng khóc với chúng ta; có một người Cha, Đấng đang khóc bằng những giọt lụy của sự cảm thông vô bến bờ đối với những người con. Chúng ta có một người Cha, mà người Cha ấy có thể khóc, người Cha ấy khóc với chúng ta. Đó là một người Cha, Đấng đợi chờ chúng ta để ủi an chúng ta, vì Ngài thấu hiểu những nỗi khổ đau của chúng ta, và đã sửa soạn sẵn cho chúng ta một tương lai khác. Đó là quan điểm vĩ đại của niềm hy vọng Ki-tô giáo, mà niềm hy vọng ấy trải dài trên tất cả mọi ngày sống của chúng ta, và muốn tái nâng chúng ta lên. Thiên Chúa không muốn cuộc đời chúng ta trở nên sai trái, và cũng đã không tự đặt lên vai mình cũng như trên vai chúng ta những đêm đen đầy cay nghiệt của sự sợ hãi. Đúng hơn, Ngài đã sáng tạo nên chúng ta, vì Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc. Ngài là Cha của chúng ta, và khi chúng ta nếm trải ở đây và bây giờ một cuộc sống mà nó không phải là cuộc sống mà Ngài muốn cho chúng ta, thì rồi Chúa Giê-su sẽ bảo đảm cho chúng ta rằng, Thiên Chúa đang thực hiện ơn cứu độ của Ngài. Ngài đang hoạt động để cứu độ chúng ta.

Chúng ta tin và biết rằng, sự chết và hận thù không phải là những lời cuối cùng mà chúng được nói về mầu nhiệm cuộc sống của con người. Việc trở thành người Ki-tô hữu sẽ mang đến một chiều kích mới với chính mình: Một cái nhìn hoàn toàn hy vọng. Một số người tin rằng, cuộc sống giữ lại niềm hạnh phúc của nó trong thời trẻ và trong quá khứ, cũng như tin rằng, cuộc sống là một sự tiêu vong từ từ. Còn những người khác lại nghĩ, niềm vui của chúng ta chỉ hãn hữu và tạm bợ, và chỉ có những điều vô nghĩa được ghi vào kiếp sống nhân gian. Khi tận mắt chứng kiến tất cả mọi thảm họa, những người ấy sẽ nói rằng: „Cuộc sống không có ý nghĩa. Con đường của chúng ta vô nghĩa.“

Nhưng các Ki-tô hữu không tin như vậy. Đúng hơn, chúng ta tin rằng, mặt trời đang hiện diện ở đường chân trời của con người, và mặt trời ấy luôn luôn chiếu sáng. Chúng ta tin rằng, những ngày tuyệt vời nhất của chúng ta sẽ còn đến. Chúng ta không phải là những con người của mùa Thu, nhưng là những con người của mùa Xuân. Cha thích hỏi, giờ đây mỗi người hãy tự trả lời trong lòng mình, trong thinh lặng, nhưng cũng có thể trả lời to lên: „Liệu tôi đang là một người nam, một người nữ, một chàng trai, một cô gái của mùa Xuân hay của mùa Thu? Tâm hồn tôi đang ở trong mùa Xuân hay trong mùa Thu?“ Mỗi người hãy tự trả lời lấy cho mình. Chúng ta phải nhận ra những mầm sống của một thế giới mới, và đừng nhìn vào những chiếc lá úa vàng trên cành. Chúng ta không được phép đu đưa trong nỗi luyến tiếc quá khứ, và trong những lời oán trách: Chúng ta biết Thiên Chúa muốn rằng, chúng ta là những người thừa kế của một lời hứa, và không ngừng có những giấc mơ. Xin anh chị em đừng quên câu hỏi này: „Liệu tôi đang là một người của mùa Xuân hay của mùa Thu?“ – Của mùa Xuân – mùa chờ đợi những nụ hoa, mùa chờ đợi những bông trái, mùa chờ đợi mặt trời là chính Chúa Giê-su –, hay của mùa Thu – mùa luôn luôn nhìn xuống đất, cảm thấy cay đắng, và như Cha đã từng nói mấy lần rồi, với một khuôn mặt giống như những trái ớt ngâm giấm.

Người Ki-tô hữu biết rằng, Nước Thiên Chúa – Triều Đại Tình Yêu của Ngài – sẽ phát triển như một cánh đồng lúa, ngay cả khi cỏ dại xen lẫn vào đó. Luôn luôn có những vấn đề, có những chuyện tào lao thiên địa, có chiến tranh, có bệnh tật… có vấn đề. Nhưng cây lúa vẫn phát triển, và cuối cùng sự ác sẽ bị tiêu diệt. Tương lai không thuộc về chúng ta, nhưng chúng ta biết rằng, Chúa Giê-su Ki-tô chính là hồng ân vĩ đại nhất của cuộc sống: Ngài là cái ôm của Thiên Chúa, mà cái ôm đó đang chờ đợi chúng ta vào phút cuối, nghưng ngay từ bây giờ, cái ôm đó đã đang đồng hành với chúng ta rồi, và cũng đang an ủi chúng ta trên đường. Ngài dẫn chúng ta đi tới „ngôi nhà“ vĩ đại của Thiên Chúa, bên những con người (xc. Kh 21,3), với nhiều anh chị em, và chúng ta mang tới cùng Thiên Chúa ký ức về những ngày mà chúng ta đã sống trên dương thế này. Thật là tuyệt vời khi ngay trong khoảnh khắc này chúng ta đã khám phá ra được rằng, chẳng có bất cứ điều gì là phí công vô ích hết, kể cả những nụ cười lẫn những giọt lụy. Dù cuộc sống chúng ta có kéo dài tời mấy đi nữa thì nó cũng sẽ diễn ra giống hệt như một hơi thở. Và công trình sáng tạo đã không chấm dứt vào ngày thứ Sáu của cuộc sáng thế, nhưng được tiếp tục mãi mãi, vì Thiên Chúa không ngừng quan tâm tới chúng ta. Cho tới ngày tất cả đều hoàn thiện, cho tới buổi sáng mà tất cả mọi giọt lụy đều bị chế ngự, cho tới khoảnh khắc mà Thiên Chúa sẽ nói lời chúc phúc cuối cùng của Ngài: „Này đây“ – Thiên Chúa phán – „Ta đổi mới mọi sự“ (Kh 21,5). Vâng, Cha chúng ta chính là Thiên Chúa của những điều mới mẻ cũng như của những điều gây ngỡ ngàng. Và vào ngày ấy chúng ta sẽ thực sự hạnh phúc và khóc vì vui. Vâng, chúng ta sẽ khóc vì niềm vui.

Đại Sảnh Đường tiếp kiến của Tòa Thánh Vatican

Sáng thứ Tư ngày 23 tháng 08 năm 2017

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017