Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 27.09.2017: Chúng ta không được phép sợ hãi trước việc chia sẻ niềm hy vọng với nhau!

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Chúng ta đang nói về niềm hy vọng; nhưng hôm nay Cha muốn cùng với anh chị em suy tư về kẻ thù của niềm hy vọng. Vì niềm hy vọng cũng có những kẻ thù của nó, giống như bất cứ sự tốt lành nào trên thế gian này cũng đều có những kẻ thù của mình. Và Cha chợt nhớ ra câu chuyện thần thoại cổ về chiếc hộp sắt của Pandora: Việc mở chiếc hộp sắt đó ra đã gây ra biết bao nhiêu là bất hạnh trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên chỉ một ít người còn nhớ phần cuối của câu chuyện này, phần cuối ấy mở ra một tia sáng nhỏ: sau khi tất cả những tai họa đã toát ra từ chiếc hộp sắt, thì một món quà nhỏ có vẻ như vẫn tồn tại trước tất cả các tai họa mà chúng đã phát tán. Pandora, người giám sát chiếc hộp sắt, đã khám phá ra tia sáng đó như là điều cuối cùng: Những người Hy-lạp gọi nó là »elpìs«, có nghĩa là „Hy Vọng“.

Câu chuyện thần thoại này nói cho chúng ta biết, tại sao niềm hy vọng lại rất quan trọng đối với nhân loại. Câu tục ngữ sau đây không đúng chút nào: „Cho tới bao lâu còn sự sống thì cho tới lúc đó vẫn còn hy vọng“. Đúng ra thì phải nói ngược lại là: Niềm hy vọng giữ cho cuộc sống được ngay thẳng, bảo vệ nó, duy trì nó và làm cho nó được phát triển. Nếu con người không nâng cao niềm hy vọng, nếu họ không dựa vào nhân đức này, thì rồi họ sẽ không bao giờ có thể bước được ra khỏi những chiếc hang, và sẽ không để lại dấu ấn trong lịch sử của thế giới. Niềm hy vọng chính là điều linh thiêng nhất trong số những gì có thể hiện hữu trong tâm hồn con người.

Một nhà thơ người Pháp – Charles Péguy – đã để lại cho chúng ta những áng văn tuyệt vời về niềm hy vọng (xc. Cánh cửa dẫn tới mầu nhiệm hy vọng). Ông nói qua những vần thơ rằng, Thiên Chúa không quá ngạc nhiên về Đức Tin của con người và cũng chẳng quá ngạc nhiên về Đức Ái của họ. Trái lại, điều làm cho Ngài thực sự ngạc nhiên và cảm động, đó chính là niềm hy vọng của nhân loại. Ông viết rằng: „Những người con nghèo hèn này nên thấy mọi sự vật đang diễn ra thế nào, và hãy tin rằng, ngày mai chúng sẽ tốt hơn.“ Hình tượng thi vị đó dẫn tới trước mắt chúng ta những khuôn mặt của nhiều người đã đi trên mặt đất này – những nông dân, các công nhân nghèo túng, những di dân đang tìm kiếm một tương lai tốt hơn – và đã bền gan chiến đấu bất chấp sự đắng cay của một thời hiện tại đầy khó khăn, đầy những thử thách, nhưng được gây phấn chấn bởi niềm tin tưởng rằng, con cái của họ sẽ có được một cuộc sống thích hợp và bình an. Họ đã chiến đấu cho con cái của mình, họ đã chiến đấu cho niềm hy vọng.

Niềm hy vọng chính là động cơ thúc đẩy trong tâm hồn của tất cả những ai lên đường và bỏ lại nhà cửa, đất đai và đôi khi phải bỏ cả những thành viên trong gia đình và những bà con thân thuộc – cha nghĩ tới những di dân -, để tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm hơn đối với chính họ và đối với các thành viên trong gia đình mình. Và niềm hy vọng cũng là động lực thúc đẩy trong tâm hồn của tất cả những ai đón nhận người khác: mong muốn gặp gỡ nhau, học hỏi lẫn nhau và nói chuyện với nhau… Niềm hy vọng chính là động cơ thúc đẩy để „cùng lên đường“, vì khi lên đường người ta sẽ là hai: những người đến với đất nước của chúng ta, và chúng ta, những người đến gần với con tim của họ để hiểu họ, để hiểu về văn hóa cũng như về ngôn ngữ của họ. Đó là một chuyến hành trình của hai phía, nhưng nếu không có niềm hy vọng thì người ta sẽ không thể thực hiện được cuộc hành trình này. Niềm hy vọng chính là động lực thúc đẩy để cùng lên đường, như chiến dịch của Caritas đã nhắc nhớ chúng ta, tức chiến dịch mà hôm nay chúng ta khai mạc. Anh chị em thân mến, chúng ta không được phép sợ hãi trước việc cùng lên đường. Chúng ta không được phép sợ hãi! Chúng ta không được phép sợ hãi trước việc chia sẻ niềm hy vọng với nhau!

Niềm hy vọng không phải là đức hạnh đối với những người no đủ và tự mãn. Vì thế, người nghèo luôn luôn là những người đầu tiên mang niềm hy vọng. Và trong ý nghĩa ấy, chúng ta có thể nói rằng, những người nghèo, kể cả những người hành khất, cũng đều là những nhân vật chính của lịch sử. Để bước vào thế giới, Thiên Chúa đã cần tới họ: Thánh Giu-se, Đức Mẹ và các mục đồng thành Bê-lem. Thế giới đã ngủ say trong đêm Giáng Sinh đầu tiên, đã mê man trong những điều an toàn mà người ta đã đạt được. Nhưng những kẻ khiêm nhu thì lại âm thầm chuẩn bị cho cuộc cách mạng sự thiện. Họ nghèo nàn về tất cả, một số người chỉ sống nhờ vào một mức thu nhập tối thiểu, nhưng họ giầu có về những điều tốt lành nhất mà thế giới này có: ý muốn thay đổi. Việc có được tất cả trong cuộc đời đôi khi lại là một điều bất hạnh. Chúng ta hãy nghĩ tới một bạn trẻ đã không học để thực thi nhân đức đợi chờ và kiên nhẫn, bạn trẻ ấy đã đạt được tất cả mà không cần phải nhỏ một mất cứ một hạt mồ hôi nào trên trán, người ấy đã nhận được tất cả một cách mau chóng, và khi mới chỉ 20 tuổi, đã biết được „thế giới vận hành như thế nào“; bạn trẻ ấy đã bị tiền định để đi tới chỗ trầm luân ghê rợn nhất: không còn có bất cứ một mong muốn nào nữa. Đó là án trầm luân tồi tệ nhất: đóng chặt cánh cửa lại trước bất cứ niềm mong muốn và giấc mơ nào. Bạn ấy xem ra là một người trẻ, nhưng trong thực tế, mùa Thu đã bắt đầu trong tâm hồn bạn ấy rồi. Đó là những người trẻ của mùa Thu.

Có một tâm hồn trống rỗng chính là một rào cản tồi tệ nhất đối với niềm hy vọng. Đó là một mối nguy mà không ai có thể coi mình là người được miễn trừ trước nó; vì người ta cũng có thể bị cám dỗ chống lại niềm hy vọng khi người ta đi trên đường đời Ki-tô giáo. Các Đan Sĩ của Giáo hội trước đây đã than phiền về một trong những kẻ thù tồi tệ nhất của niềm hăng hái. Họ đã mô tả nó là „con quỷ ban ngày“, con quỷ đó lẻn vảo một cuộc sống siêng năng ngay cả khi mặt trời còn đang chiếu sáng trên đỉnh đầu. Sau đó cơn cám dỗ này gây bất ngờ cho chúng ta khi chúng ta mong chờ nó ít nhất: những ngày sống sẽ trở nên đơn điệu và nhàm chán, có vẻ như không còn giá trị nào thưởng công cho những nỗ lực nữa. Thái độ này được gọi là „Akedia“: nó đục rỗng cuộc sống từ bên trong, và cuối cùng, làm cho cuộc sống trở thành một lớp vỏ trống rỗng.

Khi điều đó xảy ra thì người Ki-tô hữu biết rằng, tình trạng này phải bị chống lại; người Ki-tô hữu không bao giờ được phép cam chịu một cách thụ động. Thiên Chúa đã sáng tạo nên chúng ta để hưởng niềm vui và hạnh phúc, và không hề sáng tạo nên chúng ta để chúng ta co cụm lại trong những ý nghĩ sầu muộn. Vì thế, điều quan trọng là phải canh chừng trên con tim của mình cũng như chống lại những cơn cám dỗ của sự bất hạnh mà chắc chắn chúng không đến từ Thiên Chúa. Và ở nơi nào sức lực của chúng ta xem ra có vẻ yếu nhược, trong khi cuộc chiến chống sợ hãi lại vô cùng cam go, thì chúng ta vẫn luôn luôn có thể gọi tên Chúa Giê-su. Chúng ta có thể lập lại lời cầu nguyện đơn giản đó, tức lời cầu nguyện mà chúng ta tìm thấy dấu ấn của nó trong các Tin Mừng, và lời cầu nguyện đó đã trở thành điểm quy chiếu của rất nhiều truyền thống thiêng liêng Ki-tô giáo: „Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, xin thương xót con là kẻ có tội!

Đó là một lời cầu nguyện tuyệt vời. „Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, xin thương xót con là kẻ có tội!“ Đó là một lời cầu nguyện của niềm hy vọng, vì tôi hướng về Đấng có thể mở rộng những cánh cửa, có thể giải quyết những vấn đề cũng như có thể làm cho tôi nhìn thấy đường chân trời, đường chân trời của niềm hy vọng. Anh chị em thân mến, chúng ta không cô đơn trong cuộc chiến chống lại nỗi tuyệt vọng. Nếu Chúa Giê-su đã chiến thắng thế gian thì Ngài cũng có khả năng chiến thắng tất cả những gì chống lại sự thiện trong chúng ta. Nếu Thiên Chúa ở cùng chúng ta thì không kẻ nào có thể cướp được khỏi chúng ta đức hạnh mà chúng ta nhất thiết cần tới để sống. Không có kẻ nào có thể cướp được niềm hy vọng của chúng ta. Chúng ta hãy tiến về phía trước.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày 27 tháng 09 năm 2017

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cistchuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2017