Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Tiếp Kiến chung, sáng thứ Tư, 10.04.2019: Kinh Lạy Cha (XII)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay trời không được đẹp mấy, nhưng dầu vậy, Cha vẫn chúc cho anh chị em một ngày tốt đẹp!

Sau khi chúng ta đã cầu xin Thiên Chúa ban lương thực hằng ngày, thì Kinh „Lạy Cha“ chuyển sang lãnh vực các mối tương quan của chúng ta với người khác. Và Chúa Giê-su dậy chúng ta hãy cầu xin cùng Thiên Chúa Cha như sau: „Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha, kẻ có nợ chúng con“ (xc. Mt 6,12). Nếu chúng ta cần tới lương thực thế nào, thì chúng ta cũng cần tới ơn tha thứ như vậy. Và điều đó diễn ra mỗi ngày.

Người Ki-tô hữu nào cầu nguyện, thì trước tiên người ấy sẽ cầu xin cùng Thiên Chúa rằng, ước chi Thiên Chúa sẽ tha thứ cho những món nợ của mình, tức là những tội lỗi, những điều xấu xa mà người ấy đã làm. Đó là sự thật trước tiên của lời cầu nguyện hằng ngày: ngay cả khi chúng ta là những người hoàn hảo đi nữa, ngay cả khi chúng ta là những vị Thánh thuần khiết đi nữa, tức những vị Thánh không bao giờ đi chệch khỏi một cuộc sống tốt lành, thì chúng ta cũng vẫn là những người con cần phải biết ơn Thiên Chúa Cha về tất cả mọi sự.

Thái độ nguy hiểm nhất đối với đời sống Ki-tô giáo là gì? Thưa, đó là sự kiêu căng. Đó là thái độ của kẻ đi đến trước mặt Thiên Chúa và nghĩ rằng, mình luôn luôn ở trong sự thuần khiết đối với Ngài: Kẻ kiêu căng nghĩ rằng, nơi mình, tất cả đều ổn. Như người Pha-ri-siêu trong dụ ngôn kia: ông ta nghĩ rằng mình đang cầu nguyện trong đền thờ, nhưng thực tế thì ông ta lại tự ca ngợi chính mình trước mặt Thiên Chúa: „Con tạ ơn Chúa vì con không giống những kẻ khác.“ Đó là những kẻ tưởng rằng mình hoàn hảo, những kẻ chỉ trích người khác, những kẻ kiêu căng. Không có người nào trong chúng ta là hoàn hảo cả, không ai cả.

Trái lại, người thu thuế thì đứng mãi ở cuối đền thờ, ông là một tội nhân bị mọi người khinh thường, ông ta chỉ dám đứng ở ngưỡng cửa đền thờ, cảm thấy mình không xứng đáng bước vào trong, nhưng hoàn toàn tín thác vào Lòng Xót Thương của Chúa. Và Chúa Giê-su đã đưa ra lời giải thích như sau: „Ông này khi trở về nhà thì được nên công chính, còn kẻ kia thì không“ (Lc 18,14). Người thu thuế đó đã được tha thứ và được cứu độ. Tại sao vậy? Thưa, vì ông không tự phụ, vì ông thú nhận những giới hạn và những tội lỗi của mình. Có những tội người ta thấy được, nhưng cũng có những tội người ta không thấy. Có những tội hiển nhiên, có những sự kiện gây chấn động, nhưng cũng có những tội thầm kín, chúng làm tổ trong lòng, mà nói chung, chúng ta không nhận ra chúng. Điều tồi tệ nhất trong số những tội lỗi đó chính là sự kiêu ngạo, mà ngay cả đối với những người đang tiến hành một đời sống tôn giáo sâu sắc, cũng thủ đắc nó.

Đã từng có một Nữ Đan Viện hiện diện vào giữa những năm từ 1.600 tới 1.700, Đan Viện này rất nổi tiếng, thuộc thời Gian-sê-ni-út: Các Nữ Đan Sĩ ở đó rất hoàn hảo, và người ta nói về họ rằng, họ trinh trong như các Thiên Thần, nhưng lại kiêu căng như những tên quỷ. Đó là điều rất tồi tệ. Tội lỗi phá hủy tình huynh đệ, vì tội lỗi mà chúng ta tự cho rằng mình tốt hơn người khác; tội lỗi khiến chúng ta nghĩ rằng, chúng ta giống như Thiên Chúa.

Nhưng trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều chỉ là những tội nhân, và chúng ta có thừa lý do để đấm ngực – tất cả! – như người thu thuế kia trong đền thờ. Trong thư thứ nhất của mình, Thánh Gio-an viết: „Nếu chúng ta nói rằng mình không có tội, thì chúng ta đang tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta“ (1Ga 1,8). Nếu bạn tự lừa dối mình thì bạn hãy nói rằng, bạn chẳng có tội tình gì cả: và như thế, bạn đang tự đưa mình vào chỗ lầm lạc.

Do đó, tất cả chúng ta đều là những kẻ mắc nợ, vì trước tiên, trong cuộc sống này, chúng ta đã lãnh nhận rất nhiều: sự hiện hữu, một người cha và một người mẹ, tình bằng hữu, những điều kỳ diệu của thiên nhiên… Ngay cả khi mỗi người chúng ta phải trải qua những ngày khó khăn, thì chúng ta cũng phải luôn luôn nghĩ rằng, cuộc sống là một hồng ân, là một phép lạ mà từ hư vô, Thiên Chúa đã cho nó xuất hiện.

Thứ đến, chúng ta là những kẻ mắc nợ, vì không ai trong chúng ta, ngay cả khi chúng ta muốn sống yêu thương, thì cũng vẫn không thể thực hiện được điều đó nhờ vào sức riêng mình. Tình Yêu đích thực hệ tại ở chỗ, nếu chúng ta có thể sống yêu thương, là vì chúng ta có ân sủng của Thiên Chúa. Không ai trong chúng ta có thể phát sáng trong ánh sáng của riêng mình. Có một điều mà các nhà Thần Học thời cổ đại gọi là „mysterium lunae – huyền nhiệm mặt trăng“, không chỉ trong căn tính của Giáo hội, nhưng cũng còn cả trong lịch sử của mỗi người chúng ta nữa. „Mysterium lunae“ ấy có nghĩa là gì? Thưa, nó có nghĩa là, mặt trăng không có ánh sáng riêng: nó chỉ phản chiếu ánh sáng của mặt trời mà thôi. Chúng ta cũng không có ánh sáng riêng của mình: Ánh sáng mà chúng ta có được, đó là sự phản chiếu ân sủng của Thiên Chúa, phản chiếu ánh sáng của Thiên Chúa. Sở dĩ bạn yêu thương, là bởi vì một ai đó bên ngoài bạn đã nhìn bạn và mỉm cười với bạn, khi bạn còn là một em bé, và đã dậy cho bạn biết đáp trả lại bằng một nụ cười. Sở dĩ bạn yêu thương, là vì một ai đó bên cạnh bạn đã khơi lên Tình Yêu của bạn, và đã khiến cho bạn hiểu được rằng, ý nghĩa cuộc sống hàm chứa trong đó.

Chúng ta hãy cố gắng lắng nghe những câu chuyện của bất kỳ ai đó mà họ đã mắc phải những lỗi lầm: một tù nhân, một kẻ bị tuyên án, một người nghiện ma túy… Chúng ta quen biết nhiều những người đã mắc phải những lầm lỗi trong cuộc sống. Hãy thực hiện một cách có trách nhiệm, mà trách nhiệm thì luôn luôn mang tính cá nhân: thỉnh thoảng bạn hãy nên tự hỏi, nếu người ta nên tha thứ lỗi lầm cho những người mà họ đã mắc lỗi với mình, thì liệu có phải chỉ vì lương tâm của mình hay không, hay đó lại là những sự kiện gây hận thù và sự cô đơn mà người ấy mang theo với mình.

Và đó là huyền nhiệm mặt trăng: Sở dĩ chúng ta yêu thương, là vì chúng ta đã được yêu, chúng ta tha thứ, là vì chúng ta đã được thứ tha. Và nếu ai đó không được chiếu sáng bởi ánh sáng mặt trời, thì người ấy sẽ trở nên giá lạnh như mảnh đất mùa Đông. Trong chuỗi dây yêu thương mà nó đi trước chúng ta, phải chăng người ta chẳng nên nhận ra sự hiện diện đầy quan phòng của Tình Yêu Thiên Chúa? Không ai trong chúng ta có thể yêu mến Thiên Chúa được như chính Ngài đã yêu thương chúng ta. Chỉ cần đặt mình trước Thánh Giá thì cũng đủ để nhận ra được sự bất tương xứng đó: Ngài đã yêu thương chúng ta, và luôn luôn là Đấng yêu thương chúng ta trước. Vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện:  Lạy Chúa, ngay cả những người thánh thiện nhất trong chúng con cũng không bao giờ có thể thôi là con nợ của Chúa. Ôi lạy Cha, xin dủ lòng xót thương tất cả chúng con!

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày mồng 10 tháng 04 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019