Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Tiếp Kiến chung, sáng thứ Tư, 17.04.2019: Kinh Lạy Cha (XIII)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong những tuần này, chúng ta đang suy tư về Kinh „Lạy Cha“. Giờ đây, trước khi bước vào Tam Nhật Thánh, chúng ta hãy lưu lại nơi một số Lời mà trong cuộc khổ hình của Ngài, Chúa Giê-su đã sử dụng để cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. Lời cầu đầu tiên đã diễn ra sau Bữa Tiệc Ly. Chúa Giê-su „đã ngước mắt lên trời và nói: Lạy Cha, giờ đã đến: Xin hãy tôn vinh Con.“ Và sau đó Ngài nói tiếp: „Lạy Cha, Cha đã tôn vin Con nơi Cha với vinh quang mà Con đã có từ nơi Cha, trước khi tạo thành thế gian!“ (Ga 17,1.5). Chúa Giê-su đã cầu xin sự vinh quang – một lời cầu xin có vẻ như nghịch lý, trong lúc cuộc khổ hình đang đứng ngay trước cửa. Vậy đó là vinh quang nào? Trong Kinh Thánh, vinh quang hướng về sự mặc khải của Thiên Chúa. Nó chính là nét đặc trưng cho sự hiện diện có khả năng cứu độ của Ngài giữa con người. Chúa Giê-su chính là Đấng mạc khải một cách dứt khoát sự hiện diện và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Và Ngài thực hiện điều đó trong ngày Lễ Vượt Qua: Ngài được tôn vinh khi được nâng lên cây Thập Giá (xc. Ga 12,23-33). Ở đó, Thiên Chúa đã mạc khải vinh quang Ngài cách chung cuộc: Ngài lấy đi tấm khăn che mặt cuối cùng, và gây ngỡ ngàng cho chúng ta theo một cách thức chưa từng có. Vì thế, chúng ta khám phá ra rằng, vinh quang của Thiên Chúa chẳng phải là bất cứ điều gì khác ngoài Tình Yêu: một Tình Yêu thuần khiết, quá đỗi và không thể hình dung ra được, Tình Yêu ấy vượt ra ngoài mọi ranh giới cũng như vượt lên trên mọi mức độ.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy biến lời cầu nguyện của Chúa Giê-su thành của mình: Chúng tay hãy cầu xin Thiên Chúa Cha lấy đi tấm khăn đang che mặt chúng ta, để trong những ngày này, khi chúng ta ngắm nhìn Thánh Giá, chúng ta sẽ có thể nhận ra được rằng, Thiên Chúa là Tình Yêu. Chúng ta thường tưởng tượng Ngài là một ông chủ chứ không phải là một người Cha, chúng ta thường nghĩ Ngài là một quan tòa nghiêm khắc thay vì nghĩ rằng Ngài là Đấng Cứu Độ đầy xót thương! Nhưng vào ngày Lễ Vượt Qua, Thiên Chúa đã phá bỏ mọi khoảng cách, và biểu lộ trong sự khiêm nhượng của một Tình Yêu, mà Tình Yêu ấy đòi chúng ta cũng phải yêu thương. Do đó, chúng ta sẽ tôn vinh Ngài nếu tất cả chúng ta đều sống điều mà chúng ta thực hiện bằng Tình Yêu, nếu chúng ta thực hiện mọi sự từ con tim, giống như Ngài (xc. Col 3,17). Vinh quang đích thực chính là vinh quang của Tình Yêu, vì Tình Yêu thì độc nhất và ban tặng sự sống cho thế giới. Chắc chắn rằng, vinh quang ấy chính là sự tương phản với vinh quang thế gian, bởi vinh quang thế gian sẽ đến khi người ta được khâm phục, được ca ngợi và được tán dương: Khi cái „TÔI“ đứng trong trung tâm điểm của sự quan tâm. Trái lại, vinh quang của Thiên Chúa thì rất nghịch lý: không được tán dương cũng chẳng có cử tọa. Đừng để cái TÔI đứng trong trung tâm điểm, nhưng hãy để người khác đứng ở đó: Vì vào ngày Lễ Vượt Qua, chúng ta sẽ thấy rằng, Chúa Cha sẽ tôn vinh Chúa Con, trong khi Chúa Con lại tôn vinh Chúa Cha. Không ai tự tôn vinh chính mình. Hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: „Tôi đang sống cho vinh quang nào? Cho vinh quang của tôi hay của Thiên Chúa? Phải chăng tôi chỉ muốn nhận một cái gì đó từ người khác, hay tôi muốn trao cho người khác một cái gì đó?

Sau Bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã đi vào vườn Getsemani; ở đó Ngài cũng cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha. Trong khi các môn đệ không thể thức, còn Giu-đa thì đến đó cùng với những tên lính, Chúa Giê-su đã cảm thấy „sợ hãi“. Ngài cảm thấy hoàn toàn sợ hãi trước những gì đang chờ đợi Ngài: sự phản bội, sự khinh thường, sự khổ hình và sự trắc trở. Ngài đã „buồn rầu“, và ở đó, trong vực thẳm, trong sự tuyệt vọng, Ngài đã hướng lên Chúa Cha với một lời chân thành và nhu mì nhất: „Abba“, tức: thưa Cha (xc. Mc 14,33-36). Trong cơn thử thách, Chúa Giê-su đã dậy cho chúng ta biết bám chặt vào Chúa Cha, vì sức mạnh để tiến về phía trước trong lúc gặp khổ đau, nằm trong lời cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Trong nỗi gian truân, lời cầu nguyện chính là sự xoa dịu, là sự tín thác và là niềm ủi an. Bị mọi người bỏ rơi cũng như bị rơi vào tình trạng tuyệt vọng nội tâm, Chúa Giê-su vẫn không cô đơn, Ngài ở bên Chúa Cha. Trái lại, trong vườn Getsemani của mình, chúng ta thường thích ở một mình thay vì chuyện vãn với Thiên Chúa Cha và tín thác vào Ngài, tín thác vào Thánh Ý Ngài như Chúa Giê-su, vì Thánh Ý Ngài chính là niềm hạnh phúc đích thực của chúng ta.

Nhưng khi gặp thử thách, nếu chúng ta lại tự nhốt mình lại trong chính mình, thì có nghĩa là chúng ta đang đào bới một đường hầm, đào bới một con đường đối lập lại với sự khổ đau trong tâm hồn chúng ta, mà con đường ấy chỉ dẫn tới một hướng duy nhất: càng ngày càng khoét sâu vào trong chúng ta. Vấn đề lớn nhất không phải là sự khổ đau, nhưng là cách thức người ta tiếp cận nó thế nào. Nỗi cô đơn không giới thiệu cho người ta những lối ra; nhưng lời cầu nguyện lại làm như vậy, vì lời cầu nguyện chính là mối tương quan, là sự tín thác. Chúa Giê-su trao phó tất cả cũng như trao phó chính bản thân mình cho Thiên Chúa Cha, và dâng lên Ngài điều mà Ngài đang cảm thấy, và trông cậy vào Ngài trong lúc chiến đấu.

Nếu chúng ta bước vào vườn Getsemani của mình – mỗi người chúng ta đều có những vườn Getsemani riêng, có thể là đã có, đang có, hay sẽ có -, thì chúng ta phải nhớ rằng: nếu chúng ta bước vào, nếu chúng ta bước vào vườn Getsemani của mình, thì chúng ta phải nhớ cầu nguyện: „Lạy Cha“. Sau cùng, Chúa Giê-su đã hướng lên Chúa Cha một lời cầu nguyện thứ ba, và lời cầu nguyện ấy nhắm cầu cho chúng ta: „Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm!“ (Lc 23,24). Chúa Giê-su cầu nguyện cho những kẻ đã làm điều ác đối với Ngài, cho những kẻ giết Ngài. Tin Mừng đã cho thấy rõ ràng rằng, lời cầu nguyện ấy đã diễn ra trong lúc Chúa Giê-su bị đóng đinh trên Thập Giá. Có vẻ như đó là khoảnh khắc đau khổ tột cùng, khi Chúa Giê-su bị đóng đinh cả chân lẫn tay vào Thập Giá. Ở đây, tột cùng của sự khổ đau, Chúa Giê-su đã đạt tới được Tình Yêu tối thượng: sự tha thứ, sự tận hiến cho quyền năng tối cao, mà quyền năng ấy có khả năng phá vỡ vòng xoáy sự ác.

Anh chị em thân mến, trong những ngày này, nếu chúng ta cầu nguyện bằng Kinh „Lạy Cha“, thì chúng ta sẽ có thể cầu xin một ơn này: sống những ngày của mình cho vinh quang Thiên Chúa, có nghĩa là sống với Tình Yêu; biết tín thác vào Thiên Chúa Cha trong những cơn thử thách, và nói với Thiên Chúa rằng: „Bố ơi, Ba ơi!“; và trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa Cha, thấy được ơn tha thứ và sự can đảm để tha thứ. Cả hai cùng thuộc về nhau. Thiên Chúa Cha tha thứ cho chúng ta, nhưng Ngài cũng ban cho chúng ta sự can đảm để có thể thứ tha.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư, ngày 17 tháng 04 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019