Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư, 13.02.2019: Kinh Lạy Cha (VI)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay chúng ta lại tiếp tục con đường của mình, và chúng ta muốn càng ngày càng học cầu nguyện cách tốt hơn như Chúa Giê-su đã dậy chúng ta. Chúng ta phải cầu nguyện như Ngài đã dậy chúng ta làm điều đó. Ngài đã nói: Khi anh cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh. Chúa Giê-su muốn các môn đệ của Ngài không giống như những kẻ giả hình, họ thích đứng cầu nguyện tại các ngã ba ngã tư để được mọi người khâm phục (xc. Mt 6,5). Chúa Giê-su không muốn sự giả hình. Lời cầu nguyện đích thực chính là lời cầu nguyện được thực hiện trong sự thầm kín của lương tâm, của con tim: không ai biết, nhưng chỉ Thiên Chúa biết.

Tôi và Thiên Chúa. Điều đó ngăn ngừa sự sai trái: Giả bộ giả tảng nơi Thiên Chúa là điều không thể. Nơi Thiên Chúa không thể có sự mánh khóe nào mà nó có sức mạnh cả, Thiên Chúa biết rất rõ chúng ta, biết rõ lương tâm chúng ta; người ta không thể giả bộ giả tảng. Nằm nơi gốc rễ của cuộc nói chuyện thân tình với Thiên Chúa chính là một cuộc nói chuyện thân tình trong âm thầm, như sự giao thoa của những cái nhìn giữa hai người yêu nhau: Cái nhìn của con người và cái nhìn của Thiên Chúa gặp gỡ nhau, và đó là cầu nguyện. Hướng cái nhìn lên Thiên Chúa và để cho mình được Thiên Chúa ngắm nhìn: đó là cầu nguyện. „Nhưng thưa Cha, con sẽ chẳng nói lời nào sao…?“ Hãy ngắm nhìn Thiên Chúa và hãy để cho Thiên Chúa ngắm nhìn bạn: Đó là một cuộc cầu nguyện, một cuộc cầu nguyện tuyệt vời.

Mặc dầu sự cầu nguyện của các môn đệ rất thân mật, nhưng vẫn chưa bao giờ đạt tới được sự nội tại thuần túy. Trong sự thầm kín của lương tâm, người Ki-tô hữu không để thế giới ở lại bên ngoài, phía trước cửa phòng mình, nhưng họ mang những con người, những hoàn cảnh, các vấn đề và nhiều điều khác trong con tim mình. Họ mang tất cả vào trong lời cầu nguyện.

Điều đặc biệt nằm ở chỗ là, trong bản văn Kinh „Lạy Cha“ có một cái gì đó phải thiếu. Vậy Cha xin hỏi anh chị em, đâu là điều đặc biệt phải thiếu trong bản văn Kinh „Lạy Cha“? Không dễ để trả lời. Phải thiếu một đại từ. Tất cả hãy cùng suy nghĩ xem: Phải thiếu cái gì trong Kinh „Lạy Cha“? Hãy suy nghĩ xem, điều gì phải thiếu? Một đại từ. Đó là một đại từ mà trong thời đại chúng ta – có lẽ luôn luôn – tất cả mọi người đều đặt lên nó một giá trị lớn. Đại từ nào phải thiếu trong Kinh „Lạy Cha“ mà chúng ta cầu nguyện hằng ngày? Để tiết kiệm thời gian, Cha xin nêu ra cho anh chị em thấy: Phải thiếu một đại từ „tôi/con“. Từ „tôi/con“ không bao giờ được sử dụng. Chúa Giê-su dậy, trước tiên hãy cầu nguyện bằng đại từ „Cha“ (ngôi thứ hai số ít) trên môi, vì cầu nguyện Ki-tô giáo là một cuộc đối thoại: „Nguyện cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.“ Nhưng không nói: danh „tôi“, nước „tôi“ hay ý „tôi“. Phải thiếu đại từ „tôi“, bởi nó không ổn.

Và rồi Ngài đi tới đại từ „chúng con“. Toàn bộ phần hai của Kinh „Lạy Cha“ đều được sử dụng trong ngôi thứ nhất số nhiều: „Xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha, kẻ có nợ chúng con. Xin cứu chúng con cho khỏi mọi sự dữ.“ Thậm chí những lời cầu xin cơ bản nhất của con người – chẳng hạn như lời cầu xin cho có được lương thực để thỏa mãn cơn đói khát – tất cả đều đứng trong số nhiều. Trong lời cầu nguyện Ki-tô giáo sẽ không có ai tự xin lương thực cho chính mình cả. Xin ban cho „con“ lương thực hằng ngày – không! Xin ban cho “chúng con”, người Ki-tô hữu cầu xin điều ấy cho tất cả, cho tất cả mọi người nghèo của thế giới. Người ta không được phép quên điều ấy, phải thiếu đại từ “tôi/con”. Người ta cầu nguyện với Cha và cho chúng con. Đó là một Giáo huấn tốt đẹp của Chúa Giê-su, xin anh chị em đừng quên điều đó.

Tại sao vậy? Vì trong cuộc đối thoại với Thiên Chúa sẽ không có khoảng trống dành cho chủ nghĩa cá nhân. Không có chỗ cho sự trưng bày những vấn đề riêng, như thể chỉ có mình chúng ta trên thế giới này mới là những người đau khổ mà thôi. Không có lời cầu nguyện nào mà nó không phải là lời cầu nguyện của cộng đoàn những người anh chị em – của “chúng con” - được dâng lên Thiên Chúa hết. Một vị tuyên úy trại giam đã từng đặt ra cho Cha một câu hỏi: “Thưa Cha, xin Cha nói cho con biết: điều gì trái ngược với cái ´Tôi`?”. Và Cha đã trả lời một cách hoàn toàn ngây thơ rằng: cái “Bạn”. “Đó là sự khởi đầu của chiến tranh. Điều ngược lại với cái ´Tôi` chính là cái ´Chúng Ta`, nơi có sự bình an, tất cả cùng chung.” Đó là một giáo huấn tuyệt vời  mà vị Linh mục kia đã chia sẻ với Cha.

Trong lúc cầu nguyện, người Ki-tô hữu sẽ mang tất cả mọi khó khăn của những người đang sống chung quanh mình: Nếu là ban chiều thì người Ki-tô hữu sẽ kể cho Thiên Chúa nghe về những con người khổ đau mà mình đã gặp trong ngày; người ấy sẽ trình bày trước tôn nhan Ngài nhiều khuôn mặt – vui vẻ, nhưng cũng có khuynh hướng thù địch; người ấy không xua đuổi họ như những phiền nhiễu nguy hiểm.

Nếu ai đó không nhận ra rằng, nơi môi trường xung quanh mình đang có nhiều người đau khổ, nếu người ấy không có sự cảm thông đối với những giọt nước mắt của người nghèo, nếu người ấy lấy làm quen với mọi chuyện, thì điều đó có nghĩa là, con tim của người ấy… Nó sẽ như thế nào? Nó đã bị khô héo? Không, tồi tệ hơn: Nó đã bị hóa đá. Trong trường hợp này, thật là tốt nếu cầu xin Thiên Chúa, xin Ngài dùng Thần Khí Ngài mà đụng chạm tới chúng ta cũng như làm cho con tim chúng ta được mềm ra: „Lạy Chúa, xin làm cho con tim của con được hóa mềm.“ Đó là một lời cầu nguyện tuyệt vời: „Lạy Chúa, xin làm cho con tim của con được trở nên mềm mại, để nó có thể hiểu và đón nhận về cho mình tất cả mọi vấn đề và mọi nỗi khổ đau của người khác.“

Chúa Ki-tô đã đi ngang qua mà không hề bàng quang trước nỗi khốn cùng của thế giới: luôn luôn, khi Ngài nhận ra sự cô đơn, và nỗi khổ đau nơi thân xác hay nơi tâm hồn, Ngài đều thể hiện một sự cảm thông mạnh mẽ, như một người mẹ, rất sâu trong tâm hồn mình.

Sự cảm thông này – chúng ta đừng quên từ ngữ mang tính rất Ki-tô giáo ấy: cảm thông – đó là một trong những từ khóa của Tin Mừng: đó là điều đã thúc đẩy người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu đến gần người bị thương nằm bên vệ đường, trái ngược với những kẻ có con tim chai cứng.

Chúng ta có thể tự hỏi: Khi tôi cầu nguyện, tôi có mở bản thân mình ra cho tiếng kêu của cả những người ở xa lẫn của những người ở gần hay không? Hay tôi lại coi việc cầu nguyện là một hình thức gây mê để tôi có thể trở nên an nhiên tự tại hơn? Cha đặt câu hỏi này lên không trung, mỗi người đều có thể tự trả lời cho mình. Trong trường hợp này tôi sẽ trở thành nạn nhân của một sự lầm lạc kinh khủng. Chắc chắn rằng, lời cầu nguyện của tôi sẽ không còn là lời cầu nguyện Ki-tô giáo nữa. Vì đại từ „Chúng Con“ mà Chúa Giê-su đã dậy chúng ta sẽ ngăn cản việc người ta sống một mình cho cái Tôi trong sự bình an, và làm cho tôi cảm thấy rằng, tôi có trách nhiệm đối với những người anh chị em. Có những con người xem ra có vẻ không tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng Chúa Giê-su cũng yêu cầu chúng ta phải cầu nguyện cho họ, vì Thiên Chúa kiếm tìm những con người ấy hơn tất cả những người khác.

Chúa Giê-su đến không phải để cho những kẻ mạnh khỏe, nhưng là cho các bệnh nhân và cho các tội nhân (xc. Lc 5,31) – có nghĩa là cho tất cả, vì ai nghĩ rằng mình đang lành mạnh, thì điều đó không ở trong thực tế. Nếu chúng ta dấn thân cho công lý, thì chúng ta không được phép coi mình tốt hơn người khác: Thiên Chúa Cha làm cho mặt trời mọc lên cho cả người lành lẫn người dữ (xc. Mt 5,45). Thiên Chúa Cha yêu thương tất cả mọi người! Chúng ta hãy học từ Thiên Chúa, Đấng luôn luôn đối xử tốt với tất cả mọi người, ngược hẳn lại với chúng ta, những kẻ chỉ đối xử tốt với một ít người mà chúng ta thích thôi.

Anh chị em thân mến, Thánh nhân và tội nhân, tất cả chúng ta đều là anh chị em, những kẻ được yêu thương bởi cùng một người Cha. Và khi kết thúc cuộc đời, chúng ta sẽ bị phán xét về Đức Ái, sẽ bị phán xét về việc chúng ta đã sống yêu thương như thế nào. Đừng chỉ yêu thương theo cảm tính, nhưng hãy có một Tình Yêu nhân hậu và cụ thể, theo quy luật Tin Mừng – xin anh chị em đừng quên điều ấy! -: „Khi mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta“ (Mt 25,40). Thiên Chúa phán như thế. Xin cám ơn.

 

Tòa Thánh Vatican, Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến

Sáng thứ Tư ngày 13 tháng 02 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019