Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư, 06.03.2019 - Kinh Lạy Cha (IX)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Khi chúng ta cầu nguyện bằng „Kinh Lạy Cha“, thì lời cầu thứ hai mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa là như sau: Xin cho „ Nước Cha trị đến“ (Mt 6,10). Sau khi cầu nguyện để xin cho Danh Thánh Thiên Chúa được cả sáng, thì người tín hữu sẽ bày tỏ niềm mong muốn xin cho Nước Cha trị đến. Có thể nói được rằng, niềm mong muốn ấy phát sinh từ chính con tim của Chúa Ki-tô, Đấng đã bắt đầu hoạt động công khai tại Ga-li-lê-a, và đã công bố rằng: „Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng!“ (Mc 1,15).

Tuyệt nhiên, những lời trên không phải là một sự đe dọa. Trái lại: chúng là một tin tốt lành, một sứ điệp vui mừng. Chúa Giê-su không muốn cưỡng ép người ta hoán cải bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi trước bản án đang được Thiên Chúa đưa ra, hay sự ân hận về những điều gớm ghiếc mình đã phạm phải. Chúa Giê-su không tiến hành việc chèo kéo người khác theo đạo: Ngài công bố Tin Mừng một cách hoàn toàn đơn giản. Trái lại, điều Ngài mang tới chính là tin tốt lành về ơn cứu độ, và khởi đi từ bản tin tốt lành ấy, Ngài kêu gọi mọi người hoán cải. Bất cứ ai cũng đều được mời gọi hãy tin vào „Tin Mừng“: Vương quyền của Thiên Chúa đã đến gần với những người con của Ngài. Đó là Tin Mừng: Vương quyền của Thiên Chúa đã đến gần với những người con của Ngài. Chúa Giê-su đã công bố điều tuyệt vời đó, đã công bố hồng ân này: Thiên Chúa là Cha, Đấng yêu thương chúng ta, Ngài ở gần chúng ta, và Ngài dậy chúng ta bước đi trên con đường thánh thiện.

Những dấu chỉ về việc đến gần của Triều Đại ấy thì vô vàn, và tất cả đều tích cực. Chúa Giê-su bắt đầu những hoạt động công khai của mình để qua đó Ngài có thể chăm lo cho các bệnh nhân, cả nơi thể xác lẫn trong tâm hồn, cho những người bị loại ra bên ngoài xã hội – chẳng hạn như những người bị bệnh phong cùi -, cho các tội nhân, mà họ bị mọi người nhìn xem với sự khinh thường: kể cả bởi những người mà tội lỗi của họ còn lớn cả tội của những người bị họ coi thường nữa, nhưng họ lại hành động như thể mình là những người công chính vậy. Và Chúa Giê-su đã gọi những kẻ đó là gì? Thưa, là “những kẻ giả hình”. Chính Chúa Giê-su đã khiến người ta phải lưu ý đến những dấu chỉ sau đây, tức những dấu chỉ về Triều Đại Thiên Chúa: “Người mù xem thấy, kẻ què đi được, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5).

Nước Cha trị đến!” – người Ki-tô hữu lập lại với sự nhấn mạnh khi họ cầu nguyện bằng “Kinh Lạy Cha”. Chúa Giê-su đã đến; nhưng thế gian vẫn luôn còn bị đánh dấu bởi tội lỗi; vẫn còn rất nhiều người khổ đau đang cư ngụ trên thế giới; vẫn còn quá nhiều người chưa thể hòa giải với chính mình, chưa thể tha thứ cho mình; còn quá nhiều chiến tranh và nhiều hình thức bóc lột khác nhau – chúng ta hãy nghĩ tới - chằng hạn như – nạn buôn bán trẻ em. Tất cả những thực tế đó đều chứng minh rằng, sự chiến thắng của Chúa Ki-tô vẫn chưa được hiện thực hóa cách hoàn toàn: Nhiều người nam và nhiều người nữ vẫn đang còn sống với con tim khép kín. Đặc biệt trong những hoàn cảnh như thế, lời cầu xin thứ hai của Kinh Lạy Cha lại được cất lên từ môi miệng của người Ki-tô hữu: “Nước Cha trị đến!” Lời đó như thể muốn nói rằng: “Thưa Cha, chúng con cần Cha! Lạy Chúa Giê-su, chúng con cần Chúa, chúng con mong muốn rằng, Chúa là Chúa giữa chúng con, ở khắp nơi và mãi mãi“.

Đôi khi chúng ta nên tự hỏi: Tại sao Triều Đại ấy lại chậm được hiện thực hóa đến vậy? Chúa Giê-su thích nói về cuộc chiến thắng của Ngài bằng ngôn ngữ các dụ ngôn. Chẳng hạn như khi Ngài nói rằng, Triều Đại Thiên Chúa giống như một thửa ruộng mà trên đó cả lúa mì lẫn cỏ dại cùng mọc lên: Sai lầm nghiêm trọng nhất chính là việc can thiệp ngay tức thời và muốn loại bỏ ngay khỏi thế giới những gì mà chúng có vẻ như là cỏ dại đối với chúng ta. Thiên Chúa không hành xử như chúng ta, Ngài kiên nhẫn. Triều Đại Thiên Chúa không được hiện thực hóa trên thế giới bằng bạo lực: Việc âm thầm lan tỏa của Triều Đại ấy chính là sự hiền dịu (xc. Mt 13,24-30).

Triều Đại Thiên Chúa chắc chắn là một sức mạnh to lớn, lớn nhất trong số mọi sức mạnh, nhưng không theo những tiêu chuẩn thế gian; trong sức mạnh ấy có vẻ như không bao giờ có đa số tuyệt đối. Nó giống như men được trộn vào trong hũ bột: xem ra nó bị biến mất, nhưng trong thực tế, nó đang ở đó, nó làm cho toàn bộ đống bột được dậy men (xc. Mt 13,33). Hay nó giống như một hạt cải giống, rất nhỏ, nhỏ đến nỗi khó nhìn thấy, nhưng nó lại mang trong mình sức công phá tự nhiên, và khi nó phát triển, nó trở lên to lớn hơn hết mọi cây rau khác trong vườn (xc. Mt 13,31-32).

Người ta nhận ra „số phận“ ấy của Triều Đại Thiên Chúa trong suốt cuộc sống của chính Chúa Giê-su: bản thân Ngài cũng là một dấu hiệu yếu ớt đối với những người sống đồng thời với Ngài, một sự kiện nhỏ đến độ hầu như không sử gia chính thức nào của thời đại đó đã nhận ra. Ngài đã mô tả bản thân mình là „hạt lúa miến“ được gieo vào trong lòng đất, chết đi, nhưng sau đó phát triển và mang đến „bông hạt dồi dào“ (xc. Ga 12,24). Biểu tượng về hạt giống mang ý nghĩa rất lớn: Vào một ngày kia, người nông dân gieo nó xuống đất (một cử chỉ giống như việc mai táng), và sau đó „dù người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nảy mầm và mọc lên, bằng cách nào thì người ấy không biết“ (Mc 4,27). Thiên Chúa luôn luôn đi trước chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn gây ngỡ ngàng. Nhờ đó mà sau đêm Thứ Sáu Tuần Thánh sẽ lại có buổi Rạng Đông Phục Sinh mà sự phục sinh ấy luôn sẵn sàng chiếu soi cho toàn thế giới với niềm hy vọng. „Nước Cha trị đến!“ Chúng ta hãy rắc gieo những lời đó ngay giữa những tội lỗi và những thất bại của chúng ta.

Chúng ta hãy trao tặng lời khẩn nguyện ấy cho những người đang bị hành hạ cũng như đang phải cúi mình vì cuộc sống – cho những người đang phải trải qua nhiều hận thù hơn Tình Yêu, cho những người đã phải sống những ngày vô nghĩa mà không hề hiểu tại sao. Chúng ta hãy trao tặng nó cho những người đã và đang đấu tranh cho công lý, cho tất cả các vị Tử Đạo trong lịch sử, cho những người đã rút ra được kết luận rằng, họ đã chiến đấu vô ích, và sự ác vẫn luôn thống trị thế giới. Và rồi chúng ta sẽ nghe được câu trả lời từ lời cầu của „Kinh Lạy Cha“. Lời cầu ấy sẽ lập đi lập lại hàng ngàn lần những lời hy vọng, mà với những lời ấy, Thần Khí đã niêm ấn toàn bộ Thánh Kinh: „Này đây ta đến liền!“ Đó là câu trả lời của Thiên Chúa. „Ta đến ngay!“ Amen. Và Hội Thánh của Chúa thưa lên: „Xin hãy đến, lạy Chúa Giê-su!“ (Kh 22,20). Khi cầu xin „Nước Cha trị đến“ có thể được coi như nói rằng: „Xin hãy đến, lạy Chúa Giê-su!“ Và Chúa Giê-su đáp lại: „Ta đến ngay đây!“ Rồi Chúa Giê-su sẽ đến, theo cách của Ngài, nhưng mỗi ngày. Chúng ta phải xác tín vào điều đó. Và khi chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, thì chúng ta sẽ luôn luôn nói: „Nước Cha trị đến“ để lắng nghe trong con tim: „Được rồi, được rồi, Ta đến, và Ta đến ngay đây!“ Xin cám ơn!

 

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày mồng 06 tháng 03 năm 2019

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019