Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung, Sáng Thứ Tư Ngày 19.12.2018: Đại Lễ Giáng Sinh

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Còn sáu ngày nữa là tới Đại Lễ Giáng Sinh. Cây cảnh và đèn điện khắp nơi đang nhắc nhớ rằng, trong năm nay cũng sẽ còn một ngày Đại Lễ nữa. Hệ thống quảng cáo mời gọi người ta hãy luôn luôn trao đổi những món quà mới để mở rộng những điều ngỡ ngàng của nhau. Nhưng Cha tự hỏi: Phải chăng đó là một Đại Lễ đang làm vui lòng Thiên Chúa? Ngài muốn có một Đại Lễ Giáng Sinh nào? Ngài muốn có những món quà và những điều gây ngỡ ngàng nào? Chúng ta hãy nhìn về Đại Lễ Giáng Sinh đầu tiên của lịch sử để khám phá ra quà tặng của Thiên Chúa.

Đại Lễ Giáng Sinh đầu tiên của lịch sử chính là những điều hoàn toàn gây ngạc nhiên. Nó bắt đầu với việc Đức Maria được hứa hôn cho Thánh Giu-se: Nhưng Thiên Thần đã đến và cuộc sống của Mẹ đã thay đổi. Với tư cách là một Trinh Nữ, Đức Maria sẽ trở thành một người Mẹ. Tiếp đến là Thánh Giu-se, Ngài được kêu gọi trở thành cha của một người con mà không hề cưu mang nó. Đó là một người con sẽ chào đời trong một khoảnh khắc vô cùng bất tiện – và đó là điều gây ngỡ ngàng! -: Khi Đức Maria và Thánh Giu-se vừa mới tổ chức lễ ăn hỏi, và theo Luật định, chưa được phép sống chung với nhau. Khi tận mắt thấy gương mù, sự lịch thiệp đã đòi Thánh Giu-se phải khước từ Đức Maria để cứu vãn danh thơm tiếng tốt của mình, nhưng Ngài, mặc dầu thủ đắc sự công chính, lại cũng gây bất ngờ: Ngài nghĩ rằng, để không làm hại Đức Maria thì Ngài sẽ âm thầm từ bỏ cô, ngay cả khi điều đó sẽ làm cho Ngài bị mất danh thơm tiếng tốt. Và còn một sự ngỡ ngàng nữa: Thiên Chúa đã thay đổi dự định của Giu-se trong một giấc mơ, và đã yêu cầu Thánh Nhân đón Đức Maria về làm vợ.

Khi Chúa Giê-su được sinh ra và khi Thánh nhân đã có kế hoạch của mình đối với gia đình rồi, thì trong giấc mơ, Thánh Nhân lại được yêu cầu, hãy trỗi dậy và trốn sang Ai-cập. Như vậy, Đại Lễ Giáng Sinh luôn mang theo mình những bước ngoặt ngoài sự mong chờ trong cuộc sống. Và nếu chúng ta muốn sống Đại Lễ Giáng Sinh thì chúng ta phải mở con tim ra và sẵn sàng cho những điều gây ngỡ ngàng, tức cho một sự thay đổi cuộc sống ngoài sự mong chờ: Đấng Tối Cao lại là một hài nhi bé nhỏ. Lời Thiên Chúa là một „em bé – một infans [theo tiếng La-tinh]“, mà theo nghĩa chữ, nó có nghĩa là „không có khả năng ăn nói“. Đấng Cứu Độ sẽ không được chào đón bởi những kẻ nắm quyền trong các thời đại, hay những kẻ nắm giữ quyền lực tại địa phương, cũng như không được đón tiếp bởi những sứ giả: không. Tiếp đến là những mục đồng chất phác đang hối hả với công việc của mình, nhưng được Thiên Thần gây ngạc nhiên khi đang làm việc ban đêm. Ai đã mong chờ điều đó? Đại Lễ Giáng Sinh có nghĩa là mừng kính sự mới mẻ của Thiên Chúa. Nó có nghĩa là mừng kính một Thiên Chúa của những điều mới mẻ, Đấng gây chao đảo cho những lý luận và những mong chờ của chúng ta.

Cử hành Đại Lễ Giáng Sinh có nghĩa là tiếp nhận những điều gây ngỡ ngàng của Thiên Đàng trên trái đất. Người ta không thể sống giam hãm nơi thế trần mãi được khi Thiên Đàng mang đến thế giới những điều mới mẻ của mình. Đại Lễ Giáng Sinh rung chuông báo hiệu một thời đại mới, mà trong thời đại đó người ta sẽ không còn bo bo giữ lấy sự sống cho mình nữa, nhưng là trao hiến nó; trong thời đại đó, người ta không còn sống cho chính mình nữa, trên nền tảng căn bản của những điều mà mình ưa thích, nhưng là sống cho Thiên Chúa; và với Thiên Chúa, vì kể từ Đại Lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa sẽ trở thành Thiên Chúa Ở Cùng Chúng Ta, Đấng sống với chúng ta, Đấng lên đường và đồng hành với chúng ta. Sống Đại Lễ Giáng Sinh có nghĩa là, để cho mình được lay động bởi sự mới mẻ đầy ngỡ ngàng của nó. Đại Lễ Giáng Sinh của Chúa Giê-su không giới thiệu sự ấm áp của những lò sưởi, nhưng là giới thiệu cái ớn lạnh của Thiên Chúa mà nó lay động lịch sử. Đại Lễ Giáng Sinh chính là sự chiến thắng của sự khiêm nhu trên sự cao ngạo, của sự mộc mạc trên sự phì nộn, của sự tĩnh lặng trên sự ồn ào, của cầu nguyện trên “thời giờ của tôi”, của Thiên Chúa trên cái TÔI của mình.

Cử hành Đại Lễ Giáng Sinh có nghĩa là hành động như Chúa Giê-su, Đấng đã đến vì nhân loại khổ đau chúng ta, và để xuống với những con người đang cần đến chúng ta. Nó có nghĩa là thực hiện điều mà Đức Maria đã thực hiện: tín thác, ngoan ngùy đối với Thiên Chúa, ngay cả khi chẳng hiểu được Ngài sẽ làm gì. Cử hành Đại Lễ Giáng Sinh có nghĩa là, hành động như Thánh Giu-se: trỗi dậy để nhận ra điều Thiên Chúa muốn, ngay cả khi điều đó không tương thích với những kế hoạch của chúng ta. Thánh Giu-se gây rất nhiều bỡ ngỡ. Trong Tin Mừng, Ngài đã không hề nói gì: Không có bất cứ một lời nào của Thánh Giu-se được thuật lại trong Tin Mừng cả. Và Thiên Chúa đã nói với Ngài trong thinh lặng, Thiên Chúa nói với Thánh Nhân trong giấc ngủ. Đại Lễ Giáng Sinh có nghĩa là, yêu thích giọng nói âm thầm của Thiên Chúa hơn sự ồn ào của sự mua sắm. Nếu chúng ta hiểu và biết cách đứng âm thầm trước Hang Đá, thì rồi Đại Lễ Giáng Sinh cũng sẽ là một sự ngỡ ngàng đối với chúng ta, chứ không phải là một điều gì đó đã từng có. Âm thầm đứng trước Hang Đá: Đó là lời mời gọi cho Đại Lễ Giáng Sinh. Bạn hãy dành ra một chút thời gian và hãy đi đến trước Hang Đá và đứng đó trong thinh lặng. Và bạn sẽ cảm thấy ngỡ ngàng, sẽ thấy được điều đó.

Nhưng tiếc rằng người ta sẽ có thể cử hành một ngày lễ sai cách, và yêu thích những đồ vật cũ kỹ dưới thế này hơn sự mới mẻ trên trời. Nếu Đại Lễ Giáng Sinh chỉ còn là một ngày lễ vui theo truyền thống mà chính chúng ta chứ không phải ngày Lễ này đứng trong trung tâm điểm, thì có nghĩa là một cơ hội đã bị bỏ qua. Chúng ta đừng tục hóa ngày Lễ Giáng Sinh! Chúng ta đừng đặt sang một bên Đấng được mừng kính trong Đại Lễ này giống như hồi xưa, khi Ngài “đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Từ chương đầu tiên của Tin Mừng trong Mùa Vọng, Thiên Chúa đã cảnh báo chúng ta và đã xin chúng ta đừng gây lo lắng cho tâm hồn mình trong “cơn say” và trong “những mối bận tâm của cuộc sống hằng ngày” (Lc 21,34). Trong những ngày này người ta rất vội vã, có lẽ trong suốt cả năm, chưa bao giờ người ta vội vã như vậy. Chúng ta đổ lỗi cho những điều mà chúng đang diễn ra trong những ngày này, là thế giới sống vội. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã không kết án thế giới, nhưng đã xin chúng ta đừng để cho mình bị lôi kéo, và trên hết mọi sự, hãy tỉnh thức và cầu nguyện (xc. Lc 21,36).

Vâng: đó sẽ là Đại Lễ Giáng Sinh khi chúng ta tạo không gian cho sự tĩnh lặng như Thánh Giu-se; nếu chúng ta nói với Thiên Chúa như Đức Maria: „Này, con đây“; nếu chúng ta đến gần những con người đang cô đơn, như Chúa Giê-su đã làm; nếu chúng ta đi ra khỏi những hàng rào như những người mục đồng để ở bên Chúa Giê-su. Đó sẽ là Đại Lễ Giáng Sinh nếu chúng ta thấy được ánh sáng trong hang đá Bê-lem nghèo hèn. Nhưng sẽ không phải là Đại Lễ Giáng Sinh nếu như chúng ta tìm kiếm những ánh đèn chớp của thế gian, nếu chúng ta chất đầy lên mình những món quà và những bữa tiệc tùng nhưng không giúp đỡ ít là một người nghèo nào đó, tức người giống như Thiên Chúa, vì nhân dịp Đại Lễ Giáng Sinh, Thiên Chúa đã đến với chúng ta cách nghèo hèn.

Anh chị em thân mến, Cha xin cầu chúc cho Anh chị em một Đại Lễ Giáng Sinh tràn đầy phúc lành, một Đại Lễ Giáng Sinh với nhiều sự ngỡ ngàng của Chúa Giê-su! Có thể những điều ngỡ ngàng sẽ không dễ chịu, nhưng đó là hương vị của Thiên Chúa. Nếu chúng ta biến hương vị đó thành của mình, thì chúng ta sẽ biến mình thành một điều gây ngỡ ngàng tuyệt vời. Mỗi người chúng ta đều mang trong mình những khả năng thầm kín để được gây ngỡ ngàng. Nhân dịp Đại Lễ Giáng Sinh này, chúng ta hãy để cho mình được gây ngỡ ngàng bởi Chúa Giê-su.

 

Tòa Thánh Vatican, Đại Sảnh Đường Tiếp Kiến

Sáng thứ Tư ngày 19 tháng 12 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019