Bài Giảng Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Thánh Lễ Thứ Tư Lễ Tro, 06.03.2019

 

 

Anh chị em thân mến!

Hãy rúc tù và tại Xi-on, ra lệnh giữ chay thánh“ (Ge 2,15) – vị Ngôn Sứ đã kêu gọi như thế trong Bài Đọc I. Mùa Chay bắt đầu với một âm thanh chát chúa, với tiếng hú của chiếc tù và, nó không vuốt ve những lỗ tai, nhưng công bố sự chay tịnh. Mùa Chay là một tín hiệu rõ ràng để làm cho cuộc sống chúng ta chậm lại, mà cuộc sống ấy không ngừng tiến tới, nhưng thường thì không biết tiến về đâu. Mùa Chay là một tiếng gọi, mời người ta tạm dừng để suy nghĩ về những điều chính yếu, để thực hành chay tịnh, tức tiết chế tất cả những gì thừa bứa mà chúng có thể đánh lạc hướng. Mùa Chay chính là chiếc đồng hồ báo thức cho tâm hồn.

Tiếng kêu vang của chiếc đồng hồ ấy sẽ được đồng hành bởi sứ điệp mà Thiên Chúa gửi tới thông qua môi miệng của vị Ngôn Sứ, đó là một sứ điệp ngắn gọn và đầy phiền muộn: „Hãy trở về với Ta!“ (Ge 2,12). Hãy trở về. Nếu chúng ta phải trở về thì điều đó có nghĩa là chúng ta đã đi tới một đích khác mất rồi. Mùa Chay chính là thời gian để tái tìm ra hướng đi của cuộc sống. Vì trên đường đời cũng như trên bất cứ con đường nào, vấn đề tùy thuộc vào chuyện không đánh mất mục tiêu khỏi tầm mắt. Nhưng nếu ai đó cứ dạo quanh đây đó để nhìn xem quang cảnh thiên nhiên hay dừng lại để nhậu nhẹt, thì người ấy sẽ không thể đi xa. Mỗi người chúng ta đều có thể tự hỏi: Tôi có tìm hướng đi cho đường đời của mình hay không? Hay phải chăng tôi đang thỏa mãn với chuyện sống mỗi ngày chỉ để nghĩ tới sự an thái của mình, để giải quyết một số vấn đề và có được một chút hứng thú? Đâu là hướng đi chính xác? Có lẽ sự khát khao có được sức khỏe mà nó thường được nói tới, phải chăng đó là điều quan trọng nhất, mặc dầu sớm muộn gì nó cũng sẽ biến mất? Có lẽ sự sở hữu và sự phồn thịnh? Nhưng chúng ta lại không hiện hữu trên thế giới này cho điều đó. Hãy trở về cùng Ta – Thiên Chúa phán. Cùng Ta. Thiên Chúa chính là đích điểm cho cuộc hành trình dương thế của chúng ta. Hướng đi phải được nhắm tới Ngài.

Để tái tìm thấy hướng đi, một dấu chỉ sẽ được ban cho chúng ta trong ngày hôm nay: rắc tro trên đầu. Đó là một dấu chỉ làm cho chúng ta suy nghĩ về  điều đang ở trong cơ thể chúng ta. Niềm cảm nghĩ của chúng ta thường chạy theo những điều chóng qua, chúng đến rồi lại đi. Lớp tro mỏng trên đầu chúng ta muốn nói với chúng ta một cách đầy mạnh mẽ nhưng rất trung thực rằng: trong số tất cả những điều mà bạn đang nghĩ về chúng, đang chạy theo chúng mỗi ngày, và đang bị chúng gây lo lắng, sẽ không có bất cứ thứ gì tồn tại cả. Ngay cả khi bạn rất cố gắng đi nữa thì bạn cũng sẽ không thể mang theo được bất cứ tài sản nào ra khỏi kiếp sống này. Những tài sản thế trần sẽ biến mất như bụi trong gió. Tài sản là một điều gì đó tạm thời, quyền lực sẽ qua đi, sự thành công sẽ biến mất. Nền văn hóa đang thống trị ngày nay là nền văn hóa của vẻ đẹp bên ngoài, nó xúi giục con người sống cho những điều mau qua, và đó là một sự đại lừa bịp. Vì nó giống như một ngọn lửa phụt lên: nó qua đi ngay lập tức, chỉ còn lại có tro tàn. Mùa Chay có đó để giải phóng khỏi ảo giác của một cuộc sống chạy theo tro bụi. Mùa Chay có nghĩa là tái khám phá ra rằng, chúng ta được tác thành cho ngọn lửa bừng cháy vĩnh viễn, chứ không phải cho tro bụi bị dập tắt ngay tức khắc; chúng ta được tác thành cho Thiên Chúa chứ không phải cho thế gian; cho sự vĩnh cửu của Thiên Đàng, chứ không phải cho vẻ ngoài đầy gian dối của thế trần; để hưởng tự do của những người con cái Thiên Chúa, chứ không phải để bị nô lệ hóa bởi những sự vật. Hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: Tôi đứng về phía nào? Tôi sống cho lửa hay cho tro bụi?

Trên con đường trở về với điều chính yếu, trên con đường Mùa Chay, Tin Mừng trình bày ba bước mà Thiên Chúa xin chúng ta thực hiện mà không hề giả hình hay giả vờ giả tảng: Bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Để làm gì? Thưa, bố thí, cầu nguyện và ăn chay sẽ dẫn chúng ta trở về với ba thực tế duy nhất mà chúng không bao giờ qua đi. Cầu nguyện sẽ tái liên kết chúng ta với Thiên Chúa, Đức Ái sẽ tái liên kết chúng ta với tha nhân, và chay tịnh sẽ tái liên kết chúng ta với chính mình: Thiên Chúa, những người anh chị em và sự sống của riêng tôi. Những điều đó sẽ không kết thúc trong hư vô; chúng ta nên đầu tư nhiều vào ba điều đó. Như vậy, Mùa Chay muốn hướng cái nhìn của chúng ta tới đó: nhìn lên trên, với lời cầu nguyện mà nó giải phóng chúng ta khỏi một kiếp sống thiển cận và nông cạn, mà trong đó người ta chỉ tìm thấy thời gian cho cái TÔI, nhưng lại lãng quên Thiên Chúa. Và rồi nhìn sang người khác nhờ Đức Ái mà nó giải phóng chúng ta khỏi cách nghĩ chiếm đoạt đầy hợm hĩnh, khỏi ảo tưởng cho rằng, tất cả sẽ đều ổn nếu nó ổn đối với tôi. Sau cùng, Mùa Chay mời gọi chúng ta hãy nhìn sâu vào nội tâm mình thông qua việc chay tịnh, và điều này sẽ giải phóng chúng ta khỏi những gắn bó với đồ vật, khỏi tinh thần thế tục mà nó đang làm cho tâm hồn trở nên tê liệt. Cầu nguyện, Đức Ái đối với tha nhân và chay tịnh: Nếu đầu tư nhiều vào ba điều đó sẽ có được một gia tài tồn tại mãi mãi.

Chúa Giê-su đã từng nói: „Gia tài của ngươi ở đâu thì lòng ngươi sẽ ở đấy“ (Mt 6,21). Con tim chúng ta luôn luôn nhắm tới một hướng nào đó: Nó giống như chiếc kim của cái la-bàn luôn kiếm tìm phương hướng. Chúng ta cũng có thể so sánh nó với một cục nam châm: nó phải kẹp chặt vào mình một cái gì đó. Nhưng nếu nó chỉ kẹp chặt vào mình những đồ vật trần thế, thì rồi, không sớm thì muộn, nó sẽ bị thống trị bởi những đồ vật đó: Những đồ vật mà chúng hiện diện ở đó để phục vụ con người, sẽ trở thành những đồ vật mà người ta phải phục vụ chúng. Dáng vẻ bên ngoài, tiền bạc, bước đường công danh, sở thích: Nếu chúng ta sống cho những điều đó thì chúng sẽ trở thành những ngẫu tượng, chúng sẽ sử dụng chúng ta, sẽ trở thành những mỹ nhân ngư để yểm bùa chúng ta, và rồi khiến chúng ta bị trệch hướng. Nhưng nếu con tim bám chắc vào những điều không qua đi, thì rồi chúng ta sẽ thấy được chính mình và sẽ được giải phóng. Mùa Chay chính là Mùa Ân Sủng, Mùa này muốn gải phóng con tim khỏi sự cao ngạo. Nó là Mùa để tách mình ra khỏi những điều gây phụ thuộc, tức những điều cám dỗ chúng ta. Đó là một thời gian muốn hướng ánh mắt về những điều tồn tại vĩnh viễn.

Như vậy, trên con đường Mùa Chay, chúng ta nên nhìn về đâu? Thưa, nhìn lên Đấng Chịu Đóng Đinh. Chúa Giê-su trên Thập Giá chính là chiếc la-bàn của kiếp sống, chiếc la-bàn ấy sẽ hướng chúng ta về Thiên Đàng. Sự mộc mạc của cây gỗ, sự im lặng của Chúa Giê-su, và sự trần truồng của Ngài như là dấu chỉ cho sự tận hiến của Ngài, đang chứng minh cho chúng ta thấy sự cần thiết phải có một kiếp sống giản dị, được giải phóng khỏi muôn vàn những lo lắng cho sự vật. Từ trên Thánh Giá, Chúa Giê-su dậy cho chúng ta biết can đảm để từ bỏ. Vì nếu bị chất đầy với những khối lượng cồng kềnh thì chúng ta sẽ không thể tiến về phía trước. Chúng ta phải giải phóng mình khỏi những xúc tu của sự hưởng thụ cũng như khỏi những cái thòng lọng của sự ích kỷ, khỏi lòng ham muốn càng ngày càng có nhiều hơn, khỏi sự bất mãn liên miên, khỏi con tim mà nó khép kín trước nỗi khốn cùng của người nghèo. Chúa Giê-su, Đấng thiêu đốt trước Tình Yêu trên cây Thánh Giá, đang kêu gọi chúng ta thực hiện một kiếp sống được Ngài thiêu đốt, mà kiếp sống ấy không đánh mất mình trong tro bụi thế gian; thực hiện một kiếp sống mà nó bừng cháy trước Tình Yêu và không bị tiêu tan trong những điều tầm thường. Phải chăng là rất khó sống được như Ngài đòi hỏi? Đúng vậy, nhưng nó sẽ dẫn tới đích điểm. Mùa Chay chỉ cho chúng ta thấy đích điểm đó. Mùa Chay bắt đầu với tro, nhưng cuối cùng lại dẫn chúng ta tới với ngọn lửa của Đêm Phục Sinh; thực hiện việc khám phá ra rằng, thân xác của Chúa Giê-su trong mộ không biến thành tro tàn, nhưng được phục sinh vinh quang. Điều đó cũng được áp dụng cho chúng ta, những kẻ vốn là tro bụi: Nếu chúng ta quay về cùng Thiên Chúa với những yếu đuối của mình, nếu chúng ta chọn đi theo con đường Đức Ái, thì chúng ta sẽ được nếm hưởng một cuộc sống không hề qua đi. Và chúng ta sẽ hoàn toàn vui mừng.

 

Vương Cung Thánh Đường Santa Sabina trên đồi Aventin, Vatican

Chiều thứ Tư Lễ Tro, ngày mồng 06 tháng 03 năm 2018

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2019