Đức Thánh Cha: 'Đúng là thế, người ta thường làm cho các mục tử của mình mệt mỏi: Nhưng mục tử vẫn luôn phải ở gần họ”

Tại Nhà nguyện Thánh Martangày 24-4-2020. Đức Giáo Hoàng cầu nguyện cho sinh viên và giáo viên

 

TOÀN VĂN BÀI GIẢNG [bản dịch của ZENIT's Virginia Forrester]

Cụm từ này của đoạn văn này khiến chúng ta phải suy nghĩ: “Ngài nói điều này để thử ông, vì chính Ngài đã biết Ngài sẽ làm gì”. Đó là những gì Chúa Giêsu đã nghĩ đến khi Ngài nói: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? ” Nhưng Ngài nói điều đó là để thử ông, thử Phi-líp-phê. Ngài biết. Ở đây ta nhìn thấy thái độ của Chúa Giêsu đối với các Tông đồ. Ngài thử họ liên tục để dạy họ và, khi nào họ vượt ra khỏi giới hạn và chức năng họ phải làm, Ngài ngăn họ lại và dạy họ. Tin Mừng có đầy đủ những cử chỉ này của Chúa Giêsu để làm cho các môn đệ của Ngài lớn lên trở thành các Mục tử của Dân Chúa, trong trường hợp này là các Giám mục, các Mục tử của Dân Chúa. Và một trong những điều Chúa Giêsu yêu thích nhất là được ở cùng với đám đông, bởi vì đây cũng là một biểu tượng cho tính phổ quát của ơn Cứu chuộc. Và một trong những điều mà các Tông đồ không thích nhất là đám đông, bởi vì họ thích gần gũi với Chúa, được nghe lời Chúa, được nghe tất cả những gì Chúa nói.

Các bản văn của các sách Tin mừng khác nói: hôm nay các Tông đồ đến đó để có một ngày nghỉ ngơi - cả bốn sách Tin mừng đều nói về điều này. . . có lẽ có hai phép lạ bánh hóa ra nhiều - các Tông đồ vừa hoàn thành một nhiệm vụ và Chúa nói: “Chúng ta hãy nghỉ ngơi một lát”. Các Tông đồ đã đến đó và mọi người nhận thấy các ông xuống thuyền mà đi, họ tạo thành một nhóm và chờ đợi Ngài ở đó. Và các môn đệ không vui vì mọi người đã phá hỏng ngày Thứ Hai sau lễ Phục Sinh, và vì các ông không thể cử hành lễ với Chúa. Mặc dù vậy, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy, họ lắng nghe, rồi họ nói chuyện với nhau, và hàng giờ, hàng giờ, hàng giờ trôi qua, Chúa Giêsu nói chuyện và mọi người đều rất vui. Còn các Tông đồ thì nói: “Buổi lễ của chúng ta bị hủy hoại; ngày nghỉ ngơi của chúng ta cũng bị hủy hoại”.

Tuy nhiên, Chúa tìm kiếm sự gần gũi với mọi người và Ngài tìm cách đào luyện cõi lòng của các Mục tử để họ trở nên gần gũi với Dân Chúa, để phục vụ Dân Chúa. Và chúng ta hiểu, họ đã được chọn và cảm thấy có phần giống như một nhóm người đặc quyền, một tầng lớp đặc quyền, “một tầng lớp quý tộc”, có thể nói, một tầng lớp gần gũi với Chúa và nhiều lần Chúa đã có những cử chỉ để sửa lỗi họ. Chẳng hạn, chúng ta nghĩ xem Ngài đối xử như thế nào với trẻ em. Họ là Tông đồ, nên họ bảo vệ Chúa: “Không, không, không, trẻ con không được đến gần vì chúng gây bực mình, quấy rầy. . . Không, trẻ con phải ở cùng với cha mẹ chúng”. Còn Chúa Giêsu? “Hãy để trẻ em đến với Ta”. Và họ là Tông đồ, nhưng họ không hiểu. Rồi ra họ hiểu. Và tôi nghĩ đến con đường đi Giê-ri-cô, có một người nọ la lên: “Lạy Thầy Giê-su, con vua Đa-vít, xin thương xót tôi”. Các Tông đồ nói: “Im đi vì Thầy đang đi qua; đừng làm phiền Thầy”. Và Chúa Giêsu nói: “Nhưng đó là ai vậy? Cứ để anh ấy đến”. Một lần nữa, Chúa sửa dạy họ. Và như thế, Ngài dạy họ sự gần gũi với Dân Chúa.

Đúng là Dân Chúa làm Mục tử mệt mỏi, họ làm ông mệt mỏi: mọi thứ nhân lên khi có một Mục tử tốt lành, bởi vì mọi người luôn tìm đến một Mục tử tốt lành vì lý do này hay lý do khác. Trước kia, có một linh mục của một giáo xứ đông người nhưng trong một khu dân cư đơn sơ, tầm thường của giáo phận, cha ấy ở trong ngôi nhà xứ giống như một ngôi nhà bình thường và người ta đến gõ cửa, cả cửa sổ, mọi lúc. . . và linh mục ấy từng nói với tôi: “Tôi muốn  xây tường bao quanh cửa, cả cửa sổ, để họ cho tôi nghỉ ngơi.” Tuy nhiên, linh mục ấy nhận thức được rằng mình là một Mục tử và nên ở cùng với mọi người. Và Chúa Giêsu đào tạo, Ngài dạy các môn đệ, các Tông đồ, phải thái độ mục vụ này, đó là sự gần gũi với Dân Chúa.

Và Dân Chúa khiến Mục tử mệt mỏi vì họ luôn yêu cầu những thứ cụ thể, họ luôn yêu cầu một điều gì đó cụ thể, có lẽ sai lầm, nhưng họ luôn xin những thứ cụ thể. Và Mục tử phải đáp ứng những điều này. Bản văn của các thánh sử khác viết: họ nhắc Đức Giê-su thời giờ đang trôi qua và mọi người nên đi về, vì trời bắt đầu tối, và họ nói: hãy giải tán mọi người để họ có thể đi mua gì đó để ăn, trong thực tế trời đã tối, trời bắt đầu trở nên tối. . . Nhưng, họ đã nghĩ gì trong đầu? Ít nhất là để ăn uống một chút giữa họ với nhau, không phải là một sự ích kỷ xấu xa, nhưng, chúng ta hiểu, là để được ở với vị Mục tử, được ở với Chúa Giêsu, vị Mục tử vĩ đại. Và, để thử họ, Chúa Giê-su trả lời: “Anh em hãy cho họ ăn đi”. Và đây là những gì Chúa Giêsu nói với tất cả các Mục tử hôm nay: “Anh em hãy cho họ ăn đi”. “Họ có đau khổ không? Anh em hãy an ủi họ”. “Họ có bị lạc đường không? Anh em hãy cho họ một lối thoát”. “Họ có sai lầm không? Anh em hãy đưa cho họ cái gì đó để giải quyết vấn đề”. . . Anh em hãy cho họ. . . “Một người tông đồ khiêm tốn cảm thấy mình phải cho đi, cho đi, cho đi, nhưng ông nhận được từ ai? Chúa Giêsu dạy chúng ta, từ cùng một Đấng như Chúa Giêsu đã nhận.

Sau đó, Ngài giải tán các Tông đồ và đi cầu nguyện với Chúa Cha. Sự gần gũi hai phía này của người Mục tử là điều mà Chúa Giêsu tìm cách giúp các Tông đồ hiểu, để họ trở thành các Mục tử cao cả. Tuy nhiên, đám đông đã sai lầm nhiều lần và họ đã sai ở đây. “Sau đó, khi mọi người nhìn thấy dấu hiệu mà Chúa Giêsu đã hoàn thành, họ nói: “Đây thực sự là Đấng tiên tri, phải đến trong thế gian!” Tuy nhiên, Chúa Giêsu biết rằng họ sẽ đến để bắt Ngài và đưa Ngài lên làm Vua, Ngài đã tránh đi một lần nữa. Có lẽ - Tin Mừng không nói điều này - một trong những Tông đồ có thể đã nói với Ngài: “Chúa ơi, chúng ta hãy tận dụng điều này và nắm lấy quyền lực” - một cám dỗ khác. Và Chúa Giêsu cho họ thấy rằng đó không phải là cách. Sức mạnh của một Mục tử là phục vụ; ông không có quyền lực nào khác, và khi ông lầm lẫn với một quyền lực khác, ơn gọi đó bị hủy hoại và Mục tử trở thành, tôi không biết là gì, nhưng có lẽ là nhà quản lý các doanh nghiệp mục vụ nhưng không phải là Mục tử. Cơ chế không làm nên mục vụ: trái tim của Mục tử mới là điều làm nên mục vụ. Và trái tim của Mục tử là những gì Chúa Giêsu đang dạy chúng ta bây giờ. Hôm nay chúng ta hãy cầu xin với Chúa cho các Mục tử của Giáo hội; xin Chúa luôn luôn ngỏ lời với họ, bởi vì Ngài yêu họ rất nhiều: xin Chúa luôn luôn ngỏ lời với chúng ta, xin Ngài nói cho chúng ta biết mọi chuyện thế nào, xin Ngài giải thích cho chúng ta và đặc biệt, dạy chúng ta đừng sợ Dân Chúa , không sợ phải gần gũi với họ.

 

Đức Giáo Hoàng đã kết thúc lễ kỷ niệm với Chầu Thánh Thể và Cầu nguyện, mời gọi các tín hữu thực hiện một nghi thức rước lễ.

Đây là lời cầu nguyện Đức Giáo Hoàng đọc:

Lạy Đức Chúa Giêsu, con tin thật Chúa con ngự trong Phép Mình Thánh, con kính mến Chúa con trên hết mọi sự, cùng ước ao chịu lấy Chúa con trong linh hồn con. Song le bởi vì bây giờ con chẳng có thể mà chịu Chúa con cho thật được, thì xin Chúa con ngự vào linh hồn con cách thiêng liêng vậy, chẳng khác gì như Chúa con đã ngự vào thật, thì con xin ẵm lấy cùng hợp làm một cùng Chúa con cho trọn, xin Chúa con chớ để cho con lìa bỏ Chúa con bao giờ. Amen.Trước khi rời Nhà nguyện cung hiến cho Chúa Thánh Thần, Thánh ca Regina Caeli Mùa Phục sinh (Lạy Nữ vương Thiên đàng) được cất lên:

Regina caeli laetare, alleluia.

Quia quem meruisti portare, alleluia.

Resurrexit, sicut dixit, alleluia.

Ora pro nobis Deum, alleluia.

 (Lạy Nữ Vương Thiên đàng hãy vui mừng. Alleluia.

Vì Đấng Mẹ đã đáng cưu mang trong lòng. Alleluia.

Người đã sống lại thật như lời đã phán hứa. Alleluia.

Xin cầu cùng Chúa cho chúng con. Alleluia.

Lạy Đức Nữ Đồng Trinh Maria, hãy hỉ hoan khoái lạc. Alleluia.

Vì Chúa đã sống lại thật. Alleluia.)

 

Phê-rô Phạm Văn Trung, chuyển ngữ tiếng Việt.

 

 

 

 

Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2020