Đức Giáo Hoàng: Đừng đánh mất cảm thức thuộc về dân Chúa

Toàn văn bài giảng buổi sáng tại nhà nguyện thánh Marta, ngày 7-5-2020

Khi Phao-lô được mời phát biểu trong Hội đường Do Thái Antiokia, để giải thích học thuyết mới này, cụ thể là, để giải thích Chúa Giêsu, rao giảng Chúa Giêsu, Phao-lô bắt đầu bằng cách nói về lịch sử ơn cứu độ (Công vụ 13: 13-21). Phao-lô đứng lên và bắt đầu: “Thiên Chúa của dân Ít-ra-en đã chọn cha ông chúng ta, đã làm cho dân này thành một dân lớn trong thời họ cư ngụ ở đất Ai-cập” (Công vụ 13:17). . . và [ông kể lại] toàn bộ ơn cứu độ, lịch sử ơn cứu độ. Stê-pha-nô cũng làm điều tương tự trước khi tử đạo (Công vụ 7: 1-54) và Phao-lô cũng làm như vậy ở một lần khác. Tác giả Thư gửi tín hữu Do thái cũng làm như vậy khi ông kể lại câu chuyện về Áp-ra-ham và “tất cả cha ông của chúng ta” (Do thái11: 1-39). Hôm nay chúng ta cũng hát lên như thế: “Tình thương CHÚA, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài” (Thánh vịnh 89: 2). Chúng ta hát lên câu chuyện về Đa-vít: “Ta đã tìm ra nghĩa bộc Đa-vít” (câu 20). Mát-thêu (1: 1-14) và Lu-ca (3: 23-38) cũng làm như vậy: khi các ngài bắt đầu nói về Chúa Giê-su, các ngài dùng gia phả của Chúa Giê-su.

Có gì đằng sau Chúa Giêsu? Có một lịch sử, một lịch sử của ân sủng, một lịch sử của tuyển chọn, một lịch sử của lời hứa. Chúa chọn Áp-ra-ham và chọn đi cùng dân của Ngài. Vào đầu thánh lễ, trong bài thánh ca nhập lễ, chúng ta đã hát: “Lạy Chúa, khi Chúa tiến lên, trước mặt dân Chúa, mở đường và bước đi bên cạnh dân Chúa, xin hãy gần gũi với dân của Ngài”. Có một lịch sử của Thiên Chúa với dân của Ngài. Và bởi vì điều này, khi Phao-lô được yêu cầu giải thích lý do cho niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, ngài không bắt đầu từ Đức Giêsu Kitô; ngài bắt đầu từ lịch sử. Kitô giáo là một học thuyết, đúng như thế, nhưng không chỉ có vậy. Kitô giáo không chỉ là những gì chúng ta tin: nhưng đó là một lịch sử chứa đựng học thuyết này, đó là lời hứa của Thiên Chúa, là Giao ước của Thiên Chúa, được tuyển chọn bởi Thiên Chúa. Kitô giáo không chỉ là đạo đức. Có, thực sự là có, Kitô giáo có nguyên tắc đạo đức, nhưng người ta không phải là Kitô hữu chỉ với một cách nhìn về đạo đức. Nó còn hơn thế. Kitô giáo không phải là “một người ưu tuyển” trong những người được tuyển chọn vì chân lý. Cái cảm thức ưu tuyển này sau đó tiếp tục trong Giáo hội, phải không? Chẳng hạn, tôi thuộc tổ chức đó, tôi thuộc phong trào này, tốt hơn tổ chức và phong trào của bạn. . . hơn cái này, hơn cái kia. Đó là một cảm thức ưu tuyển. Không phải thế, Kitô giáo không phải là điều đó: Kitô giáo thuộc về một dân tộc, thuộc về một dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn một cách tự do. Nếu chúng ta không có nhận thức mình thuộc về một dân, chúng ta là “những Kitô hữu mang tính ý thức hệ”, với một học thuyết nhỏ bé nhằm khẳng định chân lý, với luân thường đạo lý, với một giá trị đạo đức - điều đó tốt – đối với một giới tinh hoa nào đó. Chúng ta, Kitô hữu, cảm thấy mình là một phần của một nhóm; những người khác sẽ xuống địa ngục hoặc, nếu họ được cứu, đó là do lòng thương xót của Chúa, nhưng họ là những người bị loại bỏ. . . Vân vân và vân vân. Nếu chúng ta không có ý thức mình thuộc về một dân, chúng ta không phải là những Ki-tô hữu đích thực.

Do đó, ngay từ đầu, Phao-lô giải thích Chúa Giê-su thuộc về một dân tộc. Và nhiều lần, nhiều lần, chúng ta rơi vào tính tư riêng này; chúng ta giáo điều, lên mặt đạo đức hay cho mình là ưu tuyển, không phải thế sao? Cảm thức mình là một người ưu tuyển là một thứ cảm thức gây hại rất nhiều và chúng ta mất cảm thức thuộc về dân trung thành và thánh thiện của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa đã chọn trong Áp-ra-ham và đã hứa, một lời hứa vĩ đại, lời hứa đó chính là Đức Giê-su, khiến Áp-ra-ham bước đi trong hy vọng và Thiên Chúa đã lập Giao ước với ông; ý thức mình là một dân tộc.

Tôi luôn luôn bị đánh động khi đọc sách Đệ Nhị Luật - tôi tin đó là chương 26 - sách đó nói: “Mỗi năm một lần khi anh em đi dâng của lễ cho Đức Chúa, những hoa quả đầu mùa, và khi con trai anh em hỏi anh em: “Nhưng thưa cha, tại sao cha làm điều này?” anh em không được nói với nó: “Bởi vì Chúa đã ra lệnh đó”, không phải thế: “Chúng ta là một dân tộc, chúng ta làm như vậy và Chúa giải phóng chúng ta.....” (Đệ Nhị Luật 26: 1-11). Hãy kể lại lịch sử, như Phao-lô đã làm ở đây. Hãy truyền lại lịch sử ơn cứu độ của chúng ta. Chính trong sách Đệ Nhị Luật, Chúa khuyên: “Khi anh em đến vùng đất mà anh em không chinh phục, mà Ta đã chinh phục, hãy ăn những trái cây mà anh em không trồng và ở trong những ngôi nhà mà anh em không xây dựng vào thời gian dâng của lễ” Đệ Nhị Luật 26:1 nói – Tín điều nổi tiếng trong sách Đệ Nhị Luật -: Một người Aramean lang thang là cha tôi; và ông đã đi xuống Ai Cập (Đệ Nhị Luật  26: 5). Ông ở đó 400 năm, sau đó Đức Chúa giải phóng ông, dẫn ông tiến về phía trước. Lịch sử lên tiếng hát, hát về ký ức của dân tộc, ký ức của một dân tộc, ký ức được là một dân tộc. Và trong lịch sử này của dân Chúa, cho đến khi Đức Giêsu Kitô đến, có những vị thánh, những tội nhân và nhiều người bình thường, tốt lành, với những nhân đức và tội lỗi, nhưng tất cả là một dân. “Đám đông” nổi tiếng đã theo Chúa Jesus, đám đông đó có mùi hương thuộc về một dân tộc. Một người Kitô hữu tự xưng không có mùi hương này thì không phải là một Kitô hữu thực sự; Người ấy hơi tách biệt và cảm thấy mình có phần đúng khi không cần đến mọi người. Người ta phải thuộc về một dân tộc, có ký ức về dân Chúa.  Phao-lô và cả Stê-pha-nô cũng dạy điều này, rồi Phao-lô dạy điều này một lần nữa, các Tông đồ cũng dạy điều này. . . Đó là lời khuyên của tác giả Thư gửi tín hữu Do thái: “Hãy nhớ đến tổ tiên của anh em” (Do thái 11: 2), cụ thể là những người đi trước chúng ta trên con đường cứu rỗi này.

Nếu ai đó hỏi tôi: “Đối với bạn, sự sai đường của Kitô hữu ngày nay và luôn mãi là gì? Đối với bạn, những lệch lạc nguy hiểm nhất của Kitô hữu là gì?” Tôi sẽ nói, không chút nghi ngờ: sự thiếu ký ức mình thuộc về một dân tộc. Khi thiếu điều này, chủ nghĩa giáo điều, lên mặt đạo đức, đạo đức xã hội, phong trào ưu tuyển sẽ xẩy đến. Dân chúng đang vắng bóng. Một dân tộc luôn luôn tội lỗi, tất cả chúng ta đều như vậy, thường thì điều đó không sai, nhưng họ có mùi hương của một dân được tuyển chọn, bước theo một lời hứa và thiết lập một Giao ước, dù có lẽ họ không hoàn thành được Giao ước ấy, nhưng họ biết mình là một dân tộc.

Xin Chúa ban cho chúng ta nhận thức này, nhận thức mình là một dân tộc, xin Đức Mẹ, là người đã hát lên bài Magnificat tuyệt đẹp của Mẹ (Luca 1: 46-56); ước mong Zacaria, là người đã hát lên bài Benedictus của mình rất hay (câu 67-79), ước mong những bài thánh ca mà chúng ta cầu nguyện mỗi ngày, vào buổi sáng và buổi tối, cho chúng ta nhận thức này. Nhận thức mình là một dân tộc: chúng ta là dân trung thành và thánh thiện của Thiên Chúa, như Công đồng Vatican I, sau đó là Công đồng Vatican II nói, một dân có mùi hương của đức tin trong toàn bộ dân và không thể sai lầm trong cung cách tin tưởng này.

Đức Giáo Hoàng mời gọi Rước lễ thiêng liêng với lời kinh này:

Lạy Chúa Giê-su của con, con phủ phục dưới chân Chúa, và con xin dâng cho Chúa cõi lòng ăn năn thống hối của con, khiêm hạ trong hư vô và trong sự Hiện diện Thánh thiện của Chúa. Con tôn thờ Chúa trong Bí tích Tình yêu Chúa, Bí tích Thánh Thể khôn tả. Con mong muốn rước Chúa vào nơi ở nghèo nàn mà trái tim con dành cho Chúa. Đang khi chờ đợi hạnh phúc được rước Chúa thật, con muốn rước Chúa cách thiêng liêng. Lạy Chúa, xin Chúa đến với con, để con đến được với Chúa. Xin tình yêu Chúa đốt cháy toàn thể con người con trong sự sống và trong sự chết. Con tin vào Chúa, con hy vọng vào Chúa, con yêu mến Chúa.

Đức Thánh Cha kết thúc Thánh lễ với giờ Chầu và Ban phép lành Thánh Thể. Trước khi rời Nhà nguyện, Thánh ca ngợi khen Đức Maria trong Mùa Phục sinh Regina Caeli (Lạy Nữ vương Thiên đàng) được cất lên.

Nguồn: https://zenit.org/articles/popes-morning-homily-dont-lose-sense-of-belonging-to-gods-people-full-text-2/

Phê-rô Phạm Văn Trung, dịch.


Các Giáo Huấn Của ĐGH Phanxicô, 2020