Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 13.01.2016 – Mục 4: Tên Gọi của Thiên Chúa là Lòng Thương Xót

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu với một loạt bài Giáo Lý về Lòng Thương Xót theo quan điểm của Kinh Thánh, để chúng ta học biết về Lòng Thương Xót từ điều mà chính Thiên Chúa đã dậy chúng ta qua Lời của Ngài. Chúng ta sẽ bắt đầu với Cựu Ước mà nó đã chuẩn bị sẵn chúng ta cho sự mạc khải hoàn toàn thông qua Chúa Giê-su Ki-tô, và dẫn chúng ta tới Ngài. Trong Ngài, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha đã bộc lộ ra trong tất cả mọi sự hoàn mỹ của nó.

 

Trong Kinh Thánh, Thiên Chúa gặp gỡ chúng ta với tư cách là „Thiên Chúa giầu Lòng Xót Thương“. Đó chính là danh xưng, là tên gọi của Ngài, mà nhờ vào tên gọi đó, có thể nói được rằng, Ngài đã mặc khải cho chúng ta biết về dung nhan và con tim của Ngài. Như sách Xuất Hành đã tường thuật lại, Thiên Chúa đã tự mô tả về mình như thế, khi Ngài mạc khải cho Mô-sê: „Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín“ (Xh 34,6). Chúng ta cũng tái bắt lại gặp công thức này với những biến thể của nó trong các bản văn khác; nhưng sự nhấn mạnh luôn luôn nhắm vào Lòng Thương Xót và Tình Yêu của Thiên Chúa, Đấng không bao giờ trở nên mỏi mệt trong việc tha thứ (xc. St 4,2; Joel 2,13; Tv 86,15; 103,8; 145,8; Neh 9,17). Chúng ta hãy quan sát một lần nữa ở khoảng cách gần hơn những Lời này của Kinh Thánh, tức những Lời nói với chúng ta về Thiên Chúa.

 

Thiên Chúa là Đấng „xót thương và nhân hậu“: Lời này có nghĩa là, Thiên Chúa dịu hiền và trìu mến đối với con cái của Ngài như một người mẹ. Trong thực tế, đó là Lời mà nó được sử dụng trong một bản văn Híp-ri cổ, được gắn kết nội tại với lòng mẹ. Hình ảnh mà nó nhắc tới Lời này, chính là hình ảnh của một Thiên Chúa, Đấng âu yếm vuốt ve chúng ta một cách trìu mến, như một người mẹ, khi bà ôm đứa con của bà trong vòng tay, và không ước muốn bất cứ điều gì khác ngoài việc yêu thương đứa con ấy, như chính sự sống của riêng bà. Đó là hình ảnh mà nó gợi lên trong chúng ta từ cụm từ ấy: Một Tình Yêu thẳm sâu, đến từ nơi thẳm sâu nhất.

 

Ngoài ra, Kinh Thánh còn viết rằng, Thiên Chúa là Đấng „từ bi“. Lời này có nghĩa là, Thiên Chúa minh chứng bằng những ân sủng, chạnh thương, và nhận những người yếu đuối và nghèo hèn vào trong sự cao cả vĩ đại của Ngài; luôn luôn sẵn sàng thông cảm và tha thứ cho họ. Ngài giống như người Cha trong dụ ngôn mà chúng ta thấy trong Tin Mừng theo Thánh Lu-ca (xc. Lc 15,11-32): Đó là một người Cha không để bụng về chuyện đứa con thứ của ông đã lìa bỏ ông, nhưng hoàn toài trái ngược, không bao giờ ngừng chờ đợi nó – sau cùng ông đã chứng minh cho người con đó – và rốt cuộc đã vội vã tiến về phía người con đó và ôm chầm lấy nó, ông không cho nó có thời gian để nói cho hết tội lỗi của nó – ông hầu như thinh lặng – Tình Yêu của người cha và niềm vui của ông về việc đã tái gặp lại người con rất là vĩ đại và to lớn. Sau đó ông đã gọi người con trai cả đến. Người con này đang cảm thấy bị tổn thương và không muốn ăn mừng. Đó là người con luôn luôn ở lại nhà và đã sống giống như một người đấy tớ hơn là một đứa con; và người cha cũng hạ mình xuống với người con cả này và mời gọi anh ta, cũng như cố gắng mở con tim của anh ta ra cho Tình Yêu, để không một ai bị loại ra khỏi bữa tiệc của Lòng Thương Xót. Lòng Thương Xót chính là một bữa tiệc!

 

Kinh Thánh cũng nói về vị Thiên Chúa đầy nhân hậu này rằng, Ngài „nhẫn nại“, mà nguyên ngữ là: „Với một hơi thở dài“; Ngài sở hữu khả năng chờ đợi và chịu đựng. Thiên Chúa có thể chờ đợi; thời gian của Ngài không giống như thời gian của con người. Như một người làm vườn khôn ngoan, Ngài biết chờ đợi, cho phép những hạt giống tốt có thời gian để phát triển, bất chấp cỏ dại (xc. Mt 13,24-30).

 

Sau cùng, Thiên Chúa được mô tả rằng, Ngài là Đấng „giàu nhân nghĩa và thành tín“. Sự diễn tả như thế về Thiên Chúa quả là tuyệt vời biết chừng nào! Nó chứa đựng tất cả. Vì Thiên Chúa là Đấng vĩ đại và quyền năng, nhưng sự vĩ đại và quyền năng này lại được biểu lộ trong Tình Yêu của Ngài đối với chúng ta, trong khi chúng ta lại là những kẻ rất nhỏ bé và bất lực. Cụm từ „Tình Yêu“ ở đây biểu thị mối thiện cảm, ân sủng và sự tốt lành. Tất cả những điều đó sẽ không có gì để làm với Tình Yêu của những bộ phim truyền hình nhiều tập! Tình Yêu của Thiên Chúa thực hiện bước đi đầu tiên, Tình Yêu ấy không phụ thuộc vào những công trạng của con người, nhưng là một ân ban thuần túy. Không có bất cứ điều gì có thể ngăn cản mối bận tâm đầy tín thành của Thiên Chúa đối với con cái của Ngài, ngay cả tội lỗi cũng không thể, vì Tình Yêu của Ngài có thể thắng vượt tội lỗi, chiến thắng sự ác và có khả năng tha thứ.

 

Một sự „thành tín“ không biên giới: Cụm từ này hướng chúng ta tới Lời cuối cùng trong cuộc mạc khải của Thiên Chúa với Mô-sê. Sự thành tín của Thiên Chúa không bao giờ đi tới chỗ bị lung lay, vì Thiên Chúa là Đấng bảo vệ - như Thánh Vịnh nói – không bao giờ ngủ quên, nhưng luôn luôn chú ý tới chúng ta, để dẫn chúng ta tái đi vào cuộc sống:

 

Xin Đấng gìn giữ bạn

đừng để bạn lỡ chân trật bước,

xin Người chớ ngủ quên.

Đấng gìn giữ Ít-ra-en,

lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!

 

[…]

 

Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh,

giữ gìn cho sinh mệnh an toàn.

 

Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới,            

từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.“ (Tv 121,3-4.7-8).

 

Vị Thiên Chúa nhân hậu này luôn thành tín trong Lòng Thương Xót của Ngài. Thánh Phao-lô đã có những lời lẽ rất tuyệt vời về Lòng Thương Xót này: Ngay cả khi bạn không trung tín với Ngài thì Ngài cũng vẫn tín trung, vì Ngài không thể nào tự chối bỏ chính mình. Niềm thành tín trong Lòng Xót Thương ấy thuộc về bản chất của Thiên Chúa. Vì thế người ta có thể luôn luôn và hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa. Sự hiện diện của Ngài hoàn toàn vững vàng và bất biến. Đó là niềm xác tín của Đức Tin chúng ta. Vì thế, trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, chúng ta hãy hoàn toàn tín thác vào Ngài, và hãy nếm trải niềm vui vì được yêu thương bởi vị Thiên Chúa ấy, Đấng „nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín“.

 

*Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha:

 

Anh chị em thân mến!

 

Trước khi kết thúc cuộc hội kiến hôm nay, mà trong đó chúng ta đã nói về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, Cha mời gọi tất cả anh chị em, hãy cầu nguyện cho những nạn nhân của vụ tấn công đã bị gây ra tại Istanbul trong ngày hôm qua. Ước gì Thiên Chúa, Đấng giầu Lòng Thương Xót, sẽ ban sự bình an vĩnh cửu xuống cho những người đã qua đời, ban niềm an ủi cho những người thân yêu của họ, cũng như ban sự gắn bó liên đới cho toàn thể xã hội. Và ước chi Ngài sẽ làm cho tâm hồn những kẻ gây ra tội ác được hoán cải.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô ngày 13 tháng 01 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội