Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung ngày 30.01.2016: Lòng Thương Xót và Sứ Vụ Truyền Giáo

 

Anh chị em thân mến!

Càng ngày chúng ta càng bước sâu vào trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Với ân sủng của Ngài, Thiên Chúa vẫn luôn đồng hành với những bước chân của chúng ta trong lúc chúng ta bước qua Cổng Thánh, và Ngài đến với chúng ta để ở lại bên chúng ta luôn mãi, bất chấp những điều thiếu sót và những mâu thuẫn của chúng ta. Chúng ta không bao giờ được phép trở nên mệt mỏi trong việc khát khao ơn tha thứ, vì chúng ta là những kẻ yếu đuối, và sự gần gũi của Ngài sẽ làm cho chúng ta được trở nên mạnh mẽ, và chó phép chúng ta trải qua Đức Tin với niềm vui lớn hơn.

Hôm nay Cha muốn trình bày về một mối giây khắng khít mà nó liên kết Lòng Thương Xót và sứ vụ truyền giáo lại với nhau. Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng dậy chúng ta rằng: „Giáo hội sẽ sống một đời sống đích thực khi Giáo hội tuyên xưng và công bố Lòng Thương Xót, và khi Giáo hội dẫn đưa con người đến với nguồn mạch Lòng Thương Xót của Đấng Cứu Độ“ (Thông Điệp Dives in misericordia, 13). Với tư cách là những Ki-tô hữu, chúng ta có trách nhiệm trở thành những nhà truyền giáo của Tin Mừng. Nếu chúng ta nghe thấy một thông tin tốt lành, hay khi chúng ta có được một kinh nghiệm tốt đẹp, chúng ta cảm thấy một cách hoàn toàn tự nhiên rằng, chúng ta có nhu cầu chia sẽ những điều tốt lành đó với người khác. Chúng ta cảm thấy rằng, chúng ta không thể giấu kín niềm vui đã được ban tặng cho chúng ta, cho một mình chúng ta: chúng ta muốn mở rộng niềm vui đó. Việc niềm vui muốn được sẻ chia thuộc về bản chất của nó.

Cũng nên là như thế khi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa: niềm vui về cuộc gặp gỡ này, niềm vui về Lòng Thương Xót của Ngài, cần phải được công bố: công bố Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Dấu chỉ chắc chắn nhất cho thấy rằng, chúng ta đã thực sự được gặp gỡ Chúa Giê-su, chính là niềm vui mà chúng ta cảm thấy khi chúng ta chia sẻ nó với những người khác. Và điều đó không có nghĩa là, muốn người khác „trở lại“; đó là một tặng phẩm mà chúng ta trao cho người khác: tôi cho bạn cái mà nó làm cho bạn vui. Nếu chúng ta đọc Tin Mừng, thì rồi chúng ta sẽ khám phá ra rằng, niềm vui này chính là điều mà các môn đệ đầu tiên đã trải qua: Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên của mình với Chúa Giê-su, Andrea đã vội vàng chạy đến với em mình là Phê-rô để kể cho em nghe về điều đó (xc. Ga 1,40-42); Philiphê cũng làm y hệt như vậy với Nathanael (xc. Ga 1,45-46). Tình Yêu này biến đổi chúng ta và trao cho chúng ta khả năng chuyển tải sức mạnh cho người khác, tức sức mạnh mà Tình Yêu trao cho chúng ta. Trong một ý nghĩa nào đó, chúng ta có thể nói rằng, bất cứ người nào trong chúng ta cũng đều được trao cho một danh xưng mới trong ngày lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, mà danh xưng đó được thêm vào với tên gọi mà cha mẹ đặt cho chúng ta. Danh xưng đó có nội dung là: Χριστόφορος - Christophorus. Tất cả chúng ta đều là những Christophori. Có nghĩa là gì? Thưa, có nghĩa là: người mang Chúa Ki-tô. Danh xưng này diễn tả quan niệm về cuộc sống; chúng ta là những người mang niềm vui của Chúa Ki-tô, mang Lòng Thương Xót của Chúa Ki-tô. Bất cứ người Ki-tô hữu nào cũng đều là một Χριστόφορος – Christophorus, một người mang Chúa Ki-tô!

Lòng Thương Xót mà chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa Cha, không được trao ban cho chúng ta như là một sự an ủi có tính riêng tư, nhưng làm cho chúng ta trở thành người đem ân sủng này đến cho những người đang sống cùng thời với chúng ta. Giữa Lòng Thương Xót và sứ vụ truyền giáo chứa đựng một vòng tuần hoàn diệu vời. Việc sống bởi Lòng Thương Xót làm cho chúng ta trở thành những nhà truyền giáo của Lòng Thương Xót, và việc trở thành những nhà truyền giáo lại cho phép chúng ta càng ngày càng lớn lên trong Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Vậy thì chúng ta hãy đón nhận địa vị làm Ki-tô hữu của chúng ta một cách nghiêm túc; chúng ta hãy cố gắng sống với tư cách là những Ki-tô hữu đích thực, vì chỉ có như thế, Tin Mừng mới có thể động chạm tới được tâm hồn con người, và mở nó ra cho ân sủng Tình Yêu, để họ đón nhận Lòng Thương Xót to lớn của Thiên Chúa, tức Lòng Thương Xót đã đón nhận tất cả.

*   *   *

Một số người trong anh chị em thường hay hỏi, thực ra thì Đức Giáo Hoàng sống như thế nào, Ngài có sống giống như là sống ở nhà riêng của Ngài không? Xin thưa rằng, Đức Giáo Hoàng sống ngay ở phía sau khu vực này, trong nhà khách mang tên của Thánh Mác-ta. Đó là một căn nhà lớn, trong đó có khoảng 40 Linh mục, và cũng có một số Giám mục sống trong đó. Các Ngài là những người làm việc với Cha trong Giáo Triều. Ngoài ra thì luôn luôn có khách: Đó là các Đức Hồng Y, các Giám Mục, và cả những người giáo dân nữa. Họ đến Rô-ma để tham dự các cuộc họp của các cơ quan thuộc Giáo Triều, ví nhụ như thế … Và cũng còn có một nhóm những người nam nữ, họ thực hiện các công việc trong nhà, chẳng hạn như quét dọn, lau nhà cửa, làm vệ sinh, nấu bếp hay chăm sóc phòng ăn. Và những người nam và những người nữ ấy chính là thành phần của gia đình chúng tôi, họ hình thành nên một gia đình: Đó không phải là những nhân viên ở xa, vì chúng tôi nhìn họ như là những thành viên của gia đình chúng tôi. Đó là điều mà Cha muốn nói với anh chị em rằng, hôm nay Đức Giáo Hoàng hơi buồn một chút, vì một phụ nữ mới qua đời hôm qua, người phụ nữ này đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều, từ nhiều năm qua… Chồng của bà cũng làm việc với chúng tôi ở đây, trong ngôi nhà này. Sau một thời gian dài mắc bệnh, bà đã được Thiên Chúa gọi về cùng Ngài. Bà tên là Elvira. Hôm nay Cha mời gọi anh chị em, hãy thực thi hai công việc của Lòng Thương Xót: cầu nguyện cho người đã qua đời và an ủi những người đau buồn. Cha mời anh chị em cùng đọc một kinh Kính Mừng để xin ơn bình an vĩnh cửu cũng như niềm hạnh phúc đời đời cho bà Elvira, để Thiên Chúa an ủi chồng con của bà.

 

Quảng Trường Thánh Phê-rô ngày 30 tháng 01 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 

 


Văn Kiện Giáo Hội