Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ bế mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến

(Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Đại Lễ Dâng Chúa Giê-su Trong Đền Thờ và bế mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến 02.02.2016)

Anh chị em thân mến,

hôm nay chúng ta đang có một sự kiện đơn giản, tốt lành và tuyệt vời ngay trước mắt: Chúa Giê-su được Đức Maria và Thánh Giu-se đưa vào trong đền thờ Giê-ru-sa-lem. Ngài là một Hài Nhi giống hệt như những hài nhi khác, nhưng Ngài lại là một Hài Nhi đọc nhất vô nhị: Ngài là Con đầu lòng, Đấng đã đến cho tất cả mọi người trên mặt đất. Hài Nhi này đã mang đến cho chúng ta Lòng Thương Xót và sự trìu mến của Thiên Chúa; Chúa Giê-su chính là dung nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha. Điều này chính là một biểu tượng mà bài Tin Mừng giới thiệu cho chúng ta nhân dịp bế mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến; đó là một năm đã được sống với rất nhiều niềm hăng hái. Như một dòng sông, giờ đây nó đổ vào đại dương Lòng Thương Xót, trong mầu nhiệm tuyệt vời này của Tình Yêu mà chúng ta đang trải qua với Năm Thánh ngoại thường.

Đại Lễ hôm nay, đặc biệt là trong truyền thống Đông Phương, được gọi là Đại Lễ gặp gỡ của Chúa Ki-tô [Sự giới thiệu Chúa Ki-tô]. Thực tế thì, trong bài Tin Mừng hôm nay có nhiều cuộc gặp gỡ. Trong Đền Thờ, Chúa Giê-su đi đến với chúng ta, và chúng ta đi đến với Ngài. Chúng ta hãy nghĩ tới cuộc gặp gỡ với cụ già Simeon, người đại diện cho sự đợi chờ trung tín của dân Israel và cho sự reo mừng của con tim trước lời hứa đã được ứng nghiệm. Chúng ta cũng hãy chiêm ngắm cuộc gặp gỡ với nữ Ngôn Sứ Anna, người đã vỡ òa trong niềm vui và đã ca ngợi Thiên Chúa khi được nhìn thấy Hài Nhi Giê-su. Cụ già Simeon và cụ bà Anna chính là sự chờ đợi và là sự tiên đoán, còn Chúa Giê-su thì chính là sự mới mẻ và là sự viên mãn. Ngài bước tới trước chúng ta như là sự gây ngạc nhiên đời đời của Thiên Chúa, trong Hài Nhi này, tức Hài Nhi đã được sinh ra cho tất cả, quá khứ mà nó được cấu thành từ những ký ức và lời hứa, và tương lai tràn trề hy vọng, đã gặp nhau.

Chúng ta có thể nhìn thấy trong đó sự khởi đầu của đời sống Thánh Hiến. Các Tu Sĩ nam nữ được kêu gọi trước hết để trở thành những con người gặp gỡ. Ơn gọi không phải là một dự án mà nó được hoạch định từ bàn giấy, nhưng là một hồng ân của Thiên Chúa, mà hồng ân đó được tặng ban cho chúng ta nhờ vào một cuộc gặp gỡ có khả năng biến đổi cuộc sống. Ai đã thực sự gặp gỡ Chúa Giê-su, người ấy sẽ không thể cứ lỳ ra mãi trong tình trạng trước kia của mình. Ngài chính là sự mới mẻ có khả năng làm cho tất cả mọi sự nên mới. Ai sống cuộc gặp gỡ này, người ấy sẽ trở thành chứng nhân, và làm cho cuộc gặp gỡ với người khác trở nên có thể. Người ấy cũng làm cho chính bản thân mình trở thành người kiến tạo một nền văn hóa gặp gỡ, bằng cách là người ấy sẽ ngăn ngừa sự ích kỷ mà nó nhốt kín chúng ta lại trong chính chúng ta.

Đoạn thư gửi tín hữu Do-thái mà chúng ta đã nghe, nhắc nhớ chúng ta rằng, chính Chúa Giê-su, để gặp gỡ chúng ta, đã không do dự ngập ngừng trước việc chia sẻ kiếp sống con người chúng ta. „Vì con cái thì đều chung một huyết nhục, nên Đức Giê-su đã cùng mang lấy huyết nhục đó“ (Dt 2,14). Chúa Giê-su đã không cứu độ chúng ta „từ bên ngoài“, Ngài đã không hiện hữu bên ngoài tấn bi kịch của chúng ta, nhưng Ngài muốn chia sẻ cuộc sống của chúng ta. Các Tu Sĩ được kêu gọi trở nên một dấu chỉ cụ thể và có tính Ngôn Sứ về sự gần gũi ấy của Thiên Chúa, về sự chia sẻ những nỗi yếu nhược, những lỗi lầm, những vết thương của con người trong thời đại chúng ta. Tất cả mọi hình thức đời sống Tu Trì, mỗi người theo đặc sung riêng của mình, đều được kêu gọi để không ngừng thực hiện công cuộc truyền giáo, và chia sẻ „niềm vui và hy vọng, nỗi buồn và sự sợ hãi của con người trong thời đại hôm nay, đặc biệt là của những người nghèo và những người bị áp bức dưới mọi hình thức“ (Gaudium et spes, 1).

Trong Tin Mừng có đoạn viết rằng: „Cha và mẹ Hài Nhi rất đỗi ngạc nhiên vì những lời ông Simeon vừa nói về Người“ (Lc 2,33). Thánh Giu-su và Đức Maria đã duy trì sự ngạc nhiên về cuộc gặp gỡ tràn đầy ánh sáng và niềm hy vọng này đối với tất cả mọi dân tộc. Với tư các là những người Ki-tô hữu và những người được Thánh Hiến, chúng ta cũng là những nhà bảo vệ của sự ngạc nhiên. Đó là sự ngạc nhiên mà nó luôn luôn phải được canh tân. Thật khốn cho đời sống tâm linh nếu như nó trở thành thói quen; và thật khốn cho chúng ta nếu chúng ta biến những đoàn sủng của mình thành một luận thuyết trừu tượng: Đoàn sủng của những nhà sáng lập, như Cha vẫn thường hay nói tới, không phải được đựng trong một cái chai để niêm phong, chúng cũng không phải là những mẫu vật được trưng bày trong viện bảo tàng. Các nhà sáng lập của chúng ta được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần, và đã không hề sợ hãi trước việc làm bẩn đôi tay của mình trong cuộc sống hằng ngày, để hiến thân cho những vấn đề của con người, để can đảm đi đến những vùng ngoại vi cả của kiếp nhân sinh lẫn địa lý. Họ đã không để cho mình bị ngăn cản bởi những trở ngại và sự hiểu lầm của người khác, vì họ vẫn duy trì trong con tim sự ngỡ ngàng về cuộc gặp gỡ với Chúa Ki-tô. Họ đã không chế ngự ân sủng của Tin Mừng, họ luôn luôn có trong tim một sự bất an lành mạnh đối với Thiên Chúa, một niềm mong muốn cháy bỏng trong việc mang Ngài đến cho người khác, giống hệt như Đức Maria và Thánh Giu-se đã làm điều đó trong đền thờ. Ngày hôm nay chúng ta cũng được kêu gọi, hãy đưa ra những quyết định có tính Ngôn Sứ và can đảm.

Cuối cùng, chúng ta học được từ Đại Lễ hôm nay niềm biết ơn trước cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su và trước hồng ân ơn gọi trở thành người sống Đời Thánh Hiến. Hãy thể hiện niềm biết ơn đối với Bí Tích Thánh Thể. Thật tuyệt vời biết là chừng nào khi chúng ta nhìn thấy khuôn mặt hạnh phúc của các Tu Sĩ, mà có lẽ họ cũng đã cao niên giống như ông Simeon và bà Anna. Họ hạnh phúc và đầy lòng biết ơn đối với ơn gọi của mình. Tất cả những gì mà chúng ta đã trải qua trong Năm Đời Sống Thánh Hiến này, tất cả đều có thể được cô đọng lại trong lời sau đây: lòng biết ơn đối với hồng ân của Chúa Thánh Thần, Đấng đã không ngừng thôi thúc Giáo hội thông qua những đoàn sủng khác nhau của mình.

Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc với lời trình bày như sau: „Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa“ (Lc 2,40). Nhờ lời cầu bầu từ mẫu của Đức Maria, ước gì Chúa Giê-su sẽ lớn lên trong mỗi chúng ta, cũng như lớn lên trong bất cứ niềm ước mong nào muốn gặp gỡ, muốn duy trì sự ngỡ ngàng và niềm vui của lòng biết ơn. Và nhờ thế, những người khác sẽ được lôi cuốn bởi ánh sáng của Ngài cũng như có thể gặp gỡ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha.

Đền Thờ Thánh Phê-rô ngày mồng 02 tháng 02 năm 2016

Đại Lễ Dâng Chúa Giê-su trong Đền Thờ

Bế Mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội