Bài Giáo Lý của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong cuộc hội kiến chung ngày 12.11.2014:

Khốn cho những vị Giám mục, Linh mục hay Phó tế nào nghĩ rằng mình biết hết mọi sự!

Anh chị em thân mến, xin kính chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong những bài Giáo Lý vừa qua, chúng ta đã chỉ ra rằng, Thiên Chúa chăm sóc đoàn chiên của Ngài nhờ vào sự phục vụ của các Giám Mục mà các Linh mục và Phó tế đứng về phía các Ngài. Chúa Giê-su hiện diện trong các Ngài bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần, và tiếp tục sứ vụ của Ngài đối với Giáo hội bằng cách nuôi dưỡng Đức Tin, Niềm Hy Vọng và chứng tá của Tình Yêu tha nhân trong Giáo hội. Những hoạt động đó biểu thị một ân sủng lớn lao của Thiên Chúa đối với bất cứ cộng đoàn Ki-tô hữu nào, cũng như đối với toàn thể Giáo hội, vì chúng là một dấu chỉ sống động về sự hiện diện cũng như về Tình Yêu của Ngài.

Câu hỏi mà hôm nay chúng ta muốn đặt ra, là: Điều gì được trông chờ nơi những nhân viên phục vụ ấy của Giáo hội, để họ có thể thi hành sứ vụ của mình với một cách thế đáng tin cậy và đem lại nhiều lợi ích?

1.Trong các bức thư mà Thánh Phao-lô gửi cho các môn đệ của Ngài là Ti-mô-thê và Ti-tô, vị Tông Đồng đã cẩn thận đề cập tới chức năng của các Giám mục, Linh mục và Phó tế - tuy nhiên, Ngài cũng đề cập tới vai trò của các tín hữu, của những vị cao niên và những người trẻ. Ngài đã đã phác họa ra một hình ảnh về những sứ vụ mà chúng thích hợp với bất cứ một Ki-tô hữu nào trong Giáo hội, và đã chỉ ra cho thấy những sứ vụ đặc biệt nào thuộc về trách nhiệm của những ai đang nắm giữ một chức vụ trong Giáo hội. Giờ đây thật đáng chú ý rằng, Thánh Tông Đồ đã mong chờ từ nơi họ không chỉ những phẩm chất riêng, tức những điều có liên quan tới Đức Tin và đời sống thiêng liêng – mặc dầu những phẩm chất ấy đương nhiên là không được phép bị xao nhãng, vì chúng là chính cuộc sống của họ - nhưng cũng còn là những phẩm hạnh thuần túy thuộc về nhân loại, như lòng hiếu khách, sự chín chắn, tính kiên nhẫn, sự hiền hòa, tính chắc chắn và sự tử tế. Đó là nền tảng, là nền móng của bất cứ sứ vụ nào! Và điều đó cũng phải là nền tảng đối với bất cứ Giám mục, Linh mục hay Phó tế nào. Vì nếu không có thái độ sẵn sàng tốt đẹp và lành thánh ấy để gặp gỡ những người anh em, làm quen với họ, kính trọng họ và xây dựng các mối tương quan với họ, thì người ta không thể thi hành sự phục vụ một cách thực sự vui vẻ và đáng tin cậy được, cũng như không thể trao đi các chứng tá.

2.Ngoài ra cũng còn có một thái độ nền tảng mà Thánh Phao-lô đã khuyên bất cứ người môn đệ nào của Ngài, và thật là hợp lý khi thái độ đó là điều nên được thủ đắc đối với những người đang nắm giữ chức vụ nào đấy trong Giáo hội, không kể đó là Giám mục, Linh mục hay Phó tế. Vì thế Thánh Tông Đồ đã kêu gọi hãy làm cho các ân sủng đã được đón nhận được hồi sinh (xc. 1 Tm. 4, 14; 2 Tm. 1, 6). Điều đó có nghĩa là, người ta phải không ngừng ý thức rằng, người ta làm Giám mục, Linh mục hay Phó tế không phải vì người ta khôn ngoan hay tốt lành hơn những người khác, nhưng vì một điều duy nhất là, người ta đón nhận hồng ân của Thiên Chúa, tức hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho họ trong sức mạnh của Thần Khí Ngài, hầu đưa đến niềm hạnh phúc cho dân Ngài. Sự ý thức ấy thực sự rất quan trọng và thể hiện một hồng ân mà chúng ta phải cầu xin mỗi ngày! Vì một khi vị mục tử thực sự ý thức về bản thân của mình rằng, mình có được chức vụ này là nhờ duy nhất vào lòng thương xót của Thiên Chúa, thì người mục tử ấy sẽ không bao giờ dám tỏ thái độ độc đoán, không bao giờ dám bắt tất cả đều phải nằm dưới chân mình, cũng như dám biến các cộng đoàn được trao phó cho mình trở thành tài sản và lãnh địa riêng của mình.

3.Sự ý thức rằng, tất cả đều là quà tặng, tất cả đều là hồng ân, cũng sẽ bảo vệ các vị mục tử trước sự sai sót trong việc đặt bản thân mình vào trong trung tâm điểm của các mối quan tâm cũng như chỉ tin vào duy bản thân mình. Đó là những cơn cám dỗ của sự tự cao, của thói kênh kiệu, của tính kiêu ngạo và của sự tự phụ. Khốn thay cho những vị Giám mục, Linh mục hay Phó tế nào nghĩ rằng mình biết tất cả và có câu trả lời chính xác cho tất cả, để rồi không cần đến sự giúp đỡ của bất cứ một ai khác. Trái lại, sự ý thức rằng, mình được trở nên như là đối tượng đầu tiên của lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa, sẽ phải đưa dẫn một nhân viên phục vụ của Giáo hội tới chỗ ngày càng trở nên khiêm tốn hơn cũng như ngày càng thông cảm hơn với người khác. Ngay cả khí ý thức rằng, mình được kêu gọi để bảo vệ kho tàng Đức Tin với sự can đảm (xc. Tim. 6, 20), điều ấy cũng sẽ làm cho vị mục tử biết lắng nghe người khác hơn. Vì vị mục tử ấy biết rằng, Ngài luôn luôn có một cái gì đó để học hỏi ngay cả từ những người mà có lẽ họ đang còn đứng xa Giáo hội và xa Đức Tin. Điều gì liên quan đến các anh em cộng sự viên của Ngài, điều ấy phải dẫn đưa tất cả tới một cuộc tái đối thoại mà nó được thể hiện bởi các tham dự viên, bởi những người đồng trách nhiệm và bởi tính cộng đoàn.

Các bạn thân mến, chúng ta phải không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài vẫn đang tiếp tục dẫn dắt Giáo hội của Ngài, cũng như vẫn không ngừng làm cho Giáo hội lớn lên trên con đường thánh thiện, trong con người và trong sự phục vụ của các Giám mục, Linh mục và Phó tế. Đồng thời chúng ta cũng phải luôn luôn tiếp tục cầu nguyện hầu cho các vị mục tử của các cộng đoàn chúng ta ngày càng trở nên hình ảnh mô phỏng sống động về sự hiệp nhất của của Đức Ái trong Thiên Chúa.

*Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha:

Với cõi lòng lo âu, Cha theo dõi những báo cáo bi ai về các Ki-tô hữu đang bị bách hại và bị sát hại chỉ vì Đức Tin của họ, tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cha cảm thấy cần phải thể hiện mối hiệp thông tinh thần sâu xa của Cha với các cộng đoàn Ki-tô giáo đang trở thành nạn nhân của bạo lực phi lý ấy, mà có vẻ như nó không muốn bớt đi, và Cha khuyến khích tất cả các vị mục tử và tất cả các tín hữu hãy tiếp tục mạnh mẽ để không từ bỏ niềm hy vọng. Một lần nữa, Cha hướng lời kêu gọi khẩn thiết về tất cả những ai đang có trách nhiệm chính trị trên bình diện cả địa phương lẫn quốc tế, cũng nhưng hướng đến tất cả những con người thiện chí, để lương tâm của tất cả mọi người có thể thức tỉnh trước việc các Ki-tô hữu đang bị bách hại. Những con người ấy có quyền tái tìm lại được sự an toàn và bình an tại những quốc gia của mình, cũng như có quyền làm chứng cho Niềm Tin chung của chúng ta tại đó, trong sự tự do. Và giờ đây, Cha mời anh chị em hãy cùng đọc Kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho tất cả các tín hữu đang bị bách hại chỉ vì họ là những Ki-tô hữu.

ĐTC Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ 

 


Văn Kiện Giáo Hội