Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung ngày 26.11.2014: „Giáo hội là mầm chồi và là sự khởi đầu của Nước Trời nơi trần gian

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay thời tiết hơi xấu một chút; nhưng anh chị em thực sự can đảm! Chúng ta hy vọng rằng, ngày hôm nay chúng ta sẽ có thể cùng nhau cầu nguyện.

Khi Công Đồng Vatican II tái giới thiệu Giáo hội với con người thời đại chúng ta, thì có một chân lý nền tảng rõ ràng trước mắt mà chúng ta không bao giờ được phép quên: Giáo hội không phải là một tổ chức bất động, ù lỳ và thỏa mãn với chính mình, nhưng Giáo hội hiện diện trên một cuộc hành trình xuyêt suốt lịch sử, và đích điểm vinh quang tuyệt vời của cuộc hành trình này chính là Nước Trời, mà mầm mống cũng như sự khởi đầu của Nước Trời chính là Giáo hội nơi trần gian (xc. LG, 5). Khi chúng ta hướng nhìn về chân trời đó, chúng ta sẽ nhận ra rằng, sức tưởng tượng của chúng ta sẽ không đạt tới được; chúng ta chỉ có thể thấy được một cách lờ mờ và hoàn toàn ít ỏi về mầu nhiệm nằm ở bên kia thế giới có thể nhận thấy được qua những giác quan của chúng ta. Và rồi chúng ta sẽ đặt ra cho mình những câu hỏi hoàn toàn vô tình: Khi nào thời kỳ cuối cùng ấy sẽ diễn ra? Chiều kích mới mà Giáo hội sẽ bước vào, sẽ có dáng vẻ như thế nào? Từ con người sẽ trở thành cái gì? Và từ những phần còn lại của thế giới thụ tạo thì sao? Những câu hỏi ấy không có chi mới mẻ; các Tông Đồ cũng đã từng đặt ra cho Chúa Giê-su những câu hỏi như thế rồi: „Khi nào thì tất cả những điều ấy sẽ diễn ra? Khi nào thì tinh thần sẽ thống lãnh trên toàn thể thế giới thụ tạo, trên tất cả mọi sự?“ Đó là những vấn nạn mà con người đã đặt ra ngay từ thời cổ xưa. Chúng ta cũng đang đặt ra cho mình những câu hỏi đó.

1.Hiến Chế Mục Vụ „Gaudium et spes“ (Vui Mừng và Hy Vọng) giải thích rằng, khi chứng kiến những câu hỏi mà chúng vang lên trong lòng nhân loại ngay từ xa xưa: „Chúng ta không biết được thời gian hoàn tất của trái đất và nhân loại, chúng ta cũng chẳng biết cách thức vũ trụ biến đổi. Chắc chắn hình ảnh của một thế gian lệch lạc vì tội lỗi sẽ qua đi, nhưng chúng ta được biết rằng, Thiên Chúa đã dọn sẵn một chỗ ở mới và một địa cầu mới, nơi công bằng ngự trị. Hạnh phúc nơi ấy sẽ thỏa mãn và đắp đầy mọi ước vọng hòa bình trào dâng trong lòng con người“ (số 39). Đó là đích điểm mà Giáo hội hướng đến: với những Lời của Kinh Thánh „thành thánh Giê-ru-sa-lem mới“ hay là „Thiên Đàng“. Tuy nhiên, điều ấy ít nói về một nơi chốn hơn là về một tình trạng của linh hồn, trong đó, nỗi mong chờ thẳm sâu của chúng ta sẽ được lấp đầy một cách dồi dào, và con người chúng ta, với tư cách là những thụ tạo cũng như là con cái của Thiên Chúa, sẽ đạt tới được sự chín muồi trọn vẹn của mình. Cuối cùng, chúng ta sẽ được bao bọc bởi niềm vui, sự bình an và Tình Yêu của Thiên Chúa, bằng một cách thế trọn hảo mà không hề có những giới hạn, và chúng ta sẽ được nhìn ngắm dung nhan Ngài diện đối diện (xc. 1Cor 13, 12). Thật tuyệt vời khi hình dung ra điều đó, khi hình dung ra Thiên Đàng. Tất cả chúng ta sẽ lại tái nhìn thấy nhau ở đó, tất cả. Đó là điều thật tuyệt vời, nó làm cho chúng ta trở nên can đảm.

2.Trong viễn tượng ấy, thật là tuyệt vời trong việc cảm nhận được rằng, có một sự hiệp thông theo nguyên tắc giữa Giáo hội đang sống trong vinh quang Thiên Đàng và Giáo hội vẫn còn đang lưu lại nơi trần gian. Những người đã được sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa rồi vẫn có thể hỗ trợ và cầu nguyện cho chúng ta một cách thực sự. Mặt khác, chúng ta cũng được khuyến khích để thực hiện những công việc tốt lành, thực hiện việc cầu nguyện và tham dự Hy Tế Thánh Thể như là những của lễ hy sinh hầu làm dịu bớt những nỗi đau khổ của bất cứ linh hồn nào vẫn còn đang phải mong chờ niềm hạnh phúc đời đời. Vì thế, theo cách nhìn Ki-tô giáo, sự khác biệt chính yếu không nằm ở giữa những người còn đang sống và những người đã qua đời, nhưng giữa những người ở trong Chúa Ki-tô và những người không ở trong Ngài! Đó là điều quan trọng, một điều mang tính quyết định đối với ơn cứu độ và niềm hạnh phúc của chúng ta.

3.Đồng thời Kinh Thánh cũng dậy chúng ta rằng, sự hoàn tất kế hoạch diệu kỳ này cũng sẽ phải liên quan tới tất cả những gì mà chúng vây quanh chúng ta, và được bắt nguồn từ những suy nghĩ và con tim của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô cũng đã nói rất rõ về điều ấy khi Ngài viết: „Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy, tuy nhiên vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang“ (Rom 8, 20-21). Các bản văn khác thì sử dụng hình ảnh một „trời mới“ và „đất mới“ (xc. 2 Pr 3, 13; Kh 21, 1), trong ý nghĩa rằng, toàn thể thế giới sẽ được đổi mới và sẽ được giải phóng khỏi sự ác và cái chết, một lần thay cho tất cả. Vậy cái gì sẽ bắt đầu hình thành ở đó như là sự hoàn tất của một cuộc biến đổi mà nó đã bắt đầu với cái chết và sự phục sinh của Chúa Ki-tô, cái đó sẽ là một thụ tạo mới; không hề có chuyện vũ trụ và tất cả những gì vây quanh cúng ta sẽ bị hủy diệt, nhưng là một sự hiện hữu trọn vẹn trong sự viên mãn về bản chất, về sự thật và về vẻ đẹp của chúng. Đó là kế hoạch mà Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, ngay từ nguyên thủy đã muốn hiện thực hóa, và đã hiện thực hóa.

Các bạn thân mến, nếu chúng ta suy tư về tương lai rạng ngời này, tức tương lai đang chờ đón chúng ta, thì rồi chúng ta cũng sẽ hiểu được cái gì là ân sủng tuyệt vời trong việc thuộc về Giáo hội; một ân ban mà nó hàm chứa một ơn gọi cao cả! Vì thế, chúng ta hãy cầu xin với Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo hội, xin Người luôn quan sát con đường của chúng ta và giúp đỡ chúng ta, để rồi giống như Mẹ, chúng ta trở nên một dấu chỉ đầy vui mừng của niềm hy vọng giữa những người cùng sống với chúng ta.

ĐTC Phan-xi-cô

 Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội